Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ Kỳ 10

Ở trong nước, chị Nhu cũng ở thành phố P. Nhà chị ở khu công nhân của những nhà máy có từ rất lâu đời bên kia cầu Thượng. Vĩ đã từng đến đấy. Xóm thợ thuyền chen chúc hai bên bờ con sông quanh năm nước ngầu đục đầy váng dầu. Những ngôi nhà lụn vụn dựng bằng đủ các loại vật liệu rẻ tiền màu sắc ảm đạm tạo nên một khung cảnh nghèo nàn nhưng nên thơ, rất hấp dẫn các hoạ sĩ.

Chị Nhu kể cho Vĩ nghe chuyện nhà chị. Buồn và nhàm như những chuyện trong các tác phẩm văn học ngày xưa trong các sách giáo khoa mà Vĩ đã học.

Hai vợ chồng làm ở nhà máy đóng tàu. Chồng chị Nhu là thợ đúc, ốm yếu nghỉ mất sức. Chị là công nhân cạo rỉ sắt, có một đứa con gái đang học lớp hai. Nhà túng quá, chị làm đơn li dị giả rồi thuê một ông Việt kiều ở Tân Êđen lấy làm chồng để được sang bên này đi làm thuê. Một loại dịch vụ kỳ quặc tốn rất nhiều tiền.

Chị Nhu mới ở cái công đoạn làm vợ người ta được hơn một năm, phải chờ thêm hai năm nữa mới tới công đoạn trở lại làm vợ của chồng mình. Nhưng chỉ là chuyện may rủi. Nếu bị phát giác là vợ chồng giả thì mất tiền toi. Vì thế, trong vòng ba năm, nói theo cách Việt Nam là “thời gian thử thách”, chị phải cố kiếm đủ số tiền để trả cho cái dịch vụ hôn nhân giả ấy, khoảng hơn hai mươi nghìn NED, là gần ba trăm triệu đồng Việt Nam, và phải kiếm thêm ít nhất đủ số tiền để về nước nếu chẳng may bị hỏng việc, phải về mo, nghĩa là lại trở về vạch xuất phát, theo cách nói của người mình.

Sống giữa những kẻ giảo hoạt, khôn khéo, chị Nhu vẫn phải cố làm được nhiều tiền, thật nhiều tiền với sức lực của một phụ nữ và bản tính của một người hiền lành thật thà. Chị Nhu ước ao ở đây có việc cạo rỉ vỏ tàu thủ công, một công việc nặng nhọc và nguy hiểm chị đã quen, mà chắc ít người muốn làm. Như vậy chị sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Chị đã đến khu bến cảng thăm dò. Cũng có một nơi sửa chữa tàu thủy, nhưng người ta dùng máy và hóa chất làm sạch vỏ tàu trước khi sơn lại.

Vĩ đã thấy những công nhân cạo rỉ làm việc, khi Vĩ còn là học sinh trung học, được đi tham quan một nhà máy đóng tàu. Việc thiết kế, chế tạo các bộ phận và lắp ráp con tàu dù thực hiện trong một khung cảnh bề bộn ngổn ngang sắt thép, đầy bụi bậm và các chất thải, nhưng vẫn có tính công nghiệp. Còn cạo rỉ tàu thì hoàn toàn là việc làm thủ công của thợ “gõ ghét”. Họ treo mình trên dây, đứng trên những dàn giáo chênh vênh áp vào sườn con tàu, cầm các dụng cụ thô sơ ra sức mổ, gõ vào mặt thép vỏ tàu để làm sạch rỉ sét. Nhìn toàn cảnh giống một con vật khổng lồ đang khoan khoái nằm ườn ra để bầy ký sinh làm sạch lớp da của nó. Nhiều tiếng búa mỏ gõ lộn xộn không đều liên tục gây cộng hưởng âm thanh làm người ngoài muốn phát điên lên. Thợ gõ ghét nhét bông vào tai, quấn khăn che kín mặt, chỉ hở một khe nhỏ cho đôi  mắt lim dim, câm lặng làm việc. Bụi rỉ sắt mù mịt, mặt áp vào vách thép thành tàu; mùa hè nóng bỏng như mặt chảo rang, mùa đông khí lạnh như băng đá phả ra bao bọc toàn thân, và tiếng gõ đinh tai nhức óc. Họ vẫn câm lặng làm việc như những như những người máy vô tri giác. Chưa thấy sách nào nói về cái nghề kinh khủng này.

Lũ học sinh sợ hãi đứng nhìn những người thợ gõ ghét làm việc dưới nắng rừng rực. Thế mà chị Nhu đã làm nghề gõ ghét từ năm mười sáu tuổi. Cha chị là công nhân triền đà chuyên việc hạ thủy tàu, bị tai nạn chết, chị được nhận vào nhà máy làm việc. Trong bụi thép mù mịt và những tiếng gõ như tra tấn, những người thợ gõ ghét thường bị các bệnh viêm phổi, mờ mắt hay ù tai nghễnh ngãng, chùn cột sống, phù nề bàn chân; ai cũng mắc bệnh da liễu, suy nhược thần kinh. Nhưng chị Nhu vẫn khoẻ mạnh, dậy thì, trắng trẻo, cân đối, đẹp; như cây trường xuân thân dây leo sống trên mái nhà lợp tôn mà vẫn tươi tốt, nở hoa rực rỡ. Chị lấy anh Tất. Chị đẻ cái Yến. Anh Tất nghỉ việc. Cả nhà không thể sống bằng khoản lương thợ gõ ghét của chị nên phải liều bán một nửa đất nhà và vay thêm tiền để sang Tân Êđen. Chị Nhu làm quần quật kiếm từng đồng để mong sớm gặp lại chồng con. Chị nhớ con gái không lúc nào nguôi. Nỗi nhớ như một thứ bệnh sâu kín trong nội tạng. Chị mơ thấy con cả trong những phút chợp mắt buổi trưa. Có lúc chị gọi tên con, “Yến ơi! ”, sung sướng như nhắc đến một báu vật của mình.

Vĩ ăn xong, chị Nhu dành lấy việc rửa bát đĩa. Vĩ bảo để nó tự rửa. Chị Nhu không nghe:

– Cậu ở cùng thành phố với chị, là đồng hương.  Mới gặp cậu, lại nghe cậu Danh nói, chị biết cậu là người tốt, hiền lành, hiểu biết. Cứ cho chị coi cậu như em trai.

Chắc là đã rất lâu, chị  Nhu không được săn sóc một người thân. Vĩ thấy điều đó và không nỡ làm chị buồn. Nó đành đóng vai một thằng em lười nhác.

Chiều tối hôm sau, đi học về, chị Nhu đến gọi nó sang bên phòng chị ăn cơm. Có một người thứ ba cùng ăn chung với hai chị em. Đó là người đàn ông to lớn thô kệch mà tối qua Vĩ nhìn thấy anh ta đi lại trong căn phòng chật hẹp. Chị Nhu bảo Vĩ:

– Chị quên chưa nói với em. Đây là anh Di, thợ nướng bánh. Anh bận không nấu lấy được nên cũng ăn chung với chị em  mình.

Vĩ chào anh thợ nướng bánh, và nhìn bàn ăn bày bữa cơm Việt thân thuộc: Canh cá nấu dọc khoai, rau sống, nước mắm ớt, thịt kho và bát đũa thìa muôi đầy đủ.

Anh thợ bánh nhìn Vĩ:

– Chị Nhu bảo  chú là em họ chị ấy, hả?

– Vâng ạ. – Vĩ trả lời. Nó nghĩ chắc có điều gì cần thiết, chị Nhu mới nhận nó là em họ. Anh Di nói với Vĩ, thân tình nhưng cục cằn:

– Tốt. Mẹ nó chứ, ở cái đảo bằng miếng đất chó ỉa này toàn đồ đểu, gặp người cùng quê đã quý, đây lại là họ hàng. Chú mày cứ coi tao như anh. Chú mày mới đến đây, lớ ngớ, nhỡ có đứa nào ức hiếp, cứ bảo anh.

Vĩ cảm ơn anh Di. Nhưng anh bảo ơn với huệ đếch gì. Vĩ cười, cảm động vì sự thân tình của anh.

– Anh bảo thật, ở đây phải cẩn thận với vợ chồng lão Khởi, chủ lò bánh này.

Vĩ ngơ ngác không hiểu, anh Di nói thêm:

– Chắc chú mày nghĩ chỉ là chuyện muôn đời giữa chủ và thợ. Nhưng nơi đất khách quê người, mà người mình lại bức hại người mình, mới khốn nạn.

Anh Di như phẫn nộ lắm. Vĩ nhìn anh thông cảm, rồi nói thêm vào câu phàn nàn của anh, như nhắc anh đó là điều dĩ nhiên:

– Nhưng… ngay ở quê nhà mình cũng thế.

Anh Di ngừng nhai cơm, ngẩn người ra ngẫm nghĩ, rồi cười ngây ngô:

– Ừ. Nhưng thế cũng khốn nạn quá.

Sau này Vĩ còn nghe nhiều lần anh Di nhắc cái câu “khốn nạn quá” như câu chửi rủa của riêng mình. Dù sao cũng đỡ hơn câu chửi của thằng Danh.

Ăn xong, anh Di vội đứng lên về phòng ngủ, để mai dậy sớm nướng mẻ bánh cho người ta ăn sáng. Chị Nhu nói với Vĩ, thì thào, vì phòng anh Di giáp bên cạnh:

– Anh Di cục mịch nhưng tốt tính. Chị đàn bà, yếu thế bị người ta lấn át, anh ấy phải ra vẻ thân thiết với chị để người ta ngại…

Vĩ lờ mờ nhận ra một điều gì đó. Chị Nhu còn trẻ, bị người nào đấy quấy rầy bức bách. Anh Di ra tay hiệp sĩ, ra vẻ là người thân để người ấy phải ngại anh thợ nướng bánh hộ pháp mà không dám làm  hại chị.

– Còn em, em giúp chị, nhận là chị em con bá con dì, để chị như là có họ hàng ruột thịt ở đây, đỡ thân cô thế cô… – Chị rơm rớm nước mắt – Ở nhà, chị cũng có đứa em ruột bằng tuổi em. Nhưng nó không được như  em… Nó hỏng rồi…

Chị Nhu nặng nhọc đứng lên đi vào trong bếp. Rồi có tiếng sụt sịt. Chị vào trong bếp để có thể khóc tự nhiên.

Chị nhớ chồng thương con và dù anh Di chất phác, tốt bụng, chị cũng vẫn phải giữ mình. Chị nhận Vĩ là ruột thịt để chính anh Di lại phải giữ ý với Vĩ. Chị cố chịu khổ, hy vọng cái dịch vụ hôn nhân mong manh, mơ tưởng đến ngày sẽ đưa chồng con sang đây.

Đối diện với phòng Vĩ ở là phòng của một gã cao lớn không kém anh Di nhưng trông đờ đẫn, ngây độn. Hắn là dân Tân Êđen gốc Maori. Mấy hôm sau Vĩ và  hắn đã nhận ra là học gần trường nhau. Hắn học trung học, cạnh trường của Vĩ. Cả hai nói chuyện với nhau bằng thứ tiếng Anh của những người không phải là người Anh nên có vẻ dễ hiểu hơn. Hắn có cái tên đặc Anh, Stiu-ơt, nhưng mọi người trong xưởng bánh gọi hắn thành tên là thằng Đảo, gã Đảo. Ở đây người ta gọi thông tục những người thuần gốc Maori hay Kanak là dân đảo, người lai giữa dân đảo và dân Anh  là Kivi.

Gã Đảo to xác xấu xí, trông đần độn nhưng hiền lành. Hắn được nhà nước trợ cấp cho đến khi có việc làm theo chính sách chung đối với dân đảo. Gã Đảo lười nhác và bẩn. Hắn học dốt, cứ mỗi lớp hai năm. Thằng Danh bảo hắn: “Cứ chơi hưởng trợ cấp cho đến già. Học làm chó gì cho khổ.” Vĩ dịch cho hắn nghe câu hỏi của Danh, hắn cười, lắc đầu: “Tiền trợ cấp ít.” Hắn ăn rất khoẻ, lại còn một bà chị và hai đứa cháu phải giúp nên luôn không đủ tiền. Làm quen với Vĩ được mấy ngày, hắn vay tiền Vĩ luôn, mỗi bận chỉ mấy đồng lẻ. Hắn vui lòng ăn những gì người trong khu nhà trọ ăn thừa đem cho hắn. Anh Di khinh bỉ gã, bảo đấy là con vật nuôi chung của xưởng bánh.

Anh Di có lý do để ghét dân đảo. Dân đảo là nguồn lao động hạ cấp giống như dân lao công Việt, nhưng dân đảo là người bản xứ, được quyền làm mình làm mẩy với nhà nước đòi tăng lương, chống sa thải. Dân đảo ghét đám lao công Việt vì thói nhẫn nhục chịu đựng, sẵn sàng phá giá công lao động chung, trở thành đối thủ cạnh tranh đáng sợ của dân đảo. Đã có những cuộc kiến nghị đòi trục xuất những người lao động Việt đang sống bất hợp pháp ở đây. Nhưng các công xưởng, nhà hàng, nông trại lại chuộng nguồn lao động rẻ mạt và luôn vâng chịu này. /.

B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder