Về Quảng Ngãi, viếng mộ Bích Khê thi sĩ: Ghi chép của Trần Nguyên Phúc

Bích Khê thi sĩ (1916-1946) là một nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến. Cùng với Hàn Mặc Tử, ông có đóng góp quan trọng cho nền thơ mới. Cũng như Hàn, ông tài hoa và đoản mệnh. Ông để lại cho đời tập thơ “TINH HUYẾT”và một số thi phẩm chưa kịp xuất bản. Xin giới thiệu bài viết của Trần Nguyên Phúc về nhà thơ được mệnh danh là “THI SĨ THẦN LINH” này.

*

Nhân chuyến hành hương về nguồn thăm lại Quảng Ngãi sau hơn 40 năm xa cách; vì mê thơ Bích Khê và muốn biết cảnh vật con người quê ông, tôi đã gác mọi chuyện lại. Trước tiên là về Thu Xà để được tận mắt “thấy” Bích Khê.

Theo tôi biết, thi sĩ Bích Khê từng lâm bệnh- bệnh lao-một trong tứ chứng nan y thời ấy. “Không phải cơn bệnh lao tứ chứng nan y đã giết Bích Khê.Chính thơ ông đã giết ông”…”Thơ Bích Khê đã hút hết tinh hoa và tinh huyết của ông, làm gì Bích Khê chẳng chết sớm. Ông chết nhưng thơ ông sống…”(Thanh Thảo)

Cứ tưởng những danh sĩ lớn thì sinh phần mộ địa phải nguy nga tráng lệ. Nào ngờ, mộ Bích Khê cũng nhỏ nhoi như bao nấm mộ khác. Cũng “một vùng cỏ áy bóng tà”, dưới cái nắng thiêu đốt, cỏ cũng không mọc nổi. Ở trên mộ phần, cái khoảng để thông thuỷ, chứa đầy cát sỏi vàng, lơ phơ một vài nhánh cỏ xém lụi. Nhớ lại hồi nhà thơ Vương Trọng năm 1965 về viếng cụ Nguyễn Du phải thốt lên:” Lặng im bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã tới nơi mình tìm”. Tôi cứ áy náy cật vấn mình: -” Không biết sự vĩ đại được sinh ra từ sự giản dị hay là sự giản dị làm nên sự vĩ đại?!”

Tôi không biết đường lên đồi, phải nhờ một đứa trẻ chăn bò dẫn lên mộ. Xa xa dưới chân gò đất, bóng những khóm tre gai, tre lồ ô, bạch đàn xanh tốt, nhưng trên mộ ông thì không có bóng cây che. Nắng chói chang đến loá mắt.

Phía đầu và chân mộ Bích Khê, dựng hai tấm bia đá. Ở tấm bia đầu mộ người ta tạc trên phiến đá hoa cương bài “Nấm mộ” và ở tấm bia dưới chân mộ, tạc bài “Lời tuyệt mệnh”-đều là những “tinh huyết” bất hủ của Bích Khê. Dưới cái nắng lóa miền Trung, tôi lại quên mang kính, nheo mắt đọc không nổi, đành nhờ cháu bé dẫn đường đọc giúp để tôi ghi vào sổ tay. Dưới đây là những sáng tác của Bích Khê hơn 70 năm trước, được người thân của ông khắc trên bia mộ:

NẤM MỘ

Mây tuyết thời gian bay tợ nhạc

Hồn tôi đã thoát để tiêu dao

Những tờ thơ nát đầy hơi hám

Tay khách đa tình sẽ chuyển trao.

Rồi một mùa thu vô hạn thương

Trở về dưới biếc chập chờn hương

Mùa thu ám ảnh nhà thi sĩ

Muốn thổi tiêu vàng giữa khói sương

Gió tiêu se quạt buồn thanh tịnh

Về chốn thôn già viếng mả tôi

Đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ

Trên mồ con quạ đứng im hơi.

LỜI TUYỆT MỆNH

Thân bệnh: – Ngô vàng mưa lá rụng

Bút thần: – Sông lạnh ánh sao rơi

Sau nghìn thu nữa trên trần thế

Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi.

Chép xong hai bài thơ, mồ hôi tôi túa ra. Và bất ngờ thú vị khi tôi nhận ra bóng của đứa trẻ chăn bò đội nón (mũ) lá buông rộng vành, in xéo lên một góc mộ, che rợp cả trang giấy tôi đang viết. Cái bóng in hệt bóng cây ngô đồng trên mộ Bích Khê! Trong làn khói nhạt dường như vong Bích Khê có về, lay những cây hương run trong gió nhẹ.

Tôi đứng dậy vái ông ba vái và thầm ao ước: – Giá bên mộ Bích Khê có một đôi cây ngô đồng thì hay biết mấy!

TNP.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder