Việt Hải, ngày trở lại – Ký: Mai Hà

 

Lên tàu từ bến Cái Bèo – Cát Bà, ngược sóng vịnh Lan Hạ chừng khoảng 1 giờ đồng hồ là tới xã đảo Việt Hải, thuộc huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Xã nằm ở phần phía đông của đảo Cát Bà, hòn đảo lớn thứ 3 của Việt Nam. Trên đảo chính Việt Hải giáp với xã Gia Luận và Trân Châu ở phía tây, giáp với thị trấn Cát Bà trên biển ở phía nam. Diện tích là 86.25km2 với 95 hộ dân và 280 nhân khẩu.
Mười năm về trước, tôi đã có dịp được tới thăm Việt Hải. Lúc đó Việt Hải với 70 nóc nhà, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp và ngư nghiệp. Tàu bè đi lại khó khăn, mỗi tuần chỉ có 3 chuyến tàu đi về Cát Bà, phục vụ việc chuyên chở bà con buôn bán nhu yếu phẩm cho đảo. Con đường nhỏ từ bến tàu vào xã chưa được trải nhựa, trải đá cấp phối, xóc và gồ ghề. Phương tiện vận tải người và hàng hóa từ tàu lên đảo là xe ôm. Trong cái nắng oi ả của mùa hạ, bác xe ôm mình đẫm mồ hôi nói với chúng tôi:
– Lên xe đi, 2 người một xe, ở đây không có công an đâu mà sợ….
– Thế còn mũ bảo hiểm thì sao hả bác?
– Đã bảo không có công an mà lại….
Cuộc mặc cả chóng vánh ngã ngũ, hai người một xe phóng về trung tâm xã. Bánh xe trượt trên đá, lạo xạo. Đến đoạn đường dốc và nhỏ, xe chạy chậm, bác tài về số nhỏ, nói:
– Ôm chặt vào không rơi khỏi xe đấy.
Chúng tôi hốt hoảng túm chặt áo bác tài…
Việt Hải nằm gọn trong thung lũng, xung quanh núi bao phủ, mùa đông tránh gió, mùa hè tránh bão. Những ngôi nhà nhỏ lúp xúp hai bên đường. Dễ nhận thấy một dãy nhà hai tầng là đồn biên phòng Việt Hải. Cạnh đó là Uỷ ban nhân dân xã. Chỉ với 70 nóc nhà nhưng Uỷ ban nhân dân xã khá khang trang. Đón tiếp chúng tôi là chị chủ tịch xã. Gọi là chị chứ em ấy mới 27 tuổi, chưa lập gia đình. Nhỏ nhắn “mỏng mày hay hạt” và rất nhanh nhẹn. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau khi học xong đại học em đã về quê để chung tay cùng bà con xây dựng quê hương. Em có cái tên khiến ai gặp rồi cũng không quên: Nhớ! Em tên Nhớ!
Em tâm sự với chúng tôi:
– Dân xã đảo thiệt thòi lắm chị ạ. Trường học mới chỉ có trường cấp 1, cấp 2, chưa có trường cấp 3. Học sinh muốn học cấp 3 phải vào Cát Bà học, gia đình nào có điều kiện kinh tế mới cho con theo học được cấp 3 còn không học hết cấp 2 lại ở nhà theo cha đi biển hoặc theo mẹ làm nông nghiệp. Kinh tế không phát triển được nên mãi nghèo. Em muốn du lịch sẽ phát triển về đây để người dân quê em bớt nghèo, bớt khổ, bớt lạc hậu.
Một mong muốn chính đáng của người con Việt Hải. Với sự nỗ lực và nhiệt huyết của một chủ tịch xã tôi tin điều em muốn sẽ trở thành hiện thực.

*
Tôi trở lại Việt Hải vào ngày đầu thu tháng tám, khi heo may đã về với miền Bắc. Biển đã lặng sau nhiều cơn bão, sóng hiền hoà trong Vịnh Lan Hạ. Các chuyến tàu vận tải chở khách du lịch đi về trong ngày như mắc cửi. Ngồi trên boong tàu, hưởng gió biển và đón bình minh bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên tươi đẹp và ưu ái cho con người quá nhiều. Chỉ một giờ đi tàu là đến với Việt Hải. Sau 10 năm trở lại, cảm nhận được Việt Hải thay “áo mới”. Chờ sẵn du khách nơi bến tàu là những chiếc xe điện màu sắc, hiện đại, sạch sẽ. Con đường dẫn từ bến tàu vào xã đã được trải nhựa phẳng phiu, rộng rãi. Với 15 phút đi xe điện là tới trung tâm xã. Nhà dân vẫn sinh sống bám mặt đường, nhưng thay vào đó là những ngôi nhà khang trang rộng rãi gắn biển “Homestay”. Những khóm hoa nhiều màu dẫn du khách từ cổng vào nhà thật rực rỡ, tươi mới. Người dân nơi đây đã có thêm nghề mới: Kinh doanh dịch vụ du lịch! Dễ dàng nhận thấy cuộc sống người dân đã được thay đổi: Sung túc hơn và văn minh hơn!
Một công ty du lịch đã đầu tư xây dựng phát triển du lịch tại đây. Những ngôi nhà nho nhỏ, thấp, cửa gỗ cột tre, lợp mái lá cọ, nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn nội thất khách sạn 3 sao, làm hài lòng du khách mà vẫn mang đậm chất đồng bằng Bắc bộ. Cho du khách cảm giác được về quê mẹ, ngủ trong chính ngôi nhà tuổi thơ của mình. Khi màn đêm buông xuống, tiếng ếch nhái nói chuyện ì uồm, tiếng con thạch thùng tặc lưỡi “tiếc của”. Đặc biệt là tiếng tắc kè gọi bạn tình mùa sinh sản: Tha thiết, nồng nàn và gấp gáp!
Trời tang tảng sáng, tiếng gà gáy te te làm bạn tỉnh giấc, mở cửa đón cái se se lạnh của mùa thu. Gió núi heo may ùa vào phòng, phả hơi lạnh vào mặt, một cảm giác khoan khoái, tinh khôi.
Một câu hỏi đặt ra là: Đi du lịch Việt Hải được trải nghiệm những gì? Đến với Việt Hải ngoài trải nghiệm về cuộc sống người dân xã đảo, trải nghiệm cảm giác đi thuyền trên biển, du khách còn được trải nghiệm với rừng. Từ trung tâm xã bạn đi bộ xuyên qua cánh rừng, theo con đường mòn. Một cánh rừng keo lá nhỏ bạt ngàn, che khuất mặt trời giúp cho bạn không thấy nóng dù đi dưới trời nắng. Những cánh bướm nhiều màu sắc bay thành từng đàn, rất thấp, chỉ với tay là bắt được vài con. Mùi lá cây rừng rụng xuống ngai ngái nồng nồng. Con suối nhỏ róc rách chảy, nước trong veo nhưng chứa nhiều độc tố từ lá cây độc rụng xuống tan vào nước, bạn không nên rửa chân tay vì sẽ bị nổi mẩn và ngứa ngáy. Tuy không có những chú hươu nai như những cánh rừng nguyên sinh khác nhưng bạn cũng sẽ bắt gặp những chú dê đang leo dốc gặm lá cây. Mỗi khi có người đến gần phát ra tiếng động, giật mình ngơ ngác. Cảm giác thật thú vị!
Xuyên qua khu rừng, là bãi lau ngút ngàn tầm mắt. Lau cao quá đầu người, mọc san sát tạo thành rừng lau, chỉ chừa lại lối mòn cho người đi bộ. Mùa thu, hoa lau nở trắng rừng. Là nơi bạn có thể check in sống ảo vài ba bộ ảnh với màu sắc cổ điển. Nơi gợi nhớ tuổi thơ ta đánh trận với cờ lau. Con đường bông lau sẽ dẫn bạn đến với ngôi nhà “cổ”. Ngôi nhà thì mới nhưng được xây dựng với những nguyên liệu nhà cổ đưa từ nơi khác về dựng lên. Cột gỗ lim một người ôm không xuể, mái ngói mũi hài rêu phong. Ngôi nhà ba gian rộng rãi kiểu nhà lớn. Đặc biệt là giếng nước cạnh lối vào khu nhà đặc trưng cách bố trí người dân Bắc bộ. Bên lối đi là những khóm sả, hương nhu, hoắc hương ngan ngát thơm. Chủ dự án là người phụ nữ Việt lấy chồng người Pháp. Với tình yêu Tổ quốc, bà muốn đầu tư về đây để xây dựng một khu làng Việt cổ phục vụ cho khách du lịch đồng thời phát triển du lịch tại Việt Hải. Công trình đang được thi công dở dang thì nhận được giấy đình chỉ xây dựng do khu đất nằm trong qui hoạch một dự án nào đó của thành phố. Vậy là một dự án du lịch đành bỏ dở. Thật tiếc!
Ở đây dường như bình minh đến muộn và chiều tà sớm hơn những nơi khác trên đảo bởi núi bao phủ xung quanh. Đây là thời điểm thích hợp để bạn đạp xe khắp xã, len lỏi từng ngõ ngách, gặp gỡ giao lưu với người dân, tìm hiểu về cuộc sống của họ. Từ cụ già 90 tuổi vẫn lên rừng lấy cây xạ đen về làm thuốc chữa bệnh cho dân đến cháu bé chăn trâu rất gần gũi nhiệt tình. Họ sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí nếu bạn muốn. Tất cả làm nên một không gian du lịch cộng đồng thân thiện.
Việt Hải mang trong mình tiềm năng du lịch rất lớn nhưng chưa được khai thác. Việt Hải sẽ là điểm sáng du lịch cộng đồng trên bản dồ du lịch của thành phố Hải Phòng nếu được quảng bá rộng rãi, và có những dự án du lịch “dài hơi”.

M.H

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder