Nguyễn Hòa
Ở những công việc khác nhau, với những trải nghiệm khác nhau nhưng nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa cũng như tôi đã đi qua một hành trình đời sống và nghề nghiệp có nhiều nét tương đồng. Chúng tôi đều xuất thân từ lính ở những đơn vị chiến đấu và bằng đam mê và nỗ lực cá nhân cộng với sự ủng hộ rất nhiệt thành của đồng đội nên cuối cùng đã được làm công việc mà mình ưa thích như hiện nay…Ở những công việc khác nhau, với những trải nghiệm khác nhau nhưng nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa cũng như tôi đã đi qua một hành trình đời sống và nghề nghiệp có nhiều nét tương đồng. Chúng tôi đều xuất thân từ lính ở những đơn vị chiến đấu và bằng đam mê và nỗ lực cá nhân cộng với sự ủng hộ rất nhiệt thành của đồng đội nên cuối cùng đã được làm công việc mà mình ưa thích như hiện nay. Trước khi chuyển sang công tác tại Báo Nhân dân, anh Nguyễn Hòa từng là đại tá, làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội… Và câu chuyện hôm nay giữa chúng tôi là bàn luận của hai người cựu chiến binh, với góc nhìn đã được đào luyện trong màu xanh áo lính mà có lẽ tới cuối đời chúng tôi vẫn mang theo…
Hồng Thanh Quang: Trước khi chuyển công tác về tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh hình dung về “ngôi đền văn học” số 4 Lý Nam Đế và những tên tuổi lớn của “Nhà số 4” như thế nào? Những ai đã từng là người tạo cho anh có thêm niềm hứng khởi để đi sâu hơn vào công việc văn học của mình?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoà: Đầu năm 1980, đang đóng quân trên biên giới phía Bắc, tôi được về qua nhà. Xuống ô tô ở Bến Nứa, tôi đeo ba lô “lộn ngược” định tới Hàng Than đi tàu điện ra Bờ Hồ. Tạt vào quán nước, thấy bán loại thuốc lá đen đen, bé tý lại dài ngoằng. Tôi hỏi, thì chủ quán bảo: “Thuốc Mo”. Tôi mua một điếu, vừa đi vừa phì phèo. Ai dè thuốc nặng, tôi say đứ đừ, choáng váng, mắt thấy hoa cà hoa cải. Bước thấp bước cao, tôi cũng tới được vườn hoa Hàng Đậu, tìm một gốc xà cừ ngồi dựa một lát cho đỡ say, rồi theo phố Lý Nam Đế ra Cửa Nam. Đi được một đoạn, thấy ngôi nhà rất đẹp với hai cây hoa đại khá to, cạnh cổng gắn tấm biển ghi dòng chữ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thì ra đó là trụ sở của cái Tạp chí tháng nào tôi cũng đọc! Ngó mãi vào ngôi nhà vẻ thâm nghiêm ấy cũng ngại, nên tôi vừa đi vừa ngoái cổ nhìn. Hồi đó tôi chưa nghĩ sẽ làm văn chương, nên ngoái cổ vì ngưỡng mộ chứ không phải vì ao ước. Bởi tôi biết trong ngôi nhà ấy có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Hồ Phương, Dũng Hà và nhiều nhà văn mà tôi đã được đọc tác phẩm. Thời còn “trấn ải lưu đồn” trên Lạng Sơn, tôi đọc những cuốn Văn nghệ Quân đội vàng khè bụi đất, sờn hết mép. Có nơi bộ đội còn phải dỡ “gáy” cuốn Tạp chí, chia thành mấy phần nhỏ, để mọi người cùng đọc…
Năm 1987 tôi bắt đầu viết phê bình, cũng phải hơn 10 năm sau tôi mới được vềVăn nghệ Quân đội. Đọc sách rồi thích nhận xét các cuốn sách nên tôi viết phê bình, chứ cũng không hẳn vì ai đó gợi cho tôi niềm hứng khởi.
– Trong chuyên môn của anh, anh nghĩ thế nào về cách viết phê bình văn học của các anh Nhị Ca, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Ngô Vĩnh Bình,…?
Đối với tôi, đó là thế hệ của các nhà phê bình đàn anh. Tuy nhiên khi về Văn nghệ Quân đội, tôi đã có một thời gian sống, làm việc cùng các anh Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Ngô Vĩnh Bình. Thú thực tôi rất ngại nhận xét về đàn anh, mà ngại lại không phải là tính cách của tôi, nên vẫn mạo muội chấm phá đôi nét. Cùng là nhà phê bình, nhưng các anh ấy mỗi người một vẻ. Anh Hồng Diệu thì thích bàn về thơ chữ Hán, anh Ngô Vĩnh Bình nghiêng về làm tư liệu văn học. Anh Lê Thành Nghị có xu hướng viết phê bình dựa trên lý thuyết, anh có sự tinh tế riêng, chắc là vì thế anh đã làm thơ và thơ khá hay. Anh Vương Trí Nhàn thi thoảng viết về một vấn đề văn hóa, văn học nào đó, nhưng lâu nay xu hướng nổi trội của anh là dò tìm, khái quát thói xấu của con người và văn hóa dân tộc, rồi từ tầm cao của một nhà nghiên cứu (không biết là cao thật hay kiễng chân?) anh ỉ eo về các thói xấu đó, rồi đề nghị phải làm thế này, phải làm thế kia. Đọc anh, tôi có cảm giác ở nước Nam hiện tại chỉ còn mỗi một người sáng suốt, tâm huyết, trong như pha-lê?! Anh Ngô Thảo thì tôi không dám nhận xét, vì đã lâu rồi, anh ấy hầu như không viết phê bình.
– Tôi thấy anh Ngô Thảo vẫn xuất hiện trên báo chí đấy chứ?
Anh lại làm tôi phải nói ra điều không dám nói. Đúng là thi thoảng anh Ngô Thảo vẫn xuất hiện trên báo chí song theo tôi, nếu ý kiến của anh có sức nặng (như một giả thuyết) thì chủ yếu là dựa trên vốn liếng anh ấy tích lũy trong quá khứ, còn thì lâu rồi, khả năng khám phá, phát hiện, phân tích của anh cũng hạn chế.
– Trở thành một thành viên bình đẳng ở “Nhà số 4”, anh cảm nhận thế nào về các đồng nghiệp chung một đơn vị của mình?
Với tôi, được là thành viên của “Nhà số 4” là điều may mắn. Khi bắt đầu viết phê bình, tôi vẫn không dám mơ được làm việc cùng các anh Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Trần Đăng Khoa (tôi xếp Trần Đăng Khoa ở đây vì hồi đó anh biên chế ở Ban Lý luận, phê bình cùng tôi!). Tôi cố gắng tìm hiểu xem nếp cũ – chữ của Nguyễn Toan Ánh, ở Văn nghệ Quân đội là gì để thích nghi. Nhưng rất khó, có lẽ do lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi, tâm tính, thói quen cơ bản đã ổn định. Tuy nhiên vẫn có một thứ “keo” kết dính tôi với mọi người, đó là chất lính và nghề văn. Nhưng ở Văn nghệ Quân đội một thời gian, tôi lờ mờ nhận thấy hình như chất lính ở mỗi người cũng đậm nhạt khác nhau, có lẽ do “nguồn” chuyển về Văn nghệ Quân đội là khác nhau. Có anh chất lính hình thành từ lính chiến như Nam Hà, Chu Lai, Khuất Quang Thụy,… lại có anh chất lính manh nha hình thành sau mấy tháng huấn luyện tân binh rồi về sống, làm việc trong môi trường nửa quân, nửa dân nên chất lính đích thực chưa đậm nét.
Trước khi về Văn nghệ Quân đội, tôi đã sống trong quân ngũ 24 năm. Nhìn chung mọi việc đã theo quy củ đúng luật nhà binh, “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày”. Ở Văn nghệ Quân đội, tôi không chỉ được làm việc yêu thích mà còn được thoải mái hơn. Nhưng khổ nỗi chất lính ăn sâu quá rồi, nên hay cứng nhắc! Nhìn lại thấy thời gian làm việc tại Văn nghệ Quân đội tôi đã học hỏi được nhiều, được mở mang tầm nhìn, có điều kiện nới rộng quan hệ nghề nghiệp,… Mà xét cho cùng, có lẽ thế hệ tôi và Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quốc Trung,… cũng chỉ là “gạch nối” ngắn ngủi giữa những nhà văn lập nghiệp từ thời chiến tranh với các nhà văn lập nghiệp trong thời bình. Từ khi chuyển ngành, hằng ngày tôi vẫn đi qua “Nhà số 4”, vẫn nhìn vào ngôi nhà từ mấy chục năm trước tôi không dám mơ có ngày được đến đó tán gẫu với Trần Đăng Khoa, bông phèng với Chu Lai, cười vang cùng Vương Trọng,… và ước mơ ấy đã thành hiện thực.
– Anh có tin rằng những nhà thơ mặc áo lính sẽ vẫn tiếp tục hấp dẫn các thế hệ tương lai, trưởng thành trong những môi trường khác với thời chiến?
Về sứ mạng của thơ thì đấy là một khả năng, nhưng điều quan thiết là ở chỗ làm thế nào để có và biến điều đó thành hiện thực. Văn nghệ Quân đội là cơ quan báo chí văn nghệ của Quân đội, trước hết là do người lính viết, để người lính đọc, cùng với đó là vì bạn đọc nói chung. Từng là thành viên Văn nghệ Quân đội nên tôi biết các tác giả ở đó không bị bó buộc viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, mà có thể viết như mọi nhà văn khác trong xã hội. Nên dù có ở Văn nghệ Quân đội hay ở đâu thì sự hấp dẫn bạn đọc đương đại và tương lai vẫn cứ đến từ tài năng của người viết, từ sự trải nghiệm, từ những ý tưởng nhân văn được suy ngẫm một cách sâu sắc trở thành “máu thịt” của ngòi bút. Còn viết một cách bàng bạc, viết như để hoàn thành nhiệm vụ,… thì chẳng hấp dẫn được ai, kể cả là người lính. Khi nhu cầu thẩm mỹ đã đa dạng hơn, các phương tiện thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ cũng phong phú, tiện lợi hơn thì sáng tạo văn học cũng không đơn giản, không phải hễ muốn là được, cứ viết là hay. Thêm nữa, Văn nghệ Quân đội là địa chỉ văn học có uy tín, song không phải ai làm việc ở cơ quan này cũng sẽ thành nhà văn có uy tín. Uy tín của nhà văn được xác lập từ những gì họ viết và xuất bản, chứ không phải từ uy tín của nơi làm việc.
– Có chăng một truyền thống sáng tác mang tên “Văn nghệ Quân đội” được chuyển giao từ các thế hệ trước cho tới đội ngũ các nhà văn, nhà thơ đang là chủ đạo ở “Nhà số 4”? Lại có ý kiến cho rằng, phong cách và khuynh hướng sáng tác ở “Nhà số 4” hiện nay đã được cách tân rất nhiều và căn bản đã khác trước, còn cái phong cách truyền thống của Văn nghệ Quân đội đã được chuyển dịch theo chân các bạc đàn anh ở độ tuổi hưu trí và chuyển công tác sang các cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?
Để có một truyền thống văn học đã khó, nhưng tiếp nối và phát triển truyền thống ấy như thế nào còn khó hơn, mà yếu tố hàng đầu để tiếp nối, phát triển truyền thống là nỗ lực sáng tạo để giữ được bản sắc riêng. Mọi người yêu văn học đều biết về truyền thống của Văn nghệ Quân đội trong hơn nửa thế kỷ qua, một thời đó là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của rất nhiều bạn đọc thuộc nhiều thế hệ. Năm ngoái ở CHLB Đức, đến thăm một anh cựu chiến binh vốn là bộ đội Trường Sơn, tôi thấy trên giá sách ở nhà anh một dãy Văn nghệ Quân đội, anh bảo “nghiện” rồi, thấy là mua. Mới đây đến đảo Len Đao, tôi lại gặp cả dãy Văn nghệ Quân đội trong tủ sách. Mỗi lần như thế, tôi đều tự hào khoe từng làm việc ở Văn nghệ Quân đội và hình như lại được “nể” hơn. Nhưng quả cũng chạnh lòng khi nghe anh cựu chiến binh nhận xét Văn nghệ Quân đội không còn được như trước, vì thiếu chất lính. Tôi nghĩ, dù chỉ là ý kiến đơn lẻ thì đó cũng là điều cần tham vấn.
Cuộc sống phát triển, nhu cầu của người đọc đã khác trước, văn chương cách tân để đáp ứng nhu cầu đó cũng tốt thôi, nhưng cách tân mà ít đọng lại điều sâu sắc, không buộc người đọc phải tìm đến tác phẩm thì xét đến cùng, cách tân chỉ như là cách nói khỏa lấp hạn chế trong khả năng sáng tạo. À, mà câu hỏi này của anh hình như còn chứa đựng cả sự khôi hài? Về cơ bản, truyền thống của một cộng đồng văn học được xây dựng từ nỗ lực sáng tạo của nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Khi mà truyền thống ấy có thể “bê” đi chỗ khác, hoặc theo chân các tác giả về hưu, đã chuyển cơ quan,… thì xem ra đó là truyền thống mà lại không phải là truyền thống, hay truyền thống đang có vấn đề? Chiến tranh kết thúc 40 năm rồi, nhưng đi nhiều nơi và gặp nhiều người, tôi vẫn thấy chiến tranh còn phảng phất đâu đó, nhất là những nỗi đau. Giữa thời bình, tôi đến những nơi đèo heo hút gió với bộ đội biên phòng, ra Trường Sa gặp những người lính mà tôi rất ngại ngùng khi nói những điều mà tôi biết đã có nhiều người nói với họ. Gặp họ xong tôi lại trở về Thủ đô, phóng xe máy đi làm, cà phê cà pháo, chém gió vô hồi, còn họ thì da đen cháy, quanh năm xa nhà, sống giữa trập trùng biển khơi, nếu có chuyện gì xảy ra, họ sẽ là người đầu tiên ở nơi mũi tên hòn đạn. Đến đó dăm ngày, viết mấy bài thơ, dăm cái bút ký hay bài báo gì đó thì cũng tốt, nhưng bảo sẽ là tác phẩm “để đời” thì tôi không tin.
– Trong số các Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập của tạp chí Văn nghệ Quân đội có hai Thiếu tướng, đó là nhà văn Dũng Hà và nhà văn Hồ Phương. Tất nhiên, tôi cũng hiểu, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi rất muốn biết sự so sánh của anh, với tư cách một nhà phê bình văn học từng đeo tới quân hàm đại tá, về hai ông tướng văn đó? Họ có gì giống nhau, có gì khác nhau và tại sao không phải lúc nào cũng suôn sẻ trong thời gian hai ông tướng văn này cùng làm việc chung trong một ban biên tập?
Khi tôi về làm việc tại Văn nghệ Quân đội thì hai anh Dũng Hà, Hồ Phương đã nghỉ hưu. Tuy vậy tôi cũng quen biết các anh, được nghe một số chuyện về các anh. Mà ở Văn nghệ Quân đội thì giai thoại nhiều lắm, phần lớn để trêu đùa, nên thường có thêm mắm, thêm muối hay phóng đại để tăng hấp dẫn. Như giai thoại về chân giò lợn trong tủ lạnh của Trần Đăng Khoa chẳng hạn. Giai thoại này ra đời hồi Trần Đăng Khoa chưa lấy vợ, nấu ăn rất thất thường, anh em bảo chân giò để quên trong tủ lạnh lâu đến mức lông của chân giò dài thêm cả chục xăng-ti-mét! Một lần thấy anh Nguyễn Đức Mậu vẻ tư lự, bọn tôi hỏi mãi anh mới bảo: “Con gái sắp lấy chồng, nó ở nhà chồng mà bị chồng đánh thì mình làm thế nào nhỉ?”. Anh em mỗi người đưa ra cách giải quyết, riêng tôi thì đùa: “Nếu cháu bị chồng đánh, anh cứ hô bọn em tới cho thằng rể nhà anh một trận”! Tôi về Văn nghệ Quân đội thì anh Duy Khán mất rồi, giai thoại về anh cũng nhiều, vui và hóm hỉnh. Tôi hình dung về con người hồn nhiên, đôn hậu của anh và liên tưởng tới Tuổi thơ im lặng.
Thân quen nhưng tôi gần anh Dũng Hà, còn anh Hồ Phương thì xa xa thế nào ấy. So sánh trong cuộc sống đời thường thì anh Dũng Hà chân chất, mộc mạc. Anh viết không nhiều, nhưng lại để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm qua Sao Mai, Sông cạn. Sao Mai xuất bản năm 1974, Sông cạn xuất bản xuất bản năm 2006. Tôi vừa đọc xong Sao Mai thì nhập ngũ, nên thích và nhớ lâu. Còn Sông cạn tôi đọc khi còn là bản thảo có nhan đề Đá vàng và coi đó là tác phẩm xuất sắc của Dũng Hà, anh viết rất có văn. Đọc xong tôi hứa với anh sẽ viết một bài phê bình. Nhưng khi Sông cạn ra đời thì cuốn sách lại không còn như bản thảo, tôi mất luôn cả hứng thú. Hôm tiễn đưa anh, tôi thầm xin lỗi vì chưa làm được điều đã hứa. Không được làm việc dưới quyền anh, nhưng qua trò chuyện, qua những gì anh em kể, tôi biết anh Dũng Hà được quý mến vì đức độ và sự chân thành với mọi người. Về việc “không phải lúc nào cũng suôn sẻ trong thời gian hai ông tướng văn này cùng làm việc chung trong một ban biên tập” thì tôi biết rất ít, mà ngay cái số ít ấy cũng cần phải xác minh cụ thể mới bình luận được. Nguyên tắc thực chứng có yêu cầu khắt khe của nó, nên tôi không dám lạm bàn khi chưa nắm chắc.
– Sắc áo tạo thành đội ngũ. Anh có nghĩ rằng các nhà văn mặc áo lính thực sự đã tụ với nhau thành một bản sắc văn chương không? Hay là những tài năng lớn nhất ở “Nhà số 4” dù thế nào cũng vẫn giữ được bản sắc riêng khác biệt của mình và chính điều này đã lý giải những lối đi khác nhau của họ trong cuộc sống, trong văn chương khi cơ chế xã hội được nới rộng ra hơn so với thời chiến tranh?
Tôi nghĩ sắc áo mới chỉ là một phương diện, phương diện nữa là đề tài được các nhà văn mặc áo lính theo đuổi. Trong năm tháng chiến tranh, văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang giữ vị trí chủ đạo là tất yếu, và do các nhà văn cùng hướng về một đề tài để sáng tạo nên dần dà hình thành nên bản sắc riêng. Sau chiến tranh, chỉ nhà văn nào thực sự tài năng mới có thể đi tiếp, vượt ra ngoài khuôn khổ đề tài quen thuộc. Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Chu Lai,… đã làm được điều này. Trong đó theo tôi, Nguyễn Minh Châu là một trong số ít nhà văn sớm phát hiện để chuẩn bị bước vào chặng đường mới khi cuộc sống xuất hiện các vấn đề mới, mà Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra… là “gạch nối” để từ đó anh viết nên Cỏ lau, Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát… Tôi trân trọng sự tinh tế của Nguyễn Khải khi viết Gặp gỡ cuối năm. Anh phát hiện một vấn đề xã hội – con người hết sức hệ trọng xảy ra sau chiến tranh và giải quyết một cách vững tay. Còn Lê Lựu thì Thời xa vắng đã nói lên tất cả. Về sau anh xuất bản Chuyện làng Cuội, Hai nhà nhưng khó có thể so sánh với Thời xa vắng.
– Chúng ta đều biết rằng, về người quá cố thì hoặc chỉ nói tốt, hoặc không nên nói gì cả. Tuy nhiên, có những câu chuyện mà người quá cố để lại lắm lúc vẫn buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào một cách không né tránh, để giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực đối với những tên tuổi khác, đang còn sống hay cũng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi muốn biết suy nghĩ của anh về những suy nghĩ của cố nhà văn Xuân Sách về các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là về những nhà văn, nhà thơ ở cùng “Nhà số 4”, qua những bài vịnh rất tài hoa, rất sắc sảo nhưng lắm lúc cũng sát ván tới độ tàn nhẫn của mình? Anh thích những câu nào và không thích những câu nào của Xuân Sách?
“Nghĩa tử là nghĩa tận” mà. Hồi ra cuốn Bàn phím và… “cây búa”!, bản thảo có một đoạn tôi bình luận khá gay gắt về một Giáo sư nói sai sự thật. Đúng lúc sắp in thì ông mất, tôi gọi điện tới nhà xuất bản đề nghị cắt đoạn đó trước khi in. Cuộc sống không đơn giản, không thể buộc cuộc sống theo ý muốn của mình, vấn đề là ứng xử sao cho có nghĩ lại cũng không ân hận. Nói thì thế nhưng làm được khó lắm. Bản thân tôi cũng vậy, có phải lúc nào cũng tìm ra được giải pháp hợp lý, hợp tình. Vài lần tôi dùng hai ba câu phác họa sự nghiệp của một nhà văn nào đó, thử ướm hỏi đồng nghiệp, thấy có vẻ được tán thưởng. Nhưng sau lại xóa khỏi bộ nhớ, vì thấy hơi phũ phàng, công bố thì dễ làm tổn thương người khác. Chân dung nhà văn của Xuân Sách cho thấy ông đọc khá nhiều, có khả năng khái quát để dựng thành chân dung. Mỗi chân dung chỉ có mấy câu thơ, thường thì một hoặc hai câu cuối là lời bình của Xuân Sách, những câu này có nét gì đó bi hài, vài ba trường hợp có vẻ hơi tàn nhẫn, nhất là với người đã khuất. Các bài viết về Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương,… có một số câu đọc thú vị, ở đây tôi chỉ xin dẫn lại bài của Xuân Sách viết về Nguyên Ngọc: Mấy lần đất nước đứng lên – Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm – Hại thay một mạch nước ngầm – Cuốn trôi Đất Quảng lẫn rừng Xà Nu!
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hòa
– Có ý kiến cho rằng, nếu không có góc nhìn đúng đắn, nhân ái thì ta luôn chỉ nhìn thấy những khúc xạ méo mó về những người khác… Anh nghĩ thế nào về ý kiến này? Phải chăng đó là căn bệnh cố hữu của những người muốn khẳng định chính mình bằng cách chứng minh rằng những đồng nghiệp khác đều kém cỏi? Tất nhiên, tôi không phủ nhận rằng, trong đời sống văn học hiện nay đang tồn tại và tiếp tục nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực cần tới hoạt động phê phán của cái bàn phím với “cây bút thép”… Nhưng sử dụng “cây búa thép” như thế nào trên bàn phím cho hợp nhẽ lại không bao giờ là việc đơn giản cả…
Đã bao giờ anh được bạn bè hỏi: “Tại sao ông chơi với thằng ấy?” chưa? Tôi đã được hỏi đôi lần, chủ yếu vì họ thấy tôi giao du với người họ không thích. Được hỏi tôi chỉ cười, vì việc người này không thích người kia là bình thường, vả lại ai cũng có phần tử tế, và tôi chơi với cái phần tử tế ấy. Tuy nhiên, tâm lý không muốn ai hơn mình, thấy ai hơn mình là dèm pha theo lối “ghen ăn tức ở” (cụm từ đã được cánh trẻ bây giờ khái quát một cách lý thú là… GATO!) có thể làm hại các quan hệ xã hội, còn trong nghề văn thì có thể làm hại đồng nghiệp, hại văn học. Thật buồn vì có người như tìm thấy khoái cảm khi mang đồng nghiệp ra làm “mồi nhậu”, rồi mổ xẻ, soi mói, bới móc làm méo mó hình ảnh đồng nghiệp. Câu hỏi của anh làm tôi nhớ đến nhà nghiên cứu nọ, khi phóng viên hỏi về thói xấu của người Việt thì ông chém gió búa xua, tới khi hỏi ông có thói xấu nào không thì đùng đùng bỏ về. Thừa nhận bản thân cũng có thói xấu chắc chắn sẽ được trân trọng hơn, đâu vì thế mà xấu đi. “Nhân vô thập toàn”, cổ nhân nói vậy rồi. Có gì bảo đảm ai đó đã hoàn thiện đến mức không tỳ vết? Bới móc làm méo mó hình ảnh người khác là hành xử tiểu nhân, không chứng tỏ hơn người, chỉ chứng tỏ sự thấp kém. Càng lớn tuổi tôi càng cố nhận diện bản thân để tự điều chỉnh, để có cái nhìn nhân ái hơn, bao nhiêu năm mới rút ra được điều đó, mà thực hiện đâu có dễ.
Đời sống văn học xem ra ngày càng phức tạp, hỗn độn, với sự “lên ngôi” của sự phù phiếm kèm theo là các “giá trị giả” nên nhiều khi tôi chán ngán, chẳng thích viết phê bình nữa. Về xu hướng thì nhiều người thường thích khen chứ không thích chê. Chắc vì thế trong một số trường hợp, người ta viết như khen lấy được, rồi sử dụng vài lý thuyết nhặt nhạnh thiếu hoàn chỉnh từ nước ngoài để bảo lãnh cho lời khen. Khi ông tây đã bảo thế này, bà tây đã nói thế kia thì chẳng nhẽ còn dám phê phán? Mấy năm trước, thấy một số tác giả quảng bá chủ nghĩa hậu thực dân là “hợp xu thế, hợp quy luật… vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa, có tính khả thi, hứa hẹn cho những suy tư lý thuyết cũng như những thực hành phê bình của người nghiên cứu”, tôi tìm hiểu xem sao, thì phát hiện người ta làm rùm beng một lý thuyết mà người ta chưa rành rẽ. Cực chẳng đã tôi phải viết một tiểu luận đề cập bản chất vấn đề và đề nghị nên thận trọng. Công bố hơn nửa năm rồi, chưa thấy ai phản bác, rồi cũng ít thấy ai nhắc đến chủ nghĩa hậu thực dân! Quả là văn đàn đang cần những “cây búa” gõ lên bàn phím để có những bài phê bình nghiêm khắc, hữu lý, thuyết phục.
– Chúng ta đang ở thời điểm “đêm trước” của Đại hội Nhà văn. Anh có nhận xét gì không khí chuẩn bị cho Đại hội lần này? Có gì vui? Có gì khiến ta không khỏi chạnh lòng?
Không phải là hội viên Hội Nhà văn nên tôi không bị xáo động bởi lời bàn ra tán vào. Nhưng là người làm văn học, thi thoảng ngồi ở quán cà phê lại thấy bạn bè nói về Đại hội, hoặc nghe một cú điện thoại cùng đề tài, tôi cũng khó có thể đứng ngoài không khí đó. Thú thực là tôi băn khoăn tại sao lại phải quan trọng hóa quá mức một sự kiện như vậy? Việc của nhà văn trước hết là sáng tác, có sáng tác mới được xã hội và công chúng coi là nhà văn, đâu phải vì được đi dự Đại hội Nhà văn mới được gọi là nhà văn? Chẳng nhẽ đó là vệt kéo dài của câu tục ngữ “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”? Tuy không phải là hội viên, tôi cũng đã dự vài Đại hội. Lần nào cũng thấy diễn ra theo quy trình: đọc báo cáo tổng kết, phát biểu của đại diện cấp trên, trình bày một số tham luận (đôi khi tranh luận như cãi nhau!), bầu Ban chấp hành và Đại hội thành công rực rỡ, đại biểu hồ hởi ra về, dù một số vị chỉ dự một hai buổi rồi tranh thủ thăm thú anh em, bạn bè, tán gẫu ở quán bia. Trước và trong Đại hội Nhà văn lần trước, tin tức đủ loại xuất hiện làm rối trí nhiều người, nhất là bình luận, dự đoán, cung cấp thông tin như đang có bài binh bố trận về bầu cử được gửi qua email. Đọc loại tin này tôi thực sự ngán ngẩm, không nghĩ là nhà văn, trí thức mà phải quan tâm đến mấy việc như thế. Hôm mới rồi, một nhà thơ kể tôi nghe sự kiện giật gân tại Đại hội một Chi hội Nhà văn. Tôi ngạc nhiên vì không nghĩ sự thể lại đến như vậy. Gọi điện hỏi một nhà văn ở Chi hội đó, hóa ra là chuyện khác hoàn toàn, chỉ mấy cây số mà thông tin đảo ngược 100%! Mong sao các nhà văn hội viên sẽ dành nhiều thời gian sáng tác hơn là quá bận tâm vào việc có được dự Đại hội hay không!
– Có ý kiến cho rằng, một tổ chức như Hội Nhà văn Việt Nam luôn là một định chế cần thiết và hữu ích, ít nhất đó có thể còn là một diễn đàn để những người sáng tác với những phong cách nghệ thuật và tư duy xã hội khác nhau tới cùng trình bày ý kiến để tìm những điểm đồng nhất hay gần gụi nhằm chung tay góp ích cho dân, cho nước. Anh có nghĩ như thế không? Vì sao?
Được như vậy thì quá tốt, tôi sẽ làm đơn xin vào ngay. Tôi nghĩ, một tổ chức có vai trò tập hợp nhà văn có chung mục đích sáng tạo theo các giá trị chân – thiện – mỹ, vì các giá trị chân – thiện – mỹ, để làm nên các giá trị chân – thiện – mỹ, sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển văn hóa đất nước,… Cùng cộng đồng nghề nghiệp trao đổi, thảo luận, tranh luận một cách thiện chí chắc chắn là sẽ kích thích khả năng sáng tạo, giúp mỗi người xác định, củng cố thái độ trách nhiệm với công chúng, với văn hóa, với đất nước. Đáng tiếc là điều chúng ta mong muốn hình như vẫn ở thì tương lai? Gần đây, tôi đọc một bài viết có đoạn: “Một tác giả trẻ chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng: có lần anh ta tình cờ được tham dự một cuộc “hội đàm” văn chương. Điều anh ta ngạc nhiên là người to tiếng nhất, phát ngôn hùng hổ nhất ở đó lại là người chẳng viết được tác phẩm nào đáng kể, trong khi người lặng lẽ nhất lại là người mà ai nghe tiếng cũng phải ngả mũ kính phục”. Tôi gặp hiện tượng như vậy nhiều rồi, dẫn lại vì nghĩ khi một tác giả trẻ nhận ra điều không đáng tự hào ấy, họ sẽ tránh và nếu có trách nhiệm, họ sẽ tìm ra cách thức khác để cùng cộng đồng nghề nghiệp hội họp, bàn luận một cách có ý nghĩa.
– Tôi vẫn luôn nghĩ rằng người sáng tạo đích thực quan tâm hơn cả đến quá trình sáng tạo tác phẩm và xa lạ với mọi sự bon chen tìm kiếm phù hoa xung quanh tác phẩm. Thế nhưng, vì sao đấy trong làng văn lại hay sinh ra những vụ lùm xùm tranh cãi, đôi khi rất nặng lời, liên quan đến những vinh thăng nghệ thuật. Anh lý giải về hiện tượng này như thế nào?
Đúng vậy! Tôi đã từng băn khoăn với các câu hỏi: Tại sao Nguyên Hồng tìm đến Bắc Giang? Tại sao Phù Thăng về Hải Dương thà làm bác nông phu hơn là làm văn sĩ ở đô thành, và cuối đời viết ông các câu thơ “Tuổi già hạt lệ sương rơi – Mà nay lại mặn muối đời chứa chan¬ – Cành đào tưởng đã phai tàn – Bỗng hừng lên bởi chính làn gió em – Thổi vào quá khứ lặng im – Cho hoa vạn thọ bừng lên sắc vàng” (dẫn theo Ngô Vĩnh Bình)? Tại sao Hữu Loan mai danh ẩn tích ở xứ Thanh để ngày ông mất, trong Điếu văn tiễn biệt ông có câu: “thế hệ đời sau nhớ mãi một nhà thơ chiến sĩ, nhớ mãi thi nhân chở đá xây đời”?… Đặt sang một bên hệ lụy từ va vấp, tôi đồ rằng các ông lựa chọn sự yên bình, xa lánh “mọi sự bon chen tìm kiếm phù hoa” như bạn đã đề cập? Khi mà còn có nhà văn ở tỉnh nổi danh vì “chiến đấu” với đồng nghiệp trong tỉnh, khi mà còn có nhà văn ở đô thị lớn nổi danh vì “chiến đấu” với nhà văn ở đô thị lớn,… liệu họ có còn thời gian để sáng tạo văn chương? Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ một chuyện. Cách đây mấy năm, tôi được mời dự một bữa cơm tại gia. Không phải là kẻ ham nhậu nhẹt, nhưng vì anh em nhiệt tình mời, mà cũng ham vui nữa, nên tôi nhận lời. Dự bữa cơm chưa đến chục người, trong đó có hai anh tôi không quen, sau biết đó là “sếp” của một nhà thơ được coi là nổi tiếng và hồi ấy đang có lùm xùm về chuyện “đạo văn”. Lòng vòng một lúc, gia chủ ngỏ ý nếu có ý định viết thì tôi bỏ qua cho nhà thơ kia, hai anh “sếp” cũng thêm thắt đồng tình. Và tôi hiểu lý do có mặt của hai anh. Oái oăm là đúng giữa trưa hôm đó, trang mạng nọ đăng bài của tôi viết về nhà thơ “đạo văn”, không dừng được nữa. Vậy rồi chỉ mấy năm sau, nhân một lần xét trao giải thưởng về văn học, nghệ thuật, nhà thơ kia lại đăng đàn để “oánh” một trong hai anh “sếp” tơi bời khói lửa. Đọc ý kiến của nhà thơ, tôi tự hỏi: Không hiểu nhà thơ có biết gì về hành xử chân tình của chính người bị “oánh” từng dành cho nhà thơ? Nếu không nhà thơ biết thì thôi, nếu biết mà cư xử như vậy thì thật đáng buồn, không còn điều gì để nói.
– Anh hình dung thế nào về tâm trạng những nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vì một lẽ gì đấy mà không được bầu đi dự Đại hội năm nay? Theo anh, họ nên có thái độ thế nào để được coi là cách hành xử đúng mực, hợp lý, hợp tình?
Kể cũng khó nói, bởi tôi không phải là người trong cuộc. Dù vậy tôi vẫn xin nói ra suy nghĩ của mình rằng, nếu đã là nhà văn thì hãy chứng minh bằng tác phẩm để có thể tồn tại đàng hoàng với danh nhà văn. Từ ngoài quan sát, tôi thấy được dự Đại hội hay không cũng không có gì là ghê gớm. Mấy bức ảnh chụp cùng lãnh đạo hoặc nhà văn nổi tiếng cũng chỉ là kỷ niệm, không có cũng không làm suy giảm uy tín của người cầm bút. Nếu có buồn thì cũng cứ coi mình như cô Tấm trong truyện cổ tích không được đi dự hội, nhưng lại không phải giải quyết đấu gạo trộn với đấu thóc! Về phía Hội Nhà văn, sau khi Đại hội kết thúc, có lẽ cũng nên thể hiện sự trân trọng với hội viên không được dự Đại hội bằng cách gửi văn bản thông báo diễn tiến các hoạt động tổng kết, thảo luận, phương hướng nhiệm kỳ tới,… đến từng nhà văn hội viên. Tôi nghĩ đó là sự trân trọng cần thiết, vì không dự Đại hội, họ vẫn là hội viên, vì vậy họ có quyền được biết.
– Xin cảm ơn anh!
H. T. Q.
(Nguồn: Đại đoàn kết)