Ấn tượng hơn cả là những thông điệp mà tác giả đưa ra từ hiện thực cuộc chiến tàn khốc trên mảnh đất Việt yêu thương kéo dài suốt một phần tư thế kỷ 20; thông điệp ấy được viết bằng chính cách nhìn cách nghĩ của một chiến sỹ và trái tim của một nhà thơ tỉnh táo trong những cơn xót buốt… tất cả được soi rọi bằng một vệt sáng! Hoa sen ơi hoa sen / Xin cúi lạy /Xin hoa sen thơm sáng tối tăm này.
Sau đúng trọn hai năm trời nghiễn ngẫm phôi thai rồi dồn tâm sức để viết, mùa hè năm 2014 trường ca “Vệt sáng” của Thi Hoàng đã ra đời.
Trường ca có cấu tạo thành 2 phần : Phần 1: Giới thiệu; Phần 2: bao gồm 8 chương trong đó các chương từ 1-7 ghi số bao gồm: Nạp khí Yên Tử -Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ( chương này có 6 tiểu mục theo không gian tuyến tính dọc theo đường Trường Sơn vào chiến trường) – Áp chiến – Kịch chiến – Tử chiến – Sắc phong – Ám thoại. Và chương 8 được viết là “Chương cuối” có tên “Gọi khẽ”; đây cũng có thể coi là phần kết luận của Trường ca.
Nội dung của Trường ca “Vệt sáng” là câu chuyện của ba nhân vật chính “Việt, Dân và Nhân to nhỏ chuyện này “. Đó là cuộc hành trình của số phận những con người bình dân đi vào cuộc chiến đến hậu chiến và đến cả …sau hậu chiến!
Dân (thanh niên nông thôn), Việt (nguyên là giáo viên) và thợ cơ khí Nhân tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Kết thúc cuộc chiến thì Dân hy sinh, Việt mất một cánh tay và Nhân nhiễm chất độc da cam! “Nhân vật” linh hồn sĩ quan Việt Nam công hoà tự sát Huỳnh Quang Nhơn xuất hiện bằng những tâm niệm chung cuộc.
Trước đây, Thi Hoàng đã có trường ca “Gọi nhau qua vách núi” (giải thưởng của Hội NVVN 1996), viết về chiến tranh mà chủ yếu là số phận của người lính trong chiến tranh; “Vệt sáng” không giản đơn là sự tiếp tục mạch nguồn ấy, mà nó phát triển ở mức cao hơn, bắt đầu từ miền đề tài mở rộng trong không gian đa chiều và dư ba tới hậu chiến, xuyên sang tận cõi tâm linh. Còn nhân vật được xây dựng đa cực, đa phương…
Ấn tượng hơn cả là những thông điệp mà tác giả đưa ra từ hiện thực cuộc chiến tàn khốc trên mảnh đất Việt yêu thương kéo dài suốt một phần tư thế kỷ 20; thông điệp ấy được viết bằng chính cách nhìn cách nghĩ của một chiến sỹ đã từng “Nạp khí Yên Tử” “Đi theo ánh lửa từ trái tim mình” rồi “Áp chiến”… nếm trải lửa đạn giữa những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ vệ quốc và trái tim của một nhà thơ tỉnh táo, yêu thương trong những cơn xót buốt… tất cả được soi rọi bằng một vệt sáng: Hoa sen ơi hoa sen / Xin cúi lạy / Xin hoa sen thơm sáng tối tăm này.
Bắt đầu từ ngày 3/9/2014, Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu từng phần của trường ca này theo nhiều kỳ đăng tải.
Vanhaiphong.com
Thi Hoàng
Vệt sáng
(Trường ca)
Giới thiệu:
Cái nôi nhân sinh bắc trên ba ông đầu rau đun bằng bom đạn chiến tranh khảm
trạm tên họ vào máu nhau trong một tổ ba người.
Yêu người yêu Nhân ôm súng ngủ rừng như ôm vợ
Dân phụt một quả B40 rồi trừng đôi mắt chết
Cánh tay Việt mất ở chiến trường đang viết tường trình bằng con chữ ăn chay
Không muốn sát sinh, người chết bảo người sống
Việt Dân và Nhân to nhỏ chuyện này:
Chương một: Nạp khí Yên Tử
Dân hơi đần đần cười nghệt nghệt
Cứ lẩm nhẩm sư 350 E 42 tiểu đoàn 3 đại đội 1 trung đội 2 tiểu đội 3
Những phiên hiệu lổn nhổn trong miếng cơm độn ngô độn sắn
Lên Yên Tử tập đeo nặng hành quân rồi tập bắn
Tổ ba người trẻ tươi sức đực
Nhân, theo bố miền Nam ra tập kết
Họng súng cũng nói giọng miền trong nghe có vẻ cục cằn
Việt, thầy giáo dạy văn lăn vào cuộc chiến
Ánh sáng lưỡi lê và ánh trăng đồng hiện những băn khoăn
Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Lấy nhịp trái tim mình
Làm tiếng mõ tụng niệm
Sương mờ đờ đẫn thiêng
Nhân ngăm ngăm Dân đen Việt trắng
Ngoài súng đạn ra quả thực ba chàng trai không nghĩ đến Phật Hoàng
Họ không biết không khí đang nạp thiêng vào từng chân tóc
Tiếng chuông chùa duỗi mềm ngân nga như vừa hát vừa khóc
Sắp sửa nhọc nhằn, chuẩn bị bạo tàn rồi đây sống chết
Hữu danh mà vô danh là cái tổ ba người
Giữa núi rừng ở tận miền Đông Bắc xa xôi
Cuộc kết máu ba người được ấn chứng vùng trúc Lâm Tam Tổ
Phiên chế những trung đoàn đưa vào miền mưa nhằn, nắng ố
Chiến trường phía Nam gào gọi chói tai khuya!
Dân cắn răng nhớ cô hàng xóm
Chê không yêu anh vì răng cửa quá to?
Đã thế còn sợ ma, thấy cái chiếu vứt bên đường là mắt mịt mồm tịt
(Mấy năm sau mới biết rằng Dân sợ ma mà không sợ chết)
Đá Yên Tử uyên thâm còn Dân thì đơn giản
Uống nước lã cũng chả đau bụng, ăn cơm rồi xuống anh nuôi xin miếng cháy ăn thêm
*
Hít vào Yên Tử đêm đêm
Thở ra chân cứng đá mềm ngày đi
Biết như chẳng để làm gì
Mà không biết lại có khi nhẹ lòng
Biết có tư tưởng gì trong mắt Việt trông mong
Tư tưởng đi dép râu hay chiến xa thì cũng thế
Chỉ đường đi cho viên đạn ù lì vàng chóe
Mây Yên Tử sạch sẽ lau li chùi ý nghĩ trong đầu
Thanh tẩy những phiền lòng rửa ráy nỗi lo âu
Chuẩn bị thịt xương mình cho cuộc tử sinh phía trước.
*
Xương thịt với đất đai đó chính là tổ quốc
Xương thịt và đất đai vào cuộc chiến tranh này
Xương thịt và đất đai dù đắng chát chua cay
Xuơng thịt và đất đai đã hoàn toàn nhất trí
Đài bán dẫn ở tiểu đoàn vọng ra tin chiến sự
Buồn gan bàn chân Nhân chờ về giải phóng quê hương
Đây là Yên Tử thì Nhân ơi Nhân xin kính bái khiêm cung
Để vào chiến trường họng súng tha hồ thay miệng mình văng tục
Cậu trai miền Nam ngăm ngăm đen không chịu tập đeo mặt nạ phòng độc
Thở khí Yên Tử lành, để vào vùng có chất độc hẵng hay
Này tuổi hai mươi ngửa mặt nhìn trời
Trời riết róng xanh một màu chính ủy
Mây Yên Tử che mặt trời chính trị
Ta cười theo vô cớ thấy Nhân cười
Nào tập đi! Động lệnh đến nơi rồi
Dự lệnh nẹp dọc sống lưng như cái roi sắp vụt
Mướt mồ hôi bỏng rát vai mang, đường trơn dép tụt
Miệng hôi quá, giá được nghỉ chân châm điếu thuốc
Chúng mình binh nhì bao giờ xuất quân thì được lên binh nhất
Phụ cấp hàng tháng sẽ được thêm một đồng,
Kìa tiến lên, mệt đứt hơi còn nói chuyện tiền nong
Dân đưa tay kéo Việt lên rồi hỉ mũi chùi vào quần
Thằng Nhân cắm mặt đi không cần trợ giúp
Không đi bằng chân, phải tập đi bằng đầu mới được
Đường vào Nam xa lắm chúng mày ơi!
Yên Tử thiêng chùa dan díu hơi người
Phật Hoàng Trần Nhân Tông bảy trăm năm trước
Thật tĩnh thân mà động tâm chống giặc
Núi đá rất nghiêm rừng trúc không thắc mắc
Nước suối trong veo ong óng bóng cây thiền
Những chàng trai sinh lực của tiền duyên
Nạp sinh khí từ cành thông lá trúc
Nắng Yên Tử soi gọi vào ý thức
Rêu lịch sử tự nhiên xanh thành vô thức cộng đồng
Ý thức thì gọn gàng, vô thức thật mênh mang
Nhân Việt Dân ơi hội ý tổ ba người ven suối
Việt: Nhìn mãi lên trăng mà không thấy cuội
Nhân: Xưởng cơ khí của tớ phải bốc máy đi sơ tán mà tớ lại ở đây
Dân: Tớ thích được nàm (làm) thiếu úy có đồng hồ đeo tay
Thôi đừng nói linh tinh, hội ý nhá chúng mày
Tiểu đội trưởng đi đái sau bụi cây ra vỗ tay bồm bộp:
Báo cáo các đồng chí, tập tành như tổ mình thế là được
Giờ tôi giao nhiệm vụ cho tổ ta thế này
Đồng chí Dân giữ khẩu B40
Chỉ khi gặp mục tiêu ngoan cố thì mới giải quyết
Đồng chí Nhân hay nóng tính thì điểm xạ từng phát một
Vẫn giữ khẩu CKC mó máy quen tay rồi
Còn đồng chí Việt, đàn ông gì mà da trắng như vôi
Xử dụng tiểu liên AK xả từng băng dài là phải biết.
À, mà tôi nói trước
Lau chùi bảo quản vũ khí tử tế vào
Chứ ra chiến trường mà súng hóc thì có mà chết mất ngáp
Thôi, các đồng chí họp tiếp đi tôi phải sang tổ khác
Tiểu đội trưởng thở phào phủi đít đứng lên
Bàn tay như con cua bể dày mu chắc nịch
Cỏ dưới chỗ ngồi tiểu đội trưởng bật lên xanh ngơ ngác
Nhìn Nhân Dân Việt nở rạng nụ cười
Cười cũng là phát biểu rồi; thôi ngồi chơi cũng là ngồi họp
Đêm Yên Tử đen mềm tưởng thái ra ăn được
Phật Hoàng Trần Nhân Tông thinh không vỗ về
Đạo với đời vào năm tháng tái tê
Ở đây hương trầm trong kia khói súng.
Miền Nam trong mơ chân trời đứt cuống
Nhân sinh quan rụng hay là bom rơi…
Yên Tử rừng đêm ngời ngợp bời bời
Lịch sử lại thắt nút mà giờ ta phải cởi
Giải phóng miền Nam, Yên Tử thầm thĩ nói
Yên Tử đêm nay ngậm những tổ ba người
Có tổ Việt Dân Nhân trở mình trong hơi
Hơi thở thiền từ gốc rễ cây vào mạch máu não
Thấm vào da người nhuốm vào vải áo
Phải diệt tham sân si bằng cuộc chiến tranh này?
Thật vô lý
Thì vô lý trên đời đầy rẫy
Đêm beo béo rồi gió thì ngầy ngậy
Giấc ngủ thật ngon của những chàng chân son mình rỗi
Chiến tranh sai bảo gì thì sai đi.
( Hết chương 1)
Vanhaiphong.com mời xem tiếp Chương 2: Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình ở kỳ đăng tuần sau.