Xóm Chùa thời ung thư – Đoàn Lê

Ông Sĩ Duệ đi bệnh viện lần thứ hai, nhưng là đi chữa mắt. Đận ấy xóm Chùa có dịch đau mắt rất nặng. Không rõ nguyên nhân.  Người ta nghi long mạch xóm Chùa bị động. Nhưng nhà cửa đã xây vô tội vạ, lầu cao mái thấp tùm lum, ai biết long mạch ở đâu mà lần. Đành chịu. Ông Sĩ Duệ chặc lưỡi bảo:..

– Chữa chạy cho phải phép thôi. Chẳng thể tránh được cảnh đời nó làm đau đớn con mắt. Nhắm tịt được càng tốt!…

Ông Sĩ Duệ đi bệnh viện lần thứ hai, nhưng là đi chữa mắt. Đận ấy xóm Chùa có dịch đau mắt rất nặng. Không rõ nguyên nhân.  Người ta nghi long mạch xóm Chùa bị động. Nhưng nhà cửa đã xây vô tội vạ, lầu cao mái thấp tùm lum, ai biết long mạch ở đâu mà lần. Đành chịu. Ông Sĩ Duệ chặc lưỡi bảo:

– Chữa chạy cho phải phép thôi. Chẳng thể tránh được cảnh đời nó làm đau đớn con mắt. Nhắm tịt được càng tốt!

Rồi đây còn nước chẳng còn non …

Thơ Phan Đắc Lữ .

Trụ sở Uỷ ban xã xóm Chùa Ông tấp nập người, phần nhiều là ông già bà cả.Y tế thành phố về tổ chức khám mắt miễn phí, tội gì không đến ?

Nhưng ông Sĩ Duệ cuối buổi mới đủng đỉnh xuất hiện. Mấy cô em áo trắng đã mệt nhoài vì cái oi nóng tháng bảy, mặt nhăn như bị, động ai hỏi cũng gắt. Cần phải để mấy cô em hạ nhiệt cho bà con dễ thở, Sĩ Thái sư định bụng thế.

Ông bước vào thấy lão Tí Nghệch ngồi ở ghế dài liền ghé xuống cạnh, miệng thở than :

– Ai chà, mắt kém lắm, kém lắm. Trông cái áo giặt Ômô cứ loá lên thôi .

Tí Nghệch biết ông xỏ xiên việc lão đang ngây thuỗn mặt ngắm mấy em y tế, em nào em nấy nõn như quả trứng bóc. Lão Tí Nghệch trơ trẽn nháy mắt với Sĩ Thái sư đầy ẩn ý. Ra điều tôi hiểu rồi, ông anh bỏ quá cho, đừng móc máy nữa.

Râu tóc bạc được ưu tiên khám ngayÔng Sĩ Duệ khoái lắm. Cô em kiểm tra vòng đầu thấy ông Sĩ Duệ he hé mắt hấp hay liền giơ bốn ngón tay lên hỏi :

– Ông thấy gì không ?

Sĩ Thái sư dõng dạc trả lời :

– Tôi chỉ thấy mỗi cô thôi.

Cô em tủm tỉm cười. Cái nóng trong phòng hạ xuống mấy độ chứ không ít!

Lão Tí Nghệch phục sát đất. Khiếp, me-sừ Thái sư này, chắc hồi trẻ sát gái phải biết. Với kiểu đùa duyên ấy, các ả không rụng như sung cứ đem đầu tôi đi mà chặt! Nghe đâu cô đào nương nghiệp dư thôn Ngòi phải lòng Thái sư lăn lóc mãi.

Đến lúc cô y tá đập cây que lách tách lên bảng chữ thì Sĩ Thái sư cười nhẹ.

– Cô kiểm tra xem tôi thoát nạn mù chữ chưa hở? Nào, đúng chưa? Chưa đúng cô cứ dạy bảo.

Vừa nói lão vừa phẩy tay lia lịa. Cô y ta kêu lên :

– Ôi cha ơi, mắt cha chín phần mười cả hai bên thế này, tinh hơn mắt bọn con, cha đến đây làm gì nữa?

– Ơ hay, ít nhất cô cũng phát cho xin ống thuốc nhỏ mắt chứ. Mất quyền lợi à?

Người ta phát ngay cho Sĩ Thái sư ống thuốc nhỏ mắt giá một nghìn đồng.

Lão Tí Nghệch cười bảo:

– Mắt ấy thì đến cái lông cũng trông rõ mồn một.

Sĩ Thái sư mặt tỉnh bơ, ghé sát tai lão Tí trả lời :

– Phải. Chứ nhầm lông, thiên hạ nó đấm cho lòi mắt ra à?

Lão Tí Nghệch đau hơn hoạn. Bàn tay lão bỗng đưa lên che bên mắt trái thâm tím . Chồng mụ cháo lòng mới cho lão một chưởng khi bắt gặp anh ả đang ôm nhau dưới bếp… Lão Tí Nghệch xuê xoa chữa ngượng:

– Ông có bí quyết gì dùng mắt khéo thế? Cả đời mới tiêu mất một phần mười thôi à?

Cô y tá góp chuyện :

– Hiếm có người tuổi bác mắt còn tinh như thế đấy.

Sĩ Thái sư thủng thẳng trả lời :

– Bí quyết gì đâu. Là tôi dùng xẻn chứ sao. Có nghĩa tôi chỉ dùng một nửa con mắt để nhìn, nửa kia cất đi để dành thay đổi. Nhưng phải có gan nghe thiên hạ mắng mỏ, rằng cái lão ấy khinh người, nhìn đời bằng nửa con mắt.

Nói xong Sĩ Thái sư tủm tỉm cười, chào mọi người ra về. Mấy cô em đang tròn mắt, hé những cái miệng xinh xinh ngóng chuyện của hai lão nông dân, vội rối rít chào lại :

– Bác về đấy ạ. Gớm, bác nói chuyện hay quá !

Già mõm nhưng được nghe trẻ ranh nó khen cũng vẫn thích. Cầm ống thuốc, vắt tay sau lưng, cái mặt Sĩ Thái sư nghênh lên giời. Dào ôi, hôm nay về khám mắt, ngày mai về khám phổi, ngày kia lại về lấy mẫu nước giếng khoan, xóm Chùa Ông nghe chừng sắp được đưa lên báo là địa phương ung thư loại một đến nơi. Đang đồn ầm lên kia. Mới tổng kết sơ sơ từ đầu năm đã có chín người chết vì ung thư, đáng sợ quá đi mất.

Nhưng giời chừa ông Sĩ Duệ đến tận bây giờ để làm nhân chứng, có nhẽ thế. Hơn ai hết ông sống khoẻ mạnh, lặng lẽ quan sát cái nhà máy ximăng liên doanh với nước ngoài mọc lên ngót hai chục năm nay. Nó lừng lững trấn cả một khoảng đồng mênh mông phía Bắc xóm Chùa. Nó  làm ông canh cánh, khiến ông phải luôn luôn theo dõi nó, như thể ông theo dõi một tên gián điệp nằm vùng. Đợi đấy, sẽ có lúc ông vạch mặt chỉ tên, mày khắc chết với ông.

Ơ hay, Thái sư thật dở hơi. Công nghiệp mở mang, con em trong hàng xã được ưu tiên nhận vào nhà máy trước tiên, xóm Chùa tự nhiên trở thành địa danh quan trọng, cũng có vai vế với thiên hạ, ông lão đòi hỏi gì nữa? Thiên hạ mong chả được .

Nghe đâu cũng nhờ cánh lãnh đạo địa phương này mạnh chạy chọt, quen biết nhiều, mới được trên chấp nhận cho cái dự án liên doanh ấy. Nhà máy xi măng ra đời sau bao cuộc vận động ngấm ngầm, viết ra phải hàng ngàn trang giấy, rốt cuộc nó làm bộ sậu lãnh đạo mát mày mát mặt. Dự án “ngon“ thế, không được “ăn“ thì chết cho xong!

Công chính là nhờ thằng Toản, chủ tịch UBND huyện. Nó khôn như rận. Nó gọi Thái sư bằng chú, chú ruột. Nhưng góp tất cả cái vốn liếng một đời làm thái sư của ông Sĩ Duệ đem so cũng không bằng ngón chân út nó.

Ngày còn bé, hồi tám chín tuổi, hồi đi mò cua bắt ốc, thằng Toản đã biết một độc chiêu khiến dân xóm Chùa phải gọi nó bằng Đại ca.

Tìm cách lấy trộm cái kim tiêm của dì nó, vốn là y tá trạm xá, thằng Toản dùng kim tiêm bơm nước vào bụng ếch nhái trước khi mang bán cân cho bà hàng cơm ngoài chợ. Những con nhái bụng lặc lè một bọc nước, đến nỗi bắt thả ra đất cũng không thể nào nhảy lên được. Bà hàng cơm mua nhái thì ít, mua nước thì nhiều. Nhưng bà ta không hề ngờ vực.Trông qua lần túi nilông bà cứ trầm trồ khen nhái bự thôi.

Riêng với loại rắn mòng, cu Toản thêm một sáng kiến nữa. Tiêm nước vào bụng rắn xong, nó thả rắn ra đất cho mặc sức oằn oại, cho nước không dồn  một cục, con rắn mẩy mang đều đặn từ đầu đến đuôi hết sức tự nhiên. Mấy hàng đặc sản rắn sau này phát hiện ra cứ lắc đầu lè lưỡi thán phục thằng bé.

Với tinh hoa sớm phát tiết như thế nên gần đây cu Toản leo đến chức Chủ tịch Huyện cũng không ai thắc mắc. Còn ít, chưa thấm tháp gì, hãy đợi xem!

Sĩ Thái Sư là chú ruột cũng không biết Toản leo lên các nấc thang quan chức bằng cách nào. Thằng này càng lớn càng không để ai tỏ tường  bụng dạ. Trong gia tộc chỉ nghe loáng thoáng có tiếng xì xào rằng Toản được một ông thày địa lý người Tàu giúp. Gần dãy núi cách xóm Chùa Ông nửa cây số có một huyệt đạo đại cát, ai táng xương cốt phụ mẫu vào thì được năm đời phát đường quan lộc. Một đêm kia Toản đã giấu mọi người đào mộ ông thân sinh mang đi. Chuyện thực hay hư, huyệt đạo ở đâu, chẳng một ai biết. Nhưng từ đấy hắn thăng tiến vù vù thật.

Hay Toản bịa chuyện để mọi người không thắc mắc việc thăng quan tiến chức quá nhanh của hắn? Hay hắn bơm nước vào bụng ông kễnh, bà kễnh nào để được chóng cất nhắc? Cứ việc mặc sức đoán già đoán non, đừng hòng hắn hé lộ.

Tóm lại cái nhà máy xi măng là kết quả Toản lo cho địa phương mình vươn lên. Thoạt đầu không ai không xuýt xoa biết ơn ông Chủ tịch Toản, biết ơn cái nhà máy. Nhưng lâu dần năm này sang năm khác, lũ giặc ôtô chở đá vào nhà máy, chở xi măng đi ra thành phố, chúng quần thảo con đường lớn xuyên qua giữa làng khiến người dân xóm Chùa sống dở chết dở. Vốn sống quen yên bình thoáng đãng nay họ không còn chịu đựng nổi. Âm ầm suốt ngày, hàng tấn bụi trên mái nhà lẫn khói lò xi măng xam xám bay lên, lắng  xuống, khủng khiếp vô cùng. Nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài tránh bụi tấn công miếng cơm, hớp nước, hơn cả tránh giặc càn hồi mồ ma thực dân.

Mặc. Toản giờ đã ngấp nghé chức quan đầu tỉnh, mua nhà lầu ngoài thành phố cho con cái tiện học hành, hắn không mấy khi ló mặt về mảnh đất xóm Chùa nữa.

Mặc. Phổi con em gia đình Toản không ai việc gì.Đã đi kiểm tra hết một lượt rồi.

Ngay từ khi mới chỉ là luận chứng, nhà máy đã khẳng định nó sinh ra tại một  thế đất tuyệt vời, không ở đâu bằng. Đoạn đường từ thành phố đến dãy núi vòng cung, nhà máy đứng ở giữa. Lấy đá về cũng tiện, chở ximăng xuất đi cũng tiện, công nhân lại rẻ mạt, đá thì bao giờ khai thác cho hết… Chỉ người dân xóm Chùa chịu nạn thôi.

Tết năm kia Toản về giỗ cụ tổ, ông Sĩ Duệ cùng họ tộc đưa mọi nỗi ấm ức chất vấn nó, Toản hềnh hệch cười.

– Thưa toàn thể bà con trong họ, tính lợi cho riêng mình ai chẳng muốn tính. Nhưng rồi ai người ta chơi với? Đã hợp tác đôi bên phải cùng có lợi. Đành rằng bọn chủ nước ngoài sản xuất cốt lấy lãi, nhưng đất nước mình có đủ xi măng để xây dựng, giá rẻ, không phải nhập ngoại, thế có sướng không? Làng mình không chịu bụi khói, tất làng khác phải chịu, đâu cũng dân mình cả. Nó ở đây người làng mình được ưu tiên công việc có sướng không? Chịu khó mua lấy dăm cái khẩu trang khắc xong chuyện bà con ạ!

Mọi người tịt. Dân xóm Chùa đã quá sợ khói bụi, nghi ngờ nó là thủ phạm gây ô nhiẽm môi trường, gây nên chín cái chết ung thư từ đầu năm, nhưng biết nói với ai? Vả lại rau quả dính thuốc sâu, gạo dính phân đạm, phân hoá học, bánh phở phoócmôn, bún hàn the, đậu thạch cao, cá mú lợn gà bột tăng trọng, chưa kể đến bánh kẹo thực phẩm mọi loại độc hại. Giờ dân xóm Chùa đổ riêng cho bụi khói liệu chính xác không?

Thế nên thi thoảng lại có đoàn y tế về giúp dân xóm Chùa tìm hiểu nguyên nhân. Cũng tốt. Biết bệnh sớm để còn liệu.

Đi khám mắt về ông Sĩ Duệ bỗng thấy một cái ôtô bóng loáng đỗ ngoài ngõ. Ai thế? Thằng Toản thay ôtô như thay áo, ông không nhớ nổi, nhưng chắc chỉ nó thôi.

Vào trong nhà ông mới biết đích là Toản, một thằng Toản rũ rượi, mặt xám ngoét như gà cắt tiết. Quái lạ!

– Cháu vừa về nhà thờ tổ thắp hương. Toản cúi đầu khẽ nói.

Bà Duệ đang tiếp nước, giọng đon đả cốt để ý tứ gửi thông điệp cho chồng :

– Anh ấy đợi ông mãi. Tôi thấy anh ấy không được khoẻ đâu. Ông giữ anh ấy nghỉ lại ăn cơm, rồi tôi làm nhoáng cái sẽ có món gà luộc cho hai chú cháu uống bia.

Sĩ Thái sư ngầm hiểu bà sắp buộc ông phải xin Toản cho thằng cháu vợ mở cái công ty trách nhiệm gì đó.

– Vậy bà xuống bếp làm quàng đi.

Chờ bà thím đi khỏi, Toản đưa đôi mắt rầu rĩ nhìn ông Duệ.

– Ôi chú ơi, chuyến này chết thật rồi!

Ông Duệ giật thót người, hóng mắt vào đôi môi thằng cháu.

– Ai chết ?

– Cháu.

– Làm sao mà chết? Cấp trên trù ghét hay dân bới chuyện gì?

– Rồi cháu sẽ kể. Chú đi với cháu một lúc nhé?

Tất có chuyện gì quan trọng lắm đây. Cái thằng cháu càng leo cao càng dày mặt này ông chưa từng thấy nó biết bối rối. Ông Sĩ Duệ không hỏi han nửa lời, với tay lấy cái khẩu trang trên bàn thờ, đeo vào miệng .

– Ngồi ôtô cơ mà chú?

Ư, rõ quỷnh. Thì gấp lại cho vào túi áo, phòng lúc lên xuống xe.

Toản là loại cán bộ trẻ, hiện đại, tự lái xe con những lúc cần thiết, tránh được sự thóc mách của những chú tài xế được công an gài vào.

Ông Sĩ Duệ chỉ mong cả xóm Chùa trông thấy ông trịnh trọng lên ôtô, do đích thân thằng cháu vàng cốm làm tài xế. Nhưng tiếc quá, bâu chung quanh xe rặt lũ trẻ con hiếu kỳ vừa tan học về.

– Ê, ê, Sĩ Thái sư làm chú rể chúng mày ơi!

Ông Duệ tức quá quát :

– Chú rể lấy con mẹ chúng mày à? Cút hết!

Lũ trẻ tản ra xa như kiểu đàn ruồi bị xua. Cái xe nổ máy lướt đi êm ru trong tiếng thằng cháu nhà Chắt gào theo :

– Chú rể đi bế cô dâu!

Ông Duệ rất ngạc nhiên thấy cái xe không đi ra phía thành phố. Nó đưa ông đi ngược qua cái nhà máy ximăng chết tiệt. Ông định bụng nói móc một câu rõ đau cho Toản thấm thía cảnh ôtô rẽ bụi mà đi. Nhưng nhìn mặt nó đăm chiêu trông thật tội. Cái thằng dân nghèo khổ, mặt quắt, có đau đớn đến mấy trông cũng hợp cảnh hơn. Đằng này trắng trẻo, phì phị những mỡ, lại hồng hào nhẵn nhụi cứ như mông lợn sữa, cái mặt ấy mà đau đớn thì… thương rớt nước mắt!

Ô tô con của Toản giờ đi ngược chiều với hàng trăm xe chở đá về nhà máy. Đến khi nó rẽ sang một nhánh đường phụ thì trước mắt ông Sĩ Duệ hiện lên cả một vành cung dãy núi sừng sững phía trước, trắng phớ nham nhở.

Ông Sĩ Duệ buột miệng kêu :

– Ôi giời, nhìn sợ chưa kìa!

Tự nhiên ông buốt nhói con tim. Nó bị ngoạm nhanh quá, nhanh khủng khiếp. Mới dăm năm chứ mấy! Cả một vành cung xanh rì, núi non trùng điệp, đẹp như một vịnh Hạ Long cạn nay bỗng thành… không thành gì nữa, giời đất ơi!

– Tội này do ở mày..ày !

Ông Duệ rít lên khe khẽ khi thấy Toản cũng sững sờ rời tay lái, ngây người ngắm vòng cung núi trước mắt. Giá ông có thể túm lấy Toản tát vài cái, hoặc cắn xé nó bằng hàm răng cái mất cái còn của ông, cho hả cơn giận đang ứ lên.

– Trời ơi, cái yên ngựa ở chỗ nào hả chú?

– Phía trái đấy. Mày phải mở to mắt ra để tưởng tượng, chứ có còn đâu mà nhận diện.

Toản mở cửa xe luýnh quýnh bước xuống. Ông Duệ xuống theo. Còn đâu ngọn núi có đường võng hình yên ngựa nữa. Ngọn ấy xa nhất  nhưng cánh lái xe đi tắt theo con đường mới mở nên tuy xa lại thành gần. Nó đã bị xoá sổ coi như sạch sẽ, khó nhận ra vị trí xưa ở đâu.

Toản từ từ quay gương mặt méo xệch về phía ông Duệ nức lên:

– Mả bố cháu,chú ơi! Nó nằm trong lòng huyệt yên ngựa ấy.

Ông Sĩ Duệ tưởng mình khuỵu ngất. May ông tựa được vào thành xe. Nhưng ông cũng suýt ngã khi cái thân hình cao to, phốp pháp của Toản nhào tới, đổ gục vào ngực ông. Nó khóc, chao ôi nó khóc!

Khi đã dìu được Toản lên xe ngồi, ông Sĩ Duệ thì thào căn vặn. Hoá ra chuyện lão thày Tàu là có thật. Toản cùng lão ta lên thám thính mấy lần.

Cái ngách hang chỉ bằng miệng thúng cái, nằm kín đáo dưới gốc khế cổ thụ …

Đây này, “ngổ“ nói có quỷ thần hai vai chứng cho, cái huyệt trông thế nhưng

là rốn rồng. Ngày xưa âm khí còn vượng, ai táng được vào rốn rồng sẽ phát đến tể tướng, con trai khôi nguyên, bảng nhỡn, con gái hoàng hậu, vương phi, năm đời ăn không hết lộc. “Ngổ“  cảm tạ cái tình của gia đình, xét thấy cậu ăn ở có đức, “ngổ ’’mới mách cho.

Thế là một đêm Toản cùng lão thày Tàu hì hụi chôn lén hài cốt bố hắn vào rốn rồng. Lại vần đá tảng lấp hang đi. Toản không dám lai vãng tới đó nữa, sợ người ta biết,  làm hại mình. Trước đây mỗi năm vào dịp thanh minh tảo mộ, hắn cầm bó hương ra trước ngôi mộ giả ở nghĩa địa đồng làng, thắp hương lên, vái vọng về dãy núi yên ngựa phía xa mù mà mời mọc ông cụ thân sinh. Chưa đến hai năm hắn cứ thế thăng quan tiến chức ầm ầm!

– Bây giờ phải thật bình tĩnh. Anh đưa tôi đến tận chân ngọn yên ngựa ngày xưa, xem xét thử. May hồng phúc tổ tiên phù hộ, người ta đào thấy cái tiểu, người ta vứt lại, rồi ai đó làm phúc chôn giúp quanh đấy thì mình vẫn còn.

Nghe có lý. Một chút hy vọng nhen nhóm khiến Toản bình tĩnh nín khóc. Lạy trời, có thể lắm chứ…

Trên đường đi tiếp ,ông Duệ lại gặng hỏi :

– Sao bỗng dưng anh nhớ đến chuyện này mà về tìm?

– Cháu nằm mơ thấy bố cháu đêm mồng một vừa qua. Bố cháu chỉ khóc và nói :“Bố bị nghiền nát rồi’’. Cháu nhìn kỹ quả nhiên ông cụ chẳng còn ra hình thù gì. Cháu sợ quá, giật mình tỉnh dậy. Thế là cháu cứ lẩn quẩn nghĩ mãi. Sáng qua đọc báo thấy người ta nói tới thành tích của nhà máy ximăng, tự nhiên cháu có linh tính rất lạ. Nhưng rõ ràng cháu đã giao hẹn với tổng giám đốc chúng nó, chỉ cho lấy gọn đá ở dãy núi đầu ghềnh đi dọc tới Đông Triều,để giữ cảnh quan bề mặt cơ mà.

Dọc hay ngang đâu chả bề mặt, ai ra đấy giữ được tay đoàn quân nổ mìn phá đá? Khi vào guồng sản xuất, trăm nghìn lời hứa hẹn sẽ bay theo gió.

Chỉ thiệt thân anh tôi thôi. Ông Sĩ Duệ nức nở trong lòng. Anh ơi, giờ anh ở đâu? Nhớ ngày bé anh chia phần khoai luộc cho em, em cắn cả vào ngón tay anh chảy máu, anh không đánh em, lại khóc. Anh ơi hiền lành như anh sao phải khốn khổ, đến chết cũng không vẹn toàn xương cốt vậy anh?

Hai chú cháu tìm đến dưới chân ngọn yên ngựa. Hỏi ra người dân chung quanh chẳng ai biết tí gì. Chao, chúng nó nổ mìn có mà tung từng mảnh vụn như cám!

Trở về nhà ông Sĩ Duệ lử khử lừ khừ. Nhưng trời chưa tha, lại bắt ông chứng kiến cái chết của một nửa trái tim ông. Người đàn bà cuối xóm, bà Thi, cái bà goá duyên dáng nhất làng, người đã để bóng hình nằm sâu tận đáy trái tim Thái sư suốt một đời, bà ấy ra đi cũng vì căn bệnh ung thư phổi quái ác.

Chồng chết khi chưa đầy ba mươi, không con cái, bà Thi là cái đích nhắm cho cánh đàn ông xóm Chùa. Nhưng bà quyết ở vậy. Có lẽ vì người bà thầm thương yêu tiếc thay lúc đó đã vợ con đề huề, bà không thể phá đám. Vả lại bà còn gọi vợ người đàn ông ấy là chị họ, luân thường đạo lý không cho phép.

Ngoài ông Duệ , chắc chắn cả thế gian này không ai biết bà Thi mang theo xuống mộ kỷ niệm một buổi chiều mưa bão trong túp lều cất vó ngoài đồng, kỷ niệm duy nhất giữa hai người. Mấy chục năm qua lúc nào chiều mưa ấy cũng nóng hổi trong lòng ông Duệ… Trời đã xâm xẩm. Giông bão tình cờ hay hữu ý đánh giạt hai con người ướt át vào căn lều hẹp. Ông không nhìn được ánh mắt nồng tình của bà, vì bà cứ giấu mặt vào ngực ông như một cô gái đồng trinh xấu hổ. Và tấm thân còn óng ả đến ngạc nhiên của bà run rảy từng đợt trong vòng tay siết chặt của ông, dướn lên khao khát đón nhận. Mùi nắng gió lẫn mùi lá hương nhu gội đầu quyện thơm vào từng miền da thịt đầy đặn khiến ông ngấm say. Ông lạy trời đừng bao giờ tạnh bão, hoặc mưa cứ xoá sạch vết tích cả căn lều lẫn hai người cho xong. Ôi cái bụng ấm sực, mềm mại, phập phồng hổn hển…

Đúng lúc đó, một chú cá rô quẫy vọt khỏi mặt nước, phi thẳng vào lều, mắc cạn ở trên tấm lưng trần của người đàn ông đang gồng lên. Con quái giương vây, giãy đành đạch, rạch vào da thịt người.

– Gì thế? Giọng người đàn bà thảng thốt, thoảng nhẹ.

– Đừng sợ… con cá rô ấy mà …

Con cá rô văng ra tấm ván, để lại trên lưng người đàn ông mấy vết rạch ứa máu. Mặc kệ nó!

– Chết thôi, đau lắm không ?

– Lúc ấy làm gì còn biết đau nữa.

– Phải gió ạ!

Cơn bão đi qua, rồi cơn bão khác lại đến. Năm ấy sao nhiều bão thế. Nhưng mỗi khi bão về, có  người ở xóm Chùa Ông lại không dám đi qua mạn đồng ngòi nữa. Và cho đến tận lúc bệnh ung thư phổi đưa đi, có một người kiên quyết tránh mặt một người. Cả làng không hề ai biết …

Sĩ Thái sư ngã bệnh nặng. Hai tháng đi bằng băng ca đến cấp cứu tại các bệnh viện, ông Duệ cứ nửa mơ nửa tỉnh, lang thang trên quãng đồng ngòi, nơi có cái lều cất vó ngày xưa, rồi lại leo những sườn núi dãy vòng cung có mỏm yên ngựa. Nhưng ông không gặp người đàn bà cuả ông, cũng không gặp bóng dáng anh trai lần nào cả. Giá thấy nhau lấy một lần để âm dương được giãi bày sự tình cho thoả lòng thương nhớ!

Gần Tết, ông Sĩ Duệ đã nhúc nhắc đi lại được, tuy vẫn sút mắt bốn ký. Hôm hăm bảy tháng chạp, ông gượng ra nghĩa địa xóm Chùa thăm mộ các cụ, thắp hương, đốt dăm nghìn tiền vàng để các cụ đi tàu xe về sum họp với con cháu trong ba ngày Tết. Rồi ông tha thẩn tới trước ngôi mộ cỏ mới loang xanh của bà Thi, ông xót xa vái ba vái, thì thầm an ủi bà. Hãy đợi tôi, chắc chắn dưới ấy chúng ta không còn phải giấu giếm tình cảm một cách đáng thương như thế. Đợi tôi, bà nhé… Cuối cùng ông đến mộ anh trai,  cái mộ giả còn lại đó, ông cũng thắp hương khấn khứa. Anh khôn thiêng thì dù đang vờ vật nơi đâu cũng xin theo chân ông bà cha mẹ về, hồn anh trai ông chắc vẫn đang lẩn quất trên núi yên ngựa chứ ở đâu đây? Đúng rồi ! Sao ông không sớm nghĩ ra nhỉ?

Cầm theo một bó hương, ông Sĩ Duệ lập tức gọi xe ôm đi thẳng tới dãy núi mờ sương phía trước mặt.

Tất nhiên ông cũng chẳng nhớ chính xác địa điểm.Ông chỉ ước chừng nơi xưa có ngọn yên ngựa mà thắp hương cho anh trai, cắm rải ra một vùng thật rộng.. .Anh ơi,  dù anh đã thành cát bụi, hồn siêu phách tán, dù nay xương cốt anh có nằm đây đó trên các mái bê tông hay trong cầu thang siêu thị… thì xin anh hãy một lần trở về cùng em anh nhé!

– Ông lão hay thật nhẩy. Thắp hương cả cho thần núi à?

Anh lái xe ôm mắt tròn mắt dẹt tò mò hỏi. Ông Sĩ Duệ ậm ừ trả lời cho qua chuyện, rầu rĩ lên xe quay trở về.

Đi được một quãng đường, bất ngờ anh xe ôm thấy ông Sĩ Duệ kêu toáng lên :

– Họ! Họ đã!

Hiệu lệnh ông dùng điều khiển bò cày nhưng anh xe ôm hiểu ngay, dừng phắt lại.

Bên cạnh đường cái ông Duệ phát hiện ra một dáng hình quen quen, đang xì xụp trước một đống đá răm, cạnh ngôi nhà đang xây dở dang. Cái dáng cao to bề thế không trộn lẫn vào đâu, tuy quần áo nhếch nhác, chân đất, đầu trần, khác hẳn phong độ thằng cháu vàng cốm của ông khi trước, nhưng đích là Toản.

– Toản!

Gã không ngoái lại. Ông Sĩ Duệ bước nhanh tới gần,túm vai áo gã kéo mạnh. Lúc đó gã mới quay bộ mặt nhăn nhó đau khổ chằm chằm nhìn ông, cái nhìn của kẻ tâm thần. Ông còn há hốc mồm chưa cất nên lời thì gã bỗng ghé sát tai ông lào thào:

– Cậu biết không, tớ đã thấy ông cụ rồi. Ông cụ nằm lẫn trong đống đá này. Thật đấy. Nhưng phải bí mật, kẻo chúng nó trộn bê tông bây giờ.

Rồi gã bỏ mặc ông Sĩ Duệ đứng như trời trồng, xụp xuống ôm mặt khóc nức lên trước đống đá răm:

– Bố ơi, chính con nghiền nát bố mất rồi. Ôi bố ơi …

Nhờ cuộc gặp tình cờ ấy mà gia đình lôi được ông chủ tịch Huyện về nhà. Người ta đưa Toản vào bệnh viện tâm thần Trung ương. Nhưng cứ xểnh ra Toản lại bỏ trốn,  tìm đến những đống đá khóc lóc van lạy.

Ông Sĩ Duệ đi bệnh viện lần thứ hai, nhưng là đi chữa mắt. Đận ấy xóm Chùa có dịch đau mắt rất nặng. Không rõ nguyên nhân.  Người ta nghi long mạch xóm Chùa bị động. Nhưng nhà cửa đã xây vô tội vạ, lầu cao mái thấp tùm lum, ai biết long mạch ở đâu mà lần. Đành chịu. Ông Sĩ Duệ chặc lưỡi bảo:

– Chữa chạy cho phải phép thôi. Chẳng thể tránh được cảnh đời nó làm đau đớn con mắt. Nhắm tịt được càng tốt!

Xóm Núi 1-2007

Đ.L

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder