
Kỳ 4
Ngôi biệt thự này trước kia là của cô Hậu, chị cả của bố Vĩ. Hồi trẻ, cô Hậu đẹp có tiếng. Một ông kỹ sư xây dựng học ở Pháp về, cưới cô, xây ngôi biệt thự này. Năm 1953, ông kỹ sư đưa vợ con vào Sài Gòn rồi sang Pháp, giao ngôi nhà lại cho bố mẹ vợ. Sau này, bố mẹ Vĩ bán gian nhà tập thể đến đây cùng ở. Ngôi biệt thự hai tầng rộng hơn hai trăm mét vuông diện tích ở, sàn lát gỗ, mái nhà lợp ngói khay, thứ ngói có dập nổi tên một hãng sản xuất gạch ngói của Pháp. Một kiểu biệt thự Pháp điển hình, đầy đủ tiện nghi. Có tầng hầm chứa rượu, lò sưởi, gác xép áp mái làm kho đồ cũ. Phía sau là dãy nhà một tầng dành cho người giúp việc, bếp ăn, kho, nhà xe, bể nước mưa. Một khoảng sân lớn phía trước nhà, có bồn hoa, bể cảnh và một vườn cây rộng đến ba trăm mét vuông. Khu vườn thu hẹp dần sau mỗi lần ông bà nội bán đi cho người ta cùng với khu nhà phụ Bây giờ còn lại ngôi nhà chính, một khoảng sân và hơn trăm mét vuông vườn. Trong vườn vẫn còn những cây bóng mát trồng từ thời mới xây nhà, trở thành cổ thụ. Mùa hè, chim về nhiều, hót suốt ngày trong những vòm lá. Ngày nắng mới, ve sầu kêu ran khu vườn. Những âm thanh ấy làm bà nội nhớ về vùng quê Hạ Trang.
*
Bà nội Vĩ kể chuyện, giọng đều đều theo cách kể những câu chuyện cổ, nhưng thỉnh thoảng lại suýt xoa như đang mang một vết đau. Làm vợ một người như ông Binh Viễn, bà có nhiều vết thương sâu kín.
Khu đầm ấy trước là ruộng trũng. Cụ Tổng Hạng cho đào để vật đất tôn nền khu nhà thờ họ Trần. Nhà thờ ấy lớn như ngôi đình của một làng trù phú đông dân, có hẳn một gian thờ đức thánh Trần. Ngôi nhà thờ ấy thuộc đất bên Thượng Trang, nhưng cũng không còn gì.
Nhà cụ Tổng Hạng giàu nhất vùng, mà nổi tiếng là người nhân đức, vua biết mặt chúa biết tên, tuy chẳng có phẩm hàm chức tước gì. Năm đói, cụ xuất kho lúa cứu dân quanh vùng, được thưởng bội tinh, được tôn vinh là cụ Tổng, hiểu như chánh tổng hay tổng đốc cũng được. Thế mà khi cụ mất đi thì ngay từ đời con rồi đến các đời cháu đều lận đận, bần hàn, cơ nghiệp tan tành, đến phần mộ tổ cũng không còn nguyên vẹn.
Bà nội vui sướng kể những câu chuyện mơ hồ như không có thật:
– Này, cá chép, cá mè, cá chắm nuôi nước đầm nhà mình ngon đặc biệt. Nhất là cá mè, nức tiếng khắp vùng. Ngọt thịt, xương mềm mà không tanh. Cụ Tổng Hạng cứ định kỳ cho bắt cá mè loại cân rưỡi, thả ngâm vào rong nước chính đầm nhà đựng trong thúng đại chít sảm nhựa trám, cho người đem lên kinh tiến vua làm gỏi. Đem cá lên kinh rất kỳ công. Còn hơn cả việc đem vải thiều nước mình đi tiến bà Dương Quý Phi của vua nhà Đường bên Tầu ngày xưa.
Cứ hai người một thúng ngâm cá sống, chia làm ba kíp thay nhau gánh bộ, người chưa đến lân thì ngồi ngựa đi trước đến trạm đón đầu, ăn nghỉ chờ người gánh đến để thay phiên. Đi liên tục suốt ngày đêm, chỉ non hai ngày đến kinh thành, cá còn sống tươi nguyên như vẫn ở dưới đầm. Lại còn đem theo cả nước đầm nhà đi để thay cho cá nữa chứ. Sao phải khiêng cá đi bộ mà không chở bằng ngựa cho nhanh? Là để không dồi lắc làm kinh động cá, ảnh hưởng đến chất thịt. Người khiêng bộ cũng phải chọn lựa từ những lực điền trai tráng, tính nết thuần thục không nóng nảy sơ suất. Hai người một thúng, đều bước nhún nhảy nhịp nhàng, mắt nhìn xuống đất, đặt chân từng bước vững chãi. Một người thứ ba đi trước, dợm đường nhắc nhở hoặc thay thế kịp thời.
Bà nội của Vĩ đã ước ao được trở về cái đầm ấy để tắm giặt một lần cuối đời dưới bầu trời quê cao xanh. Hồi thiếu nữ, bà là người có nhan sắc của Hạ Trang, con nhà khá giả có chữ nghĩa. Cô Thảo cảm mến anh Viễn chỉ vì giọng hát của anh. Có lẽ vào một buổi chiều mùa hạ trên đầm nước này, khi cô gái con nhà cụ Bá Vượng bơi chiếc thuyền thúng vớt rong đang mở lòng mình trước cảnh chiều phóng khoáng thì tiếng hát mê hồn của anh Cả Viễn cháu nhà cụ Tổng Hạng, cất lên ngân nga:
Thuyền thúng là thuyền thúng ơi
Ai về bên ấy cho tôi cùng về…
Tôi nhờ mây nhờ gió bãi Dương Khê
Đem người bên ấy trở về bến tôi
Thuyền thúng là thuyền thúng ơi…
Không hiểu vì câu hát truyền cảm cất lên đúng lúc hay vì tiền định mà cô con gái cụ Bá đã bỏ ngoài tai những lời khuyên của họ hàng, bạn bè để theo Binh Viễn, anh lính thuộc địa lang bạt kỳ hồ, nổi tiếng khắp vùng là kẻ phóng đãng. Để rồi cô đã khổ sở vì những chuyện trăng gió của anh.
Bà nội cười bảo cái Vân:
– Con gái như chiếc thuyền thúng, xoay tròn giữa dòng khó đến bến bờ như ý mình. Giạt về đâu là do khéo chèo khéo lái, lại còn tuỳ dòng nước.
Thuyền thúng là thuyền thúng ơi
Xoay đi xoay lại chẳng sang chơi bên này
Để ai ngơ ngẩn đêm ngày…
*
Dường như những người trong ngôi biệt thự chỉ chìm đắm trong những hoài niệm, những chuyện đâu đâu và những ảo tưởng. Trong nhà chỉ còn mẹ lo chuyện sinh sống hàng ngày cho cả nhà và chuyện của Vĩ.
Cái Vân cũng lo chuyện tìm việc làm cho anh trai. Vân học xong Đại học Sư phạm, dạy theo hợp đồng dài hạn cho một trường dân lập. Chính Vân suýt nữa xin được cho Vĩ chân giáo viên thực hành môn Điện toán ở trường của nó. Vân đã hớn hở khoe với Vĩ về lời hứa “sẽ quan tâm đến trường hợp này” của ông hiệu trưởng. Vân là giáo viên giỏi, được thày hiệu trưởng trẻ quý mến đặc biệt. Nhưng rồi Vân đã khóc báo cho Vĩ biết, bà trưởng phòng giáo vụ đã chiếm suất ấy cho cháu mình.
Có buổi trưa, Vân nói chuyện với ông già bán lục tào xá về anh trai của mình đang làm cho công ty liên doanh. Ông già bán món chè óc đậu ấy trông thảm hại, người khô quắt, da tái sỉn không ra màu sắc gì như tất cả những người bán hàng rong và ăn xin. Ông ngước nhìn ngôi biệt thự và cô bé xinh đẹp tươi tắn, nghĩ rằng những người trong ngôi biệt thự này thuộc một chủng tộc khác được hưởng những đặc ân của Trời. Họ giàu có, đẹp đẽ, có học vấn và nghề nghiệp cao sang, sống hạnh phúc. Ông khoe với Vân, thằng con trai của ông cũng mới tốt nghiệp kỹ sư điện, cũng đi làm cho một công ty nước ngoài, lương tháng được hàng mấy “vé”. Ông già khốn khổ bịa thế để tự an ủi, để sĩ diện với người đời. Chắc là lúc ấy, thằng con ông đang trần trùng trục ngồi xay đỗ tương trong một xó bếp tối tăm ẩm thấp với những thùng chậu và giẻ rách. Vân đoán như thế, nhưng vẫn ra vẻ tin lời ông. Còn ông già không hề nghi ngờ điều Vân nói về Vĩ. Ông múc món tào pha cho Vân, cốc đầy hơn mọi lần, rồi hớn hở gánh thùng hàng đi, cứ như những điều ông nói về thằng con trai là thật. Ông vui sướng rao vang cái ngõ trưa vắng:
– Pha-a-a-à-ạ… – Tiếng rao xa dần, chỉ nghe “oà-à-ạ-ạ…” Buồn như tiếng kêu của một con quạ già.
Ông cụ Viễn đã thỏa mãn những khao khát của thời trai trẻ; nhưng ông đã không trở thành người giầu có sau những cuộc phiêu lưu ấy, như ao ước. Ông chỉ đem về được mấy bộ quần áo dạ màu cứt ngựa với những mề-đay, dây ngù xanh đỏ; cái mũ chào mào (ca-lô) và ít tiền đủ để sống một năm cho ra vẻ là người nhà binh ở bên Tây về, xứng với cái danh dân làng tôn cho là thày Binh Viễn, hay ông Pháo Viễn.
Vĩ biết ông nội của nó không hoàn toàn là một anh lính vô tâm, bông lông. Ông cũng tự thấy mình không giúp được gì cho con cháu, thậm chí còn làm khổ họ vì cái thời tuổi trẻ phóng đãng của ông.
Đến lúc ốm nặng, trước khi mất, ông cụ Viễn nhớ đến bà Li-li-an và bác Giăng Trần Văn. Trước cái ngưỡng sinh tử, ông mơ hồ một mối hy vọng ở những người ruột thịt ngoại lai ấy. Chính là mối hy vọng hão huyền mà Vĩ đã gợi ra. Biết đâu ở tít cái xứ xa mạc cằn cỗi khô khốc ấy, Giăng Trần-Văn lại là một vị quan lớn hay là một ông chủ giàu có, Giăng sẽ tìm về quê nội. Chắc chắn Giăng sẽ giúp cho anh em Vĩ. Ông thương đứa cháu đích tôn thất nghiệp. Ông cũng lo cho hai mẹ con bà Li-li-an nếu họ không may mắn. Ông như nhìn thấy họ trên màn hình ti-vi trong chương trình thời sự quốc tế, họ lãn trong những người da đen khốn khổ chạy loạn, đói ăn, bị dịch bệnh, chiến tranh. Ông thực lòng thương nhớ những người thân yêu ấy.
Ông cười buồn bảo, sẽ phù hộ cho Vĩ có được công ăn việc làm. Ông hy vọng trong thế giới của những người chết, linh hồn người ta sẽ có khả năng siêu phàm.
Nhưng khi hấp hối, ông cụ thì thào nhắc đến Tân Địa: “Nu…Nu-ven…Te…”. Mụ mị giữa ranh giới của hai cõi sinh tử, chút sinh khí còn sót lại và chút ý thức mờ nhạt loé lên lần cuối cùng, ông nhớ đến khu đảo Tân Địa, nhớ đến cô thổ dân Burao. Dù sao, Tân Địa vẫn là một vườn Địa đàng. Giá Vĩ đến được đấy, nó sẽ tìm được hạnh phúc. Thì một thời những người ở Tân Đảo về nước cũng đã là những người giàu có.
Vĩ khóc thương ông nội vì chuyện này. Nhưng khi ông cụ Viễn nhắm mắt, nằm bất động, Vĩ thấy trên khuôn mặt ông nội phảng phất một nụ cười đùa cợt. Nó nhớ tới câu nói của ông cụ lúc hai ông cháu hứng khởi với ảo tưởng về “bác Tôm”, vị tổng thống của một nước cộng hoà thuộc châu Phi. Vĩ sẽ trở thành một quan chức cao cấp trong phủ tổng thống, hay ít ra cũng là một chuyên viên phiên dịch của ngài Ngoại trưởng.
– Ê! Bông-dua Me-sừ Vĩ, Tờ-ra-đuých-tơ đờ Pờ-rê-dí-đằng!.
B.V