Những thách thức thời cuộc
Quỳnh Vũ
Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ IV “Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển” vừa diễn ra tại Tam Đảo – Vĩnh Phúc. 30 năm, một dấu mốc quan trọng nhìn lại chặng đường dài văn học Việt Nam đã đi qua, trong một thời kỳ nhiều đổi thay, chắc chắn là chặng đường thú vị.
Trong thời chiến tranh, mỗi đoạn đường văn học người ta đều ít nhiều có thể hình dung về hình ảnh, diện mạo của nó, còn trong thời Đổi mới, sự hình dung đó khó khăn hơn. Bởi những điều kiện xã hội đã khác. Đánh giá cả một nền văn học trong một thời kỳ nhiều chuyển đổi như vậy chắc chắn không phải chuyện dễ dàng, dễ đồng thuận. Nhưng dù từ điểm nhìn nào đi nữa, người ta vẫn không thể xem nhẹ vị trí, vai trò của nhà văn, của tác phẩm văn học trong đời sống xã hội.
Và rằng, đâu là sức hấp dẫn thực sự của văn học trong đời sống hôm nay, để lôi kéo, quyến rũ bạn đọc và tạo ra những “dư chấn” đẹp đẽ trong lòng người, giống như không ít tác giả, tác phẩm trong thời kỳ chiến tranh đã làm được. Thực chất số lượng người viết đang dần tăng lên, đông đảo hơn các thời kỳ trước đó rất nhiều.
Song, các tác phẩm có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, có ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng trong công chúng không nhiều, không rõ rệt. Nguyên do là bạn đọc hôm nay có xu hướng phân tách thành những nhóm nhỏ, với những nhu cầu thưởng thức khác nhau. Sự phức tạp của đời sống cũng mở ra nhiều con đường, ngõ ngách khác nhau cho nhà văn lựa chọn đề tài sáng tác.
Dư luận dễ dàng chấp nhận các khuynh hướng sáng tác khác nhau, các kiểu nhà văn khác nhau. Chưa bao giờ nhà văn được tự do thể hiện mình đến vậy. Nhưng cũng chưa bao giờ một tác phẩm lại khó khăn trong việc tìm kiếm tiếng nói đồng thuận trong đông đảo công chúng như vậy. Tất cả những điều đó yêu cầu người cầm bút thời kỳ mới phải biết “vượt vũ môn” quyết liệt hơn. Nghĩa là anh phải sống thực sự với thời cuộc mình, thấu hiểu những đổi thay thời cuộc và viết trong sự hiểu biết thời cuộc.
Tư duy bao cấp một thời cần phải được cắt đứt trong mỗi nhà văn, dù họ đã già hay đang trẻ. Chỉ cần không đi cùng thời cuộc, họ có thể sẽ chệch đường ray trong sáng tác, và những gì họ viết ra vẫn chỉ mon men trong đời sống, không thực sự “chạm” được vào độc giả. Thực tế đang chỉ ra, nhà văn đang mất vị thế trong xã hội. Tiếng nói của họ yếu ớt, lẩn khuất, thiếu sức mạnh động viên, cổ vũ. Số lượng tác phẩm in ra hàng năm thì nhiều, nhưng đọng lại trong công chúng thì ít.
Mọi đổi mới, cách tân sẽ chẳng đi đến đâu nếu mỗi tác phẩm văn học không làm “xiêu lòng” độc giả của mình. Nhìn lại “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, trải mấy trăm năm, trong một hình thức truyền thống, nhưng vẫn luôn có khả năng làm “xiêu lòng” người, dù họ thuộc thế hệ bạn đọc nào, thậm chí họ đến từ đâu. Vì sao trong bài phát biểu của mình trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama vừa qua, “Truyện Kiều” vẫn được trích dẫn. Đơn giản vì khả năng làm “xiêu lòng” người của tác phẩm này vẫn là một thách thức mà dường như chưa có tác phẩm văn học đương đại nào vượt qua. Đấy cũng là một ví dụ để nhà văn, văn học tự đánh giá lại mình, sau 30 năm Đổi mới, tự do sáng tạo và tự do hội nhập.
Nhà thơ Phạm Khải:Vai trò của văn học dịch là không thể xem nhẹ
Thy Đoan (thực hiện)
– Thưa nhà thơ Phạm Khải, là đại biểu dự Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần này, điều ấn tượng nhất của anh là gì?
+ Đó là sự dân chủ. Đúng như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh nhận xét: “Dân chủ đã được phát huy cao độ”. Tất cả các ý kiến, dù khác nhau đến đâu chăng nữa đều có cơ hội được thể hiện trên diễn đàn. Sở dĩ có được điều này, theo tôi nghĩ, bầu không khí dân chủ trong xã hội ta những năm gần đây đã được cải thiện hơn lên rất nhiều, gần như nó đang dần trở thành “mặt bằng dân trí”. Các đại biểu chấp nhận lắng nghe ý kiến trái chiều của người khác, kể cả những ý kiến vốn được xem là rất “gai góc”, miễn là cách trình bày từ tốn, thể hiện được văn hóa tranh luận. Điều này có khác hơn so với Hội nghị lần trước, cũng được tổ chức tại Tam Đảo mà tôi tham dự.
– Anh có thể dẫn chứng cụ thể hơn?
+ Hội nghị trước, có khi chỉ vì một câu nói, một bài viết trái với lối nghĩ thông thường, có nhà phê bình đã leo phắt lên diễn đàn với vẻ mặt rất “hầm hố”, lời nói thì sôi sùng sục, ngỡ tưởng như có thể “bắt nhau” tới nơi. Lần này thì gần như không có hiện tượng vậy. Ngay giữa Hội nghị, đã có nhà nghiên cứu đặt vấn đề: Theo thông tin mà ông “nắm” được thì người Pháp, trong quá trình đầu tư, khai thác thuộc địa – cụ thể là ở Việt Nam – tính đến năm 1945, khi dân ta nhất tề nổi dậy, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thì họ gần như bị…lỗ, nói một cách dễ hiểu là “thu không bù chi”.
ừ đây, nhà nghiên cứu nọ đề nghị, nên chăng chúng ta cần cân nhắc, xem xét lại “công – tội” của chính quyền thực dân với đất nước ta, từ đó xem xét, đánh giá lại “công – tội” của các nhà hoạt động văn hóa, xã hội từng bị xem là “bồi bút cho chính quyền thực dân” trước đây.
Thiết nghĩ, chắc không ai tán thành với đề xuất của nhà nghiên cứu nọ, bởi nó không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn, song vì ông đặt vấn đề với một giọng ôn tồn, nhỏ nhẹ, đây đó được điểm bằng những câu “Nên chăng chúng ta…” thế này, “Nên chăng chúng ta…” thế kia nên thực lòng cũng không ai muốn “chụp” cho ông “cái mũ” nặng nề. Thay vào đó, một nhà phê bình văn học đã lên diễn đàn phân tích cho mọi người thấy sự sai lầm trong cách đặt vấn đề nói trên bằng những số liệu, dẫn chứng thuyết phục.
– Những ý kiến nào được trình bày tại Hội nghị mà anh tâm đắc nhất?
+ Tôi tán đồng và chia sẻ với ý kiến của một số đại biểu. Đa phần là của những người sáng tác. Tuy nhiên, để tóm lược cả bài viết công phu của họ trong một vài dòng ngắn gọn là việc không dễ, vả chăng cũng không nên. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc tới một trường hợp thôi, đó là ý kiến của nhà phê bình văn học Trần Thị Việt Trung (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên).
Trong khi các nhà lý luận thêu dệt nên đủ thứ “huyền thoại” về vai trò của mình đối với đời sống sáng tác ở Việt Nam thì chị Trần Thị Việt Trung lại cho rằng, mang những lý thuyết ấy vào Việt Nam phải nghiên cứu sao cho phù hợp với đặc tính của người Việt. Tôi tán thành ý kiến này và cho rằng, các nhà văn chúng ta khi sáng tác thực ra cũng không chú ý tới lý thuyết nhiều lắm đâu. Từ đó tôi có suy nghĩ, chính vai trò của văn học dịch đối với các nhà sáng tác còn quan trọng và cụ thể hơn là vai trò của lý luận văn học.
Không ít nhà văn Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi một cuốn sách cụ thể của tác giả nước ngoài. Như khi tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez được dịch in ở Việt Nam, đã có tác giả sáng tác theo kiểu Marquez mà không biết mình bị ảnh hưởng của một khuynh hướng sáng tác mang tên là “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Cho nên, trước sau tôi vẫn cho rằng, vai trò của văn học dịch đối với các nhà văn Việt Nam hiện nay là không thể xem nhẹ.
– Theo tôi quan sát, báo chí đưa tin về Hội nghị không nhiều, và cũng sơ sài, trong đó có nêu việc một số đại biểu bị “vỗ tay mời xuống”. Riêng với nhà thơ Phạm Khải, có bài tường thuật chỉ ghi vẻn vẹn mấy chữ “Phạm Khải lên phát biểu ngắn gọn”. Anh có thể cho bạn đọc biết, anh đã phát biểu gì tại Hội nghị này?
+ Là người từng tham dự nhiều hội nghị, hội thảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, bài học tôi rút ra trước nhất là cần phát biểu sao cho ấn tượng và ngắn gọn. Mà muốn ấn tượng thì ý kiến phải có tính phát hiện, nói nôm là phải gây được bất ngờ. Tại Hội nghị này, đã có một số đại biểu rơi vào tình trạng bị “vỗ tay mời xuống”. Nói chung chung, loanh quanh, giọng điệu đều đều, trích dẫn dây cà ra dây muống là điều người nghe rất kị.
Trở lại bài phát biểu của mình, tôi chỉ nêu mấy ý ngắn gọn thế này thôi: Người ta vẫn nói “nhà phê bình nghiêm khắc nhất là thời gian và công chúng”, vậy mà qua ý kiến của các đại biểu – được thể hiện trên diễn đàn hoặc được in trong cuốn kỷ yếu dày tới 400 trang khổ A4 phát tại Hội nghị – tôi nhận thấy tuyệt đại đa số đều không thể hiện sự tôn trọng công chúng.
Vì sao tôi có nhận xét ấy, là vì: Ngoại trừ mấy dòng của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trần Thị Trâm, còn thì không có bài nào, dòng nào nhắc tới cuốn phê bình, tiểu luận “Chân dung và đối thoại” của nhà thơ Trần Đăng Khoa – một cuốn sách hiện đã được tái bản tới trên ba chục lần, là kỷ lục xuất bản đối với một tập sách thuộc thể loại phê bình tiểu luận ở Việt Nam tính từ Đổi mới tới nay – trong khi có tới dăm bảy trăm đầu sách (cùng thể loại, của các tác giả khác) được nhắc tới trong cuốn kỷ yếu nói trên – thì quả là một điều rất lạ. Nó cho thấy tình trạng nhiều người vẫn quen xưng tụng nhau theo kiểu “thân với ai thì nhắc”, không chút đoái hoài tới hiệu ứng của các cuốn sách từ phía độc giả.
Với việc không tôn trọng… thời gian, tôi nêu ý kiến của một đại biểu yêu cầu phải tăng cường in lại các tác phẩm “từng bị qui kết là có vấn đề về chính trị trước đây”. Theo ý kiến của tôi: Trong thực tế, các tác phẩm ấy đây đó đã từng được in lại. Sở dĩ việc tái bản không diễn ra thường xuyên bởi các cuốn sách ấy rất khó bán, các nhà làm sách không dám in vì sợ lỗ, chứ không phải vì ai đó cấm kị. Như vậy, một khi cuốn sách đã bị người đọc chối bỏ, bụi thời gian phủ lấp thì chúng ta nên tôn trọng qui luật khách quan, không nên suy diễn, đổ vấy cho ai đó có “ý đồ chính trị”.
Ngoài các ý kiến trên, trong bài phát biểu, tôi còn nêu quan điểm của mình về việc thế nào là thơ hiện đại. Theo tôi, hiện đại tức là tốc độ, là ngắn gọn mà tải được nhiều – ví như tính năng ưu việt của chiếc iPhone đời mới nhất vậy – trong khi hiện tại, nhiều người nhân danh đổi mới thơ, nhân danh sự cấp tiến, “hiện đại” mà biến thơ thành dây cà ra dây muống, cảm xúc và nhận thức phải đi đường vòng, thậm chí gọi là thơ mà như một…bài báo, vậy thì “hiện đại” ở đâu và “hiện đại” như thế để làm gì? Vả chăng, một khi thơ định đọ với các loại hình khác về chức năng truyền tải thông tin thì đọ sao được. Và như vậy thì ai cần đến thơ nữa. Đại thể, trong khuôn khổ vài ba phút, tôi chỉ tạm nêu mấy ý kiến vậy thôi và rất may là đã được các đại biểu đồng cảm, sẻ chia bằng cách im lặng lắng nghe chứ không “vỗ tay mời xuống”.
– Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Nhà phê bình văn học Ngô Thảo: Có một thế hệ nhà văn “tự ngắm mình”
Hội Quân (thực hiện)
– Thưa nhà phê bình Ngô Thảo, cảm nhận đầu tiên của ông, sau 30 năm Đổi mới, hội nhập và phát triển, văn học Việt Nam có những đặc điểm gì quan trọng?
+ Tôi muốn lưu ý đầu tiên là con số 30 năm. Lùi lại lịch sử, nhìn về thế kỷ XX, văn học qua các giai đoạn như 30-45, 45-60, 60-75 thì thấy, mỗi quãng thời gian 15 năm văn học làm được rất nhiều việc. Văn học có TÁC GIẢ và có TÁC PHẨM. Quan trọng là các tác giả lớn qua từng giai đoạn họ đều có chuyển biến, nghĩa là có sự KHÁC ĐI. Nhưng trong 30 năm Đổi mới mà chúng ta đang nhắc đến, tôi ngờ rằng văn học Việt không có được sự chuyển động như các mốc 15 năm của các giai đoạn trước đó.
– Vậy theo ông, cái được nhất của văn học 30 năm qua là gì?
+ Điều lớn nhất trong 30 năm qua là chúng ta đã tạo lập lại được mặt bằng các giá trị văn học. Nhiều tác giả trước kia, trong từng giai đoạn có thể bị phê phán, bị gạt ra bên lề, nay được trả lại giá trị. Thời bình đã cung cấp cho chúng ta một điều kiện xã hội giàu tính nhân văn, để có thể bình tĩnh đánh giá lại các giá trị văn học. Thời chiến tranh, với tất cả những khắt khe thời cuộc đã tạo ra một lớp người sống có lý tưởng rõ ràng, đó là giành độc lập và thống nhất cho đất nước.
Người cầm bút viết những đề tài bó hẹp hơn. Nhưng may mắn thời đó là có những tài năng thực sự, nên vẫn có nhiều tác phẩm xúc động tâm can đông đảo người đọc. Song, 30 năm Đổi mới đã qua, tình hình không như thế. Nhà văn được cởi trói, được tự do, có điều kiện để sáng tác, được in ấn, dư luận, báo chí hỗ trợ, ủng hộ để công bố tác phẩm.
Ngay cả lớp nhà văn già cũng có những bứt phá rất quan trọng. Chẳng hạn các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng… có nhiều tác phẩm giá trị. Đội hình người trẻ bước vào văn chương đông đảo. Hội Nhà văn từ hơn 300 người trước Đổi mới, giờ là hơn 1.000. Nhưng vấn đề khi người viết được “cung cấp” một bối cảnh xã hội khác thì anh ta cũng phải hiểu một điều tất yếu rằng, phải vận động theo những quy luật khác của xã hội, so với thời kỳ trước đó.
Một xã hội cần anh tự khởi nghiệp rồi, nhưng nhiều người vẫn đợi một sự sắp xếp nào đó. Nhà văn dường như không nhìn thấy sự chuyển biến trong xã hội, thậm chí là những khủng hoảng mà xã hội đang phải đối mặt. Tư tưởng lớn nhất của nhà văn vẫn là tư tưởng xếp hàng. Anh ta không nghĩ rằng chính anh ta phải tạo ra một đội hình khác cho mọi người xếp hàng.
– Nếu cần một sự kể tên các nhà văn tiêu biểu thời kỳ 30 Đổi mới vừa qua, những người thuộc lứa U50 đổ lại, theo ông là có dễ dàng không?
+ Tôi nghĩ là khó. Kể lấy 10 -15 người là rất khó. Lý do như tôi vừa nói.
– Thời chúng ta đang sống, dường như luôn có một sự hoài nghi về các giá trị. Người ta không dễ dàng thừa nhận ngay một giá trị bất kỳ nào. Một tác phẩm văn học hôm nay chắc chắn phải đương đầu rất nhiều với sự hoài nghi đó…
+ Tôi luôn cho rằng một văn bản được viết ra, phải qua dư luận mới trở thành tác phẩm. Hiện nay có hiện tượng này, văn bản được in ra nhiều nhưng lại chưa thành tác phẩm. Bởi lẽ, nó chưa được dư luận thẩm định, đánh giá. Đơn giản vì không ai đọc. Người in ra tác phẩm cũng chỉ để tặng loanh quanh người thân, bạn bè. Không có công chúng thực sự, những người bỏ tiền mua tác phẩm và đọc thực sự.
Có thể thấy rất nhiều các tác phẩm trên giá sách thư viện và gia đình còn nguyên giấy bóng kính lớp bọc. Trong khi đó có nhiều văn bản không được in ấn chính thống nhưng lại có nhiều bạn đọc, qua các kênh trên mạng xã hội chẳng hạn. Như vậy rõ ràng đang có khoảng cách giữa văn học nghiêm túc và đời sống. Đó là kết quả của một sự đổi mới chông chênh.
Tôi cảm giác như đang có một thế hệ nhà văn “tự sướng”, tức là tự ngắm mình, mà không liên quan gì đến xã hội, đến công chúng. Nhưng các nhà văn “tự sướng” thì đang không có bạn đọc, hoặc là không có nhu cầu về bạn đọc, hoặc là bạn đọc của họ chỉ là bạn đọc giả tưởng. Văn học hiện nay đang không quan tâm đến người đọc. Tác phẩm đi vào đời sống không nhiều.
Mỗi cuốn sách hiện in ra khoảng một vài ngàn bản đã là ghê. Không ít người tỏ ra nghiêm túc chê tác phẩm này, tác phẩm kia, nhưng nó vẫn được công chúng đón đọc. Mâu thuẫn đó đòi hỏi cái gọi là “văn học nghiêm túc” cần phải xem lại mình. Nếu được xem là “nghiêm túc” mà không có độc giả, không ai đọc, thì sự nghiêm túc đó để làm gì, cho ai, ngoại trừ chính người viết ra nó.
– Vậy còn mảng lý luận phê bình thì sao, thưa ông?
+ Lý luận phê bình văn học ở ta những năm qua lại thường sa vào mấy vấn đề li ti của văn học. Phê bình không có khả năng tạo ra một nền văn học lành mạnh. Người làm phê bình vẫn muốn khuôn tác phẩm văn học vào theo ý mình, áp đặt thay vì để nó tự nở hoa. Lý luận chưa biết chấp nhận những cái khác biệt, những cái mới. Một số nhà nghiên cứu có vẻ say sưa với các lý thuyết nhằm giải phẫu tác phẩm hơn là giúp cho công chúng thưởng thức tác phẩm.
– Về công tác tổ chức văn học có gì làm ông suy nghĩ?
+ Nói về vai trò của Hội Nhà văn, của các tổ chức xã hội liên quan đến văn học thì tôi nghĩ thế này: Chúng ta phải làm sao đó để động viên những người trẻ tuổi khi họ bước vào đời và muốn đến với văn học, họ phải cảm nhận được nghề này vẻ vang. Cái ánh sáng đẹp đẽ này mất đi, không ai khác, chính là do các nhà văn tự làm mất đi. Trong một xã hội dân sự, dân chủ, nhà văn phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng không ít nhà văn hiện nay lười, ngại đọc, ít ý chí. Nói thật là số lượng người mượn văn chương thì nhiều, nhà văn thực sự thì ít.
Sự yếu kém của văn học sẽ làm mất nền tảng văn hóa. Một khi văn hóa không còn, không sáng tạo được một nền văn hóa mới – hiện đại, thì đất nước về đâu, người Việt là ai trong trời đất này?
– Ở dấu mốc 30 năm Đổi mới, nhìn lại vị trí nhà văn của mình, theo ông các nhà văn cần phải nhận thức lại những gì?
+ Tôi có một nỗi lo khi quan sát các nhà văn ở ta hiện nay. Nhà văn chỉ lo đời sống cơm áo đã “bạc mặt” rồi, họ sáng tác thế nào? Mỗi nhà văn cần phải nghiêm túc đánh giá lại vị trí, vai trò của mình trong xã hội, để không loanh quanh trong những câu chuyện mang tính cá nhân quá nhiều. Hiện nay, mỗi người dường như chỉ biết ôm lấy vết thương của mình, và viết trong sự loanh quanh ấy. Nhà văn quân đội ôm vết thương hậu chiến, nhà văn hải ngoại bàn mãi chuyện xa xứ, nhà văn trẻ mải mấy chuyện tình riêng. Tất nhiên là viết gì cũng tốt thôi, nhưng nhà văn nói chung đừng mải liếm láp vết thương cá nhân mình mà quên đi vết thương của đất nước. Hơn 40 năm thống nhất mà dân tộc không giải quyết được vấn đề hòa hợp, nỗi đau lớn nhất trong lịch sử dân tộc, hỏi có mấy nhà văn đã tìm câu trả lời?
– Rõ ràng, đang có một sự không lạc quan khi ông nói về văn học sau 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển?
+ Tôi không lạc quan lắm đâu.
– Xin cảm ơn ông!