Vi phạm bản quyền, nhiều quá hóa… quen? – Hiền Nguyễn

Câu chuyện bản quyền dường như chưa bao giờ là câu chuyện mới trong suốt bao nhiêu năm qua. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ…

Câu chuyện bản quyền dường như chưa bao giờ là câu chuyện mới trong suốt bao nhiêu năm qua. Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ…

Tác giả Vũ Thị Huyền Trang – một cây bút tả xung hữu đột khắp các mặt báo trong nam ngoài bắc dịp tết vừa rồi cũng phải ngao ngán khi phát hiện trên số báo xuân có bài mình đăng lại có cả một bài khiến cho tác giả phải bùi ngùi: “Nhận báo xuân. Chưa kịp nguội niềm vui đăng bài thì thấy có bài tùy bút viết về tảo mộ giống giọng văn mình quá . Và để xác thực “độ giống” giữa văn bản và trí nhớ của người viết ra nó bị phủ một lớp thời gian, Vũ Thị Huyền Trang đã “mở máy tính đọc lại rồi so với bài trên báo. Chao ôi là giống. Có đoạn trong ngoặc kép còn giống đến 90%. Thấy ký tên tác giả cũng họ Vũ. Buồn sao là buồn”. Có người đã đùa Vũ Thị Huyền Trang rằng, cái người “đạo văn” trên cũng biết tính toán khi ăn cắp rồi kí tên họ Vũ, vì Vũ Thị Huyền Trang cũng họ Vũ, lại viết báo nhiều có khi nhiều độc giả đọc bài lại cứ ngỡ đấy là bút danh của tác giả mà không nghi ngờ gì. Những trường hợp như thế này chỉ có tác giả thực sự mới nhận ra kẻ cắp chứ khó lòng trông chờ được vào người biên tập và càng khó trông chờ được nhờ độc giả. Quả thật, sự cố này là do tác giả tình cờ phát hiện vì trong số báo này có bài của mình được đăng. Nếu như Vũ Thị Huyền Trang không có bài được đăng cùng số báo này thì chắc mọi chuyện lại êm đềm trôi qua như tất cả các bài tùy bút đàng hoàng chính danh.

Nhà văn Tô Hải Vân người vừa mới nhận giải B cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội Nhà văn cũng từng tự phát hiện ra truyện ngắn “Bán sách và Bán giày” của mình “đã được mấy bạn không quen biết dựng thành phim” – một cách nói nhẹ nhàng, đầy bao dung của người bị lấy cắp. Truyện ngắn Bán sách và Bán giày của nhà văn được hoàn thành vào năm 2010. Sau đó truyện ngắn này cũng được lấy tên làm tên  cuốn sách ông xuất bản năm 2012. Còn bộ phim ngắn Bán sách và Bán giày dài khoảng 20 phút được hoàn thành năm 2012 và tận hai năm sau, tức năm 2014 nhà văn Tô Hải Vân mới biết truyện ngắn của mình được chuyển thể thành phim. Trong phim Bán sách và Bán giày bên cạnh tác giả kịch bản là Đỗ Văn Hoàng còn có dòng chữ: Phỏng theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hải Vân. Tuy nhiên việc tự nhiên lấy một tác phẩm văn học chuyển thể thành sang bất kỳ loại hình nghệ thuật khác nào mà không xin phép tác giả, chỉ ghi vẻn vẹn một dòng chữ “cho có” nếu không ai lên tiếng thì có trở thành tiền lệ “không đẹp” trong hoạt động nghệ thuật không?

Còn nhớ tác phẩm văn học Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh từng được tác giả đồng ý chuyển thể sang điện ảnh. Nhưng khi chuyển thể giữa tác giả văn học và đạo diễn không tìm được tiếng nói chung, mà chủ yếu là sự không đồng thuận của tác giả văn học nên dự án phim Nỗi buồn chiến tranh đã phải dừng lại vô thời hạn. Chưa biết đến khi nào dự án phim được nhiều khán giả, độc giả trông đợi này lại tiếp tục được thực hiện. Quay trở lại với bộ phim ngắn Bán sách và Bán giày, có cảm giác người viết kịch bản đã quá coi thường người làm văn học. Mà ở đây tác phẩm văn học là cái gốc của bộ phim. Người viết kịch bản đã không xin phép, không trả nhuận bút cho tác giả mà chỉ coi tác phẩm văn học thuộc dạng “phỏng theo”.  Gọi là “phỏng theo” chưa chính xác, phải gọi là “bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn…” mới đúng vì phỏng theo thì mức độ ảnh hưởng, tác động từ văn học tới điện ảnh ít hơn rất nhiều so với từ chuyển thể. Trong khi bộ phim đậm đặc chất liệu từ tác phẩm văn học cùng tên. Bán sách và Bán giày thể hiện tính nhân văn, gieo vào lòng người những tình cảm tốt đẹp, ấm áp, lại được các diễn viên nổi tiếng tham gia như nghệ sĩ Lê Bình, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc… nhưng đáng tiếc tác giả kịch bản lại chưa có những hàng động đẹp ngay từ khi cầm bút viết những dòng đầu tiên cho kịch bản.

Một ngày đẹp trời nào đó, tất cả các tác phẩm văn học được những biên kịch ngó tới và cứ vô tư chuyển thể thành phim, rồi chỉ ghi một dòng chữ kiểu như “phỏng theo…” thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?. Nếu như chúng ta thờ ơ và không lên tiếng thì sẽ trở thành một tiền lệ không thể chấp nhận. Các tác phẩm văn học bỗng dưng trở thành sản phẩm công cộng mà ai thích làm gì thì làm, bất chấp luật sở hữu trí tuệ sao?.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng năm nào cũng ngao ngán khi đặt chân tới bất kỳ vùng đất nào cũng thấy nhan nhản các đĩa hài của mình mất bao nhiêu công sức để hoàn thành được rao bán với giá rẻ mạt; 7.000 đồng, 10.000 đồng cho hai đĩa. Để có được một sản phẩm phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả dịp tết, đạo diễn Phạm Đông Hồng phải chăm chút, kiếm tìm từng thứ trước tết cả nửa năm. Từ khi còn nắng nóng của mùa hè chưa kịp hạ nhiệt ông đã phải hoàn thành kịch bản, rồi thì tìm bối cảnh nông thôn ở đâu còn giữ được, có thể phục chế phù hợp với bối cảnh hài dân gian của mình, chưa kể dàn diễn viên, trang phục và nhiều thứ khác đi kèm. Thế mà khi sản phẩm hoàn thành đưa ra thị trường thì chẳng mấy chốc đội quân đĩa lậu đã đáp ứng nhu cầu khổng lồ của quần chúng nhân dân với giá rất bình dân. Ngán ngẩm trước thực trạng băng đĩa lậu hoành hành vị đạo diễn này chỉ biết than: “Ôi, cái công sức của tôi một năm qua rẻ mạt quá!”.

Trong dịp tết vừa rồi trong chương trình ca nhạc 18h ngày mồng 1 tết trên đài VTC khi phát ca khúc Mưa xuân cũng quên tên nhà thơ Nguyễn Bính, chỉ có tên nhạc sĩ và ca sĩ. Rất nhiều bài thơ khi chỉ là thơ thì chưa hoặc không nổi tiếng, nhưng khi được chuyển thể thành bài hát, có độ phổ rộng đã nhanh chóng trở nên phổ biến, nổi tiếng. Đây là công lao lớn của người nhạc sĩ, nhưng không vì thế mà phủ nhận tác giả thơ.

Vi phạm bản  quyền mặc dù bị lên án mạnh mẽ nhưng vẫn xuất hiện với nhiều hình thức, cách thức mà đôi khi chính người trong cuộc cũng cảm thấy nản, biết mà không nói ra, thậm chí cảm thấy bất lực như thể “sống chung với lũ”. Rất ít trường hợp vi phạm bản quyền được làm tới cùng so với các vi phạm. Cách đây chưa lâu vấn đề bản quyền đã tốn không ít giấy mực trong đời sống văn học. Sở dĩ câu chuyện bản quyền thời điểm đó hút sự quan tâm của dư luận vì nó đánh đúng vào một tác phẩm được giải thưởng, một tác phẩm khi được chuyển thể thành nhạc có tiếng vang và những người liên quan đều khá quen tên quen mặt trong đòi sống văn học. Giả sử bài thơ này, bài thơ kia không được giải, không trở thành một ca khúc lan tỏa rộng thì có lẽ câu chuyện bản quyền không đủ độ nóng, không khiến nhiều người để mắt tới.

Những người cầm bút là những người không thạo trong vấn đề bản quyền, họ tỏ ra khá lúng túng khi tác phẩm của mình bị xâm phạm. Bên cạnh Cục Bản quyền tác giả, họ còn có Trung tâm Quyền tác giả trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nhưng họ chưa thật ý thức trong việc cần phải bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Không hoặc chưa nghĩ đến mức phải cần thiết đi đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm, họ chỉ nghĩ đơn thuần theo cách truyền thống là tác phẩm của tôi viết ra đã in đầu tiên ở đâu coi như là bằng chứng xác nhận bản quyền. Tác phẩm bị vi phạm thì ý nghĩ đầu tiên của họ là tự mình tìm hiểu giải quyết hơn là giao phó toàn bộ cho một người hoặc một cơ quan chuyên trách. Những tác giả có kinh nghiệm đã vậy, những tác giả còn sống cũng còn khá chật vật bảo vệ bản quyền thì nói gì đến những tác giả đã mất.

Tác giả Vũ Thị Huyền Trang ngay sau khi phát hiện sự trùng hợp khó hiểu đã gọi điện cho nơi đăng tải, nhưng có lẽ vào dịp áp tết, nhiều lý do mà quý báo không ai nghe máy nên tác giả cũng “nguội ý định”. Chua chát hơn, Vũ Thị Huyền Trang cho biết chuyện tương tự đã từng xảy ra nhưng cuối cùng cũng chẳng đâu đến đâu cả. Còn nhà văn Tô Hải Vân thì chỉ vu vơ vài dòng trên trang cá nhân, hỏi thêm ông thì ông chỉ bảo, cái phim ấy cũng bình thường thôi, chứ nếu “đình đám” thì cũng lên tiếng. Thôi cho qua. Còn đạo diễn Phạm Đông Hồng thì chỉ biết khuyến cáo khán giả nên mua đĩa thật. Để hạn chế tình trạng đĩa lậu thì mọi người cứ lên youtube tải về xem miễn phí.

Chế tài xử phạt vi phạm bản quyền còn quá nhẹ cũng là một trong nhiều lý do khiến cho vi phạm bản quyền như một căn bệnh “nhờn thuốc”, khó chữa trị dứt điểm. Nhưng bên cạnh đó không thể không nói tới ý thức của công chúng nhìn nhận về vấn đề bản quyền, ý thức tự bảo về sản phẩm tinh thần của người cầm bút. Nếu tự thân mỗi người không có ý thức bản quyền thì chuyện vi phạm bản quyền, nhiều quá hóa… quen là chuyện rất dễ xảy ra.

H. N

(Nguồn Tổ quốc)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder