Văn hóa Doanh nghiệp – Đình Kính

Nhà văn  Đình Kính

Chủ tịch Hội Văn hóa Doanh nhân Hải Phòng

Văn hoá là gốc mọi sự. Văn hoá là nền tảng đời sống tinh thần của một quốc gia. Văn hoá không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Trên tinh thần ấy, đồng thời nhằm góp phần tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh nơi đội ngũ doanh nhân và trong các Doanh nghiệp Hải Phòng, ngày 4 tháng 6 năm 2009, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có quyết định cho phép thành lập Hội Văn hóa doanh nhân Hải Phòng. Đây là Hội Văn hóa Doanh nhân cấp thành phố đầu tiên và duy nhất trong các tỉnh thành cả nước trong thời điểm hiện nay.

Doanh nhân Hải Phòng có mặt trên thương trường khá sớm, những Bạch Thái Bưởi, Nguyên Sơn Hà, Vạn Vân… đã được người dân Hải Phòng biết đến, nhưng Doanh nhân thật sự trở thành môt đội ngũ, một lực lượng, một trong những động lực để phát triển kinh tế, ấy là từ khi có đường lối đổi mới, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nên kinh tế thị trường của đảng. Nghĩa là, đội ngũ này hình thành chưa lâu. Song, với khoảng thời gian không mấy nhiều ấy, bằng sự phát triển và bằng những đóng góp có hiệu quả của mình đối với xã hội, đối với đất nước, các doanh nhân đã khẳng định vị thế trong xã hội để cụm từ doanh nhân, cụm từ các nhà doanh nghiệp trở thành phổ thông, được ghi vào bộ nhớ xã hội, không những thế, các doanh nhân còn có ngày chính thức của mình, ngày Doanh nhân Việt Nam 13 tháng 10. Đây không đơn thuần là vẫn đề chữ nghĩa, mà là vấn đề nhận thức của xã hội, là sự vận động lô gích, vận động đúng quy luật của cuộc sống.

Văn hóa doanh nhân là một khái niệm mới. Tuy vậy ý thức đó đó có gốc rễ từ xa xưa. Khi đề cập tới sự Giầu các cụ ta bao giờ cũng kèm theo đó là chữ Sang. Sang chính là văn hóa, là cái tâm, là sự lich lãm, cùng hành vi ứng xử. Và sang là tri thức. Quan niệm của ông bà ta xưa cũng như cách nhìn nhận của xã hội bao giờ cũng đặt chữ Sang song hành cùng chữ giầu, chữ Sang trên chữ giầu. Nghĩa là yếu tố văn hóa rất được coi trọng và luôn đặt đúng vị trí. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng, một dân tộc muốn tồn tại và phát triển, phải dựa trên nền móng vững chắc của Văn hóa. Lãnh thổ có thể mất, chính quyền cũng có thể mất, nhưng không mất văn hóa thì dân tộc vẫn còn. Hẹp hơn một chút, văn hóa chính là chỗ tựa, là giá đỡ để các Doanh nghiệp và các Doanh nhân tồn tại, ổn định, phát triển bên vững và củng cố thương hiệu. Văn hóa làm nên tài sản vô hình đồng thời văn hóa chính lại là tài sản vô hình của doanh nhân và các doanh nghiệp.

Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp và xây dựng nhiều doanh nhân văn hóa là công việc quan trọng và cần thiết. Nó có vai trò không nhỏ trong sự phát triển một đội ngũ Doanh nhân có tâm có tầm, nhằm chấn hưng đất nước. Một thực tế là, trong những thập niên trước đây, xã hội chưa nhìn nhận mấy đúng và cũng chưa đánh giá mấy hoàn chỉnh và đủ đầy về vai trò, vị trí của các doanh nhân và các nhà doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Xã hội chưa quen với ý thức biết cám ơn, biết tôn trọng, đúng hơn là kính trọng các nhà doanh nghiệp, các doanh nhân. Kính trọng và cám ơn bởi không ai khác, mà chính họ, các doanh nghiệp, các doanh nhân là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội góp phần làm giầu Tổ quốc và nuôi bộ máy của nhà nước. Và bao phúc lợi khác cũng từ đấy mà có v.v.. Doanh nhân với người Việt Nam là hai âm tiết mới lạ. Ngay trong cuốn từ điển tiếng Việt dày 1130 trang khổ lớn do Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 1994, nghĩa là cách đây hơn mười năm, trong hàng trăm ngàn vạn từ tiếng Việt, chưa hề có  từ Doanh nhân

Tại sao có hiện tượng ấy? Điều này vừa do hoàn cảnh lịch sử, do quan niệm và do nhận thức một thời. Song cũng phải nhìn nhận một cách trung thực, thấu đáo và sòng phẳng rằng sự hẫng hụt yếu tố văn hóa và ý thức văn hóa trong sản xuất kinh doanh và trong sinh hoạt, trong ứng xử ở một bộ phận không nhỏ nào đấy cũng là một trong những nguyên nhân nói trên.  Từ văn minh lúa nước đến văn minh tin học, kỹ thuật số và cao hơn, văn minh sinh học, là hành trình phát triển của khoa học kỹ thuật và tri thức con người. Trong quy trình đi lên ấy, văn hóa luôn đóng vai trò xúc tác và thúc đẩy, nhưng gần như vẫn chỉ là một hằng số.  Phải khách quan để nhận rằng so với trước khi Đổi Mới, mặt bằng tri thức và kinh tế của xã hội đã nâng lên, nhưng mặt bằng văn hoá, đặc biệt là văn hóa trong các doanh nghiệp, trong các doanh nhân thì chưa thay đổi nhiều. Chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội, thải chất độc giết chết các dòng sông, gây ô nhiễm môi trường, buôn gian, bán lậu, lừa đảo, chụp giật, hối lộ … đều là những biểu hiện của phát triển nóng, thiếu yếu tố văn hóa.

Bởi vậy, thức tỉnh và khởi động tinh thần văn hóa, tính nhân văn trong cộng đồng doanh nhân và cộng đồng các doanh nghiệp chính là mục địch trọng yếu của  Hội Văn hóa doanh nhân Hải Phòng. Chỉ trên cơ sở mở rộng biên độ tư duy văn hóa trong nhận thức và trên cơ sở đó mà để lại dấu ấn văn hóa trong mỗi sản phẩm, từ sản phẩm công nghiệp, sản phẩm dịch vụ đến sản phẩm du lịch, vân vân; và chỉ trên cơ sở của sự giao thoa hợp lý giữa văn hóa và sản xuất kinh doanh, các doanh nhân mới thực sự được nể vì và tôn vinh. Hàm lượng văn hóa trong mỗi một đơn vị và cá nhân, trong mỗi sản phẩm họ làm ra là thước đo giá trị của lòng yêu nước và sự tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, giá trị mà mỗi người tự tìm cho bản thân mình mới quan trọng. Cộng hưởng những giá trị ấy làm nên sức mạnh cộng đồng.

Hải Phong là Thành phố công nghiệp, có đội ngũ Doanh nhân đông đảo. Doanh nhân là một thực thể, trở thành một thành phần của xã hội, ngày càng có vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế thành phố. Bởi vậy có một quy trình mang tính chiến lược và những giải pháp cụ thể nhằm hình thành và phát triển nền tảng vững bền về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân là công việc hết sức cần thiết. Văn hóa trong doanh nghiệp, trước hết là thực hiện dân chủ rộng rãi và thực chất, là thực hiện công khai minh bạch, sòng phẳng và công bằng, trong đó có sòng phẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Nghĩa vụ đối với nhà nước, nghĩa vụ với cộng đồng, và với các thanh viên trong cộng đồng đó bao gồm nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ bảo hiểm xã hội. Nên tảng của Văn hóa doanh nhân, trước hết là tạo ra nhiều doanh nhân có văn hóa. Trách nhiệm này không chỉ của riêng ai.

ĐK

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder