Nhà báo, nhà văn Trần Gia Thái sinh năm 1955 tại xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Công tác tại Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội từ 1979 – 2015. Nguyên Tổng giám đốc, Tổng biên tập của Đài 9 năm. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN. Huân chương Lao động hạng Ba năm 2004, 2009. Tác phẩm Văn học: Hai tập truyện: Thành phố đáy hồ (NXB Hà Nội, 1981), Hắn là tôi (NXB Lao động, 1997). Năm tập thơ tại NXB Hội Nhà văn: Mưa không mùa, Kí ức khát, Trăng ướt, Biển giờ không còn mặn, Lời nguyện cầu trước lửa. Tiểu thuyết: Sóng độc (NXB Hội Nhà văn, 12.2022).
Nhà văn Trần Gia Thái
“Sóng độc” của nhà văn, nhà báo Trần Gia Thái là sự gặp gỡ giữa văn chương và báo chí đã mang đến cho tiểu thuyết của ông những nét đặc sắc riêng, một sức hấp dẫn riêng.
Tên hàm súc đầy sức gợi là chỉ dấu đầu tiên của sự thành công ấy. Nhờ nghệ thuật rút tít cao tay, ngay lập tức cái tên “Sóng độc” đã giúp bạn đọc mường tượng một cách khái quát về nội dung tư tưởng, về cách tiếp cận hiện thực của tác giả, đồng thời còn thôi thúc họ có nhu cầu khám phá tác phẩm.
“Sóng độc” là tiểu thuyết viết theo lối truyền thống (câu chuyện được kể theo thời gian tuyến tính, nội dung xoay quanh cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, kiểu nhân vật với 2 tuyến đối lập, lối kết thúc có hậu…). Từ góc nhìn thể loại, theo chúng tôi thành công của tác phẩm sẽ nằm ở các khâu: lựa chọn và xử lý đề tài để, nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật.
1. Vấn đề lựa chọn và xử lý đề tài
Người ta cho rằng, cuộc sống là nghệ thuật lựa chọn. Như vậy, thành công của “Sóng độc” trước hết là bởi tác giả Trần Gia Thái đã lựa chọn đúng và trúng 2 mảng đề tài mà ông hiểu biết kỹ càng, tường tận, sâu sắc. Qua tài năng và tư duy nghệ thuật của người viết, hiện thực đi vào cuốn tiểu thuyết dĩ nhiên phải thực hơn sự thực ở ngoài đời. Vẫn biết, với tiểu thuyết, tưởng tượng và hư cấu rất quan trọng; nhưng để có một tiểu thuyết thành công, người viết phải từng trải: biết nhiều truyện đời, truyện nghề, nền tảng văn hóa nhất định, kỹ thuật viết văn cao tay. Trên thực tế, sự ra đời của tiểu thuyết chẳng ít thì nhiều phải có liên hệ với những gì tác giả đã trải nghiệm, trong đó có trải nghiệm mang tính chất tự nghiệm.
“Sóng độc” ra đời vào thời điểm tác giả hội tụ đủ mọi điều kiện, đủ thời gian để suy ngẫm thấu đáo sự đời và ông đã quyết định lựa chọn phản ánh vào tác phẩm hai mảng đề tài là báo chí (đề tài chính), làng quê (đề tài phụ), đồng thời đã xử lý đề tài một cách nhân văn và sáng tạo.
Báo chí, cụ thể báo hình là nghề mà ông gắn bó 36 năm, nơi ông đã trải qua hầu hết mọi cương vị: từ phóng viên tới nhà quản lý các cấp. Suốt đời làm báo, viết văn, Trần Gia Thái đã đi nhiều, biết nhiều, viết nhiều và va chạm nhiều, nhờ thế mà trải nghiệm rất lớn, tích lũy vốn sống phong phú, đa dạng đủ để dựng nên tiểu thuyết bề thế. Thuộc nhân vật, hiểu và nghiền ngẫm kỹ càng đối tượng, ông xây dựng thành công nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình và ngòi bút của nhà văn viết rất thoải mái. Dù chính diện (Thiện, ông Khiêm, Nguyễn An…) hay phản diện (Đỗ Thiết, Bạc phò, Hoàn toác, Mùi già…) nhân vật của Trần Gia Thái đều hiện lên chân thật, sinh động và có chiều sâu tính cách rất riêng.
Suốt đời sống trong bầu khí quyển của nhà đài nên không có gì là lạ, khi tác phẩm của Trần Gia Thái mang tên “Sóng độc” và xuyên suốt toàn bộ cuốn tiểu thuyết là hình tượng sóng với nhiều lớp nghĩa. Dân gian có câu tục ngữ: Miệng thế gian như làn sóng bể để nói về sức mạnh vô hình mà hết sức to lớn của hoạt động tuyên truyền. Mà trong tác phẩm, sức tàn phá của Sóng độc (tin xấu, tin sai, tin ác, loạn tin) xuất sinh từ lòng độc của con người mạnh hơn sóng bể, thậm chí dữ dằn như thứ sóng thần có thể biến tốt thành xấu, hóa trắng thành đen. “Những thị phi tệ hại, dân nhà đài ví là sóng độc ấy ngày một dày. Dày cả về tần xuất phát sóng, cả về lượng thông tin (tr. 104) “Làn sóng độc ấy cuốn tất cả theo nó, không cho ai đứng ngoài” (tr. 103)
Ngụp lặn rất sâu trong môi trường đó mới có những trang viết hiện thực, sinh động về không khí căng thẳng, ngột ngạt báo hiệu những cuộc đấu đá, đua tranh quyền lực ở đài truyền hình Bắc Hà, tỉnh Nam Bình, tạo nên một hoàn cảnh điển hình để câu chuyện được kể một cách cuốn hút: Giữa trưa. Trời không gợn mây. Đất không một cơn gió. Cây bên đường cụp lá rũ xuống. Phố xá trống huơ, xe cộ vợi hẳn. Chỉ có nắng chói gắt như đổ lửa. Nhìn ra, mắt ai cũng phải nheo nheo. Từ đường nhựa hơi nóng hắt vào nhà hầm hập như lò nung (tr. 17).
“Sóng độc” hấp dẫn bạn đọc còn nhờ vốn hiểu biết sâu sắc về làng quê- nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn để ông có căn cước văn hóa bền vững rồi trở thành nhà văn, nhà báo không trộn lẫn với ai. Những năm tháng đầu đời sống ở cái làng Họ nghèo đói nhưng hiếu học ấy đã in đậm vào trí nhớ ông không bao giờ phai mờ. Có một quy luật: dường như quê hương càng nghèo thì tình quê càng sâu nặng. Phải thật sự hiểu về nông dân, nông nghiệp, nông thôn, ông mới viết những trang rất hay về con người ở làng quê như đoạn tả về tâm trạng của ông Khiêm, đoạn tả cảnh nhà báo Thiện cởi giày, xắn quần lội xuống ruộng, khéo léo “bắt con trâu lạ phăm phăm kéo cày. Lưỡi cày nhả đất như phoi bào. Đất vừa dài vừa rộng bản, lật úp trông thật đẹp mắt với những luống cày đẹp, xá to dài đổ úp san sát” (tr. 103).
Rõ ràng, có mối quan hệ rất sâu sắc giữa nhà văn và hiện thực, giữa hiện thực và tác phẩm. Nhân vật Khiêm, người cha nhân hậu của Thiện, có bóng dáng người cha lam lũ, vắt kiệt sức mình để nuôi dạy đàn con thơ dại của tác giả. Cụ không chỉ là lão nông tri điền mà còn là diễn viên tài hoa của gánh hát làng Họ quê tôi, giọng hát cải lương hay, lại vào vai rất khéo và đa dạng các loại vai. Trần Gia Thái đã được cha truyền cho niềm đam mê ấy. Hình ảnh anh Thành hiền lành, trầm lặng, nhiều suy tư đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, có hình bóng của người anh liệt sỹ tác giả kính yêu mà hàng năm vào ngày 27/7, nhà văn đều cố gắng tới nghĩa trang Quảng Trị tự tay thắp thắp hương cho anh trai. Rồi hàng loạt địa danh thân thuộc: Miếu Gỗ, Miễu Tre, Bụi Rậm, đình chùa, làng Cửa, cầu Họ, trại Xì dầu, bãi tha ma cuối làng, hàng xoan trước nhà… liên tiếp xuất hiện trong tác phẩm của ông khiến người đọc dễ nghĩ đến đây là một tự truyện, mặc dù ông đã có lời cảnh báo từ ngay đầu sách. Dưới nhan đề tiểu thuyết, nhà văn ông trang trọng đề dòng chữ: Để tưởng nhớ cha, mẹ và anh Trần Đức Thịnh của tôi thì đây cũng không phải là tự truyện bởi tác phẩm đã đạt đến độ điển hình.
Thành công của tác phẩm có lý do của kiến văn và vốn sống nhưng điều quan trọng là ở tài năng của người cầm bút.
2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
Người ta cho rằng, nhân vật chính là tất cả cuốn tiểu thuyết. Vì thế, tác giả “Sóng độc” rất quan tâm tới vấn đề xây dựng nhân vật, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết được tiếp cận từ góc nhìn đời tư, được điển hình hóa, chia thành chính diện (giám đốc đài Văn Đức, phó giám đốc Trần Thụy, bí thư tỉnh ủy Hoàng Minh, giấm đốc đài Lê Hùng Dũng, ông Khiêm – cha Thiện) và phản diện (Bạc phò, Mùi già, Đạt láu, Hoàn toác, Lê Sở Kha…). Điển hình cho kiểu nhân vật chính diện là Phạm Quang Thiện một người: “Tử tế tốt quá”. Người tử tế là người hay tin ở lẽ phải nên dễ chủ quan” (tr. 320). Tốt từ cái tên (Thiện) đến ý nghĩ hành động. “Anh không phải tuýp người dễ ăn khó bỏ, ngại khổ, ngại khó. Anh không nề hà bất cứ việc gì. Không chọn việc chọn chỗ. Trên giao là chấp hành” (tr.103). Anh là điển hình cho mô hình trí thức Việt Nam thế kỷ XX: trí thức bình dân. Con đường học vấn của anh cho thấy bức tranh toàn cảnh của nền văn hóa giáo dục thời bao cấp, đặc điểm của trí thức Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX. Nhờ nghệ thuật điển hình hóa mà khi đọc hầu như chúng ta đều thấy mình trong đó.
Điển hình cho thói xấu ghen ăn tức ở của số đông người Việt là Đỗ Thiết, một kẻ giả dối, thủ đoạn, lá mặt lá trái, mưu mẹo, mánh lới, chỉ nhăm nhăm đấu đá và chuyên ném đá giấu tay “Tổ sư của thuyết âm mưu, lúc nào cũng ủ mưu” (tr 373). Nhưng: “Bên ngoài niềm nở cười thường trực” (tr. 206). Thực tế, hắn không từ thủ đoạn tàn độc nào, luôn tìm thời điểm đối phương gặp nạn (bố Thiện ốm, khi cụ mất, Thiện bị chảy máu dạ dày phải đi cấp cứu) là ra đòn hiểm ác. Tác giả thật tinh khi chỉ cần qua một chi tiết đắt giá: Đỗ Thiết nghiện thịt chó, hay qua “Ánh mắt non nắng, nụ cười lệch miệng” (tr. 123) của hắn đã làm toát lên tính cách của nhân vật này.
Nếu Đỗ Thiết được miêu tả có độ chênh giữa bên trong và ngoại hiện thì lũ tay chân -tiêu biểu cho thói xấu xí của người Việt, góp phần hoàn thiện tính cách của Thiết như Bạc phò, Mùi già, Đạt láu, Hoàn toác… thì tính cách của bọn này thường được thể hiện ngay ở biệt danh: Bạc Phò, Mùi già- kẻ chuyên loan tin giả, Hoàn toác, Đạt láu, Phụng đầu bạc, Lan vẩu, Vượng hâm, thanh tra lá mặt lá trái, phó chánh thanh tra Lê Sở Kha “xoay trái thành phải, chuyển bại thành thắng, đổi trắng thay đen” (tr. 333)…
Tâm lý nhân vật trong “Sóng độc “ được tác giả miêu tả linh hoạt với nhiều thủ pháp, phương thức khác nhau. Có thể miêu tả trực tiếp qua tên gọi, hoặc qua cách kể: “Mùi già chuyên ngồi lê đôi mách, buôn dưa lê, đòn xóc hai đầu… viết lách thì dốt chỉ hóng hớt là giỏi” (tr.38). “Lê Sở Kha thâm hiểm, đê hèn…”
Miêu tả gián tiếp qua ngoại hình và hành động. Đây là chân dung Bạc Phờ: “Răng xỉn, hô, chìa hẳn như mái hiên, môi không khép được hở cả lợi. Hai tuần trước đi đêm lao vào ổ gà, vỡ đèn xe máy, bay toàn bộ hàm răng cửa. May có răng đỡ, mắt mũi chỉ bị xước nhẹ” (tr. 157).
Để làm rõ tâm lý nhân vật (nhất là nhân vật phản diện), nhiều khi tác giả đặt chúng trong môi trường hẹp và tăm tối. Bọn Đỗ Thiết thường xuất hiện trong những cuộc họp kín, tại căn phòng, quán ăn tranh tối tranh sáng, qua những lời đối thoại và độc thoại nội tâm rất ngắn. Hành vi của bọn chúng mờ ám, toàn tung tin giả với kiện nặc danh.
Để mở rộng chiều kích của hiện thực, nhằm nêu bật tính cách nhân vật, tác giả đã mạnh dạn sử dụng yếu tố kỳ ảo. Chẳng hạn giấc mơ của ông Khiêm là những ác mộng, báo trước điềm chẳng lành. Lần một: ông gặp ổ rắn độc liền gặp tin dữ: anh Thành hy sinh ngoài chiến trường. Lần 2: Thiện gặp đại nạn. Hay ở cuối tác phẩm, khi Thiện cùng Nguyễn An hóa những bài báo minh oan cho anh trên mộ người cha già thì “Một luồng gió từ đâu áo tới, xoáy tròn thành cơn lốc… Như biểu đạt sự giao thoa âm dương, sự hóa giải và vô nghĩa hóa những sóng độc xuất sinh từ lòng độc của con người” (tr.438).
Như vây, bằng việc sử dụng rất linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật: khi miêu tả trực tiếp, lúc gián tiếp, khi đặt nhân vật trong môi trường hẹp, khi qua đối thoại và độc thoại nội tâm… tính cách của từng nhân vật đã hiện lên rõ nét dần trong từng trang viết.
3. Ngôn ngữ và giọng điệu
Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ trong sóng độc được tác giả sử dụng rất linh hoạt và sống động. Đó là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ dân gian và ngôn ngữ mang hơi thở của đời sống đương đại. Đặc biệt lớp ngôn từ thuộc chuyên ngành hẹp của nhà đài được sử dụng rất đắc địa. Vận dụng ngôn ngữ dân gian (chủ yếu là thành ngữ tục ngữ) cách diễn đạt tối ưu, bởi đó là cách nói sinh động, ngắn gọn, kiệm lời hàm súc và vô cùng minh triết cũng góp phần không nhỏ cho thành công của cuốn sách. Trong “Sóng độc”, lượng thành ngữ, tục ngữ (truyền thống và hiện đại) được tác giả sử dụng dày đặc: Chờ được vạ má sưng, bạ đâu làm đấy, nước đến chân mới nhảy, bó đũa chọn cột cờ, có cứng mới đứng trước gió, được tiếng khen ho hen chẳng còn, quan nhất thời dân vạn đại, tay không bắt giặc, cãi nghiêng cối đá, dây cà dây muống, vắt chân lên cổ, bán trời không văn tự, chuyển bại thành thắng, đổi trắng thay đen, người trên cây không lo người dưới gốc lại lo, đầu không phải lại phải tai… Thậm chí có những trang xuất hiện hàng chục đơn vị thành ngữ, tục ngữ: Bát ăn bát để, mưa thuận gió hòa, nhân bất học bất tri lý, miệng ăn núi lở, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, tháng ba ngày tám, có mắt có đầu nuôi lâu cũng lớn (trang 90)…
Đồng thời, người viết cũng không ngại đưa vào tác phẩm một số ngôn ngữ đường phố: tiếng lóng, tiếng tục, những từ mới vừa xuất hiện mang hơi thở cuộc sống…sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh, từng nhân vật. Điều này giúp cho nhân vật của ông chân thật, sống động. Ví dụ: hai máy đều tò tí te, họp kín, gái gú, thì thầm như buôn bạc giả, chém bão, sợ vãi chưởng, tình yêu tình báo, thôi rồi lượm ơi, hỏng hết bánh kẹo, thằng khựa, nốc ao cao thủ thặng thừa, điêu điêu thế nào, úp sọt, bết xê lết, dân phủi, hết đường về quê mẹ, úp mở oong đơ, quân sư quạt điện, lo lo ti ca, cắt (Qu) cu…
Thậm chí cả những câu chửi tục, chửi thề: Đ.mẹ, mẹ bố quân đại bá, tiên sư thằng chó, đánh đấm đ.gì, đ.dám, cha mẹ nó…
Trong “Sóng độc”, thường xuyên xuất hiện lớp từ mang đặc thù của chuyên môn hẹp: Sóng độc, đứng hình,“bơm luôn cho một lô sóng độc” (tr.124), lẹt xẹt như nhiễu sóng, sóng ở đài, sóng tổ chức, sóng hụt hơi tài chính… (tr. 123), tin gió, phát trên sóng độc, màn hình phẳng, lời bình… Và sử dụng rất linh hoạt những câu văn rất ngắn. Ví dụ: Số hóa. Quy hoạch kênh sóng. Cải tổ nội dung. Tinh giảm biên chế. Mở báo điện tử (tr. 64).
Lại có những câu văn mang đầy chất thơ: “Hoàng hôn đang rơi. Dòng sông cuối chiều ngời ngời ánh bạc… (tr. 239) chúng góp phần làm cho “Sóng độc” giàu chất văn hơn.
Văn của ông giàu chất văn còn nhờ ở giọng điệu rất riêng, bởi chất văn đâu chỉ trong thi liệu mà còn nằm trong cảm xúc. Giọng điệu hài hước, câu văn hóm hỉnh là một nét đặc sắc của văn phong Trần Gia Thái. Hiện nay, văn chương đương đại đang thiếu chất hài, còn văn Trần Gia Thái chất hài khá đậm. Nào là: Tổ bóc phong bì, hội Lá mơ, hội kín, lolotica… Nào là mông Mùi già như lồng bàn, răng Bạc phò: “xỉn, hô, chìa hẳn như mái hiên, môi không khép được hở cả lợi. Hai tuần trước đi đêm lao vào ổ gà, vỡ đèn xe máy, bay toàn bộ hàm răng cửa. May có răng đỡ, mắt mũi chỉ bị xước nhẹ” (tr. 157).
Nào là những cái tên: Hoàn toác, Đạt láu, Phụng đầu bạc, Lan vẩu, Vượng hâm, Lê Sở Kha khiến bạn đọc dễ dàng liên tưởng tới đặc điểm đáng cười của từng nhân vật. Riêng phó chánh thanh tra Lê Sở Kha ít độc giả không thấy giữa ông ta và gã Sở Khanh trong “Truyện Kiều” mà bật cười khoái trá…
Qua khảo sát một số phương diện: nghệ thuật lựa chọn và xử lý đề tài, nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu, chúng ta có thể thấy rõ hơn giá trị của tác phẩm “Sóng độc”. Bởi văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhân vật là tất cả cuốn tiểu thuyết. Giọng điệu trần thuật là yếu tố thể hiện tài năng và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Suốt đời đi tìm chính mình, Trần Gia Thái đã tìm thấy mình ở thể loại tiểu thuyết và ông đã thành công.
T.T.T