Chiếc ba lô đặt phịch xuống giường. Thế là tôi đã về đến nhà sau gần bốn tiếng ngồi xe khách.
Xe chạy ngày Tết chật đến là chật, cứ đi được một đoạn, anh phụ xe lại mở cửa cái rầm phát rồi cất giọng khàn đặc:
– Hải Phòng, Nam Định đê.
Đi không chị ơi, giờ này nhanh nhanh lên không hết xe bây giờ.
Nhận lại cái lắc đầu, anh ta đóng cửa rầm phát và miệng không quên lủng bủng:
– Ngày Tết vội lắm đừng kén thế chứ.
Đi đê… Hải Phòng, Nam Định nào.
Tôi bịt khẩu trang kín mít ngăn cho gói mì tôm sáng ăn vội không có cơ hội phun ra khỏi miệng. Bên cạnh là mấy cô, mấy chị lỉnh kỉnh những đồ, nào bánh kẹo, nào cành vàng lá ngọc được bọc kỹ lưỡng trong chiếc túi bóng, thoang thoảng đâu đây có cả mùi hương trầm. Có lẽ mấy cô, mấy chị ấy cũng đến thành phố này làm thuê, làm mướn và giờ họ cập rập trở về để cùng gia đình chuẩn bị đón một cái tết sum vầy, ánh mắt họ rạng ngời dù trên khuôn mặt không che đi được những nếp lo toan, gánh nặng.
Đã hai mươi năm xa quê, vậy mà cảm giác bồi hồi, không tài nào chợp mắt được trước hôm lên xe chuẩn bị về trong tôi vẫn y sì như những năm tháng cũ, tôi cứ trở mình trằn trọc, cả đêm nhìn đồng hồ, hai rưỡi, ba giờ, bốn giờ… cứ vậy cho tới sáng.
Rời thành phố, nơi có những ánh đèn xanh đỏ lung linh, nơi mà thứ gì cũng có thể mua được bằng tiền, trừ mùi khói bếp quê Mẹ. Hôm nay đã là hai mươi bảy Tết, Mẹ vẫn ngồi hướng mặt ra phía cửa sổ với ánh mắt xa xăm như chờ đợi điều gì, đôi tay chai sần gầy gò và gân guốc, mẹ âm thầm ngồi nhặt những cánh hoa cắm lại thành cành để thêm thu nhập. Gian nhà ngói ba gian vẫn vậy, vẫn bình yên chờ bước chân tôi.
Tôi sửa soạn dọn dẹp nhà cửa, thắp nén hương dâng lên tổ tiên và không quên châm cho cha điếu thuốc như ngày ông vẫn còn ở bên cạnh.
Làng tôi nghèo, nằm bình yên bên nhánh của con sông Hồng mà mùa này nước đổ ải trắng băng cánh đồng đang chờ gieo mạ. Những ngày giáp tết xóm ồn ào hơn hẳn, mấy đứa tầm tuổi tôi phần lớn đều đi lập nghiệp xứ người, cứ tết là lại kéo nhau vợ chồng con cái, bỏ lại tất cả bộn bề vòng quay kiếm tiền để về quê đoàn tụ cùng gia đình.
Kiên nhà bên đã cởi bỏ đôi giầy tây hàng ngày, đi chân trần sơn lại tường, thay chiếc áo mới cho ngôi nhà cũ kỹ. Cái Lan đang ngồi cầu ao rửa lá dong, nó vừa rửa vừa cất tiếng hát nho nhỏ rồi cười khúc khích. Bà tôi khom lưng cầm chổi rễ quét tước ngõ xóm sạch sẽ để chiều ba mươi rắc vôi bột trước cổng nhà.
Một khung cảnh vô cùng làng mà có lẽ trong tim tôi không nơi nào êm ả đến vậy!
Tôi theo mẹ xách làn đi chợ tết. Chợ hôm nay nhộn nhịp đông đúc hơn hẳn, kẻ bán người mua tấp nập như bỏ quên đi những ưu phiền năm cũ, bỏ quên đi những khó khăn dịch bệnh mất mùa, xua đi cái lạnh tê tái giữa mùa đông giá rét.
Chao ôi, hai bên sông là cành đào, cây quất, là mai vàng đang chúm chím hé nụ hứng những giọt mưa Xuân lấm tấm, vài bông Hải Đường đã bắt đầu nở hoa. Dì Năm ngồi vệ đường bán những buồng chuối tiêu xanh ngắt, dì chọn nải đẹp nhất quả to và đều nhất rồi dúi vào làn mẹ
Dì vồn vã:
– Con Bống dạo rày lớn nhỉ, dì cho nải chuối về bày lên mâm ngũ quả cho đẹp đẽ, nhớ mua thêm mấy quả quất chín xen kẽ nghe chưa.
Tôi nhoẻn cười chào dì, trong lòng dâng lên một cảm xúc tội lỗi khi luôn viện mọi lý do bận bịu mà vô tâm cả với những mảnh thân tình. Mẹ mua thêm lá chè xanh về hãm, và chắc chắn không thể thiếu lá dong, ống giang để chiều mai sẽ dải chiếu ra sân gói bánh chưng.
Mẹ bảo, lá dong phải to bản, không già quá, cũng không non quá thì bánh mới xanh, mới vuông vắn và đẹp.
Quê tôi có tục lệ cứ Tết ngoài bánh chưng ra là sẽ gói thêm bánh Mật, bánh Mật được mẹ nhào bột kỹ lưỡng với nước đường đen, bên trong có nhân đỗ xanh xay nhuyễn và được gói cẩn thận bằng lá chuối rồi đem luộc kỹ. Nhà tôi thường gói đến mấy chục cái cả bánh chưng lẫn bánh mật để dành ra Giêng đi cấy ăn cho tiện.
Tôi sà vào hàng bán những đồ trang trí ngày tết, mua một vài cành tầm xuân cắm vào bình, thay lọ hoa trên ban thờ cả năm đã cũ, thêm chút bánh kẹo và bộ quần áo mới cho bọn trẻ.
…
Mưa Xuân lất phất có vẻ dầy hơn, chợ tết càng lúc càng nhộn nhịp, tiếng chào hỏi xen lẫn với tiếng mặc cả ồn ào, náo nhiệt cả một vùng quê nghèo.
“Xuân đã về, Xuân đã về
Kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông”…
Bài hát được cất lên từ chiếc loa phát thanh Ủy ban nhân dân xã khiến cho mọi thứ rộn ràng quá. Nhà nhà đã treo cờ Tổ quốc. Tôi nhìn thấy gương mặt ai dường như cũng ánh lên niềm vui sướng phấn khởi chờ đón một mùa Xuân đang về.