Văn nghệ ta và tự do sáng tác – Nguyễn Sĩ Đại

Và cuối cùng tôi tin ở người đọc, ở nhân dân. Nhân dân sẽ tìm chọn, sẽ đào tạo, sẽ cử ra đội ngũ văn nghệ sĩ của mình để làm những ngọn đuốc, những tiếng ca khích lệ toàn dân tộc tiến vượt lên trong cuộc kiến tạo tương lai.

Tôi có người bạn hiện định cư ở một nước phương Tây. Hồi học phổ thông, anh ấy mê văn chương nhưng lại thi khối A (các môn tự nhiên) và đỗ cao cho nên được cử đi học nước ngoài. Nhưng rồi anh cũng chẳng theo chuyên môn mà chỉ lo làm kinh tế, nay đã trở thành một doanh nhân có tiếng. Hôm vừa rồi, anh về nước, bỗng lại bàn đến chuyện văn chương, anh nói: “Văn học nước mình không có giải Nô-ben, không phát triển được vì không có tự do sáng tác, chỉ làm một việc là minh họa”. Tôi nói với anh rằng, có lẽ không chỉ anh nghĩ thế. Nhiều nhà văn và cả nhiều người không cầm bút khác cũng nghĩ thế.


Nhưng thực tế không hề như vậy!

Với những ai đã sống trải qua thời kỳ chiến tranh cách mạng, am hiểu văn học sử nước nhà đều thấy khi Tố Hữu tham gia cách mạng, viết những bài thơ cách mạng là lựa chọn hoàn toàn tự do của ông. Và những bài thơ đó có sức cuốn hút cả một lớp thanh niên trí thức. Giữa rừng Trường Sơn, người ta chỉ phân công người lính Phạm Tiến Duật lái xe phục vụ chiến trường, không ai bắt anh làm thơ, không ai bảo anh phải viết: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, mà là cảm nhận của riêng anh. Những người không ở Trường Sơn những ngày ấy, có thể cho đó là câu thơ hô khẩu hiệu, câu thơ tuyên truyền. Nhưng nhiều người thấy đẹp. Không đẹp sao khi thấy trùng trùng những đoàn quân thể hiện sự trưởng thành của quân đội ta; khi cả nước lên đường vì một lý tưởng cao đẹp – giải phóng đất nước. Vả lại, tuyên truyền cho một lý tưởng đẹp, là cần thiết, đáng tự hào.

Tôi đã từng nhiều lần được gặp nhà văn Nguyễn Minh Châu. Ông sinh năm 1930, lớn tuổi hơn tôi rất nhiều, lại là một nhà văn tài năng, nhưng vì cái tình đồng hương, tình người lính, và nhiều lần được biết những trăn trở của ông về sáng tác. Tôi thấy cần phải nói rõ hơn, nếu như người nào đó đến bây giờ còn nghĩ rằng, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã “đọc lời ai điếu” cho nền văn học của ta trong kháng chiến thì đó là cách hiểu phiến diện, sai lầm. Không, ông rất trân trọng những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thi, Nguyễn Trọng Oánh, Chính Hữu, Hữu Mai, trân trọng Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh… Trong bài Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa đăng trên Báo Văn nghệ số 49 & 50 (5-12-1987), ông viết cả hai khía cạnh, ưu điểm và nhược điểm: “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn”. Cái mà ông chống lại, muốn chống triệt để, muốn “ai điếu” nó chính là sự sơ lược, công thức, là sự “cài hoa, kết lá, vờn mây”.

Cuộc sống bao giờ cũng tiến lên theo quy luật phủ định của phủ định. Người nghệ sĩ càng không bao giờ bằng lòng với những cái đã có. Danh họa Tây Ban Nha Pablô Pi-cát-xô (1881 – 1973) là một thí dụ tiêu biểu. Thoạt đầu ông ưa mầu xanh, sau đến mầu hồng. Ông đi từ hiện thực đến lập thể, qua tân cổ điển, siêu thực và sau cùng lại trở về cổ điển. Chuyện đổi mới trong văn nghệ là chuyện rất bình thường, diễn ra hằng ngày trong lao động sáng tạo của người nghệ sĩ. Làm mới, không có nghĩa là vứt bỏ những giá trị trước đó. Thời kỳ sáng tác nào của Pi-cát-xô cũng có đỉnh cao. Huy Cận, một chủ soái của Phong trào Thơ mới, một phong trào đả phá mạnh mẽ hình thức cũ, sau mấy mươi năm điểm lại, tự chọn Tràng giang và Ngậm ngùi, hai bài thơ viết theo thể truyền thống là hay nhất.

Nhà phê bình Ngô Thảo từng nhiều lần phát biểu: Hãy hiểu văn nghệ một cách bình thường, các nhà văn không nên cường điệu quá về sứ mệnh của mình, sứ mệnh của văn học. Tôi nghĩ, anh có phần đúng. Sáng tạo nghệ thuật cũng là một hoạt động sống của con người, vì con người. Nó có đặc thù, có sự kỳ diệu vì nó dồn nén tri thức, nó đánh thức những tiềm thức, những khát vọng sâu kín, độc đáo của con người, nó đẩy tới những tưởng tượng phong phú, khác lạ nhưng tuyệt nhiên không có gì quá cao siêu, càng không bí hiểm. Lép Tôn-xtôi nói một cách giản dị: “Khi người xem, người nghe cũng được lây truyền một thứ tình cảm mà người viết đã cảm thấy, thì nó chính là nghệ thuật”.

Nền văn nghệ chúng ta hiện nay đang như thế nào? Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, nhiều người lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại đòi hỏi cần có những tác phẩm xứng tầm thời đại như thể nó chưa từng có. Nó đã có rồi. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Mong muốn có nhiều tác phẩm lớn, lớn hơn nữa là chính đáng, nhưng không có nghĩa là chúng ta chưa có gì. Tôi nghĩ nền nghệ thuật nước ta đang phát triển một cách bình thường, bình thường tức là lành mạnh. Không có chuyện mất tự do trong sáng tác. Thậm chí, một số người còn tự do vô chính phủ, “tự do” vi phạm pháp luật. Nhà văn là người đấu tranh cho tự do, cho quyền con người, và suy rộng ra, quyền tự do, quyền lợi của dân tộc; hẳn phải biết nắm lấy, sử dụng quyền tự do cho một mục đích cao đẹp!

Những sản phẩm dở được xuất bản nhiều; một số biểu hiện thiển cận, lệch lạc trong sáng tác, phê bình cũng như trong quản lý; không hề ảnh hưởng đến sự sáng tạo của những tài năng lớn; không thể cản bước cả một nền nghệ thuật tiến bộ. Chúng ta thấy đáng mừng vì đội ngũ các nhà văn thời chống Mỹ, cứu nước, nhiều người vẫn còn sung sức; đội ngũ đông đảo những người viết trẻ giàu tri thức, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Chúng ta cũng chấp nhận sự phân tầng, phân nhóm bạn đọc – đặc điểm xã hội mới là thế. Chúng ta không thần thánh hóa nghệ thuật, tự đặt lên vai mình một cái gánh quá nặng để rồi suốt đời không nhích được bước nào, tự làm khổ thân mình; nhưng cũng rất cần cảnh giác với sự tầm thường hóa nghệ thuật. Xem ra, việc mở rộng, đánh giá quá cao chức năng giải trí đã khiến một bộ phận của văn nghệ nước nhà đôi khi, đôi nơi đã trở thành nhảm nhí!

Đã 30 năm Đổi mới, văn nghệ nước ta có nhiều thành tựu nhưng chưa làm ta thỏa mãn. Nội dung thì hẳn phải yêu nước, yêu đời, đề cao con người. Hình thức nào đại diện cho thời đại mới? Tôi nhớ, tại Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc tháng 9-1949, trong tham luận “Mấy ý nghĩ về thơ”, Nguyễn Đình Thi phát biểu: “Thơ của một thời mới, trong những bước đầu, ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố định. Nó chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó. Rồi thời đại vững lại, thơ nảy nở trong những hình thức trong sáng đã tìm thấy”.

Và cuối cùng tôi tin ở người đọc, ở nhân dân. Nhân dân sẽ tìm chọn, sẽ đào tạo, sẽ cử ra đội ngũ văn nghệ sĩ của mình để làm những ngọn đuốc, những tiếng ca khích lệ toàn dân tộc tiến vượt lên trong cuộc kiến tạo tương lai.

Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI

Nguồn: Báo Nhân Dân

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder