
Kỳ 11
Anh Di luôn được ông bà chủ nhắc nhở rằng còn khối thợ bánh giỏi đang chầu chực để được vào đây làm với lương rẻ hơn. Di chỉ cười nhạt. Mọi người trong xưởng này đều biết Di là một thợ bánh ngoại hạng mà các lò bánh mì quanh đây đều mong có được. Như dân làm bánh ở đây nói: Di đã là thợ bánh trước khi làm thợ bánh; còn trước đó nữa thì Di cũng làm thợ bánh! Bà Khởi đã phải tốn kém nhiều mới triệu được Di từ một lò bánh khác về đây với lợi thế là đồng bào của anh ta. Di thành thạo đến mức tinh xảo việc chế tác loại bánh dùng cho bánh xăn-uých, hăm-bơ-gơ,…; làm được loại các loại bánh mì thông thường và bánh ngon đặc biệt. Anh là thợ cả của xưởng bánh này. Nhưng bây giờ hơi gas tàn phá sức khoẻ anh. Thợ bánh mỗi ngày một nhiều, Di đã mất giá. Nhà chủ đã chán Di, muốn thải.
Di có thể kiếm được việc ở nơi khác tốt hơn, nhưng anh nhẫn nhục ở lại đây vì một người khác. Đó là chị Nhu. Nếu như vào thời Di còn sáng giá, có thể xin được việc lao động phụ cho chị Nhu ở nơi anh đến, anh sẽ rời bỏ ngay cái xưởng bánh tồi tệ này.
Gã Đảo cũng xin làm lao công phụ việc của xưởng bánh. Hắn mua bánh mì thứ phẩm để ăn. Trên bàn ăn của hắn luôn có cốc nước lã thay sữa và rượu. Nhưng khi được người ta đãi, hắn có thể uống rượu như uống nước lã. Vĩ đã mất toi với hắn chai “Nếp mới” đem từ nhà đi. Danh hỏi gã Đảo: “ăn khổ như chó thế, để tiền cưới vợ à? Nhưng khổ quá, chết mẹ nó mất, thì còn vợ viếc chó gì nữa? ” Vĩ dịch cái câu thô lỗ thân tình ấy, dĩ nhiên bỏ hết những “chó” đi. Gã Đảo cười hiền lành lắc đầu. Hắn có một người chị ruột và hai đứa cháu gọi bằng cậu. Gã anh rể, một gã Kivi vô tích sự và vô lương tâm, là công chức nhà nước, nhưng bê tha rượu chè chơi bời, tháng nào cũng tiêu sạch lương, còn moi thêm tiền trợ cấp của vợ con. Gã Đảo phải thêm cho chị gái tiền nuôi các cháu.
Người chị của gã Đảo thỉnh thoảng đến thăm em trai. Có lần Vĩ đang ngồi trong phòng gã Đảo, người chị đến, đem theo hai đứa con gái sinh đôi. Người mẹ nhỏ bé ốm yếu, da màu đất, đôi mắt màu nâu mở to thất thần, cúi đầu rất thấp khẽ chào Vĩ một câu gì đó. Hai đứa bé gái khép nép bám vào váy mẹ, tò mò nhìn Vĩ rồi chạy ào lại bên gã Đảo, cậu của chúng. Gã Đảo đang ăn, mớ tóc đen dài bỏ xõa che khuôn mặt cúi xuống đĩa sùm sụp húp món súp đóng hộp, đẩy mấy cái bánh thứ phẩm méo mó về phía hai đứa cháu. Người chị thu dọn căn phòng bề bộn rồi ngồi xuống bên gã Đảo. Hai đứa bé đứng dựa bên chân cậu lặng lẽ gặm bánh mì, thỉnh thoảng chấm miếng bánh vào đĩa súp của cậu.
Danh bắt đầu học nghề bánh mì. Danh không du học, nó sang Tân Êđen theo bảo lãnh của ông Khởi. Anh Di được chủ giao dạy Danh kỹ thuật làm bánh. Anh dễ tính với bọn trẻ, không chấp nhặt chuyện Danh là cháu ruột lão chủ lò bánh mà anh căm ghét. Thỉnh thoảng Danh đem ít thức ăn kiếm được trong nhà bếp của bác nó góp vào bữa ăn với mọi người. Nó khoe:
– Em có hai sư phụ, một thày dạy võ, một thày dạy nướng bánh. Thằng nào léng phéng, em giở võ giã cho mềm người ra rồi tống vào lò nướng.
– Ai dạy mày võ? – Anh Di ngạc nhiên hỏi Danh. Danh chỉ Vĩ:
– Võ sư Vĩ đây chứ còn ai nữa.
Anh Di nhìn Vĩ ngờ vực:
– Chú em có võ thật à?
– Thằng Danh nói bậy. – Vĩ ngượng nghịu – Võ vẽ gì đâu. Em chỉ được một ông anh truyền cho mấy miếng phòng thân.
Danh khoe chuyện ở sân bay:
– Thằng hải quan to con hơn anh Di. Nó giơ tay tát anh Vĩ. Bàn tay nó bằng cái xẻng nướng bánh, trúng cái tát ấy, vỡ mặt là cái chắc. Anh Vĩ đang đói mà vẫn gạt bay cái tát rồi tống cho nó một quả tung hàm. Sướng mắt hơn xem phim chưởng.
– Nếu đúng thế thì có ngày chú mày lại phải giở cú đấm ấy ra. – Anh Di nói và nhìn chị Nhu đầy ngụ ý.
*
Đã qua sáu tháng. Vĩ đã quen với cuộc sống tự lập. Những khoản tiền đặt trước đã hết. Tiền ăn hết từ trước đó ba tháng. Trong túi chỉ còn 1.000 NED. Mỗi tuần, các khoản tiền ăn, thuê nhà, điện nước, học phí, ô tô buyt, tiêu vặt hết 350 NED. Không thể tiêu ít hơn được nữa. May mà không ở nhà mụ Êmilia, nếu không sẽ phải tốn gấp rưỡi thế. Vĩ không ăn uống gì ngoài phố, không vào rạp xem phim hay ca nhạc, thỉnh thoảng sang xem nhờ tivi của anh Di, nhân thể thuyết minh cho anh ấy xem phim. Ngày nghỉ, Vĩ nghe mấy đứa bạn học mách bảo, ra sân bay, tìm người Việt mới sang phiên dịch hay viết tờ khai thuê cho những người kém tiếng Anh. Cũng chẳng được mấy. Mấy đứa bạn mới quen Danh hỏi được một chỗ làm cho Vĩ. Phục vụ lò mổ gia súc. Phải làm suốt đêm. Đó là việc làm thích hợp về giờ giấc. Vĩ ngẫm nghĩ. Đêm đi làm, ngày đi học, cũng hợp lý, nhưng chỉ chịu được ít hôm, rồi sẽ ngủ gật trên lớp học, rồi kiệt sức, phát ốm. Kiếm được đồng nào, thuốc men hết. Vĩ bảo thằng Danh:
– Có cách nào kiếm được 350 NED mỗi tuần? Mày nói với bác Khởi cho tao làm bánh mì thêm ngoài giờ và các ngày nghỉ. Việc vớ vẩn gì cũng được.
– Xong ngay.
Danh đến gặp bà Khởi xin việc cho Vĩ. Bà Khởi cười, tay vẫn cộng trừ sổ sách:
– Trông công tử thế mà rách. Được cái hiền lành thật thà. Cho vào tốp chuyển hàng. Vác bột vào kho. Xếp bánh vào hộp rồi chuyển lên xe. Bận học thì làm ca sáng sớm với ca chiều tối, lĩnh ba phần tư lương ngày, 30 NED. Thứ bảy chủ nhật làm cả ngày, thì được 40 NED. Rơi vãi, làm bẩn, làm hỏng bánh, bột phải đền. Nghỉ giờ nào trừ giờ ấy. Có việc bận muốn nghỉ, phải báo trước một ngày. Ốm đau tự lo. Hàng tháng phải tự bỏ tiền đi bác sĩ khám kiểm tra sức khoẻ. Có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm phải thôi việc, dọn đi nơi khác ngay.
Những câu ngắn dứt khoát như từng gạch đầu dòng của bà chủ được Danh truyền khẩu cho Vĩ ngay. Vĩ cười buồn chấp nhận cái bộ luật lao động ấy. Đội quân làm thuê của xưởng bánh mì, toàn là dân Việt tha phương cầu thực và hai người dân đảo, bây giờ có thêm một chú lính mới là Vĩ. Đám bạn học người Việt lại ghen tị Vĩ số may, có việc làm ngay tại chỗ, không phải đi lại mất thời gian tốn tiền xe.
Chị Nhu làm tạp vụ, lau chùi quét dọn nhà xưởng, giặt giũ, nấu ăn cho nhà chủ, và phụ giúp cho bà Khởi các việc linh tinh không tên khác. Chị được hưởng lương 35 NED mỗi ngày. Chị còn làm thêm việc giặt giũ, dọn phòng, nấu ăn cho những người thợ khi họ cần, cũng kiếm thêm hai ba trăm NED mỗi tháng. Chị làm suốt ngày đến 9, 10 giờ đêm mới hết việc.
Chị Nhu soạn một bữa cơm Việt có nhiều món ngon để mừng Vĩ có việc làm. Bữa này có một chai vang đỏ của thằng Danh kiếm được đâu đó đem đến góp. Anh Di mở chai vodka Lúa Mới đặc sản Việt vẫn cất giữ từ rất lâu, nhưng loại rượu ấy chỉ có Danh uống một chén, còn mình anh Di uống. Chị Nhu như được nấu bữa ăn cho gia đình, cũng liều uống một cốc vang, má đỏ hồng, cười sung sướng đi lại phục dịch ba anh em. Di uống gần nửa chai rượu Lúa Mới, hơi say, nhìn chị Nhu:
– Mình… số khổ, lúc nào cũng… – Anh nhỡ miệng, gọi chị Nhu là “mình”, vội câm bặt. Không ai biết “mình” là anh ta hay chị Nhu, nhưng Di vẫn nói chữa – Cô cứ ngồi ăn, có việc quái gì quan trọng mà cứ luật quật…
Di nhớ tới một người phụ nữ. Lẽ ra Di cũng có một gia đình. Sau này Vĩ được chị Nhu cho biết, anh ta sang đấy để trốn cái án đánh người trọng thương. Người yêu của Di đẹp, bị gã con một của ông cỡ to tán tỉnh. Di điên lên, cho thằng kia một trận thập tử nhất sinh, phải khiêng đi bệnh viện trung ương. Tưởng mình đã làm cho ông lớn ấy mất giống, Di sợ quá bỏ trốn. Nhưng rồi lại biết chính người yêu của mình đã theo thằng ấy từ lâu. Khi hắn khỏi, cô ta đã lấy hắn. Di thuê làm giấy tờ giả, chữa tên chính là Dinh thành Di, mò về nhà bán vét mọi thứ của bố mẹ, chạy chọt sang Tân Êđen, để trốn tránh, để quên. Nhưng có lúc tất cả lại trở về trong tâm trí, làm Di không yên. Chính là lúc này, Di nhìn Nhu thấy giống người con gái ấy.
Di đứng lên, khật khừ:
– Tớ về, mai dậy muộn là hỏng hẳn. Vẫn còn cái án lơ lửng trên đầu… – Anh ta vơ chai rượu Lúa Mới còn non nửa trên bàn định cầm theo, nhưng chị Nhu đã giữ chai rượu lại:
– Để em cất ở đây cho.
Di nhìn chị Nhu. Đôi mắt ướt đục dại đờ vì say, vì nỗi buồn và lòng biết ơn. Đáng lẽ ở đây người ta mặc xác Di. Anh cứ việc uống thỏa thích, rồi say chết dúi dụi trong đống bao tải đựng bột mì như một con chuột bị bẫy thuốc. Vậy mà vẫn có một người phụ nữ đẹp, hiền như mẹ, như chị của Di săn sóc anh. Mẹ và chị của Di, hai người ở quê nhà sống nghèo khổ. Thỉnh thoảng Di lấy tên một người khác gửi về cho họ ít tiền. Di cố sức làm việc, mong tích cóp một khoản tiền lớn để một ngày nào đó có thể đổi đời cho những người thân yêu đó.
Đến cửa phòng, Di chợt đứng sững lại như vấp vào một bức tường. Anh ợ một tiếng “hự ”, như tiếng nấc, rồi lắc lư cái đầu, quay lại cười khẩy, bảo Vĩ và Danh:
– Chúng mày chịu khó bám lấy cái lò bánh mì,… hự… cái lò thiêu xác này mà sống. Đường tới tương lai của chúng ta rải toàn…bánh mì… hự… Rồi tao sẽ truyền nghề cho. Đừng tưởng nướng bánh là chỉ có nướng cho bánh nở ra và chín. Phải am hiểu sở thích về bánh mì của dân Tân Êđen khác với dân Anh chính quốc như thế nào. Thế nào là bánh dòn, thế nào là bánh dai để làm xăn-đuých, hăm-bơ-gơ,… Có người thích thứ bánh mì mới nướng, lại có người ưa loại bánh ra lò được một ngày; đúng một ngày, không hơn không kém một giờ. Hự…
Chị Nhu nói khi anh Di đã ra khỏi phòng:
– Anh ấy có lần uống say, dậy muộn, nhỡ mẻ bánh sáng. Bà chủ đã định đuổi việc. Sau phải làm giấy cam đoan, nếu tái phạm sẽ bồi thường thiệt hại rồi thôi việc. Bây giờ sợ, tối nào cũng chín rưỡi là đi ngủ để ba giờ sáng dậy nướng mẻ bánh ăn lót dạ cho các nhà hàng.
B.V