Văn học trẻ Hải Phòng, những kì vọng và lo âu phía trước – Lương Kim Phương

Một nền tảng mĩ học lôi cuốn, một chiều sâu tư tưởng cùng sự cách tân mạnh mẽ, sự chấp nhận dấn thân trong cô độc để cống hiến tài năng, phẩm tính vẫn là những thử thách quá lớn không chỉ của những người viết trẻ Hải Phòng hôm nay mà đang là kì vọng và mối lo chung đặt ra với văn học trẻ đương đại trong thời kỳ công nghệ thông tin này.

Vanhaiphong- Trước thách thức của thực tại đời sống trong xu thế kinh tế mở toàn cầu và những áp lực của đổi mới văn chương đồng thời phải sàng lọc thu nhận hình thành “Chất bản ngã”… những người cầm bút trẻ Hải Phòng cần hướng tới điều gì? Chuyên mục Văn trẻ của vanhaiphong.com xin giới thiệu một lát cắt phê bình qua góc nhìn của Lương Kim Phương (Hội viên Hội NVHP, thành viên Ban văn trẻ HP) – một người trong cuộc viết về chính thế  hệ mình.

Cụm từ “Văn học trẻ” hay “văn trẻ” ở đây tôi bàn tới chủ yếu nói về lực lượng sáng tác tuổi đời còn trẻ chứ không có tham vọng bao quát những người trẻ lòng cầm bút hoặc tất cả các cây bút viết cho thế hệ trẻ. Văn trẻ Hải Phòng hiện nay không nằm ngoài tình hình chung của văn học trẻ cả nước: được nhiều kì vọng nhưng không ít những lo âu.

Hải Phòng từ lâu được coi là mảnh đất văn chương. Thế kỉ XX, Hải Phòng đóng góp cho văn chương Việt Nam những tên tuổi nổi bật: Khái Hưng, Nguyên Hồng, Văn Cao, Lê Đại Thanh, Nguyễn Viết Lãm, đặc biệt ở thời kì văn học đổi mới từ sau 1975, hàng loạt những tên tuổi tạo nên một thế hệ vàng của văn chương đất Cảng nổi danh như: Thi Hoàng, Dư Thị Hoàn, Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn, Vũ Thị Huyền (thơ) hay: Nguyễn Quang Thân, Bùi Ngọc Tấn, Bão Vũ, Đình Kính, Đoàn Lê (văn xuôi). Họ đã và đang là những cây bút gây nhiều tiếng vang trên văn đàn Việt và được bạn đọc trong, ngoài nước đón nhận. Đơn cử trường hợp Mai Văn Phấn, tuổi đời của anh không còn trẻ (Mai Văn Phấn sinh năm 1955) nhưng với tài năng và sức sáng tạo cùng bút lực dồi dào, anh tạo nên hiện tượng xuất bản thơ năm qua khi liên tiếp các tập thơ của anh được dịch tại Anh, Pháp, Mỹ, Anbani, Thái Lan…nằm trong số những sách thơ bán chạy của thư viện điện tử Amazon book và được bạn thơ quốc tế đánh giá cao.

Nhưng nhìn vào lực lượng sáng tác trẻ của Hải Phòng hiện nay, thấy không khỏi ái ngại. Hai năm gần đây, những cái tên mới được gia nhập Hội Nhà văn VN như: Công Nam, Nguyễn Quốc Hùng, Dương Thị Nhụn, Nguyễn Đình Minh thì tuổi đời của họ đã không còn trẻ. Một số cây bút mới được phát hiện và có một số giải thưởng nho nhỏ như: Đỗ Thị Hồng Vân (văn xuôi), Trần Thị Lưu Ly (thơ) thì cũng đã trên dưới 50. Một số cây bút trẻ xuất thân từ Hải Phòng nhưng thành danh ở những miền đất khác như: Khánh Phương (phê bình), Cấn Vân Khánh (truyện ngôn tình), Phạm Vân Anh (thơ). Những cây bút thế hệ 7X, 8X của Hải Phòng được gọi là trẻ hiện nay có: Bùi Thị Thu Hằng, Nguyễn Hoàng Lược, Lê Mạnh Thường, Phạm Thùy Linh, Phạm Thúy Nga, Cù Thị Thương…thì cần hơn nữa sự dấn thân cho văn chương. Người ta trông chờ các cây bút thơ nữ trẻ vượt thoát khỏi những tâm tình vụn vặt, những góc khuất riêng tư, những cảm tính nhất thời và cả những ngộ nhận về bút pháp, kĩ thuật viết để những trang viết có đích đến xa hơn nữa. Lê Mạnh Thường cũng là một phát hiện mới của văn xuôi đất Cảng hiện nay. Trải nghiệm trong môi trường hải quân, cảnh sát biển, những trang văn của anh gắn với biển, với thân phận người lính thủy có thể dự báo như một “tiểu Đình Kính” (theo cách nói của giới điện ảnh, ca nhạc). Song thời đại của anh khác thế hệ đi trước, cần lắm ở anh sự đổi mới trong cách nhìn, cách cảm và trong thi pháp văn xuôi đương đại. Nhắc tới Lê Mạnh Thường, tôi nhớ và tiếc cho bạn văn của mình là Lê Minh Thắng. Những năm 90 của thế kỉ XX, Lê Minh Thắng là cây bút văn xuôi trẻ được kì vọng khi đạt giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong. Nhưng cuộc sống với nhiều lối rẽ đam mê khác ngoài văn chương, lại gắn với nghiệp báo, Lê Minh Thắng từ lâu không viết văn nữa. Tiếc cho Thắng, cũng là tiếc cho rất nhiều người viết trẻ Hải Phòng hoặc buông văn chương vì cơm áo không đùa với khách thơ, hoặc vẫn cố viết nhưng từ lâu trang viết đã không còn chất văn, không còn sức nặng tâm hồn nữa.

Đánh giá về văn học trẻ, nhiều nhà phê bình đã lo ngại về cuộc dấn thân nửa chừng (ý của nhà phê bình Bùi Việt Thắng). Riêng tôi, tôi thấy căn bệnh của những người viết trẻ và không ít người cầm bút nói chung là bệnh vĩ cuồng, ảo tưởng quá lớn về cái Tôi khi mà thực lực chưa tới. Tất nhiên, những người viết trẻ cần vượt qua cái bóng quá lớn của những người đi trước để sáng tạo và khẳng định như lời một nhà văn Achentina từng nhắn nhủ thế hệ trẻ đừng tôn thờ mình rằng: “Hỡi tuổi trẻ, hãy giết chết Booghet”.

Một nền tảng mĩ học lôi cuốn, một chiều sâu tư tưởng cùng sự cách tân mạnh mẽ, sự chấp nhận dấn thân trong cô độc để cống hiến tài năng, phẩm tính vẫn là những thử thách quá lớn không chỉ của những người viết trẻ Hải Phòng hôm nay mà đang là kì vọng và mối lo chung đặt ra với văn học trẻ đương đại trong thời kỳ công nghệ thông tin này.

LKP

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder