Văn nghệ quân đội và những bài thơ “khó in” của tôi – Nguyễn Việt Chiến


Văn nghệ quân đội không chỉ là tờ báo văn nghệ của những người lính, mà còn là “ngôi nhà sáng tác lớn” của nhiều tác giả. Với mỗi tác giả, sự gắn bó với tờ báo này như một mối lương duyên…

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên (1957-2017), VHP trân trọng giới thiệu bài viết “Văn nghệ Quân đội và những bài thơ khó in của tôi” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Văn nghệ quân đội không chỉ là tờ báo văn nghệ của những người lính, mà còn là “ngôi nhà sáng tác lớn” của nhiều tác giả. Với mỗi tác giả, sự gắn bó với tờ báo này như một mối lương duyên…

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên (1957-2017), VHP trân trọng giới thiệu bài viết “Văn nghệ Quân đội và những bài thơ khó in của tôi” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội là cái tên thân thương đối với những người cầm bút đi qua ba cuộc chiến tranh lớn trong sáu mươi năm qua. Thế hệ cầm bút lớn lên và trưởng thành trong khói lửa, đạn bom thời chống Mĩ chúng tôi, hầu như ai cũng gửi những sáng tác tâm đắc nhất của mình về tờ tạp chí văn chương hàng đầu của những người lính này.

Với riêng tôi, cái duyên văn chương với Văn nghệ Quân đội đến hơi muộn, mặc dù đầu những năm bảy mươi của thế kỉ trước, trong lúc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt, tôi đã gửi về Nhà số 4 không ít những sáng tác mới nhất của mình. Thời gian còn là học sinh lớp chuyên văn cấp ba đầu tiên của Hà Nội (khi ấy đặt ở trường Chu Văn An), tôi đã có thơ in báo Trung ương từ năm 1969. Nhưng không hiểu sao, thời gian sau đó, thơ tôi viết về người lính, viết về chiến tranh rất khó in. Trong số nhiều bài thơ tôi gửi về Văn nghệ Quân đội ngày ấy, có bài thơ Về khổ đau và đại bác với những câu thơ sau: Đại bác nổ và chiến tranh ụp xuống/ Những mảnh vườn hôm trước nở đầy hoa/ Bên ô cửa là cánh đồng lặng ướt/ Tiếng trẻ con và khói những căn nhà/ Đại bác nổ và mây đen cũng nổ/ Trên ngói trường tan tác gió và chim/ Có người lính vừa đi qua thành phố/ Thuốc trên môi và trẻ nhỏ bên mình/ Đại bác nổ và tiểu liên đốn gục/ Những chàng trai vui tính nhất sư đoàn/ Trên môi họ nụ cười còn thoáng gặp/ Cô gái nào chiều ấy đợi bên sông/ Đại bác nổ cuộc chiến tranh thứ nhất/ Đất chiến hào cỏ chưa kịp nhú xanh/ Thì lựu đạn và lưỡi lê cường tập/ Lần thứ hai cỏ lại thấm máu mình/ Đại bác nổ giữa đại ngàn trận mạc/ Người lính đi thăm thẳm một phương trời/ Người vợ ấy đã bao năm thầm lặng/ Sống vì anh nuôi đứa trẻ nên người/ Họ sinh ra không phải để làm lính/ Đứa con nào của mẹ cũng vậy thôi/ Bởi sữa mẹ nghìn năm không giọt đắng/ Và hòa bình là sữa mẹ bên nôi.

Khi nghe tôi đọc bài thơ trên trong cuộc đàm đạo văn chương tại một quán rượu vỉa hè, một bạn thơ Hà Nội (cùng tuổi Nhâm Thìn và khá thân với tôi ngày ấy) là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm phán một câu như búa bổ trong khói thuốc lào sặc sụa: “Tôi đọc nhiều bài thơ cậu viết trong giai đoạn này rồi, thơ này không in được đâu, thơ của cậu buồn lắm, đọc muốn ho lao, tạp chí tướng tá họ không in cũng phải thôi!”. Tôi phản biện lại: “Cậu nhầm rồi, đây là một trong những bài thơ hay nhất của tớ. Đây mới là những câu thơ đích thực viết về chiến tranh của mình, không lẽ thơ cứ véo von mãi trên máu xương của đồng đội chúng ta?”. Cầm làm một tợp rượu, phán tiếp: “Nội dung bài thơ này cũng được nhưng cái tựa đề của bài thơ Về khổ đau và đại bác thì không thể in được, tớ là chính-ủy-thơ ở quán rượu này, cấm cậu cãi!”. Rồi Cầm phá lên cười khá đắc ý, tôi cười theo bất đắc dĩ. Và, sau đó, trong một thời gian khá dài tới hơn chục năm, tôi vẫn lặng lẽ làm thơ nhưng không gửi in đâu cả. Có một điều, gần hai mươi năm sau bài thơ trên đã được in trên Văn nghệ Quân đội với cái tít giữ nguyên và mấy khổ thơ được viết thêm như sau: Đại bác nổ và pháo hoa thắng trận/ Không làm cho tóc bạc những mẹ già/ Xanh trở lại một thời xưa yên ấm/ Tóc bạc người, Tổ quốc, đứa con xa/ Sau đại bác, lửa hoa cương trầm lặng/ Cháy trên mồ người chiến sĩ vô danh/ Rất có thể các anh là mây trắng/ Nước của sông, ngọn gió sớm mai lành/ Và đại bác xin cúi đầu tưởng nhớ/ Những người con bất diệt đã quên mình/ Vì xứ sở ngàn đời mây trắng/ Vẫn ngàn đời bất diệt giữa cỏ xanh.

Hôm ngồi uống bia với nhau mừng bài thơ về một thời khói lửa của tôi được in, Hoàng Nhuận Cầm thân mật vỗ vai tôi đồm độp: “Dẫu có muộn gần hai chục năm, nhưng bài thơ Về khổ đau và đại bác của bạn đã lên trang mà vẫn giữ nguyên cái tít cũ trước đây. Mừng cho bạn, gọi thêm mấy chầu bia nữa đi!”.

Cũng trong thời gian đầu những năm chín mươi của thế kỉ trước, tôi có gửi thơ dự thi cuộc thi thơ của báo Văn nghệ và đoạt giải khá cao. Khi xem kĩ lại tờ báo Văn nghệ có công bố giải thưởng mà Hoàng Nhuận Cầm mang tới từ sáng sớm, tôi thắc mắc với Cầm: “Trong số những bài thơ của mình được in trong giải thơ này, không thấy có những bài thơ mà mình tâm đắc cho là hay nhất, Cầm ạ!”. Gõ cốc bia đánh cộc một cái xuống mặt bàn, Hoàng Nhuận Cầm nhăn nhó: “Ông cứ được voi lại đòi tiên, tôi biết mấy bài ấy rồi, đọc buồn lắm, ho lao lắm, chưa in được đâu!”. Khi nhận giải, các anh Bế Kiến Quốc và Phạm Tiến Duật cho biết thêm, trong số nhiều bài thơ và trường ca tôi gửi dự thi có những bài khá, được hội đồng sơ khảo và chung khảo chấm điểm cao để đưa vào giải, nhưng có một số bài không thể in được, trong đó có Vở diễn, bài tôi thích nhất. Tôi bảo Hoàng Nhuận Cầm: “Tớ sẽ gửi bài này cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội như một phép thử xem sao”. Thật không ngờ, chỉ sau khi gửi một thời gian ngắn, bài thơ Vở diễn của tôi đã được in trên Văn nghệ Quân đội số tháng 4 năm 1991 với những câu thơ dưới đây: Tất cả sẽ qua đi/ Niềm tin và chiến bại/ Tất cả sẽ qua đi/ Khải hoàn và sợ hãi/ Sau trăm năm cát cứ/ Sau trăm năm hùng cường/ Những quận công, chế xứ/ Cũng hết thời xưng vương/ Chỉ còn lại thanh gươm/ Đêm nay trên sàn diễn/ Người đóng vai bạo vương/ Đang hét hò, sai khiến/ Nhưng chỉ sau đêm diễn/ Cánh màn nhung khép rồi/ Là giáo gươm, vương miện/ Lại xếp vào kho thôi/ Nhưng nước mắt đã rơi/ Hơn một lần tôi thấy/ Trên mắt người đến ngồi/ Chờ xem đêm diễn ấy/ Và bi kịch con người/ Từ vở diễn bước ra/ Để đến với cuộc đời/ Nơi chúng được sinh ra. Ngay hôm tạp chí ra sạp, Hoàng Nhuận Cầm vè vè đạp xe tới tìm tôi, nở một nụ cười rất tươi, tay cầm cuốn tạp chí mới và long trọng phán rằng: “Tạp chí tướng tá đã in bài thơ này của ông, có thể coi đây là “tấm thông hành” cho những bài thơ khó in của ông được ra đời. Sắp tới, trong số mấy chục ki-lô-gam thơ còn lưu trữ tới độ sắp mốc meo, ông nên tiếp tục gửi cả mấy trường ca và những bài thơ dài trước đây mà ông cho rằng khó in tới Văn nghệ Quân đội để chúng ta lấy tiền nhuận bút uống bia cỏ lai rai!”. Nghe Cầm nói thế, tôi và mọi người trong nhà đều ồ lên cười.

Mối lương duyên của tôi với Nhà số 4 vẫn tiếp diễn. Trong cuộc thi thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1998-1999, tin vui lại đến với tôi khi trường ca Trẻ em trên mặt đất của tôi được trao giải nhì (không có giải nhất). Trong lần lĩnh giải thưởng Văn nghệ Quân đội ấy, Hoàng Nhuận Cầm với nụ cười tươi roi rói lại đến tìm tôi, đòi khao với lí do: “Ông nên nhớ, đây là một trong những trường ca còn tồn kho của ông từ nhiều năm trước. Và, ông đã được trao nhiều giải nhì về thơ, riêng lần này Văn nghệ Quân đội trao giải nhì (không có giải nhất) coi như ông đỗ trạng nguyên thơ. Vậy lần này phải khao to gấp nhiều lần trước!”. Trong cuộc vui lần đó, các bạn thơ thế hệ tôi đều cho rằng, tuy có hơi muộn, nhưng tôi rất có duyên văn chương với Văn nghệ Quân đội. Quả thật, sau đó tôi còn nhiều lần được trao giải thưởng thơ của tờ tạp chí có uy tín bậc nhất trong làng văn chương Việt này. Lần gần đây nhất, Bộ Quốc phòng căn cứ vào đề nghị của hội đồng xét giải văn học (gồm chủ yếu là các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội) đã trao cho tôi giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng giai đoạn 2009-2014 với tập trường ca Tổ quốc nhìn từ biển. Hôm nhận giải thưởng, tôi thấy bất ngờ khi Hoàng Nhuận Cầm cũng lên nhận giải thưởng cho bộ phim Mùi cỏ cháy. Hôm ấy, chúng tôi chỉ kịp vỗ tay chúc mừng nhau, rồi ra về, cuộc liên hoan mừng giải thưởng hai tháng sau mới diễn ra. Khi cuộc bia gần tàn, Cầm chợt ghé tai tôi thì thầm với giọng rất chân thành, xúc động: “Ông cứ viết theo kiểu Tổ quốc nhìn từ biển đi, đừng có lôi mấy cái trường ca viết ngày trước theo kiểu Thời đất nước gian lao ra nữa, nghe buồn bã, ho lao lắm, hiểu không!”.  

Kể lại mấy câu chuyện trên nhân dịp hướng tới kỉ niệm 60 năm ngày tạp chí Văn nghệ Quân đội ra số đầu tiên, tôi không khỏi xúc động khi nhớ lại mấy chục năm gắn bó của bạn bè văn chương với tờ báo văn nghệ của những người lính. Có thể nói, những bài thơ hay nhất, mới nhất và thời sự nóng bỏng nhất về người lính, về chiến tranh của tôi đều đã được đăng tải trênVăn nghệ Quân đội. Và, nếu bây giờ tập hợp lại tất cả những bài thơ in trên Văn nghệ Quân đội mấy chục năm qua, tôi sẽ có một tập thơ khá dày dặn với cả ngàn câu thơ. Văn nghệ Quân đội với một nhà thơ như tôi, luôn thực sự là một “ngôi nhà sáng tác” lớn, nơi tôi có thể chia sẻ với bạn bè văn chương, với đông đảo độc giả những cảm xúc thật sự, những suy nghĩ trăn trở về đời sống con người và đất nước hôm nay.

N.V.C

(nguồn vannghequandoi.com.vn)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder