Về quê: Truyện ngắn của Bùi Thị Thu Hằng

Căn nhà ba gian lợp rạ, giữa cánh đồng, được dựng lên từ đất canh tác, hợp tác xã chia cho từ đợt có cơ chế khoán mười, lẽ ra chỉ được cấy trồng,  tường nhà vách đất mưa nắng rữa ra lỗ chỗ như tổ ong, gọi là nhà thì gọi, gọi là cái lều vịt thì gọi. Trong đó, ông Lựa, bố của Lẫm, người đàn ông trụ cột, đầu đội vai gánh trong nhà, mắc tật nghiền rượu, suốt ngày chửi sáu chị em Lẫm là lũ  ăn bám, mà có cơm trắng, canh ngọt gì cho cam, sáng thì dịn chay, vác cuốc  ra đồng, tất ta tất tưởi, quần quật hơn cả con trâu, trưa đến được hai ba lưng cơm độn, hôm thì sắn hôi, bữa thì ngô mốc, không đủ độn đầy cái dạ dày cho một bày trẻ con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Tối đêm,  đèn nến chả có cứ mò mẫm, sờ lần, đêm trăng thì còn đỡ. Ví như thân con trâu tối đến còn được nằm nghỉ ngơi phe phẩy quạt mát.  Lẫm, hết xay thóc, giã gạo, đập lúa, phơi rơm…. việc gì cũng đến tay, bàn tay chai lại rắn cấc, ăn đói, mặc vá, chỉ có những câu chửi tục của bố thì lúc nào cũng dư thừa.  Mẹ  Lẫm sinh đẻ nhiều, làm lắm, hay ốm đau, bà vốn thấp cổ bé họng và cam chịu, quanh năm cắm mặt xuống bùn đất lầm lũi không một lời than vãn.

Lẫm là con thứ hai trong nhà, chị Lâm thì bị câm điếc, cả ngày thui thủi chăn trâu ngoài nghĩa địa. Đày nắng gió nhiều trông chị đen như cái kèo nhà bếp, tóc tai xổ tung, chấy rận kềnh càng thi nhau làm tổ. Cái Lầm, cái Lẩm, con Lậm, chúng còn bé, cũng chăn được đàn vịt, móc được giỏ rạm, cắt được rổ cỏ, còn đâu là mải chắt chuyền nô nghịch cả ngày. Bé Lam út ít trong nhà, tí tẹo, gầy nhom như dẻ mạ vắt vai, biệt danh là Lam còi, suốt ngày khóc ngằn ngặt đòi chị Lẫm đi gặt phải tháo ống tay ra bắt châu chấu về rang . Việc đồng áng nặng nhọc trong nhà chủ yếu do Lẫm gánh vác , làm quần quật, mục tiêu chỉ để cứu vãn từng ấy cái thùng không đáy qua những đận đói kém.

Mười tám tuổi, cái tuổi đẹp nhất của con gái, bạn bè được đi học ngoài thị xã, rồi trên tỉnh.  Lẫm, chữ bẻ đôi không biết, chưa bao giờ được xỏ đôi guốc mộc, được mặc áo chẽn, được đi xe đạp. Thế mà cũng có người thương Lẫm lắm.

Anh Phong gặp Lẫm trong cái tối  đi xem hát ở lễ hội đình làng, Lẫm dắt một lũ em đi theo đám liền anh liền chị mớ ba, mớ bảy. Hội đông, chen lấn, nhưng anh cứ để ý Lẫm, ba bốn chị em đều mặc áo nhuộm củ nâu, giống nhau một mớ, Đôi mắt xanh buồn buồn như mùa thu của Lẫm vô tình gặp ánh mắt  Phong,  như có ngọn lửa  nóng ran chạy từ ngực qua má  làm cả hai lúng túng đỏ lựng, chỉ thế rồi nhớ nhau. Lẫm toàn phải trốn bố mẹ để gặp anh , những lần lén lút ra gốc me gặp anh, Lẫm  phải sai bé Lam còi, hay bé Lâm thay nhau canh chừng không bố bắt được, bố chửi. Năm đó Lam còi mới bốn tuổi nhưng rất tinh ranh, không lần nào để bố biết được hai anh chị tư tình.

Bố cấm Lẫm yêu đương, chưa muốn cho Lẫm lấy chồng vì Lẫm phải làm con trâu kéo cày nuôi cho đến lúc mấy đứa em lớn đã.

Ấy thế mà rồi, bà Mánh làng Thượng đến nhà Lẫm, bà ta ăn vận đỏ lòm từ đầu đến chân, cái mũ đỏ, đôi guốc gót nhọn đỏ, cái váy đỏ, cùng với đôi môi tô son và mười móng chân tay, cả người bà ấy rừng rực như cây ớt chín, nhìn cay xè cả mắt. Cả nhà trố mắt kinh ngạc, cái giọng the thé nửa quê, nửa tỉnh của bà ta nữa chứ,  vậy mà bà ta nói bố mẹ Lẫm cứ há hốc, mắt chứ ô, mồm chữ A, ra mà nghe, con mắt không nhìn thấy gì, theo viễn cảnh vẽ vời của bà Mánh về một xứ sở sướng như lên tiên. Bố Lẫm gật đầu như bổ củi, cái tai ông nghe được một, cái đầu còn nghĩ ra mười, ” Cho con Lẫm đi, sau này còn kéo mấy đứa em nó theo, sẽ có tiền xây nhà, sắm tủ, mua lợn gà, mua trâu”…..

⁃ Có cho con Lẫm đi thì cái nhà này mới mở mày, mở mặt ra được – Bà Mánh khua tay và lớn giọng như thánh phán.

⁃ Thôi thì, trăm sự vợ chồng em nhờ bá- Bố Lẫm chắp tay như van, như lạy- Bá cứ giúp cho con Lẫm đi, chồng xấu, chồng già cũng không sao, miễn sao là chồng nước ngoài, chi phí hết bao nhiêu chúng em trả sau.

⁃ Ôi dào – Bà Mánh bĩu môi- nhà này thì lấy răng mà trả, mọi việc tiền nong đã có đằng trai họ lo.

Lẫm khóc hết nước mắt cầm tờ viza hôn thú với người đàn ông Đài Loan  67 tuổi. Phong nghe tin như sét nháng trúng ngực, anh chạy tắt qua cánh đồng đội mâm trầu cau sang quỳ trước cửa nhà Lẫm, vừa nói vừa thở gấp gấp.

⁃ Con xin bác bá đừng bắt em Lẫm đi, chúng con trót yêu thương nhau, bác bá cho con được cưới em Lẫm làm vợ, nhà con đã xây, con có vườn tược, con  sẽ yêu thương em suốt đời và cùng em  gánh vác gia đình.

Ông Lựa lộn ruột  chửi rống lên, lúc ấy thì tiền bạc xui khiến chứ ông ta chưa uống một giọt rượu.

⁃ Yêu mới chả đương cái con chó gì, yêu có làm no cái bụng được không.

Mẹ Lẫm can ngăn không được đành ngồi yên thít, mẹ khóc, chị Lâm rồi mấy đứa em khóc,  Lẫm khóc, Lam còi cũng thương chị, thương anh Phong khóc. Lẫm đi lấy chồng mà nhà u ám như có đám tang.

Ừa thì đi, đi để thoát khỏi cái nghèo, cho no cái dạ dày quanh đời thèm cơm tẻ, cho có áo mới mặc, không phải mặc chung với ai, có đôi dép đi, khỏi phải tranh nhau mới ai, đi cho bố mẹ, các em khỏi khổ.

Lẫm đi lấy chồng, đêm ấy xập xùi mưa, không ai tiễn, Đôi mắt Lẫm nhoè nhoẹt nhìn quê hương lần cuối qua lỗ thông gió cái xe lam, thường ngày người ta hay chở lợn, chở gà, thì hôm nay, cái xe ấy thay xe hoa chở Lẫm để về nhà chồng, theo đường bộ.  Ngồi trong xe nhìn ra, Lẫm bỗng giật thót cả người khi nhận thấy cái dáng thấp đậm, cái áo màu xám tro quen thuộc, anh vừa chạy vừa quệt tay như lau mồ hôi hay nước mắt gì đó, Lẫm cắn chặt răng vào môi dưới đến bật máu. Phong vẫn lao theo xe, chạy mãi, chạy mãi, khoảng cách càng ngày càng dài rộng vì anh có cố đến mấy cũng thua cái xe chở người anh yêu đang lao nhanh hun hút, vừa chạy vừa gào như con ngựa bị bắn què, đến khi đôi chân Phong quỵ xuống. Xa xa, Lẫm còn nhìn lờ mờ, như  người ta khênh Phong vào vệ đường, rồi bóng Phong bé dần, mờ mịt, rồi mất hẳn…

Sang kia, bà Mánh dẫn đến ra mắt cái người cô phải gọi là chồng, người đàn ông già hơn bố cô. Ông ta có một vợ, người vợ bị liệt do bệnh hậu sản sau lần sinh đứa thứ ba, ông ta phải làm thủ tục ly hôn giả với vợ để đăng ký thật và mang bằng được Lẫm về. Ông ấy cần một người trẻ khỏe như Lẫm để phục vụ bà vợ liệt và ba đứa con nhỏ, và phục vụ cả nhu cầu người đàn ông đang đà tức nước. Ông ta béo trùng trục, ai bảo bao cát thì bảo, cái bụng ông ta tròn nhầy nhẫy tưởng không may chọc cái trâm cài đầu vào chảy ra nửa tạ mỡ. Thế mà, Lẫm như con chó cứ xích vào đánh thì bảo gì chả phải nghe, cứ trói vào nện thì bảo sao chả phải chịu, huống hồ chỉ có việc ngày làm thân phận ô sin, tối đến, tự động cởi quần áo cho gần tạ thịt mỡ lăn lên, bò xuống.

Xứ người lạnh lắm, gương mặt mọi người xung quanh đều lạnh lùng , vô cảm, vì họ và Lẫm có nói với nhau cũng chả hiểu gì, cả chồng Lẫm cũng giao tiếp với Lẫm như ra hiệu cho người câm, cả ngày chả rằng, chả nói cười với ai, Lẫm thành tự kỷ, rồi trầm cảm, chỉ có nỗi nhớ quê hương, nhớ bố mẹ, nhớ các em,  nhớ Phong cứ chất dầy vò xé…..

Lẫm thẫn thờ, Lẫm lẩn thẩn, vì ngậm mồm suốt ngày chả rằng chả nói, Lẫm cầu mong con gái quê mình đừng ai dại dột cả tin vào những lời mật ngọt phỉnh phờ của mấy mụ buôn người mà phí  cuộc đời, mà khổ như Lẫm. Ấy vậy mà, hôm vừa rồi, con Hè, ở xã bên cách làng Lẫm có một cái cống, nó cũng đi theo chắp mối lấy chồng gần nhà Lẫm. Nó kể là, “mấy làng ven biển giờ con gái bỏ đi nước ngoài lấy chồng nhiều lắm, nhà ba đứa, nhà một hai đứa, tháng trước, mấy mẹ có con trai ế dắt nhau ra ủy ban kiện vì xã cho con gái làng xuất khẩu hết làm con chúng tôi không lấy được vợ…

⁃ Bác cho xe chạy qua cầu Tân Vũ, cháu chưa muốn về nhà. Lẫm ngồi trong chiếc xe tác xi vios màu đen nhìn ra đường cao tốc thẳng tăm tắp như đi trong một giấc mơ . Mới có hơn chục năm mà thành phố thay đổi nhiều đến thế này sao? Hai bên đường nhà cao tầng xếp bên nhau như những chiếc ô xanh đỏ dưới vòm trời tím xẫm. Không còn nhìn ra đâu là đồng lúa, đâu là dòng sông làng mạc nữa. Người lái xe ngạc nhiên hỏi Lẫm.

⁃ Nhưng cô sẽ về đâu?

⁃ Cháu .., cháu  , vì cháu chưa muốn về nhà, mấy chục năm rồi, bác cứ cho cháu thăm lại xem quê mình đổi mới nhường nào.

Lẫm phải nghĩ ngợi nhiều lắm cho lần trở về này, những trận chửi của bố, những đòn roi của mẹ, đôi mắt giận hờn của Phong và màu đỏ ám ảnh của bộ đồ màu đỏ bà Mánh cứ theo riết, đến kinh hoàng.chính vì thế mà mấy mươi năm Lẫm không dám về.

Lần này… vừa là đám cưới của Lam còi, đứa em út mà cô yêu quý nhất nhà.

Bác lái xe chạy lòng vòng, quê mình thay đổi quá nhanh,  đường ra biển, hai bên khác gì đôi dải lụa màu lửa. Đường quê  dải nhựa bóng nhoáng, tiếng  máy làng nghề  chan chát.  Gió đồng quê mát rười rượi mang theo hương lúa mới thơm lừng. Trong nắng chiều  tím nhẹ dãy núi xếp bên nhau hình chín Rồng như muốn vươn dài ra biển đông, khu đồng trên, còn có những ô nhà kính trồng rau sạch xuất khẩu.

Chiều đến, xe đậu cho Lẫm nghỉ tại một khách sạn…

Mươi hôm sau, có một lá đơn của người lạ trình lên UBND xã An Lập, xin được mở công ty nấm xuất khẩu, trên cánh đồng làng Đướng, và xin được xây dựng nốt con đường bê tông ra cánh đồng để xe chạy khắp đồng thu mua rơm rạ, từng đống rơm bị máy tuốt lúa nghiền bét nhè, lẽ ra bà con phơi cho nỏ rồi đốt đi.

Lẫm đã qua cái tuổi mơ mộng viễn vông, đi nhiều, cũng học được cái chữ, đã biết nhiều, Lẫm thấy quê mình con trai, con gái toàn phải đi làm ăn xa, mà rơm rạ bỏ đi lãng phí, trong khi các nước đang có nhu cầu thu mua nấm sạch, Lẫm không muốn các cháu, lớp trẻ dẫm lại vết xe đổ của cô ngày trước, chưa hết, Lẫm còn liên kết với bạn bè qua phây búc, mở hiệp hội những người con yêu quê hương cùng đóng góp xây trường cấp ba trên mảnh đất này nữa. Làm xong các thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp để lấy mặt bằng thực hiện dự án bằng số tiền người chồng quá cố để lại xong, Lẫm mới về nhà….

Lẫm hồi hộp, hơi thở gấp gấp, đâu là cây me ngày xưa cô hay trốn ra ngồi với Phong, đâu là cái cầu ao cả nhà tắm giặt, rồi gánh nước về ăn uống, đâu rồi cái cối giã gạo đêm trăng… trống ngực cô đập rộn ràng.

Cả nhà ồ ra đón Lẫm. Mẹ mất cách đây cũng gần chục năm, sau khi chị Lâm mất vì cảm nắng ngoài đồng, bố thì giờ tóc trắng rụng gần hết, bố gày sọm vì viêm bệnh phổi do khói thuốc lào và rượu quá nhiều. Lẫm về, cả nhà ríu ran, kẻ khóc vì vui, người cười  vì thương, cho ngày gặp lại.

Lẫm nhìn lên tấm ảnh cưới của Lam còi treo trên tường, cô đưa tay dụi mắt để nhìn cho rõ, tuổi ngoài năm mươi mắt mũi nhiều khi phải nhờ kính hỗ trợ. Chú rể trên tấm ảnh, đang ôm eo Lam cười hạnh phúc, không ai khác, chính là ….Phong….

Bầu trời tím lại, rồi chìm dần vào đêm, làng quê đổi mới như một dải lụa vàng lấp lánh ánh điện lung linh  bảy sắc cầu vồng hắt xuống lòng sông. Lẫm bỗng thấy nghèn nghẹn, đó có thể là hạnh phúc của em gái út với Phong lây sang Cô….

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder