Những trang văn về chiến tranh luôn là đề tài quan tâm của nhiều người cầm bút và công chúng yêu văn học dù ở thời đại nào. Bởi đây chính là một phần tư liệu lịch sử ghi lại cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc. Điều đáng tự hào hơn, những tư liệu lịch sử ấy không chỉ các nhà văn Việt muốn khai thác mà cả những nhà văn nước ngoài vẫn luôn muốn được góp một phần tư liệu viết về chiến tranh Việt Nam.
Từ một nhà văn Mỹ muốn viết về chiến tranh Việt Nam…
James Bradley (61 tuổi) là một nhà văn quốc tịch Mỹ. Ông vừa có chuyến thăm Việt nam, trực tiếp có mặt tại Quảng Trị để tìm gặp nhiều nhân chứng, thăm các địa điểm là chiến trường xưa trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam làm tư liệu viết sách. Bradley cho biết muốn viết nhiều hơn về Việt Nam theo hướng nhìn từ người Việt Nam. Và ông chọn Quảng Trị, chiến trường ác liệt để tiếp cận cuộc chiến. Chia sẻ với báo chí, nhà văn Bradley tâm sự “Quảng Trị là địa điểm quan trọng, là chìa khóa của cuộc chiến. Tôi muốn viết về những người lính, những anh hùng, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến này…”.
Trong thời gian ở lại Việt Nam, nhà văn Mỹ tìm gặp những cựu chiến binh người Việt. Nghe họ kể và ghi chép lại. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý, là tinh thần xuyên suốt cuốn sách chuyển tải thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm đến bạn đọc Mỹ. Bằng cách này, nhà văn Mỹ đưa ra một góc tiếp cận độc lập, không mang ý chủ quan của người viết mà để tự nhiên câu chuyện của những cựu binh, những người giải phóng Quảng Trị đến với bạn đọc theo cách thẳng thắn và đầy đủ nhất. Theo Bradley, sau khi trở về Mỹ, cuốn sách có thể sẽ hoàn thành và xuất bản vào năm 2018.
Đây không phải lần đầu nhà văn Mỹ này viết về chiến tranh. Trước khi ý tưởng về chiến tranh Việt Nam được hình thành, ông từng xuất bản cuốn “Ngọn cờ của cha”, viết chung với tác giả Ron Powers vào năm 2000. Cuốn sách kể về cuộc chiến giữa Mỹ với Nhật để tranh giành hòn đảo trọng yếu Iwo Jima ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai. Một trong những nhân vật của cuốn sách ấy là John Bradley là cha của nhà văn James Bradley. Và đó cũng là điều thôi thúc nhà văn đau đáu với những đề tài chiến tranh trong sáng tác của mình. Sau khi xuất bản, “Ngọn cờ của cha” có 46 tuần nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ “New York Times”. Sách được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 2008.
…đến những giải thưởng tôn vinh sáng tác văn học về chiến tranh
Trở lại với đề tài chiến tranh trong sáng tác văn học của Việt Nam, đây là mối quan tâm của công chúng yêu văn học cũng như những người cầm bút luôn muốn giữ lại những nguồn tư liệu quý sống động nhất về các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Trong các kỳ xét giải thưởng văn học, những sáng tác khai thác đề tài chiến tranh luôn được chú ý. Mới đây nhất, vào đầu tháng 2-2015, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 được trao cho những tác giả có sáng tác nổi bật. Và điều đặc biệt ở giải thưởng lần này, 3 sáng tác đoạt giải ở các hạng mục văn xuôi, thơ và văn học dịch đều là những trang viết về chiến tranh.
Ở hạng mục văn xuôi, giải thưởng thuộc về tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh. Tác giả sử dụng các tư liệu lịch sử là những biên bản, tài liệu về cuộc chiến chống Mỹ để xây dựng nên tác phẩm văn học của mình. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là một tiểu thuyết đậm chất lịch sử. Ở hạng mục thơ, giải được trao cho “Trường ca ngắn, kịch thơ” của Nguyễn Thụy Kha. Trong đó, Nguyễn Thụy Kha khám phá ra những góc khuất của các sự kiện, những khoảnh khắc lịch sử và mang lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.
“Cuộc chiến đi qua” là tác phẩm đoạt giải ở hạng mục văn học dịch. Tiểu thuyết này do dịch giả Đào Minh Hiệp chuyển ngữ là tác phẩm đầu tay của nhà văn Nga Kanta Ibragimov. Khi mới xuất hiện tại Nga, tiểu thuyết gây tiếng vang lớn khi tái hiện tấn bi kịch tại Chechnya với chiến tranh, ly khai, và những biến động dữ dội.
Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đánh giá thẳng thắn với những trang viết về chiến tranh của các tác giả. Điều này khuyến khích các cây viết của các vùng, miền tiếp tục khai thác nguồn tư liệu lịch sử về các cuộc giải phóng dân tộc. Qua đó, tìm những cách thể hiện mới, gần gũi, giữ lại những thước phim sinh động về quân và dân Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước./.