“Nhà thơ của thiếu nhi”. Hoài Khánh khảng định cho mình danh xưng này không chỉ bằng sáu tác phẩm sáng tác cho thiếu nhi : Bé kim giây (NXB Hải Phòng, 1991), Tia nắng xanh (NXB Hải Phòng, 1996), Trăng treo giữa nhà (NXB Hội Nhà văn, 2004), Dắt biển lên trời (NXB Kim Đồng, 2012, tái bản 2015), Địu chữ qua cổng trời (NXB Kim Đồng, 2019), Đồng hồ báo thức (NXB Hội Nhà văn, 2020), không chỉ được trao nhiều giải thưởng văn học của Trung ương và địa phương; trong đó có các giải thưởng văn học thiếu nhi của Báo Thiếu niên Tiền phong, Nhà xuất bản Kim Đồng, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc tại Việt Nam, không chỉ có nhiều bài thơ được các nhà làm sách giáo khoa chọn đưa vào các lớp bậc Tiểu học mà danh xưng ấy có được là nhờ Hoài Khánh là nhà thơ bền bỉ với mảng thơ thiếu nhi, luôn giữ được cái nhìn và cách nghĩ của trẻ thơ trong cảm hứng sáng tạo và được các bạn nhỏ nhiệt thành đón nhận.
Tuy nhiên, một góc nhỏ ít người biết tới, đó là mảng thơ viết cho người lớn của Hoài Khánh. Là góc nhỏ nhưng không thể thiếu trong hành trình sáng tạo, lao động nghệ thuật của Hoài Khánh bởi cũng như mọi người ai cũng có mối quan hệ, cảm xúc từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… và đặc biệt Hoài Khánh còn là nhà báo, nhà quản lý được đi nhiều, sẽ có nhiều xúc cảm trên những nẻo đường mình qua. Mảng thơ tưởng chừng khác biệt trong phong cách thể hiện câu chữ so với thơ thiếu nhi nhưng với Hoài Khánh không hẳn như vậy.
Sáng tác thơ ca trong bối cảnh hiện nay đang nảy nở rầm rộ với những xu hướng, trào lưu thuận nghịch khác nhau, để tìm một hướng đi thích hợp, mới mẻ, thực chất không phải điều dễ dàng. Thơ Hoài Khánh vẫn giữ được cách diễn đạt thanh thoát với những sáng tạo ở mối liên tưởng bất chợt, hình ảnh ví von khác biệt giống như viết cho thiếu nhi, không bị sa đà vào những thể hiện rắc rối, cầu kì, vẫn lối nói dí dỏm, dùng các trạng từ, tính từ, nhân cách hóa cho thi ảnh.
Với Có một Hải Phòng (NXB Hội Nhà văn, 2015), Hoài Khánh phải thật tự hào với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên mới có những câu thơ da diết, câu thơ khảng định tình yêu như vậy trong tập thơ “Và trong tôi có một Hải Phòng / Khi em nhắc tới màu hoa phượng đỏ”
Hải Phòng, vùng đất mà nắng làm bạc thêm lưng áo người thợ và gió làm rộn thêm tiếng còi tầu hú dài trên bến cảng, cả màu hoa phượng cũng đỏ căng để sắc màu được cháy hết mình, giống như cuộc sống sôi động của con người nơi đây. Qua tập thơ Có một Hải Phòng, nhà Thơ Hoài Khánh sẽ dẫn bạn đọc đi qua những địa danh mang vẻ đẹp rất riêng của thành phố Hải Phòng.
Trong Sưởi ấm những ngày xa (NXB Hội Nhà văn, 2019) Hoài Khánh cùng bạn thơ vừa đi vừa tâm sự về một hành trình thơ ngót 40 năm của mình, về những kỷ niệm vui buồn trong đời làm báo,viết văn gắn liền với nhiều chuyến đi công tác, những miền đất đáng nhớ trong và ngoài nước.
Với nhà thơ Hoài Khánh, đi để lòng mình tĩnh tại hơn. Điều đó được thể hiện qua tập thơ Đi cùng thương nhớ (NXB Văn Học, 2020)
Những người làm thơ hay lý giải: cảm xúc của con người trước một hiện tượng hay một sự kiện nào đó rồi ghi lại cảm xúc và lấy đó làm vật liệu xây đắp nên ngôi nhà thơ cho riêng mình, vậy là bài thơ ra đời. Một “ngôi nhà thơ” đã được xây lên trong không gian đô thị chật hẹp, chen chúc của thời buổi hiện nay như vậy. “Ngôi nhà thơ” ấy có sang trọng, có đẹp đẽ hay không phụ thuộc vào độ chín của cảm xúc và “người thợ” đồng thời cũng là chủ nhân của “ngôi nhà thơ” ấy đã dùng vật liệu gì để xây lên công trình. Theo nhà thơ Dương Tường thì “vật liệu thơ : không phải là con chữ mà là con âm”. Còn Trần Dần “làm thơ tức là làm chữ”. Có được một “ngôi nhà thơ” đẹp không dễ.
“Thơ là thần hứng” (Platon). Đất và người Hải Phòng là nơi đã gieo mầm cho thần hứng thơ của Hoài Khánh bay lên bằng tập thơ Có một Hải Phòng. Có một tập sách viết riêng về nơi mình sinh ra và lớn lên ai cũng muốn. Đó như là một lời tri ân. Hoài Khánh muốn vậy. Được sống hết mình với nơi mình sinh ra và lớn lên, trong tập Đi cùng thương nhớ Hoài Khánh trải lòng : Hải Phòng ơi/ Tôi nâng niu hình bóng Người cẩn thận/ Như con sông mùa lũ vẫn đỏ ruột phù sa/ Nguồn cảm xúc về Người bất tận/ Thoáng nhìn trời xanh đã hát ca (Hải Phòng của tôi)
Phần lớn những bài trong tập Sưởi ấm những ngày xa Hoài Khánh viết bằng trực cảm. Đặc điểm của thơ trực cảm là đơn nghĩa. Chính vì vậy, để có được ngôi nhà thơ vững chắc đòi hỏi kĩ thuật phải vững vàng và sáng tạo, từng con âm phải xuyên qua mọi thứ bao phủ bên ngoài để phát hiện ra bản chất sự vật. Trong bài “Nghiêng bên chiều Đồng Lộc”, Hoài Khánh nhìn thấy “Tiếng chim mắc võng trên cây/Hồn người ru sợi nắng gày đung đưa” Trực cảm của nhà thơ nhìn thấu không gian và thời gian bằng những con âm trong trẻo vừa dân gian vừa hiện đại, đọng lại cảm xúc hoài niệm về sự hy sinh của mười cô gái Đồng Lộc. Hay như những câu chữ tả thực nhưng hình ảnh rất tượng trưng “Người Mông đứng hiên ngang/ Chân đóng đinh vào núi” (Gặp ở Mã Pì Lèng)
Sưởi ấm những ngày xa còn có các bài, những câu thơ, ý thơ được rút từ trong sâu thẳm lòng tác giả mang nặng những suy tư về nhân tình thế thái, những rung động riêng của mình. “Trinh trắng ban khuya đâu dễ tỏ/ Ngát hương góc tối cũng khó tường” (Hoa quỳnh) hoặc “Cả đời bưng bát cơm ăn/ Mấy khi đứng ngắm lúa xuân trổ đòng” (Viết cho ngày sinh)
Là nhà báo, Hoài Khánh phải đi nhiều. “Đừng hỏi anh biền biệt xa nhà/ Có nhớ phố gày đất cảng” Là nhà thơ, mỗi chuyến đi để lại trong anh nhiều xúc cảm “Một áng mây bảng lảng/ Đủ làm rỗng khung trời”. Bước chân của nhà báo, nhà thơ Hoài Khánh gửi trong Đi cùng thương nhớ, mải miết từ Trà Cổ, nơi địa đầu Tổ quốc “Đình uy nghiêm trước biển khơi/ Tâm hồn người Việt sáng nơi địa đầu” (Đình Trà Cổ), đến vùng núi cao Tây Bắc “Nhịp trống chiêng căng tròn áo cỏm/ Ché rượu cần nhóm lửa đêm nay”(Vòng xòe bản Đêu), qua miền Trung nắng lửa “Đêm Đồng Hới nỏ tày gang/ Gió hầm hập nóng dở dang canh chầy” (Sáng sớm trên sông Nhật Lệ), tới nồng nàn mảnh đất phương Nam “Vắt ngang sông Đồng Nai nhịp cầu Ghềnh thề hẹn/ Nồng nàn đêm tê lịm bưởi Tân Triều”(Cà phê tối ở Biên Hòa)…. Bước chân phiêu du không chỉ đưa Hoài Khánh đi khắp mọi miền đất nước mà còn đưa anh vượt biên giới tới những quốc gia khác để khám phá thêm tầng sâu của tĩnh tại từ những nền văn hóa khác. Tới Vạn Lý Trường Thành “Tần Thủy Hoàng hồi xưa/ Dựng Trường Thành vững thế” (Cảm tác về Vạn Lý Trường Thành), vào chùa Hàn Sơn “Trấn Phong Kiều ngỡ chuyển mùa/ Nắng quanh phố cổ đỏ chùa Hàn Sơn” (Vào chùa Hàn Sơn), đến Kuala Lumpur thấy “Lung linh vạn ánh sao trời/ Đêm thành phố ngỡ gặp người trong mơ” (Đến Kuala Lumpur)…. Những câu thơ trực cảm là lời giới thiệu chân thực, khiến người đọc thấy mình như được đồng hành cùng bước chân của tác giả.
Vậy sự tĩnh tại sau mỗi chuyến Đi cùng thương nhớ của Hoài Khánh ở đâu? Đó là tư tưởng và triết lý nhân sinh nhà thơ nhận ra qua mỗi chuyến đi. Về Thắp hương trước mộ Nguyên Hồng, Hoài Khánh cảm nhận được những nhọc nhằn trong cuộc đời nhà văn của người dân lao động “Sương mờ khói lạnh thấu trời/ Bút văn rướm máu phận người đa đoan” Trong bài Bên mộ cụ Nguyễn Du, Hoài Khánh thấy “Bạch đàn ngả bóng cho chiều nghỉ chân”. Lên chùa Hang, nhà thơ nhận ra “Đường xa còn lắm sương mù/ Gập ghềnh giảm bớt, oán thù nhạt tan”. Tĩnh tại trong quan niệm của Hoài Khánh còn là : Vui thì đi đón bình minh/ Buồn thì tay nắm tay mình xót xa/ Mong ngày mai giống hôm qua/ Mỉm cười gửi hết thiết tha lên trời. (Dạo phố Thủy Hoa)
Nhưng điều tĩnh tại lớn nhất nhà thơ có được đó là được ở bên gia đình : Chẳng đâu bằng nhà mình, em ạ/ Giọt nước nhỏ cũng thành biển cả/ Bởi tinh lọc từ bao giọt mồ hôi. (Trước ngày đi công tác).
Thơ của Hoài Khánh mang âm hưởng thơ dân gian truyền thống, đó là sử dụng nhiều phép tu từ, giàu nhạc điệu, trữ tình nhưng chứa đựng những triết lí nhân sinh Cuộc tình chưa được đặt tên / Ở xa thì nguội, kề liền thì sôi… hay những câu thơ đắm đuối Ai mang nỗi nhớ cầm tù / Tôi chung thân giữa mịt mù gió khơi (Với lời ru của biển) hay Hãy chạm vào đêm ấy / Để suốt đời thiêng liêng (Đừng, em …).
Bền bỉ sáng tác thơ cho thiếu nhi nên dễ hiểu trong những tác phẩm cho người lớn ta vẫn gặp phương pháp thiết kế chung cho “ngôi nhà thơ” của Hoài Khánh đó là dùng nhiều biện pháp tu từ ngữ âm để tạo nhịp điệu và âm hưởng thích hợp. Hoài Khánh hay dùng phương pháp so sánh, nhân hóa… Với tư duy sáng tác này, thơ của Hoài Khánh động bởi thanh âm của con chữ, dễ truyền cảm những ý thơ cho người đọc.
Sáng tạo con âm và ngữ nghĩa trên các thể thơ truyền thống, đó là nội hàm định danh của nhà thơ Hoài Khánh. Qua các tác phẩm của mình Hoài Khánh đã xây đắp được không ít những mảnh lấp lánh của câu thơ hay và ý thơ hay.
Đọc thơ Hoài Khánh có một vài chỗ ta thấy tác giả tỉnh táo quá, chưa cháy hết mình trong xúc cảm nghệ thuật. Điều này lộ ra bằng những câu chữ gọi là “quen thuộc” như vàng nghiêng cả chiều hay xanh rêu bậc thềm hay Em mặc áo hoa cà hay Giọt nắng . Ngoài các tập thơ cho thiếu nhi, ba tập thơ Có một Hải Phòng, Sưởi ấm những ngày xa, Đi cùng thương nhớ tuy chưa phải là thế mạnh của Hoài Khánh đối với mảng thơ này nhưng cũng là một bước ghi nhận về những suy nghĩ cùng các quan điểm của tác giả trong đời sống. Men lãng mạn trong thơ Hoài Khánh được ủ trong một trái tim nhiệt huyết sáng tạo nghệ thuật.