PGS. TS Nguyễn Đức Thuận
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc luôn phải đương đầu với nhiều chiến tranh xâm lược. Nhìn tổng quát, xuyên suốt lịch sử 4000 năm của dân tộc ta, về cơ bản, là lịch sử chiến tranh vệ quốc. Vì lẽ đó mà người lính luôn là hình tượng trung tâm, chủ đạo của sáng tác văn học – nghệ thuật trong các thời kỳ lịch sử, từ trung đại đến hiện đại.
Mặc dù chiến tranh đã đi qua, trang sử vàng oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc đã khép lại, nhưng nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta thì vẫn còn đó! Không ở đâu và chẳng khi nào cho phép chúng ta không cảnh giác, nắm chắc tay súng để gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới và biển khơi, hải đảo của Tổ quốc. Vậy nên, đối với đất nước ta, khái niệm “thời bình” cũng chỉ là mang tính tương đối.
Sau đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, đời sống xã hội có nhiều thay đổi. Công chúng bạn đọc tiếp nhận văn học cũng thay đổi và tư duy sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn cũng từng bước thay đổi. Những quan niệm nghệ thuật mới về con người, trong đó có hình tượng người lính cũng đã có sự nhìn nhận khác trước, đa chiều hơn, trung thực hơn, không phiến diện một chiều như trước nữa. Nếu như trước năm 1975, hình tượng người lính được các nhà văn khắc họa mang “tính sử thi và cảm hứng lãng mạn”, thì sau 1975, các nhà văn tập trung khai thác chiều sâu nội tâm của hình tượng người chiến sĩ. Đó là những suy nghĩ của họ sau khi cuộc chiến đã đi qua, là những sự hy sinh mất mát trong chiến tranh, những dằn vặt, trăn trở khi người lính buông súng trở về tái hòa nhập với cuộc sống đời thường, tình yêu và hạnh phúc của họ, giá trị và thước đo những giá trị cuộc sống như thế nào v.v… Những nhân vật trong nhiều truyện ngắn, nhiều cuốn tiểu thuyết sau chiến tranh, nhất là từ sau thời kỳ “đổi mới” (1986), chủ yếu là kiểu hình tượng mang tính thế sự, đời tư thay cho kiểu hình tượng người lính mang tính sử thi trong văn học trước đây.
Các nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có đặc điểm phần nhiều họ đều là những người trực tiếp cầm súng, hoặc chí ít cũng là những người đã từng lăn lộn ở chiến trường như một người chiến sĩ, có vốn sống phong phú của đời sống bộ đội. Tuy nhiên, cái “quán tính” trong tư duy nghệ thuật của các nhà văn lớp trước vẫn ít nhiều có ảnh hưởng đến họ. Các nhà văn trưởng thành trong thời kỳ “đổi mới”, tuy không được trực tiếp tham gia cuộc chiến, nhưng họ được kế thừa dư âm chiến thắng hào hùng của dân tộc, và ánh hào quang của lịch sử kháng chiến vẫn còn đó, lung linh. Họ có cái nhìn mới, đổi khác, nhất là được thụ hưởng tinh thần Nghị quyết của Trung ương Đảng khóa VI, “đổi mới tư duy” trong sáng tạo nghệ thuật, không bị gò bó vào trong những giới hạn mà trước đây được coi là những “vấn đề nhạy cảm” của chính trị, của đời sống xã hội,…Ngay cả những hình thức thể hiện trong sáng tác nghệ thuật cũng không còn có giới hạn trong những khuôn mẫu, trong những khái niệm lý luận xưa cũ. Trước đây, khi viết về người lính, các nhà thơ, nhà văn đều phản ánh những phẩm chất anh hùng, biết chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng cao cả vì tự do độc lập của Tổ quốc của người chiến sĩ:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình,
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc?
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc!
(Thanh Thảo – Những người đi tới biển)
Họ vào mặt trận, dù nơi ấy là đạn bom ác liệt và biết rằng có thể phải hy sinh, nhưng họ vẫn cảm thấy vui như đi trẩy hội:
Đường ra trận mùa này đẹp lắm!
Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây.
(Phạm Tiến Duật – Trường Sơn đông, Trường Sơn tây)
Người lính thời ấy là những con người “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa” (Tố Hữu). Các nhân vật trong tiểu thuyết Vùng trời của Hữu Mai, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, và nhiều truyện ngắn khác đều có chung những phẩm chất anh hùng của thời đại, của dân tộc. Tuy nhiên, hình tượng người lính trong văn học giai đoạn này, cái chung biểu hiện nhiều, cái riêng lại biểu hiện ít, mà nếu có thì những suy nghĩ, tâm trạng riêng tư ấy của họ cũng nằm trong tình cảm lớn của dân tộc.
Tuy nhiên, hình tượng người lính thời “hậu chiến” hôm nay dưới ngòi bút của các nhà văn, nhìn tổng quát, vẫn có cái như trước, nhưng cũng đã có nhiều điểm khác trước. Vẫn như trước là ở phẩm chất yêu nước, phẩm chất anh hùng, không ngại hy sinh, gian khổ, quyết chiến đấu để giữ vững độc lập tự do cho Tổ quốc. Điều này đã trở thành cốt cách, bản lĩnh Việt Nam, tinh thần và phẩm chất của người Việt Nam. Dòng máu Lạc Hồng của dân tộc từ nghìn xưa vẫn thấm đẫm trong từng huyết mạch của những người lính thời bình hôm nay. Phẩm chất đó đã trở thành truyền thống mang tính “đặc trưng” của dân tộc Việt. Nhưng điều khác trước là ở chỗ, người lính thời bình hiện lên trong các tác phẩm văn học hôm nay là những người có đời sống nội tâm phong phú, đa dạng và đa chiều hơn. Nếu như người lính thời chiến được các nhà văn thể hiện gần như trong một không gian phẳng, và hầu như tất cả đều được quy vào bốn phẩm chất cơ bản là: yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu dũng cảm, có phẩm chất lạc quan cách mạng – rất dễ nhận diện, thì hình tượng những người lính thời bình đã khác trước rất nhiều. Chẳng hạn, truyện ngắn Tướng về hưu (1986) của Nguyễn Huy Thiệp cho thấy, nhân vật ông Thuấn sau khi hoàn thành “việc lớn” (tham gia chiến đấu giải phóng đất nước), được về hưu với hàm thiếu tướng, lại đã trở thành người rất khó hòa nhập được với cuộc sống gia đình và làng xóm. Con người trong chiến tranh mọi hành động và suy nghĩ đều đồng quy vào cuộc sống lớn của dân tộc. Nay về sống với mọi người, trong đó có con trai, con dâu, họ hàng làng xóm mà sao ông thấy họ có những suy nghĩ và hành động “khác thường” mà trước đây, thời còn trong quân ngũ ông Thuấn không hề nghĩ tới. Hoặc như tiểu thuyết Thân phận tình yêu (sau đổi tên là Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, tác giả cũng nhận diện lại hình tượng người lính “hâu chiến” qua nhân vật Kiên, với những suy nghĩ và hành động khác với những người lính thời trước. Mặt trái của chiến tranh, những tác động tiêu cực và những di chứng của chiến tranh được khai thác từ nhiều phía. Số phận cá nhân, đời sống thế sự được thể hiện rõ nét trong các sáng tác của Chu Lai. Không chỉ có tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh mà các tác phẩm khác, như Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Thời xa vắng của Lê Lựu…cũng có những nét tương đồng khi các nhà văn nhìn vào chiều sâu nội tâm của nhân vật người lính. Những éo le, bi kịch của chiến tranh đã để lại những vết thương trong tâm hồn, tình cảm của nhiều người lính “hậu chiến”. Hình tượng người lính đến đây đã chuyển từ khuynh hướng sử thi sang cảm hứng nhân văn, với những nhức nhối về thân phận con người. Trước 1975, hình tượng người lính là những người giầu chất lý tưởng, hầu như không có những mâu thuẫn xung đột nội tâm. Sau chiến tranh, hình tượng người lính được nhìn nhận lại với nhiều điểm mới, mà rõ nét nhất là sự “vênh lệch” giữa phẩm chất người lính, người anh hùng thời chiến trước đây với những ứng xử của họ trong cuộc sống đời thường, trong các mối quan hệ riêng tư. Sự xung đột giữa “ánh sáng và bóng tối”, giữa “rồng phượng lẫn rắn rết”, giữa “thiên thần và quỷ sứ”… trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Ma Văn Kháng và nhiều nhà văn khác là có thật! Những người lính trước đây được khắc họa là những người “làm chủ hoàn cảnh”, có khả năng khắc phục mọi trở ngại để đạt được mục tiêu, lý tưởng, thì, nói một cách khái quát, người lính sau chiến tranh chịu sự chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh, tác động đến số phận và tính cách của con người họ. Đó chính là tinh thần nhân văn, nhân bản trong các sáng tác của các nhà văn viết về người lính sau chiến tranh, người lính thời bình. Đó cũng là sự nhìn nhận đúng về con người và khả năng của con người. Tập truyện ký Đảo chìm của Trần Đăng Khoa khắc họa hình ảnh người lính trên đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc được coi là minh chứng. Đó là những người lính trẻ có tri thức, năng động, dũng cảm đối mặt với những khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống ở nơi đầu sóng ngọn gió. Những người lính ấy mang vẻ đẹp cao cả, dung dị, đời thường mà vẫn rất đáng yêu.
Điều gì đã làm nên sự khác biệt khi viết về hình tượng những người lính hôm nay? Nhìn nhận nguồn gốc sâu xa, phải nói tới đường lối đổi mới của Đảng từ Đại hội VI. Tinh thần đổi mới toàn diện, triệt để, nhận thức lại hiện thực, nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, đã tạo nên một không khí dân chủ trong sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và viết về hình tượng người lính, nói riêng. Quan niệm về con người trong tư duy nghệ thuật của nhà văn cũng thay đổi. Tinh thần nhân văn, nhân bản chính là cái gốc chi phối sự phản ánh của các nhà văn khi xây dựng hình tượng người lính hôm nay.
Nếu coi văn học là tấm gương phản chiếu lịch sử và thời đại, mà trung tâm của mỗi thời đại và đời sống xã hội là những con người, thì với hai cuộc kháng chiến vĩ đại và vẻ vang của dân tộc, hình tượng người lính cũng đã đi vào văn học như một hình tượng trung tâm, chủ đạo. Tuy nhiên, dường như văn học vẫn còn “mắc nợ” với đề tài và hình tượng người lính. Có lẽ chưa có những tác phẩm văn học nào xây dựng được những hình tượng người lính thật sự đúng như họ đã mặt có trong các cuộc chiến hào hùng và khốc liệt của dân tộc. Đó phải là những con người vừa cao cả, anh hùng, thật hoành tráng, song lại cũng “rất người”, rất đời thường, với những phức tạp của đời sống nội tâm như vốn có. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng các nhà văn của văn học đương đại hôm nay vẫn đang ấp ủ để có những tác phẩm xứng tầm với thời đại mới. Chẳng hạn, đó là những chiến sĩ ở đảo Trường Sa, những chiến sĩ ở nơi biên cương của Tổ quốc. Hãy viết nhiều hơn nữa về những người lính trẻ hôm nay, vừa mang tính sử thi nhưng cũng vừa có tính nhân văn, nhân bản là điều chúng ta đang mong đợi.
N.Đ.T