Xuân trong Thơ mới không chỉ là vấn đề mùa xuân trong thơ, đó là “cảm niệm triết học” (Chu Văn Sơn) về thời gian, về thực tại và “sinh mệnh cá thể” (Trần Đình Sử), về giá trị quan và các phạm trù thực tiễn nhân văn xã hội, tự nhiên khác.
Thơ mới là một loại hình thơ đã minh chứng được vai trò, ý nghĩa quan trọng của nó trong tiến trình thơ Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại. Trong tư cách là một loại hình, Thơ mới mang những sắc thái khác biệt, không trùng lặp, không phổ biến, không có tính quy luật trong các loại hình thơ trước và sau nó. Trong rất nhiều tiêu chí đã được đề cập, ở bài viết này, chúng tôi tập trung vào cảm thức “Xuân” như là một ý niệm, một tri thức của loại hình. Xuân ở đây không chỉ là mùa (thời gian tự nhiên, vật lí), nó còn hàm nghĩa những giá trị thuộc về bản sắc cá thể, về cuộc đời, về giá trị quan, thẩm mĩ quan của con người cá nhân tư sản trong môi trường đô thị kiểu phương Tây thời Thơ mới. Nói cách khác, xuân là một phạm trù có tính biểu trưng trong tư duy, mĩ cảm của thi sĩ Thơ mới. Từ đó, Thơ mới phân biệt với thơ thời trung đại, khẳng định tư cách hiện diện của mình trên diễn trình thi ca dân tộc.
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi không thể mô tả, lí giải cũng như đánh giá cặn kẽ về biểu trưng xuân trong Thơ mới mà chỉ bàn đến một vài khía cạnh có tính căn bản, trọng yếu nhất của sắc thái này. Theo đó, xuân trong Thơ mới hàm chứa ý niệm về thời gian, về vẻ đẹp của con người, cuộc đời đồng thời còn là biểu trưng của tình yêu, xuân tình, những xúc cảm, thái độ của con người cá nhân trong quá trình thức nhận những giá trị cốt thiết của bản thân và sự sống. Trong bài viết Thời gian, không gian trong thơ Đường, Trần Đình Sử chia thời gian thành 5 phạm trù: thời gian sinh mệnh cá thể, thời gian vũ trụ – tự nhiên, thời gian lịch sử, thời gian sinh hoạt, thời gian siêu nhiên(1). Nếu đặt ra một sự tương sánh về ý niệm thời gian của Thơ mới với thơ Đường (trong tư cách là mẫu hình của thơ trung đại), có thể thấy Thơ mới đã rút lại để phát huy tối đa cảm quan của con người cá nhân về thời gian, cuộc đời, vẻ đẹp, xuân tình, sự tàn phai, hủy diệt,… làm nên phạm trù xuân như là một sản phẩm mang đặc tính loại hình của mình. Con người, trong ý thức về mình thấy cần phải được hiện diện, được sống với những đòi hỏi căn bản, thực hữu. Bởi vậy, ý thức về thời gian, về xuân cũng là một cách tự biểu hiện, một con đường để hiện diện trong vũ trụ, nhân giới, trong tương quan với tha nhân và từ đó là trong lịch sử, trong những thế giới khác (như cách Trần Văn Toàn gọi là hiện thân tại thể, ở vật giới, nhân giới và thế giới bên kia)(2). Trong hình dung để mô tả, xuân trong Thơ mới bao gồm các nét nghĩa: thời gian vật lí (mùa – danh từ), đặc tính của thời gian (đẹp, hài hòa, tươi vui, ấm áp, đầy màu sắc – tính từ), đặc tính của con người (tuổi trẻ, tình yêu, xuân tình – danh từ). Từ những hình dung này, có thể đưa ra một vài kết luận về khác biệt loại hình trên phương diện nhận thức về xuân của thi sĩ Thơ mới với thi sĩ trung đại.
Trên phương diện là một sắc thái biểu trưng thuộc về thời gian, xuân trong Thơ mới được nhận thức là một mùa tươi đẹp nhất của năm, của vũ trụ. Không thể tách rời danh từ này khỏi đặc tính của nó trong việc biểu hiện một thực thể (dù là trừu tượng) của vũ trụ, tự nhiên. Bởi thế, ở đây, mùa xuân (danh từ) luôn đi kèm với tính chất ấm áp, hài hòa, tươi vui, đầy màu sắc, đầy sức sống,… Vấn đề đặt ra ngay tại đây trong tư cách loại hình của Thơ mới đó là, xuân không nằm trong tính ước lệ, quy phạm của mĩ học trung đại nữa. Các tác gia trung đại có cùng một hệ giá trị, cùng một trường văn hóa và thẩm mĩ vốn được kiến tạo trong các khuôn thước của mĩ học truyền thống có tính quy ước rất cao. Thơ mới đã phá vỡ khung khổ này để thoát ra, kiến tạo những không – thời gian xuân mang tính cá nhân với sự phong phú, đa dạng trong cảm nhận và biểu hiện: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí bóng xuân sang (Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử); Của ong bướm này đây tuần tháng mật/ Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất/ Của yến anh này đây khúc tình si […] Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già (Vội vàng – Xuân Diệu); Nằm im dưới gốc cây tơ/ Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non (Trông lên – Huy Cận); Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói/ Đây, hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi (Xuân về – Chế Lan Viên); Nước hồ xanh trong suốt ánh pha lê/ Nắng xuân rắc kim vàng trong bụi cỏ (Mùa xuân – Đoàn Văn Cừ); Trời hơi lạnh và nắng vàng hơi hửng/ Lúa xanh đồng rợn sóng tận chân mây (Ngày xuân – Anh Thơ); Cây vươn cao lên, nắng tỏa gần/ Vàng bay vài lá, ý bâng khuâng (Đường xuân gặp gió – Yến Lan),… Mùa xuân trong cảm quan của thi sĩ Thơ mới mang những nguồn sống mạnh mẽ hơn, khỏe khoắn và tân kì như chính chủ thể tri nhận về nó. Con người cá nhân tư sản trong đô thị phương Tây đã nhìn xuân bằng đôi mắt của riêng mình, cảm xuân bằng trái tim, bằng hơi thở của riêng mình. Và, quan trọng hơn cả, thời khắc xuân ở Thơ mới được tri nhận trong tính đồng hiện của thời gian và cảm quan, không phải là những tri thức, cảm xúc khảo cổ từ quy phạm. Bởi vậy, xuân không chỉ là đào mai khoe nở, liễu xanh, khói biếc, cỏ non, gió đông (mùa xuân, gió từ hướng đông thổi đến làm cây cỏ tốt tươi),… xuân gần gũi hơn, hiện diện trong cuộc sống hiện tại với nhà tranh, áo biếc, giàn thiên lí, đồng lúa xanh, bụi cỏ, sắc pháo đỏ, má hồng thiếu nữ. Dẫu không tuyệt giao với thi liệu cũ, nhưng có thể nhận ra tinh thần mới trong việc cảm nhận và biểu tỏ về mùa xuân của thi sĩ Thơ mới. Họ không bị lệ thuộc vào một tiên ước nào, tự do biểu hiện trực nhận của mình trước thời gian, vũ trụ: Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa/ Tia nắng tía nhảy hoài trong ruộng lúa/ Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh (Chợ tết – Đoàn Văn Cừ). Có thể thấy cảm xúc của thi sĩ Thơ mới tự nhiên hơn, vì thế cũng tươi mới, gần gũi và thân mật: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay (Mưa xuân – Nguyễn Bính). Thi sĩ Thơ mới là một con người thực hữu, một cá thể với tất cả va động, tương giao cùng thiên nhiên, vũ trụ và cuộc đời. Bởi vậy, mùa xuân, trong tư cách là khoảnh khắc thời gian kì diệu của tự nhiên đã được thâu nhận bằng tất cả những gì có thể của một cá thể nhận ra mình trước vô biên, trước thời gian. Khi phát huy sức mạnh này, cái tôi đã vượt qua những rào cản, ranh giới của hệ mĩ học trung đại, của các khế ước luân lí, đạo đức vốn giam hãm con người trong các khuôn khổ cứng nhắc “ngàn năm không di dịch” (Hoài Thanh).
Bước ngoặt lớn trong sự tri nhận thời gian của thi sĩ – con người thời Thơ mới chính là việc thoát khỏi lực hút của motif lấy thiên nhiên làm chuẩn, tượng trưng, ước lệ cho con người. Thơ mới không còn lối biểu tỏ: Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông (Đào hoa y cựu tiếu đông phong – Thôi Hộ) mà đã sống nhập vào hơi thở cuộc đời, gắn với con người đang hiện diện một cách cụ thể. Có thể nói, đây là thành tựu to lớn của Thơ mới trong việc tách mình ra khỏi dòng chảy của thơ ca trung đại, làm thành một loại hình riêng đầy sức sống. Dễ nhận ra, trong những cảm xúc về xuân, Thơ mới gắn bó chặt chẽ với tâm trạng, thái độ, tính chất của sự sống con người. Đến đây, phạm trù ý nghĩa thứ hai cần phải được diễn dịch: Xuân như là đặc tính của tuổi trẻ, tình yêu, xuân tình – cái phần non tươi, ngọt ngào, đẹp đẽ, hấp dẫn, đáng sống, đáng hưởng thụ và cũng đáng tiếc, đáng thương xót, ngậm ngùi (khi đi qua) nhất của con người, cuộc đời. Khảo sát trên bề ngang với các tác giả đã được tuyển vào Thơ mới – tác giả và tác phẩm (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004) thấy phần lớn cảm thức xuân gắn với đặc tính của cuộc đời, tình yêu, con người. Chúng ta có thể bắt gặp hàng trăm câu thơ như thế trong tuyển tập (vốn chưa đầy đủ) này. Do khuôn khổ bài viết chúng tôi không tiện trích dẫn nhiều, nhưng đó là cơ sở để đưa ra những nhận định về một nguồn sống mới, chất thơ mới trong tiến trình thơ trữ tình Việt Nam.
Trước hết, xuân được tri nhận như là thời khắc đẹp nhất của đời người, đánh dấu quá trình trưởng thành, khơi mở những khát khao yêu đương, tình ái. Hầu hết các thi sĩ Thơ mới đều đề cập đến vẻ đẹp của tuổi trẻ như là mùa xuân, xuân sắc, xuân tình, xuân xanh,…: Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự/ Tôi đều nhìn thấy trên môi em/ Làn môi mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm (Gái quê – Hàn Mặc Tử); Bao giờ cho mộng nở hoa/ Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi (Mơ tiên – Bích Khê); Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng (Xuân về – Nguyễn Bính); Là ánh trăng non chớm độ rằm/ Xuân là duyên nụ tuổi mười lăm (Dịu nhẹ – Vũ Hoàng Chương); Mùa xuân chín ửng trên đôi má (Nụ cười xuân – Xuân Diệu); Xuân vừa chớm tuổi/ Bướm đến quen hoa/ Em nhỏ hơn ta/ Tình như áo mới (Xuân ở quê em – Hồ Dzếnh); Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa/ Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết/ Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết/ Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân (Kỳ nữ – Đinh Hùng); Chân bước khoan thai giữa biếc hường/ Và lòng vơ vẩn giữa yêu thương/ Cả hai không hẹn đều mang máng/ Biết có mùa xuân đợi cuối đường (Phơi phới – Tế Hanh),… Chưa bao giờ trong thơ Việt Nam (trước khi Thơ mới ra đời), xuân lại được liên tưởng phong phú, sinh động, đời thực, hấp dẫn đến như thế. Xuân đến chính là thời khắc đất trời bước vào mùa đẹp nhất, sinh sôi, nảy nở, hoa cỏ tốt tươi, thiên nhiên giao hòa. Cũng vậy, với con người, xuân chính là tuổi trẻ, là tình yêu, là những nhiệm màu của ái ân tình tự. Từ ánh mắt đến làn môi, từ ửng hồng trên má đến nụ cười bẽn lẽn, từ mái tóc đến khăn thêu, tà áo, từ bộ ngực tròn căng đến da thịt lụa là, từ hồn xuân đến đêm xuân, từ hơi thở đến nụ hôn, từ e ấp đến vội vàng cuống quýt, từ ghé nhìn, đi theo đến chung bước, từ cầm tay giữ áo đến ấp ôm thâu riết, từ thanh tân trinh tiết đến thỏa thuê tình tự, xuân hiện lên như sắc điệu quyến rũ nhất, mời gọi nhất của cõi sống. Đúng như Lưu Trọng Lư đã thốt lên, cái tình trăm cung ngàn bậc nơi Thơ mới quả đã khác xa với cái tình chăm chú vào hôn nhân của các cụ ta ngày trước. Xuân bởi thế, trong ý niệm này đã gia tăng tối đa về sắc thái biểu hiện trên cơ sở kinh nghiệm, tri thức, mĩ cảm của từng cá thể. Không ai giống ai, các thi sĩ Thơ mới kiến tạo bản sắc của mình như là một nỗ lực hiện thân giữa nhân giới, vũ trụ, phân biệt mình với lớp thi gia trung đại, thi phẩm trung đại đã sáo mòn, cũ kĩ, đơn điệu.
Vấn đề xuân trong Thơ mới không dừng lại ở việc mô tả những hình sắc của xuân trong thơ, mà dụng ý đi đến một lí giải từ căn rễ thuộc về ý thức, bản sắc của con người cá nhân tư sản trong môi trường đô thị kiểu phương Tây trước thời gian (vốn là phạm trù nhận thức có tính căn bản của con người xưa nay). Chung quy lại, đó cũng là một vấn đề thuộc về “cảm niệm triết học về thực tại” (Chu Văn Sơn), nhân sinh quan và thế giới quan của con người. Ý niệm về thời gian của con người cá nhân trong Thơ mới có lẽ nổi bật lên hai sắc thái: say đắm xuân và tiếc nuối xuân, cái đương thành cũng là đương hủy, cái đang tươi cũng là cái đang tàn, cái đang sống cũng là cái đang tiến dần về nơi chết,… Bởi thế, Thơ mới, không chỉ trong ý niệm thời gian, không chỉ ở phạm trù xuân, mà tất cả cứ dạt ra theo hai cực, rời xa, li tán, chia lìa,… Bi kịch xuất phát từ đó. Xuân trong Thơ mới, như đã nói ở trên, cùng với niềm đắm say là sự tiếc nuối, xót xa, đau buồn vì xuân không vĩnh viễn: Buồn hết nửa đời xuân/ Mộng vàng không kịp hái (Mưa, mưa mãi – Lưu Trọng Lư); Tóc xanh như cỏ trên mồ/ Đời hoang chôn cả xuân thu một thời (Độc hành ca – Trần Huyền Trân); Xuân này đến nữa đã ba xuân/ Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần (Cô lái đò – Nguyễn Bính); Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng (Xuân rụng – Xuân Diệu); Đời mất về đâu, hỡi tháng, năm?/ Xuân không mọc nữa với trăng rằm (Buồn – Huy Cận); Hoang sơ tuổi đá bừng cơn mộng/ Cúi mặt u huyền khép áo xuân (Lạc hồn ca – Đinh Hùng),… Có thể xem đây là cảm thức tất yếu, vừa là hệ quả, vừa là nguyên nhân của nỗi đắm say với xuân sắc ở trên. Cái này vừa là nhân, vừa là quả của cái kia, cứ dồn đẩy, thôi thúc trong tâm tư, tình cảm, trong nỗi niềm của cái tôi ham sống, ham yêu, ham bày tỏ chính mình. Càng khát khao vẻ xuân tình, xuân sắc lại càng âu lo, buồn tủi trước sự tàn phai, rơi rụng. Tính lưỡng cực của xúc cảm này là hoạt lực chủ đạo trong tư duy thơ của toàn bộ loại hình Thơ mới. Đặc tính này xuất phát từ cấu trúc tâm lí của con người cá nhân tư sản, sống cụ thể với bản sắc của mình. Khác với con người trung đại là con người phận vị, con người trong thơ trữ tình dân gian là con người tập thể, cái tôi Thơ mới là con người cá thể hướng ra sự sống đang vận động. Xuân dù trong ý niệm nào đều là những thành tố của sự sống đang vận hành, trôi chảy. Nó không phải là một địa hạt đóng kín bởi các lớp quy ước của cộng đồng như trong thơ trung đại. Tính mở của nó cho phép các sắc thái mới được khai sinh, du nhập và tự do kiến tạo. Bởi thế, ta sẽ nhận ra cái rạo rực nhiệm màu trong thiên đường trần thế của Xuân Diệu, cái xuân thiêng gấm ngọc của Hàn Mặc Tử, cái ánh ỏi lấp lánh trong xuân của Đoàn Văn Cừ, cái khoan thai, dịu nhẹ của xuân trong thơ Anh Thơ, cái rộn rực xuân tình của Bích Khê, cái u huyền của xuân trong thơ Đinh Hùng,… Mỗi thi sĩ mỗi sắc điệu đã làm cho xuân – Thơ mới trở nên sinh động và phong phú.
Xuân trong Thơ mới không chỉ là vấn đề mùa xuân trong thơ, đó là “cảm niệm triết học” (Chu Văn Sơn) về thời gian, về thực tại và “sinh mệnh cá thể” (Trần Đình Sử), về giá trị quan và các phạm trù thực tiễn nhân văn xã hội, tự nhiên khác. Trong tư cách loại hình của mình, Thơ mới là sự hiện diện của một hệ thống triết mĩ phân biệt với thơ trung đại, đặc biệt là ở quan niệm về xuân. Trong thế giới của chúng ta, không có gì tồn tại phi thời gian, bởi vậy, thời gian, xuân,… trở thành những phạm trù cốt thiết nhất trong vận hành sự sống của con người. Ý niệm khác về xuân của Thơ mới là một căn cứ khá hữu hiệu để cắt nghĩa sức sống, tư cách loại hình của Thơ mới trong tiến trình thơ trữ tình Việt Nam
N.T.T
—–
(1) Trần Đình Sử, Văn học và thời gian, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr. 376.
(2) Trần Văn Toàn, Hành trình vào triết học, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009.