Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ -kì 9

Kỳ 9 

Lớp của Vĩ có ba mươi học sinh. Hai mươi đứa là người ở các nước châu À. Số còn lại là người bản xứ, dân Maori, Kanak và hai gã người Maori lai Anh, giống người như gã hải quan sân bay hôm nọ và cả mụ Emilia nữa. Đó là giống người dị dạng được sinh ra do những cuộc hỗn phối cẩu thả giữa thổ dân bản xứ với những tù nhân bị lưu đầy đưa từ Anh quốc đến, ở những thế kỷ trước. Họ có hình thể xấu xí: mũi nhọn, chân tay ngắn ngủn; khi di chuyển, bụng và ngực liền một đường cong, cổ vươn về phía trước, như hình dáng con chim Kivi ở xứ này.

Trường Bách khoa mang tên James Hawkins được thành lập từ năm 1964 trên một khuôn viên xinh xắn với kiến trúc nguy nga tinh tế đa dạng, và là sự kết hợp hài hòa của nhiều nền văn hoá. Bằng tốt nghiệp ở đây có giá trị quốc tế. Đây là một trường tư thục thời hiện đại, nhưng cách tổ chức vẫn như những trường tư cổ điển ở mọi nơi trên thế giới. Nhà trường thu học phí để nộp thuế kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, trả lương giáo viên, và ở thời bây giờ khoản đầu tư cho quảng cáo dược chú trọng hơn và tốn kém hơn để có thể thu hút được nhiều du học sinh từ các nơi. Nhà trường đã gửi quảng cáo đến khắp các nước châu Á. Bố Vĩ luôn giữ trong mình bản quảng cáo về ngôi trường Vĩ học để khoe với bạn văn chương của ông.

Cha mẹ của bọn trẻ ở những quốc gia nhược tiểu muốn con mình được hưởng nền giáo dục văn minh như trong những tờ quảng cáo, để trở thành những trí thức theo tiêu chuẩn quốc tế. Họ đã không tiếc tiền cho cuộc đầu tư này. Làn sóng du học sinh thi nhau tràn đến các trường học danh tiếng của các nước lớn. Ngành kinh doanh giáo dục thu lợi nhuận cao đem lợi ích đến cho các ngành liên quan khác ngay từ khi nó bắt đầu vận hành, chưa ra sản phẩm.

*

Ngày học đầu tiên. Một màn hình vi tính khổ lớn do một nhân viên của phòng giáo vụ thuyết trình bằng hình ảnh và phụ đề bằng các thứ tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật bản. Anh chàng trẻ tuổi nhanh nhẹn và hài hước như một người dẫn chương trình truyền hình.

Hai tiết học sau giới thiệu cho sinh viên biết về đất nước Tân Êđen và về ngôi trường họ đang học. Một nữ giáo viên tiếng Anh, da trắng, đứng tuổi, mái tóc vàng chớm bạc búi cao, ăn mặc gọn gàng nghhiêm trang cứng đờ như một hình nhân bằng gỗ, bước vào lớp học. Chắc là người ta đưa một phụ nữ đến tiếp xúc với các sinh viên mới để tạo một không khí dễ chịu ban đầu. Bà tự giới thiệu, rồi điểm danh, yêu cầu từng người nói vài câu về mình để biết khả năng tiếng Anh thực tế của mỗi người. Vĩ thuộc loại trung bình.

Bà giáo treo lên bảng tấm bản đồ châu Đại Dương và Tân Êđen. Máy tính trợ giúp việc minh hoạ chi tiết. Bà nói thật chậm những câu tiếng Anh ngắn và chính xác để sinh viên dễ hiểu. Bà kiên nhẫn nhắc đi nhắc lại những câu phức tạp mà sinh viên có thể chưa hiểu. Giữa các câu ngắt, bà mỉm cười, nụ cười chào hàng của các nhân viên tiếp thị, của các tiếp viên hàng không, nhạt và giả.

Vĩ đưa mắt lướt nhìn quanh lớp học. Những đôi mắt lo âu. Có vẻ buổi học đầu tiên quá dài và căng thẳng đối với những đứa con của những gia đình nghèo chưa được chuẩn bị để tiếp nhận hình thức giáo dục mới. Vĩ biết, mỗi cô cậu kia đều hiểu giá trị của những đồng tiền mà cha mẹ chúng đã cực nhọc gom góp để mua cho con mình một tương lai đẹp đẽ. Và chúng lo lắng, sợ không đủ năng lực để tiêu những đồng tiền đó một cách có ích.

Vĩ ăn bữa trưa ở căng-tin nhà trường. Nhà ăn rộng, sáng sủa, và ồn ào như mọi nhà ăn tập thể của học sinh sinh viên. Mỗi người tự đến nhận khay thức ăn riêng theo khẩu vị dân tộc đã yêu cầu, rồi tìm một chỗ ngồi ăn.

Cô cấp dưỡng béo đỏ chật cứng trong bộ đồ nhà bếp màu trắng, một hình mẫu chung cho mọi đầu bếp trên thế gian. Vẫn với nụ cười tiếp thị của bà giáo tiếng Anh, cô ta đẩy đến trước mặt Vĩ cái khay bằng nhựa có những món ăn kiểu Trung Quốc như nó đã báo, loại đồng hạng: Cơm, canh rau cải, thịt kho và bắp cải xào gan; một cốc nước cam. Sinh viên không được uống bia rượu trong trường.

Vĩ đem khay thức ăn đến bên của sổ, một mình một bàn, lặng lẽ ăn. Ngoài cửa sổ là mảnh vườn nhỏ có những cây cọ thấp tán lá xoè rộng như đuôi công, trông đẹp nhưng lạ lùng, không một chút thân mật.

Vĩ thấm thía nỗi cô đơn của bữa ăn không gia đình ở một nơi xa lạ. Thức ăn không ngon miệng, có lẽ Vĩ đã quen những món mẹ và em gái nấu. Những ngày cuối, nhà túng bấn, bữa ăn chỉ hai món rẻ tiền, nhưng vẫn là thứ quen thuộc. Bây giờ, dù không thấy đói lắm Vĩ vẫn phải cố ăn hết mọi thứ trong khay. Tiền của mình, không được bỏ phí, ở đây sẽ không ai cho Vĩ một xu.

Vài hôm nữa, Vĩ sẽ làm quen với mấy đứa người Việt trong trường, hỏi dò chúng chỗ làm thêm vào ngày nghỉ và ban đêm. Sáng nay, trước khi đi học, Vĩ đã nhờ thằng Danh hỏi người nhà hộ việc này.

Buổi chiều, Vĩ trở về xưởng bánh mì. Một phụ nữ chừng hơn ba mươi tuổi, nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh xắn hiền lành đứng ở gần cầu thang như có ý đợi nó. Chính là chị người Việt đã đưa bánh và súp vào buồng cho Danh và Vĩ hôm mới đến đây. Chị ta đến bên, cười chào:

– Chào em, em là Vĩ mới đến đây phải không?

– Vâng, có chuyện gì  ạ?

– Chị là Nhu, làm tạp vụ của xưởng. Bà chủ bảo hỏi em có ăn bánh mì của xưởng thì báo cho chị biết.

– Vâng, chị cho em bánh cả ba bữa.

– Thứ bảy chủ nhật ngày nghỉ, em vẫn ăn bánh hay ăn cơm?

Vĩ ngẫm nghĩ rồi trả lời chị Nhu:

– Tuần này em ăn bánh mì cả. Tuần sau em sẽ báo lại.

Vĩ nhớ, mẹ và cái Vân đã sắm cho Vĩ một bộ đồ nấu ăn đủ nồi, soong, bát, đĩa… Bà nội và mẹ đã rơm rớm nước mắt khi sắp xếp những thứ ấy cho Vĩ. Vân thì phì cười, bảo: “Em không hình dung ra anh Vĩ nấu bữa ăn như thế nào.” Vân nhét thêm quyển sách dạy nấu ăn vào mớ đồ nghề nhà bếp.           Chị Nhu cười, nhìn Vĩ thân thiện:

– Em thu xếp phòng đi, rồi chị đem bánh lên cho.

Vĩ lên cầu thang, đi qua dãy hành lang, nhìn lướt vào trong các phòng. Những người thợ làm bánh đang ở trong phòng của họ. Vài người đang cúi mặt xuống đĩa thức ăn bữa tối. Có người nằm dài xem tivi. Một người to cao lực lưỡng đi đi lại lại trong căn buồng như chật chội đối với anh ta, vừa thu dọn gì đó vừa thở phì phò như con gấu trong chuồng. Tất cả đều là người châu Á và đều có dáng vẻ xấu xí thô lỗ. Họ sẽ là hàng xóm của Vĩ.

Chắc bánh mì ở đây cũng không đắt lắm, nhưng đến khi cạn tiền, Vĩ sẽ báo loại bánh thứ phẩm. Nó là thằng học sinh nghèo, giữa những người thợ lam lũ ở một nơi chẳng ai thân thuộc, có gì phải xấu hổ.

*

Vĩ đứng giữa phòng, nhìn quanh nơi nó sẽ sống một mình. Căn phòng sơn màu vàng nhạt rộng chừng mười lăm mét vuông, có nhà xí tắm riêng gần cửa ra vào theo kiểu khách sạn nhưng chỉ là những thứ loại xoàng. Chiếc giường đệm khá sạch, một bộ bàn ghế nhỏ. Một tủ đựng quần áo bằng gỗ nhân tạo kê ở góc phòng.

–  Nơi đây yên nghỉ kỹ sư điện toán phần mềm Trần Văn Vĩ.

Vĩ nói rồi quăng túi sách vở lên bàn, nằm vật ra giường nhắm mắt lại. Xung quanh im lặng quá. Vĩ như nghe tiếng cười của cái Vân, tiếng ho khúc khắc của bà nội. Mẹ nói với cái Hoàn chuyện gì đó dưới bếp. Và bố đang dọn giọng như sắp sửa ngâm một câu thơ ngây ngô, buồn cười. …Thuở hồng hoang chưa một tế bào Tôi

Những tiếng nói lúc gần lúc xa, sôi réo lạo xạo như phát ra từ một chiếc radio cũ. Rồi có tiếng gõ cửa. Vĩ giật mình. Nó vừa thiếp đi.

Vĩ ra mở cửa. Thằng Danh bổ vào phòng, đi sau là chị Nhu bưng chiếc hộp nhựa và một đĩa sâu lòng đựng một món ăn gì đó bốc khói thơm.  Danh đã có một bề ngoài khác hẳn. Đầu cắt ngắn như trọc, quần bò màu sáng, áo thun rộng sặc sỡ có in hình một tay da đen lướt ván trên ngọn sóng dữ. Chắc đám con ông bác đã khai hoá cho chú em quê. Nó nói oang oang:

– Em hỏi được chỗ làm cho anh, nhưng… – Nó tự đưa bàn tay bịt  mồm ngăn một câu chửi tục làm Vĩ phì cười. Chị Nhu đặt hộp đựng bánh và đĩa thức ăn lên bàn, dịu dàng:

– Cậu mới đến chưa kịp sắp đồ nấu ăn. Chị nấu  thêm món canh khoai sọ. Em không chê thì ăn tạm. Gọi là món Laplap nước của người ở đây vẫn ăn. Chị đã gia giảm cho giống món canh củ ở nhà mình.

Danh xoay người trước tấm gương trên cánh tủ quần áo, hớn hở bảo Vĩ:

– Anh ăn đi. Chị Nhu vừa cho em một bát, ngon hơn canh củ ở nhà. – Cu cậu đang khoan khoái vì ngoại hình của mình được nâng cấp.

Vĩ cám ơn chị Nhu và ngồi xuống bẻ bánh mì ăn với canh khoai sọ. Vĩ thấy đói cồn cào khi thấy một món ăn quen thuộc.

Chị Nhu lặng lẽ thu dọn căn phòng cho gọn gàng, tự nhiên như một người chị ruột làm Vĩ cảm động. Một người đồng bào tốt bụng nhân từ Vĩ gặp đầu tiên ở hòn đảo xa lạ. Món canh rất ngon. Bột khoai sọ trộn bột gạo cho thêm sánh. Tôm bóc nõn, loại cá gì đó thịt rất trắng được lọc xương nấu với các loại rau thơm, và rắc hạt tiêu bắc nữa. Giá mà còn những thức ăn và gia vị khô để tặng chị Nhu. Gã hải quan khốn kiếp. Có thể khi mọi người về rồi, hắn sẽ bới thùng rác, lấy những thứ đó về dùng. Cái giống man rợ ấy thì cái gì mà chả ăn được.

– Chị nấu ngon quá. Chị vừa bảo món này ở đây gọi là gì? – Vĩ không giữ ý, lấy miếng bánh cuối cùng vét đĩa canh.

– Thổ dân gọi là món Laplap nước. Còn món bánh bột khoai sọ cũng ngon, nhưng làm cầu kỳ lắm.

– Có phải là bánh bột khoai sọ, nhân thịt, cá, nướng bằng những hòn cuội được nung nóng bỏng?

Chị Nhu ngạc nhiên:

– Đúng như vậy, sao em biết?

– Em  nghe người ta nói thế.

Ông nội của Vĩ đã từng nói đến món Laplap ở Tân Địa. Có lẽ đó là món ăn phổ biến của cư dân các đảo vùng Thái Bình dương.

Thằng Danh đã thôi không ngắm nghía mình trong gương. Nó ngồi xuống ghế, gác lên bàn cặp chân đi đôi giày to tướng, buộc rất nhiều dây nhợ. Lại một hình thức văn minh Danh mới được truyền thụ. Nó trịnh trọng tuyên bố:

– Em đã thông báo với chị Nhu, sư phụ Vĩ của em có chí học hành, nhưng hơi bị rách. Em đề nghị chị hàng ngày nấu món gì thì quá tay lên một tị, rồi xẻ cho sư phụ em. Riêng vấn đề bánh mì, để em xử.

Chị Nhu và Vĩ bật cười. Vĩ bảo Danh:

– Làm thế, hai bác mày đuổi tao đi sớm.

– Hôm nay Danh đã nói với chị rồi. – Chị Nhu bảo Vĩ – Cậu Vĩ đừng ngại, ở đây ai cũng tự nấu ăn lấy cho rẻ. Nếu cậu không ngại thì ăn chung với chị. Nhiều người chỉ thêm bát thêm đũa.

– Thế thì đúng như bà em nói. Em đã gặp quý nhân phù trợ. Chỉ sợ làm chị vất vả. Còn bánh mì, Danh phải để tớ mua đàng hoàng.

Chị Nhu cười ngượng nghịu:

– Chị nói thật, chị chỉ ăn bánh thứ phẩm thôi.

– Chị ăn thế nào em ăn thế ấy.

B.V

 

*

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder