
Vanhaiphong.com –Thứ bảy, 30-9-2017, Hội Văn hóa doanh nhân Hải Phòng tổ chức Hội thảo Văn hóa doanh nhân trong tiến trình phát triển bền vững. Chúng tôi xin đăng bài khai mạc của Nhà văn Đình Kính, Chủ tịch Hội tại buổi Hội thảo đó
Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng và Sở Văn hóa và thể thao, Hôm nay Hội Văn hóa Doanh nhân Hải Phòng tổ chức Hội thảo với chủ đề: Văn hóa doanh nhân trong tiến trình phát triển bền vững.
Tôi không gọi bài viết của mình là đề dẫn, bởi nếu đặt vấn đề như vậy e khiếm nhã với tri thức, học vấn của rất đông đại biểu và Hội viên cùng các doanh nhân có mặt hôm nay. Tôi chỉ quan niệm mình là người của Ban tổ chức nên được thưa trước đôi lời. Bài phát biểu của tôi có tiêu đề: Văn hóa doanh nhân, chìa khóa để phát triển bền vững!
Thưa các anh chị!
Khi BCH Hội văn hóa doanh nhân Hải Phòng bàn định tổ chức cuộc Hội thảo quanh vấn đề Văn hóa Doanh nhân, là biết rằng chúng tôi đang tự làm khó mình, bởi đó là khái niệm rất rộng, rất mới, không hẳn một cuộc trao đổi đã nói hết. Song, đã định danh, phải định tính, với nữa, trước thực trạng hiện nay của đội ngũ doanh nhân, và trước tất yếu của sự phát triển bền vững, một Hội thảo với chủ đề trên là cần thiết.
Trước tiên xin có đôi lời về Văn hóa. Đã có hàng trăm ngàn định nghĩa về nó, mà đâu đã dừng. Trong vô số định nghĩa ấy, định nghĩa của tiến sĩ Federico Mayor – nguyên tổng thư kí UNESCO theo tôi là đáng để tâm nhất. Ông ấy quan niệm: “văn hóa là một tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người trong quá khứ và trong hiên tại. Qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định tính riêng của mỗi dân tộc”.
Song, dẫu định nghĩa thế nào, chung quy lại, Văn hóa là gốc mọi sự và được hiển thị trên ba trục không gian: quan hệ giữa con người với con người; quan hệ giữa con người với thiên nhiên; và nhu câu tâm linh.
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng đời sống tinh thần của một quốc gia. Là tài sản vô hình của đất nước. Lịch sử đã chứng minh rằng, một dân tộc muốn tồn tại, và phát triển, phải dựa trên nền móng vững chắc của Văn hóa. Lãnh thổ có thể mất, chính quyền cũng có thể mất, nhưng không mất văn hóa thì dân tộc còn. Văn hóa là chỗ tựa, là giá đỡ để tồn tại, ổn định và phát triển đất nước. Hẹp hơn, văn hóa chính là chỗ tựa, là giá đỡ để các Doanh nghiệp và các Doanh nhân tồn tại, ổn định, phát triển bên vững và củng cố thương hiệu. Văn hóa làm nên tài sản vô hình đồng thời văn hóa chính là tài sản vô hình của doanh nhân và các doanh nghiệp.
Còn Văn hóa doanh nhân là gì?
Đây là cụm từ khá mới, bởi đội ngũ doanh nhân nước ta hình thành chưa lâu. Hai âm tiết Doanh nhân với người Việt Nam mới phổ cập gần đây. Trong cuốn từ điển tiếng Việt dày 1130 trang khổ lớn do Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 1994, trong hàng trăm ngàn vạn từ tiếng Việt, chưa hề có danh từ Doanh nhân.
Chúng ta sẽ cùng bàn thảo về Văn hóa doanh nhân trong Hội thảo này. Song khái niệm Văn hóa doanh nhân, theo tôi đã có từ xa xưa, dươi một dang thức độc đáo, rất dân tộc, rất Việt Nam. Khi nói tới sự Giầu các cụ ta bao giờ cũng “đính kèm” chữ Sang. Sang chính là văn hóa, là cái tâm, là sự lich lãm, cùng hành vi ứng xử. Và sang là tri thức. Để giàu, rất khó, phải đổ trí lực, và mô hôi. Nhưng phấn đấu để sang, khó hơn nhiều. Giàu thì được tôn trọng. Nhưng sang mới được kính nể. Quan niệm của ông bà ta xưa cũng như cách nhìn nhận của xã hội bao giờ cũng đặt Sang song hành, thậm chí cao hơn giầu. Nghĩa là yếu tố văn hóa được xếp chiếu trên trong thang giá trị. Các cụ cũng dạy con cháu: Đói cho sạch, rách cho thơm. Mệnh đề trên cần hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ở các nước tiên tiến, những người giầu rất được kính trọng, gặp họ, người dân cung cẩn ngã mũ chào. Họ ngã mũ không hẳn vì các vị đó nhiều tiền lắm của, mà họ ngã mũ bởi trước hết những người đó sang. Ở Việt Nam ta, những nhà tư sản, những doanh nhân như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Vạn Vân và các Doanh nhân Hải Phòng hôm nay như Tạ Quyết Thắng, Phạm Thị Chẵn, Phạm Thiện Căn, Nguyễn Thị Loan, Đoàn Thị Thu Hà vân vân cũng là những người sang, những nhân cách văn hóa!
Giầu mà không mang trong nó yếu tố bản chất văn hóa, chỉ là trọc phú.
Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp và xây dựng nhiều doanh nhân văn hóa là công việc quan trọng và cần thiết. Nó có vai trò không nhỏ trong sự phát triển một đội ngũ Doanh nhân có tâm có tầm, nhằm chấn hưng đất nước. Một thực tế là, trong những thập niên trước đây, xã hội chưa nhìn nhận mấy đúng và cũng chưa đánh giá mấy hoàn chỉnh và đủ đầy về vai trò, vị trí của các doanh nhân và các nhà doanh nghiệp trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Xã hội chưa quen với ý thức hàm ơn, biết tôn trọng, đúng hơn là kính trọng các nhà doanh nghiệp, các doanh nhân. Kính trọng và hàm ơn bởi không ai khác, mà chính họ, các doanh nghiệp, các doanh nhân là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội góp phần quan trọng làm giầu Tổ quốc và nuôi bộ máy của nhà nước. Và bao phúc lợi khác cũng từ đấy mà có v.v..
Tại sao có hiện tượng ấy? Điều này vừa do hoàn cảnh lịch sử, do quan niệm và do nhận thức một thời . Song cũng phải nhìn nhận một cách trung thực, thấu đáo và sòng phẳng rằng sự hẫng hụt yếu tố văn hóa và ý thức văn hóa trong trong sản xuất kinh doanh, trong sinh hoạt, trong ứng xử ở một bộ phận không nhỏ nào đấy cũng là một trong những nguyên nhân nói trên. Từ văn minh lúa nước đến văn minh tin học, kỹ thuật số và cao hơn, văn minh sinh học, tiếp đến, chúng ta đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4 chấm không (4.0)) là hành trình phát triển của khoa học kỹ thuật và tri thức con người. Trong qúa trinh đi lên ấy, văn hóa luôn đóng vai trò xúc tác và thúc đẩy, nhưng gần như vẫn chỉ là một hằng số. Phải thật khách quan và rạch ròi để nhận rằng so với trước khi Đổi Mới, mặt bằng tri thức và kinh tế của xã hội có nâng lên nhưng mặt bằng văn hoá, đặc biệt là văn hóa trong các doanh nghiệp, trong các doanh nhân thì chưa chuyển động để theo kịp, ấy là chưa nói nó đã xuống cấp mà ta thường đổ lỗi cho cái gọi là kinh tế thị trường.
Chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với xã hội, thải chất độc ra biển, thải hóa chất giết chết các dòng sông, gây ô nhiễm môi trường, tạo thực phẩm bẩn, xây cáp treo ở Yên Tử, Chùa Hương và nhiều nới khác, vì lợi nhuận phá vỡ không gian văn hóa tâm linh người Việt, buôn gian, bán lậu, lừa đảo, chụp giật, hối lộ chạy dự án, chạy xây dựng; vì tiền, không một điều gì là không làm .. vân vân. đều là những biểu hiện của phát triển xổi, thiếu yếu tố văn hóa. Chúng ta đang quá chú trọng đến phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến vấn đề văn hóa và hình như cũng quên rằng mất văn hóa là mất tất cả. Vội vã phát triển kinh tế mà không đếm xỉa đến văn hóa là thứ phát triển nóng, thiếu yếu tố bền vững. Những bài học đắt giá ở xứ ta, ở xứ người minh định điều ấy.
Hàm lượng văn hóa trong sản xuất kinh doanh, trong ứng xử ở mỗi cá nhân là thước đo giá trị của năng lực, lòng yêu nước và tự tôn của doanh nghiệp. Lấy tiền làm lợi ích tối thượng, bất chấp pháp luật, đánh mất mình làm gì có cái để hội nhập nhằm phát triển? Nước thịnh hay suy phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của nước đó, dân tộc đó. Phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của người đứng đầu và doanh nghiệp đó.
Bởi vậy văn hóa là chìa khóa để phát triển bền vững.
Thức tỉnh và khởi động tinh thần văn hóa, tính nhân văn trong cộng đồng doanh nhân và cộng đồng các doanh nghiệp chính là việc làm cấp bách, là hành động cần kíp. Chỉ trên cơ sở mở rộng biên độ tư duy văn hóa trong nhận thức và trên cơ sở đó mà để lại dấu ấn văn hóa trong mỗi sản phẩm, từ sản phẩm công nghiệp, sản phẩm dịch vụ đến sản phẩm du lịch, vân vân; và chỉ trên cơ sở của sự giao thoa hợp lý giữa văn hóa và sản xuất kinh doanh, các doanh nhân mới thực sự được nể vì và tôn vinh. Tuy nhiên, giá trị mà mỗi người tự tìm cho bản thân mới quan trọng. Cộng hưởng những giá trị ấy làm nên sức mạnh cộng đồng.
Không phải chức tước, địa vị, càng không phải tiền bạc mà là hàm lượng văn hóa nơi mỗi cá thể, nơi mỗi doanh nhân mới hiện thị giá trị, chiều kích, vị thế và thương hiệu của doanh nhân đó trong xã hội. Ấy là tôi quan niệm thế.
Bởi những nguyên do trên, Hội Văn hóa doanh nhân Hải Phòng tổ chức Hội thảo Văn hóa doanh nhân trong tiến trình phát triển bền vững..
Tại đây, nơi diễn đàn này, ban tổ chức rất muốn được các đại biểu, các doanh nhân góp phần liễu giải cụ thể thế nào là Văn hoá doanh nhân? Minh bạch hóa tiêu chí để trở thành một doanh nhân Văn hóa? Làm thể nào để tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, văn hóa? Và vai trò của Văn hóa doanh nhân trong tiến trình phát triển bên vừng? Đồng thời kiến nghị với Thành phố những giải pháp để phát triển văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp. Tôi tin mong muốn ấy của Ban Tổ chức không quá tham vọng, nhưng rõ ràng không đạt được những mục đích trên, khó nói rằng Hội thảo thành công. Hy vọng rằng, bằng bề dày học vấn và kinh nghiệm thực tiễn, bằng sự công bằng của tri trức và thành tâm, các đại biểu, các doanh nhân sẽ có những đóng góp đáng trân trọng, góp phần vào sự thành công hội thảo.
Nhân đây, thay mặt Ban Tổ chức, tôi trân trọng cảm ơn Ủy Ban nhân dân Thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao, các ban ngành, các Hiệp hội đã tạo điều kiện để chúng tôi tổ chức Hội thảo này. Ban tổ chức cũng trân trọng cám ơn các Doanh nhân đã nhiệt tình ủng hộ, tài trợ cho hoạt động có nhiều ý nghĩa này của Hội Văn hóa doanh nhân Hải Phòng.
Thay mặt Ban Tổ chức, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo Văn hóa doanh nhân trong tiến trình phát triển bền vững.
Chúc Hội thảo thành công!
Chúc sức khỏe các vị đại biểu, các doanh nhân và Hội viên!
Trân trọng cảm ơn!
Đình Kính