Vụ gặt năm ấy, con trâu nhà bị phát cước chết trong mùa rét. Không có trâu đánh vùng lúa trên sân, mấy cha con phải đập néo rời rã cả chân tay. Cha Nhu bèn sang làng bên thuê trâu. Lúc người dắt trâu vào sân bỏ nón xuống chào, bỗng gò má Nhu nóng rực. Ôi! Gã trai ghẹo mình đêm nọ! Cái đồ phải gió!…
Vụ gặt năm ấy, con trâu nhà bị phát cước chết trong mùa rét. Không có trâu đánh vùng lúa trên sân, mấy cha con phải đập néo rời rã cả chân tay. Cha Nhu bèn sang làng bên thuê trâu. Lúc người dắt trâu vào sân bỏ nón xuống chào, bỗng gò má Nhu nóng rực. Ôi! Gã trai ghẹo mình đêm nọ! Cái đồ phải gió
!Nắng chiều gay gắt bỗng non lại bởi những đám mây ngang sà thấp. Bà ra ngõ ngồi tựa lưng vào cây cột trụ đã bong vữa lỗ chỗ trơ những viên gạch mòn nhẵn. Cả tháng nay, bà vẫn ngồi như thế đợi ông, như một pho tượng cổ. Đây là thực hay mơ? Chả lẽ ông vắng xa thật rồi sao?
Đời bà đã ba lần tưởng goá. Một lần, bà là cô Nhu cắp nón về nhà Ngoạn, chưa thuộc hơi chồng thì Ngoạn nhập ngũ. Trai trong làng báo tử nửa lượt. Tám năm sau mới thấy Ngoạn về… Một lần Ngoạn theo gái, như chiếc bè vó trôi lên tận mạn ngược… Một lần Ngoạn bị bão lốc cuốn ngoài biển… Thôi, cái lần thời bom đạn chả nói làm gì. Trai thời loạn. Chinh chiến ra đi, mấy ai, mấy nhà trọn vẹn. Đằng này hai lần kia rõ ràng chồng ở ngay bên mà… trông mỗi ngày một xa!
Lần ấy… Ngoạn ở mặt trận về. Vợ chồng đang đằm thắm thì con yêu tinh xuất hiện! Nó đâu người miền trên, Hà Đông, Phú Thọ gì đó, lấy chồng làng Phục Lễ bên kia sông. Tuy không đẹp bằng Nhu, nhưng nó mầm mẫm, yểu điệu đến chảy nước (ấy là hàng xóm người ta bảo thế). Nó buôn hàng tấm, chuyên chạy từ chợ Sắt Hải Phòng về các chợ quê. Quấn áo lụa là, ăn trắng mặc trơn nhẽ nào chả đẹp. Thử Nhu cũng thế xem có gấp năm gấp mười hạng nó? Chồng nó làm thợ nề, vì quá khích do đám bạn thách đố nhảy từ giàn giáo cao tít xuống để lấy cược một túi bánh nướng. Ai dè, chân vừa chạm đất, anh chàng gục bất động, gẫy sụn sống lưng… Từ ấy, con trương thây đẫy cốt được thả cửa. Dun dủi thế nào nó lại bỏ ngải đánh néo ngay vào chồng Nhu. Chỉ mấy chuyến đò dọc của ông Trưởng Lở, “thằng xồng đánh đôi cái xệch” quện nhau đi lúc nào không biết. Nhu giận lắm, ruột như bị bỏ muối. Mẹ chồng rủ rỉ: “Đàn ông năm bảy lá gan, lá nằm bên vợ lá toan cùng người! Cái giống thấy gái lạ như quạ thấy gấc, chán rồi lại về với vợ cái con cột thôi con ạ!”
Nhu thắt lưng buộc bụng nuôi con. Từ lúc thằng Lu hai tuổi, con Lược bế tay đến khi đứa vào lớp một, đứa mẫu giáo… Năm năm đằng đẵng. Đùng một cái, Ngoạn dẫn thân cò bợ về nhà, đầu tóc bơ phờ như lão Trương Hàn thua bạc. (Trong làng có lão Trương Hàn nặng bồng nhẹ tếch, ngồi lê chiếu bạc cả đời, hai mông đít chai như vỉ hắc ín ngâm nước). Vừa giận bầm gan. Vừa thương thắt ruột. Phải hàng tháng sau Nhu mới quen lại được mùi mồ hôi khê nồng pha tạp mùi son phấn con mẹ hàng tấm người thiên hạ kia…
Ngoạn tinh nghịch, tếu táo và lém lỉnh. Bắt đầu từ cái đêm xem chèo hội chùa Đông. Đang đứng cùng cái Thấm nghển cổ xem, Nhu thoảng nghe bên cạnh có tiếng thì thào: Hai đứa cùng đẹp… Con bé tóc dài chấm gót xinh hơn… Đố mày đụng được nó!… Thoáng cái, bầu vú bị bóp nấy bóp để, Nhu giật bắn mình quay lại, suýt chạm vào một khuôn mặt trẻ măng: Cái anh này! Chỉ làm liều… Ô hay, ai trêu gì cô? Gã trai tỉnh bơ. Rõ ràng anh vừa buông tay! Ơ… tôi gãi đầu chứ! Khéo vạ miệng đấy nhé! Đám trai bấm nhau cười khùng khục: Bánh dày sốt dẻo! Có bán không em?…
Vụ gặt năm ấy, con trâu nhà bị phát cước chết trong mùa rét. Không có trâu đánh vùng lúa trên sân, mấy cha con phải đập néo rời rã cả chân tay. Cha Nhu bèn sang làng bên thuê trâu. Lúc người dắt trâu vào sân bỏ nón xuống chào, bỗng gò má Nhu nóng rực. Ôi! Gã trai ghẹo mình đêm nọ! Cái đồ phải gió!
Từ đó, tối nào anh ta cũng lội tắt đồng sang nhà Nhu, nát cả cỏ ngõ. Thế là bén duyên… Đám cưới vừa dỡ rơm xong thì Ngoạn có lệnh nhập ngũ. Đơn vị anh vào sâu mãi chiến trường Nam Bộ. Ngày giải phóng miền Nam, người ta về làng tay xách nách mang bọc lớn bọc nhỏ, thứ nọ thứ kia. Riêng Ngoạn ba lô dính bệt lưng. Anh hề hề: Đem được cái “gáo” với “bộ ấm chén” nguyên vẹn về cho mình là phúc lắm rồi! Tháng sau lợp lại mái ngói cũ bị dập vỡ, Ngoạn theo đoàn thuyền đánh cá của hợp tác ra biển. Chuyến nào nước kém, thuyền neo bến, Ngoạn cũng đem về một giỏ ốc đẽ cho Nhu. Ốc đẽ luộc với lá chanh, ăn mới ngon giòn, thú vị làm sao. Vợ chồng vừa ngồi tỉ tê nhể ốc nhét vào miệng nhau vừa đùa chí choé đến tận khuya. Mái tóc Nhu thoảng thơm mùi hoa bưởi. Ngoạn vẫn thường miết môi lên, hít lấy hít để như nuốt cả không gian. Ngoạn lăn xả vào giúp vợ từ đồng áng đến bếp núc. Cày cuốc, gặt hái xốc vác. Cẩn thận từ sợi lạt, chiếc đòn sóc, cây sào. Nồi cơm cũng thơm dẻo, tinh tươm. Kể chuyện tiếu lâm thì khỏi chê. Thỉnh thoảng còn… không biết lôi ở đâu ra… đệm vài phát rắm! Khiến ai cũng cười lăn lóc. Lại còn ca dao hò vè, thơ phú nữa chứ. Thảo nào mà con bé thiên hạ mê mệt, đeo bám!
Hôm Ngoạn bỏ nó về với Nhu, tủi thân quá, Nhu chạy vào buồng khóc rấm rức: Cơm no bò cưỡi ở đâu… bây giờ anh mới đoái hoài mẹ con tôi?… Ngoạn đến bên, đùa bỡn vô tư: Liệu cơ… bò người nó biết đi ăn. Dại gì cắt cỏ nuôi chăn phí đời. Tớ lại về với bò nhà đây thôi!… Anh… anh bảo ai là bò? Nhu ngẩng lên, giàn giụa nước mắt. Ấy ấy… Khất lỗi… khất lỗi. Ý người ta bảo bò… là bò khác… bò khác!…
Cứ vậy, làm sao mà giận được?
Tiếng con cuốc đâu đó, nghe đăm đắm như ở phía cuối làng. Bà vẫn ngồi bó gối. Đôi mắt nhìn xa xăm. Buồn tê tái như con sông cạn đáy. Gió lay vòm cây bưởi xào xạc, buông xuống mấy chiếc lá. Ngày Ngoạn theo gái, Nhu cũng ngồi thế này, một pho tượng chuyển màu dưới ánh trăng. Vầng trăng rờ rỡ, tròn đầy mà lòng Nhu cô quạnh, lạnh ngắt. Chả lẽ đàn ông sinh ra là để đa mang đủ điều đủ thứ cho đáng mặt? Còn phận đàn bà thì vun quén, chịu đựng? Chịu, thì bà đã cắn răng… Một người đàn ông đang bước đằng kia. Ôi, ông ấy? Áo phong phanh. Nước da đỏ sẫm. Nắng gió, mưa ròng muối mặn đã một thời hun đúc nên dáng vóc cường tráng chàng trai biển. Ai cũng bảo: Cập tuổi lục tuần, mà trông bác Ngoạn chẳng kém gì giai tơ! Vậy mà… đêm ấy rét lắm, đang trong chăn ấm ra ngoài đi giải, ông đã bị cơn gió độc vật đổ. Con người, đúng là cái bóng đèn, giọt nước rơi, không biết lối nào mà lường!
Cánh đồng có con đường mòn chạy tắt trước mặt nhoà dần trong chạng vạng. Người đàn ông đi qua. Bà dụi mắt. Ông ta gật đầu, rảo thẳng về xóm khác. Bà thẫn thờ. Lệ chứa chan. Bao giờ lại thấy được ông ấy về?
***
Chếch bên kia ngõ, trên sân một ntoaf nhà ngất ngưởng, người thiếu phụ trẻ cũng vừa đi ra vừa chải tóc. Mùi dầu gội thơm sực nức. Nàng đặt chiếc ghế nhựa cạnh cánh cổng sắt và ngồi xuống. Dáng điệu buồn bã, nàng nhìn xa cuối con đường chạy tắt qua cánh đồng. Đen thật! Mới đầu tháng đã dẫn ngay một lũ một lĩ về đánh chén thịt chó. Nốc cho lắm vào rồi mửa thốc mửa tháo ra nhà. Lại một tay gái này dọn dẹp. Y rằng điềm gở. Công an mò đến…. Nàng lẩm bẩm.
Suốt mấy tháng nay đài báo, ti vi rộ lên tình hình có lệnh chấn chỉnh, giải toả các cơ sở khai thác, vận chuyển, kinh doanh tiêu thụ than trái phép. Chồng nàng bỗng bị bắt. Tưởng chuyện than nhựa qua loa, ai ngờ lại dính chuyện gái trinh, gái tiết, có khốn nạn không? Đồ đàn ông đến lạ. Xác thịt nào chả thế. Cái thân thể này không thoả dày vò ư, lại chết đuối vì mấy con chíp hôi?.. Nghề than thiếc rõ nhiêu khê. Đang công ty này lại đổi công ty khác. Nào trách nhiệm hữu hạn, nào cổ phần? Vẽ chuyện! Lắm cán lắm quan, tốn tiền tốn giấy. Công ty nào bằng phản thịt chợ quê, một mình một việc, cứ mì ăn liền là yên trí nhất?… Thậm thụt Chiều Tím, Hương Quê cho lắm vào rồi hư thân mất nết. Tím với quê gì mấy cái nhà hàng chúng nó. Rặt một lũ treo đầu dê bán thịt chó! Một bọn đú đởn! Hễ bấm số điện thoại chồng là con ranh nào đó lại éo ắt: Số máy vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quí khách vui lòng gọi lại sau… Cha sư bố nó! Năm sáu bận vui lòng! Ngồi mát đó mà vui lòng.
Nàng là Thơm. Trước đây nhà Thơm có một sạp hàng tạp hoá ở chợ Đình. Trên đường lên thượng tổng học cấp ba, Chu vẫn đi qua đó. Thấy Chu ngày nào cũng cuốc bộ từ tinh mơ, Thơm đon đả: “Nhà có xe máy, mình tập cho Chu để hai đứa đi cựng cho vui”. Từ đó, Chu đến lớp không bị trễ giờ, thỉnh thoảng còn được Thơm nhét chiếc áo may ô mới tinh vào cặp. Nhà nghèo, lại mồ côi cha, sáu, bẩy tuổi Chu đã đi đánh búa thuê cho lò rèn. Nhưng bù lại, Chu học khá. Tốt nghiệp trung học, Chu vào trường Đào tạo nghề Mỏ. Ra trường đang lơ ngơ chưa biết về đâu, thì gặp lại Thơm. Thơm săn đón: Về nhà em nghỉ, mọi chuyện tính sau!
Thơm có chửa. Chu tránh mặt. Lo sợ và chán ngán, Chu bỏ ra biển kéo chã định đánh bài thoái thác. Nhưng, một hôm bố Thơm ra tận Cảng Mới nơi bầy thuyền chã về đậu để tìm Chu. Ông dỗ dành: “Bác đã cậy dì Tâm xin cho cháu vào Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ. Tuy trái nghề nhưng nhàn cháu ạ! Không dễ đâu, người ngoài phải vài chục triệu kia đấy. Nhưng tôi nhận anh là con cháu. Chẳng phải đồng nào. Với lại anh cũng phải xót giọt máu của anh trong bụng con Thơm chứ. Chẳng qua cũng vì cái số, cũng vì nó quá thương anh… Anh tính sao?…” Đến nước này, Chu chỉ biết cúi đầu lí nhí: “Dạ! Cháu… cháu xin tạ lỗi các bác!”
Lấy Thơm, Chu ở rể. Đi đi về về từ quê ra cơ quan, công việc của Chu dễ dàng suôn sẻ. Anh chặp miệng: “Số sao chịu vậy! Cốt có công ăn việc làm, an phận thủ thường là được!” Lúc sinh thằng Bình, bố mẹ vợ mua cho miếng đất ven đường và xây một căn nhà nhỏ để Thơm mở quán. Vì hám chơi “họ”, Thơm để “bay” mất sạp hàng. Bao năm trời cầm “cái họ” không sao, Thơm không ngờ lại bị con bé vợ thằng chủ thầu xây dựng chơi một vố chổng gọng. Nó ngọt nhạt: Em đang cần vốn đóng vật liệu để đấu thầu công trình xây trường tiểu học! Sẵn sàng chơi giá cao!… Cả tin, Thơm cho bốc trước. Ẵm gọn trăm triệu, vợ chồng nó biến luôn, không một tia con mẹ hàng lươn. Đến nơi hỏi, Thơm mới ngã ngửa. Chủ thầu chủ khoán gì đâu. Nó là thằng chỉ chuyên bốc dỡ vật liệu. Đau quá, Thơm tưởng phát điên. Nàng cắn răng chịu chồng ngấm ngầm đay nghiến.
Vốn tính lanh lợi, Thơm không chịu bó tay. Nàng liền chuyển sang nghề mổ lợn và sắm cối xay giò. Ngồi đấy trông đồng lương của chồng có mà mục thất mới ngoi lên được! Phản thịt của nàng bán chạy veo veo. Nhất là từ ngày cái nhà máy đóng tàu mọc lờn bên sông, cuộc sống nơi xó quê bỗng dưng khác lạ. Công trình công cộng, nhà cửa dân chúng cũng theo đó mọc lên. Hội thợ nề từ Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang dạt về, miệng hỏi mua thịt, mắt cứ liếc xéo bộ ngực lồ lộ đến nhức nhối trong chiếc áo cổ rộng của cô hàng thịt. “Chúng bay tha hồ ngắm, cốt chạy hàng là được!” Những hôm thịt ế, nàng đổ tuốt vào xay giã, chế biến thành giò, chả. Bán chạy ra phết! Nhưng khốn nạn nhất là cái đận dịch cúm gia cầm gia súc, rồi lở mồm long móng. Ngày thường, tranh nhau đầu phèo đuôi phủi. Xảy một tý, chê bủng chê beo. Thịt thựa, giò chả ênh hềnh mà không một ma nào dòm. Ngay con nhãi hàng xóm thân tình như thế nó cũng quay ngoắt sang mụ hàng cá ươn sũng.
Chiến dịch khai thác, kinh doanh, tiêu thụ than bung ra rầm rộ. Lò thổ phỉ nhan nhản như hang chuột trong núi. Các công ty chế biến, xuất khẩu than liên tục bố cáo thành lập. Các làng vận tải, doanh nghiệp tư nhân đua nhau đóng tàu thuyền hàng trăm tấn để chở than đi Trung Quốc. Dân làm than phất nhanh như diều gặp gió, mở mày mở mặt. Mấy xóm dọc bờ sông phá nhà cũ, dựng nhà cao tầng, đổi đời như chớp mắt. Nhờ tiêu thụ than lậu, nhiều kẻ đang kiết xác như đám thằng Thắng Ngỗng, lão Việt U… dõn nhổ mạ vẹt gối bỗng chễm chệ thành đại gia. Dăm bữa nửa tháng lại thấy chúng loang loáng xe con về làng, rủ nhau ra phố ăn chơi như “phá mả”. Chu cũng gặp cơ hội “vào cầu” nhờ chân khoát hơn trăm con tàu vận tải xuất lậu than đi Trung Quốc. Tàu nào muốn rời bến nhanh, thông đồng bén giọt hành trình trên sông biển, chỉ việc “nộp mô”, “làm luật”. Cuối tháng, Chu đều đặn đem về cho nàng những bọc tiền bự. Ban đầu Thơm còn giở ra đếm. Mắt hoa, tay run như dẽ gà. Đồng nào cũng cạo râu. Sau, ném cả cục vào tủ khỏi mất thì giờ. Chu bảo vợ: Đây, thuế nộp đủ! Gọi thợ xây cái toalét với cái bể nước mưa. Chứ tắm thứ nước sạch nông thôn ngứa bỏ mẹ! Chuyện nhỏ! Sang năm thuận đông tây, giời cho phát tài, em cất luôn ngôi hai tầng. Để ngôi “nằm ngang” này làm gì cho ủ rợp!.. Huyện đang đổ đất làm dự án khu dân cư mới ở đồng Cái Nấm xã mình. Em đăng ký mua vài suất, cứ để đó, sau sẽ lãi to… Của chồng công vợ. Tuỳ em! Vợ anh tính chẳng kém gì cô kế toán công ty… Lại con nào lọt vào mắt đấy phỏng? Em chỉ được cái buôn hạt tiêu thóc!
Tháng nào quá ngày, nàng lại sốt ruột ra ngóng vào trông về cuối con đường mòn tắt qua cánh đồng. Kia rồi! Sao về muộn thế? Công việc tối mắt tối mũi. Than nhựa chứ có phải phản thịt của em cắt nhoáng cái là xong đâu! Cánh tủ chưa kịp sập, Chu bế xốc Thơm lên giường, nghiến ngấu. Mùi tiền, mùi nước hoa loại đắt phả vào má Thơm. Nàng nhập vào Chu, vào biển hoan lạc, đê mê.
Thấm thoắt, ngôi biệt thự hai tầng có chóp tum đã ngất ngưởng giữa làng. Sập gụ, tủ chè Đồng Kỵ, sa lông Đài Loan, đệm mút Kim Đan… thơm sực các căn phòng. Phòng phía tây nàng dành cho thằng Bình. Phòng kế giữa cho con Hoài. Con cái phải ngủ riêng, để chúng sớm tự lập. Vợ chồng nàng phòng phía đông với chiếc giường Hàn Quốc lắp bộ khung màn “nốc” diêm dúa. Anh coi, khác gì giường công chúa trong phim Trung Quốc. Thời buổi a còng phải sành điệu, cắt đi cái đuôi nhà quê cà tẩm. Như bên Tây ấy, giường ngủ vợ chồng là một thế giới tự do. Đời mấy nỗi đâu! Một người biết lo bằng một kho lũ hay làm, phải không? Em sẽ lo hậu phương vững chắc cho anh! Mai mốt gặp miếng, ta từ giã xó quê ra thành phố để thay đổi không khí, thay đổi lý lịch cho con cháu. Nàng âu yếm bá cổ Chu, vít ngã xuống đệm. Ra đường, nàng nghe hàng xóm tấm tắc: “Vợ chồng nhà Chu Thơm như loan như phượng! Mới thuở nào là thằng bé nhọ nhem quay bễ lò rèn, nay anh Chu nghiễm nhiên thành ông chủ thầu than, tiền tiêu phát cáu! Thế mới là đời!” –“Các bác cứ quá lời. Làng ta thiếu gì tỷ phú gấp bội chúng em!” Nói vậy, kỳ thực nàng mỉa thầm: “Theo được gái này, các người phảI xách guốc!”
Ngôi biệt thự lúc nào cũng dập dìu khách xa bạn gần. Băng đĩa nhạc véo von thâu đêm suốt sáng. Nghe “cậu cậu mợ mợ” rang rang, đến vợ chồng thành phố cũng không bằng. Đám trẻ con trong xóm khoái nhất những buổi chiều: “Nhà Chu Thơm mở nhạc đit cô, tuyệt bốc bay ơi!” Chúng hò nhau tới đoạn đường bê tông phẳng tắp trước ngõ Chu Thơm nhảy đến toát mồ hôi, tụt cả quần, đứt cả cúc áo. Một hôm, chiếc xe con đậu xịch trước ngõ. Chu cùng anh lái xe khệ nệ khiêng những thùng giấy các tông mới cứng vào nhà. Toàn máy vi tính, màn hình cả dày cả mỏng. -Bà hoàng của anh! Giò chả nhếch nhác lắm! Bỏ quách đi để gõ vi tính. Em chỉ học một tuần là thạo như nhạc công chơi đàn oóc. Anh sẽ nhận thêm tài liệu cơ quan về để em múa phím cho vui!… Thơm hớn hở cười ngất ngất: Mình mở luôn Quán Nét chiều các “thượng đế trẻ”! Em tha hồ mà chát với dì Hạ bên Phần Lan…
-Tha hồ đem thế giới về nhà mình nữa chứ. Có phải không chú Khoa?
***
Đơm bát cơm cúng cùng quả trứng luộc đặt lên ban thờ, bà Nhu lầm thầm khấn vái: “Lạy mớ bỏi! Sống khôn chết thiêng, ông về ăn cơm với bà cháu tôi!” Nén hương nhấp nháy đốm than, thơm khắp gian nhà. Từ hôm ông ra đi, ngày nào bà cũng hai buổi xới cơm dâng cúng. Bà mời ông như thể ông ngồi ngay trước mặt, chứ không phải bức ảnh. Lau khoé mắt, bước ra ngoài, bà lại ngồi tựa vào cây cột trụ ngõ, nhìn về phía cánh đồng có con đường mòn chạy tắt qua. Ráng chiều đỏ rực đằng tây. Xanh gió đỏ mưa. Khéo lại giông cơn đến nơi. Thời son trẻ, những chiều như thế này, lòng Nhu lại thấp thỏm: Không biết mặt sông ngả biển nào, bầy thuyền có kịp bảo nhau vào bờ? Sau bận phải lòng con bé hàng tấm… Thuyền Ngoạn đánh cá tận đảo Bạch Long Vĩ. Mẻ lưới nặng trĩu đang kéo lên, biển trời bỗng đen kịt, ầm ầm sóng gào, gió hú. Lốc biển! Không kịp trở tay, cả bầy bị hất tung lên đỉnh những ngọn sóng to như trái núi, rồi tụt xuống tận vực sâu. Cánh buồm vải bị xé toạc, cuốn đi như bóc giấy. Ngoạn ra sức bám chắc vào lưng chừng cây cột buồm, vừa vuốt nước vừa né mặt tránh những lằn roi trắng xoá đập đau buốt. Con thuyền bỗng suôn suốt như một chiếc mo mực. Ngoạn không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy, mở mắt ra, đã thấy nhiều người vây quanh, trên một gò bãi. Mình mẩy tê dại, anh nghe lơ mơ tiếng nói trọ trẹ: “Thuyền vỡ cả rồi! Không biết người nơi mô? Đưa cấp cứu mau! Bà con giải tán kẻo máy bay Mỹ ập đến bây giờ!”…
Chuyến đó, đoàn chã bị tơi tả mỗi chiếc một nơi. Thuyền của Ngoạn bị cuốn một lèo đến tận cửa Lạch Trường, Thanh Hoá. Bốn người trên thuyền, chỉ còn anh sống sót. Ở nhà, như ngồi trên đống lửa, Nhu chạy khắp các gia đình cùng bầy chã hỏi thăm. Nhà nào cũng bàng hoàng, bơ bải. Trời ơi! Ngoạn cú mệnh hệ gỡ… Nhu sống sao nổi để trông nom cha mẹ đôi bên và đám con thơ dại? Ngót tháng sau, làng đang bàn chuyện làm tang “xương rông sọ dừa” cho những người mất tích thì Ngoạn về. Mắt thâm quầng. Mặt mũi hốc hác. Ngoạn ngớ ngẩn hàng tháng trời. Tính tình bỗng thất thường, cáu bẳn. Ngoạn lấy rượu để giải nỗi kinh hoàng còn ám ảnh. Rượu vào lời ra. Anh bắt đầu chửi vợ chửi con, rồi đánh Nhu: “Con đàn bà chỉ biết nằm ngửa chờ chồng. Không biết cái sống cái chết của thằng đàn ông với biển ra sao. May mà tao về được không thì mày làm vợ ma. Chả biết có chịu goá không hay lại nhấp nhổm rước giai!” Một lần say quá, Ngoạn ôm mặt khóc hu hu: “Mày sẽ động hớn mà khóc tao rằng: Ngoạn ơi là Ngoạn ơi! Một bên thịt lợn bún riêu, một bên đùi trắng anh yêu bên nào? Ngoạn ơi là Ngoạn ơi!…” Nửa thương nửa giận, Nhu chỉ biết gạt nước mắt. Nhu có trêu ghẹo gì đâu, sao ông trời lại biến chồng Nhu thành người dở tính dở nết? Chửi mắng Nhu đấy, chốc sau Ngoạn lại cợt nhả: Tôi làm gì mà mặt mình như cái bị thế? Nhu đẩy Ngoạn ra: -Tát người ta rồi còn làm quen! Ngoạn cười nhăn nhở: -Ô hay! Bao giờ? -Vừa nãy chứ bao giờ! -Thế à? Chồng bát còn có khi xô. Mất tiền sắm được cái mâm, ai dại để gác xó bếp! Người ta thương mình bỏ bà ra đây này! Ngoạn xấn vào ôm chặt lấy Nhu. Mùi mồ hôi khê nồng quen thuộc lại lan toả, ngấm sang Nhu. Tự dưng lòng Nhu chùng xuống. Niềm thương cảm, ngậm ngùi trào dâng da diết. Bù lấp nỗi tự ái, tủi thân là tiếng khóc ấm ức, hừng hực, hai lỗ mũi ngạt như bị bịt kín. Nhu lặng lẽ bên Ngoạn đã thiếp đi từ lúc nào. Ngoạn gối đầu lên cánh tay vợ, nhu mì như con chó cún nằm bên chó mẹ. Nhu để yên, ghé nhìn. Gương mặt Ngoạn sạch trong như vừa lau đi một lớp bụi, chẳng gì bợn gợn. Ngoạn đây mà như gần như xa! Lúc y con sáo. Lúc như ma ám. Biết làm sao được? Chẳng qua là tại cái hạn sao quả tạ, Ngoạn bị hồn xiêu phách lạc và vì cả cái men chết tiệt kia. Sống được là may. So lên chẳng bằng ai, nhưng bì xuống còn hơn mấy bá, mấy cô xóm Ba Làng mới tí tuổi đầu đã goá bụa nuôi con. Rõ khổ! Mất bóng đàn ông, cửa nhà như sào ruộng bỏ hoang!
Dần dà tỉnh táo, nhớ biển nhớ thuyền, Ngoạn lại xốc treo lưới lên vai. Không quên véo đùi vợ một cái: -Nước kém tớ về! Sẽ có nhiều ốc đẽ! Nhìn theo bóng Ngoạn thoăn thoắt trên con đường tắt qua cánh đồng, bất giác Nhu sờ lên gò má. Vết năm đầu ngón tay của Ngoạn vẫn còn. Nước mắt ứa ra…
***
Bất ngờ một buổi tối trên tầng hai ngôi nhà…
-Mang tiền cho con nào mà còn có ngần này? Chẳng cho ai sất! Chỉ có thế! Tắt cái loa của cô đi. Nghe đây này. Đồng tiền bây giờ không phải đá xít mà nhặt như trước. Báo chí, thanh tra thanh sát đang xúm vào phanh phui, hạ bệ hàng loạt các đại gia. Chết tiệt mấy cha ăn chơi gái gú như điên. Thiên hạ nào chịu nổi! Đợt này thu được thế là quá tốt đấy. Hàng trăm con tàu đang bị giữ nằm chết ngoài cảng biển cho hà gặm. Mụ Phát xóm Thượng, thằng Thắng Ngỗng bỏ của chạy lấy người, trốn biệt. Công ty thằng Hải Long, thằng Hạ Vân cũng đăng báo giải thể kia kìa…
-Mình nằm giữa sao phải lo mất phần chăn?
-Nhưng tàu nó có chở, có nộp mô, mình mới được đầu đày đầu đuôi!
-Đây là lần thứ mấy, tôi không thèm nói. Chẳng qua tôi nín để theo dõi xem. Đàn ông các người cứ no cơm ấm cật là dậm dật mọi bề. Tôi còn lạ gì! Đừng có màn thưa che mắt thánh gái này!
-Đúng là cái thùng không đáy. Tọng bao nhiêu cũng không đầy! Giống y con mẹ, tiền… tiền… chỉ hoa mắt vì tiền…
-Anh vừa nói gì? Bỗng chiếc đầu đĩa Video phóng sượt qua mặt Chu, đập vỡ toang ô cửa kính, bay lọt xuống mái nhà ông Mè. Chu gào lên: -Có ai vô phúc, gà mái biết gáy thế này không?
Những cuộc cãi lộn của vợ chồng Chu Thơm cứ thế nổ ra liên tiếp trong ngôi nhà to đẹp nhất làng. Tầng dưới vẫn dập dìu bọn trẻ chơi chát. Tầng trên, nàng vẫn ngồi trước máy tính vừa mở mạng vừa lo ghi phường họ, số đề, cộng lãi… Hàng ngày cũng kiếm thêm được khối lợi nhuận. Đồng tiền đang toả ma lực hút hồn Thơm. Nàng tắp lự đem đổi ra đô, ra vàng, định lấy suất đất nữa ngoài Hạ Long.
Nhưng dạo này, nàng bỗng hoang mang. Linh tính mách bảo có điều gì không ổn. Khi chiến dịch than bị giải toả, Chu ít về nhà. Có về thì chỉ bằng xe máy và tâm trí anh ta hình như lơ đãng những đâu. Tiền nộp vào tủ thưa dần. Thái độ Thơm cũng khác hẳn. Những cái hôn không còn mùi đằm thắm, mơn trớn như trước. Hôm nay ngoài Công ty về, Chu bỏ mặc xe máy nổ trong sân. Con chó Mich Ki sủa mừng rối rít. Vẫn không thấy Thơm ra tiếng. Đúng là đàn bà nhà quê! Chu hằm hằm để cả giày lên gác: Con chó còn biết quẫy đuôi mà cô…! Có thân thì về. Có cơm thì ăn, có áo thì mặc, có việc thì làm. Đây chân đất mắt toét thế thôi. Không dám bì với lũ gái chân dài… Thơm dấm dẳn một hơi dài.
-Không ngờ đồng tiền lại đánh mất cả nhân cách. Chả bù lúc mới. Nào em yêu anh suốt đời. Nào ăn đói nhịn khát. Nào chỉ cần trái tim… Thôi đi ông! Thái trái tim ra mà ăn! Thời a còng không tiền thì duyên anh nghỉ! Thì tôi đâu có để cô đến nỗi lưng deo vú xếch như mấy con mẹ hàng mướp! Nhưng con nợ rồi chủ đất chúng đang gọi đây này! Sao không nhai tiếp điệp khúc “thua keo này bày keo khác” nữa đi! Tôi còn lạ gì cô! Bao nhiêu tiền cũng đem nướng vào đề vào họ. Bè ta gỗ chúng nó. Tham thì thâm… cho chết! Anh rủa tôi đấy à? Tôi chết để anh đi lấy con khác à? Ối giời ơi là giời ơi! Ăn cháo đái bát! Chồng con thế này đây!… Xoảng! Chiếc bình hoa vỡ tan tành. Thơm lồng lên xỉa xói. Con Hoài nép vào góc tủ khóc thét.
Vừa lúc đó, có tiếng còi ô tô dưới cổng ngõ. Chu ghé qua cửa sổ. Hai cảnh sát cùng chú Phất công an xã thoăn thoắt bước vào sân. Họ lên gác. Mặt Chu biến sắc. Thơm cũng đột nhiên lắp bắp: Các… các anh… các bác… tìm ai… gặp ai ạ?
-Xin lỗi chị! Đề nghị trật tự. Anh Chu nghe chúng tôi đọc lệnh…
Không gian căn phòng ắng lặng.
-Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Lệnh tạm giam…
-Thế là thế nào? Làng này có hai Chu. Đây là Chu Thơm. Phạm Văn Chu!
-Chị bình tĩnh. Phắp luật không phải chuyện đùa. Chúng tôi không nhầm! Phạm Văn Chu… cán bộ Công ty… trú quán xã…. huyện… bị bắt về tội danh: lợi dụng cơ chế, kinh doanh than trái phép, nhận hối lộ và đồng phạm với Đỗ Hữu Thiên, Lê Văn Thắng mua dâm trẻ vị thành niên… tại…
Thơm nhào tới, moi vào mặt Chu: Ối giời ôi! Chồng tôi giết mẹ con tôi rồi! Chu ơi là Chu ơi. Cái mồm xơn xớt chê ông nọ bà kia. Cháy nhà mới ra mặt chuột! Thèm khát nỗi gì mà đâm đầu vào ổ gái? Một thằng ngu bằng mười một đứa phá hoại… Vô phúc con rồi… cha mẹ ơi…
***
Ông Ngoạn hấp hối. Bà Nhu ngồi lặng như chiếc bóng mặc nước mắt giàn giụa. Ông ơi! Cố chờ thằng út đang thi đại học trên Thái Nguyên. May mà ngày ấy ông về với mẹ con tôI, nên mới được nó. Từ nay, ổ ê nhà mình có nó làm cử nhân, làm thầy giáo như ông ao ước! Một bà cụ đến bên an ủi: Thôi… nuốt nước mắt vào trong. Thương thì để đáy lòng. Thím chớ có khóc đấy nhá… khỏi chú ấy nặng lòng, khó đi… Với lại sau này con cháu còn sông nước, học hành công tác… dễ bề làm ăn… Bỗng mọi người lao xao: Ấy… ấy… ông cụ mấp máy môi… Quả thật. Ánh mắt ông đang lờ đờ chợt loé lên dừng lại nơi khuôn mặt bà: “Ngàn lần xin lỗi bà. Tôi trót… ăn ở không phải với bà… Hãy tha thứ cho tôi…” Ai đó thì thào: Rõ tội nghiệp! Biết thương lại thì vại vỡ!
Bà run rẩy cầm bàn tay lạnh giá của ông. Bàn tay bao nhiêu lần vuốt ve âu yếm, nhưng cũng không ít lần làm khổ bà. Bàn tay từng sờ soạng thân thể người đàn bà khác, rồi lại về luồn vào ngực bà, gắn bó, hoà nhập với bà, cùng bà gây dựng lại cơ ngơi. Bàn tay này từng chống chọi với chiến tranh, súng đạn, với biển khơi và cả với lửa tình nữa để giành sự sống, để mẹ con bà khỏi goá bụa. Xưa nay đàn bà dễ hồi tâm. Lòng nhân hậu là một thứ nước thần nhiệm mầu làm dịu lại những ghét giận, tủi hờn, những đớn đau, mất mát. Bà đâu nỡ phụ ông! Bao năm qua, bao nhiêu sự, bà vẫn đợi ông. Một ngày ông đi vắng, là một ngày ngôi nhà trống trải. Ti vi bà cũng chẳng thiết bật. Bà nhớ… hơn chục năm nay, ông ít nói hẳn đi. Ông thường ngồi trầm ngâm, đỡ mãi chiếc chén trên hai bàn tay. Mái tóc bạc thêm dưới ánh đèn. Rồi một ngày, ông run run cầm chén nước lại mời: Bà uống một chung với tôi cho vui! Đón chén nước, bà thấy khoé mắt ông ngân ngấn ướt. Lòng bà bồi hồi xúc động như thể dải bờ sông được bù đắp những gì khuyết lở. Giờ đây giữa giây lát tử biệt sinh ly, bà muốn níu kéo rõ dài cảnh tuổi già ấm lạnh có nhau. Bà muốn mãi bên ông chia sẻ, chăm sóc ông từng lưng cơm miếng cá, từng siêu nước ấm trà… Bà nấc lên. Đã cố nén mà vẫn bật trào ra: Ông Ngoạn ơi! Đừng bỏ tôi!
Bà vẫn ra ngồi đó. Con đường mòn tắt qua cánh đồng đã lùi tít tắp, lẫn vào những ngọn gió. Mới đấy còn rõ mặt rõ lời mà từ nay… Biết đâu ngày mai… ông ấy sẽ về… Nôn nao như thể say trầu, bà vịn cây trụ ngõ, đứng dậy. Bóng tối đã đặc sẫm. Pho tượng bà chìm dưới đêm đầy sao.
Bên kia, người thiếu phụ trẻ cũng đang đứng tựa cánh cổng sắt trông về cuối con đường. Nàng vẫn đợi chồng. Không biết Chu có cơ hội… mà về không? Ngồi “đếm lịch” thì mình cũng đến chết mất! Nói đi thì giận, nghĩ lại thì thương. Gì thì gì, bát nước nóng cũng phải nguội dần! Chồng con nối liền khúc ruột chứ đâu phải kẻ dưng mà quay mặt đi! Cái mùa hè chết tiệt, sao ngày dài dễ ghét!
Suốt tháng qua nàng mất ăn mất ngủ, chẳng buồn mở mạng, mở nhạc. Nhưng từ đâu đó chợt ngân nga: Bèo dạt mây trôi… chốn xa xôi… Anh ơi… em vẫn đợi… vẫn chờ… Một tin trông… hai tin đợi… ba, bốn tin chờ… sao chẳng thấy… anh…
-Nhà chết tiệt nào lại mở cái đĩa này. Não hết cả ruột gan!
12-2015
D.P.T