Văn học Hải Phòng với đề tài công nghiệp và môi trường, một vài phác thảo – Lương Kim Phương

Mỗi lần nghĩ về Hải Phòng đô thị công nghiệp, tôi lại như đang nghe đâu đây giai điệu của bài hát Nhịp sống thành phố với nhịp điệu rộn rã của sóng vỗ, thuỷ triều lên và tiếng máy reo: Nhịp sống thành phố, có sức sống của biển, nhịp sống thành phố có sức trai người thợ, nhịp sống hát trong tiếng máy reo, nhịp sống hát trong tiếng đời sinh sôi… Hải Phòng, thành phố cảng với nhịp sống sôi động đã để lại nhiều dấu ấn trên những ca khúc, những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh, những bộ phim về vùng đất cửa biển này. Còn một Hải Phòng trong văn chương với đề tài về công nghiệp và môi trường sinh thái cũng đầy thú vị và sâu sắc rất cần được khám phá.
Văn chương khi bị khuôn vào bất cứ một đề tài cụ thể nào rất khó có tác phẩm hay. Mỗi người viết thường có một mảnh đất dính với những sở trường của riêng mình. Khi không quá chăm chú và câu nệ vào nó thì có khi tư tưởng nghệ thuật của nhà văn qua đề tài ấy lại được bật ra.
Người đọc từng ám ảnh về một Hải Phòng, mảnh đất của thợ thuyền, phu phen và những con người dưới đáy lam lũ oằn mình qua giông bão và khổ đau trên những trang văn của Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ với tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ (1937) và bộ tiểu thuyết 4 tập Cửa biển đồ sộ của ông (Sóng gầm−1961, Cơn bão đã đến−1963, Thời kì đen tối −1973, Khi đứa con ra đời−1976) . Sau này trong cuốn Bước đường viết văn (1970), Nguyên Hồng kể lại: Tôi ra bến tàu Sáu kho. Tôi sang nhà máy Xi măng, sở dầu Thượng Lý. Tôi chầu chực ở cổng các nhà máy Cốt phát, Máy tơ, Máy chỉ, Máy ống, các hãng chuyên chở hàng hoá, các bến ô tô tàu thuỷ, các kho hàng, các cửa hiệu, các tràng than, lán củi. Tôi đến tất cả các xóm ngõ, đầu đường, nơi đi về đông đúc của phu phen thuyền thợ, để nghe ngóng hỏi han. Chính khả năng đi sâu thâm nhập thực tế và bức tranh sinh động của đời sống công nghiệp ở Hải Phòng đã tạo nên chất liệu cho những trang văn của Nguyên Hồng lấp lánh sự sống dẫu đó là cuộc sống lầm than khốn khổ của những con người cần lao với đầy mồ hôi nước mắt và nhọc nhằn tranh đấu. Ở đó, Nguyên Hồng viết với giọng điệu vừa xót thương, phẫn uất vừa hào sảng.
Ở trường ca Những người trên cửa biển sáng tác năm 1956, một trường ca đánh dấu sự trưởng thành của một Văn Cao thi sĩ bên cạnh một Văn Cao nhạc sĩ, cũng viết về không gian cảng Hải Phòng từ những ngày động biển dữ dội gian lao đến những ngày hứa hẹn mùa xuân mới. Trường ca này của Văn Cao mở đầu cho mùa vụ trường ca của thi ca Việt nửa sau thế kỉ XX. (*) Trường ca Những người trên cửa biển viết với cấu trúc mới bên cạnh tinh thần phản tỉnh của một kẻ sĩ về vận mệnh dân tộc còn là những câu thơ đầy khắc khoải về cuộc sống Hải Phòng khó nhọc với những câu thơ hay đến nao lòng viết về những người thợ thành phố cảng và tình yêu Hải Phòng da diết : kíp thợ đêm về đến xómnghe rét mùa đông nổi cuối song hay mỗi người dân Hải Phòng thật kiếm ăn từ nhỏmỗi người dân Hải Phòng đều biết đổ mồ hôi
Năm 1971, thi sĩ Lưu Quang Vũ sau những năm tháng sống và gắn bó với Hải Phòng, đi về trên những chuyến tàu chợ thăm những người bạn Hải Phòng của mình như Đào Trọng Khánh, Nguyễn Khắc Phục đã vẽ lên bức tranh bằng thơ u buồn mà tuyệt đẹp về thành phố cảng than bụi của những người công nhân bốc vác, những người thuỷ thủ tàu viễn dương quả cảm yêu lao động cuồng nhiệt mê say: Hải Phòng đón tôi bằng sừng sững khói cao∕ Tiếng búa tiếng choang tiếng goòng tiếng két∕ cũng tựa hòn núi cao im lặngTiếng xô đá tiếng gò tôn tiếng bánh xe nghiền nát∕Than bụi bay nắng cuồng nhiệt khắp nơi∕Tất cả lấm đầu và nhễ nhại mồ hôi…∕Ai cũng giấu trong lòng bao thác cuộn suối trong∕Sắc nhọn, cộc cằn∕ Bao la, nhỏ hẹp∕ U tối mà sáng suốt∕Từng trải mà thơ ngây∕ Những người bốc vác ∕ Mang trên vai cuộc đời∕ Dạy tôi cách nhìn cách nghĩ∕ Trên cửa biển chói chang không chỗ nghỉ (Những người bạn khuân vác) Một cuộc sống nhộn nhịp với tiếng hú cửa sông, tiếng cây buồm kéo mạnh, tiếng còi vang lảnh trên bến tàu, cảng cá rồi bụi than, xi măng khói lửa, trùng khơi và những con người quả cảm, phóng khoáng, yêu đời đã lấp đầy sự bế tắc và trống trải của Lưu Quang Vũ, đem đến cho thơ Vũ một sinh khí mới lúc bấy giờ.
Đó là Hải Phòng bụi bặm, lầm lũi mà kiên gan cần lao của những năm khói lửa chiến tranh phản chiếu trong văn học. Còn trong thời hậu chiến và thời kì đổi mới, đề tài về công nghiệp và môi trường tiếp tục được khai thác ở những chiều kích khác nhau trong văn chương Hải Phòng.
Thành phố cửa bể, môi trường sinh thái biển những năm sau chiến tranh trở nên trầm tư trong cái nhìn đầy triết luận của nhà thơ Thi Hoàng từ tập Nhịp sóng (1976) : Mũi con tàu tinh anh như con mắt∕ từ cửa sông này nhìn suốt đại dương∕…Vạt buồm muốn kéo cả bờ đi…∕Trời xanh lặng như đang điềm tĩnh lại (Thành phố những cánh buồm mùa hè−cửa bể) đến trường ca Ba phần tư trái đất (1989): Đảo nhỏ như đang đùa nô với nước mây giây lát rùng mình∕ Rồi tĩnh toạ như nghìn năm vẫn thế
Đề tài đô thị công nghiệp còn được toả bóng trên những trang văn viết về thân phận và khát vọng sáng tạo của những kiến trúc sư trong tập truyện ngắn Cánh đồng mộng của nhà văn Bão Vũ hay số phận và phẩm tính những con người lao động trên những trang tiểu thuyết Chuyến hàng mưa của nhà văn công nhân Nguyễn Quốc Hùng. Văn xuôi Hải Phòng thời kì này không còn mang tính sử thi với những đại tự sự mà đi vào những vấn đề nhân sinh thường nhật, đời thường chuyển động cùng những biến động của thời cuộc, con người.
Mặt khác những trang viết về môi trường sinh thái trong văn chương Hải Phòng thời kì đổi mới cũng thật đa dạng.
Biển, một môi sinh lớn gắn với thành phố đã thấm đẫm trong hàng loạt tiểu thuyết của nhà văn Đình Kính gắn với những câu chuyện về thân phận cuộc đời những người lính thuỷ (Sóng cửa sông, Đảo mùa gió, Người của biển, Lính thuỷ, Biển có gai, Sóng chìm). Biển vừa là thiên nhiên vừa là chứng nhân cho cuộc sống tranh đấu vật lộn của họ. Những làng biển, làng đảo quanh co còn được tái hiên qua thơ của Thi Hoàng (Ba phần tư trái đất), của Hồ Anh Tuấn (Giấc của biển) và trên cả những trang thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Hoài Khánh (Dắt biển lên với trời)
Không chỉ viết về biển, thi sĩ Mai Văn Phấn đã mở rộng biên độ cho thơ sinh thái Hải Phòng về một thiên nhiên khoáng đạt mà giản dị thông qua các biểu tượng nghệ thuật cơ bản như bầu trời, đất đai, nước và cây cỏ. Thế giới tự nhiên trong thơ Mai Văn Phấn thật gần gũi, trong trẻo, bao bọc giao hoà với con người để con người nhận ra mình đích thực là một phần của tự nhiên, được hoá thân vào thiên nhiên, học từ thiên nhiên những bài học lớn lao vô cùng: Co quắp con ngủ trong gió lạnh∕ Mơ thành bào thai∕ Cuống nhau nối với mặt trời (Cửa Mẫu) hay Anh nhào lộn giữa gió và nước∕tôm cá và mặt trời∕ rong rêu và mây trắng∕ kí ức và mộng tưởng (Hình đám cỏ) hoặc Tôi lặng yên làm cát đá ∕ Ngây ngô trong mưa nắng∕ Bóng đêm trinh bạch (Tĩnh lặng); Nhắm mắt anh hình dung quả chin rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm (Giấc mơ cây). Trong thơ Mai Văn Phấn, thiên nhiên không còn là nền cảnh hay là đối tượng nhân vật được nhân cách hoá để con người trò chuyện mà là nhân tố cấu thành hoà làm một với con người không thể tách rời. Những dòng thơ từ mạch cảm hứng trào dâng với chiêm nghiệm đầy triết lí: con người được sinh ra từ thiên nhiên, được tái sinh nhờ nó và đừng nên huỷ diệt nó bởi những tham vọng bá quyền của mình, mỗi sinh thể thiên nhiên cần được con người đối xử bình đẳng và công bằng.
Thơ về sinh thái của Mai Văn Phấn thực sự là một đối trọng với đề tài về nhip sống đô thị, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn ra. Nếu con người chỉ biết hăm hở duy ý chí đi lên công nghiệp hoá mà quên đi cảnh quan môi sinh hay tệ hại hơn là phá nát, huỷ diệt nó thì chắc chắn con người sẽ bị trả giá thích đáng. Thi sĩ đã cho chúng ta những rung cảm say mê về một sự thanh lọc và cân bằng của con người, hãy chầm chậm sống để thấy thế giới tự nhiên quý giá nhường nào.
Trên đây là một vài phác thảo về văn học Hải Phòng với đề tài công nghiệp và môi trường. Có thể bài viết chưa thật bao quát được đầy đủ nhưng mong rằng sẽ có dịp trở lại nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mảng đề tài này trong văn chương đất Cảng.

Tiên Lãng cuối tháng 6∕2016
L.K.P

 

Ghi chú: * Theo Khuất Bình Nguyên, Ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc, tạp chí Văn hóa Nghệ An.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder