Nhân kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu 2 bài thơ viết về nhà giáo của hai tác giả Phạm Tiến Duật và Lê Văn Lộc: “Một giờ và mười phút” và “Bụi phấn”.
Nhân kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu 2 bài thơ viết về nhà giáo của hai tác giả Phạm Tiến Duật và Lê Văn Lộc: “Một giờ và mười phút” và “Bụi phấn”.
Phạm Tiến Duật tốt nghiệp trường ĐHSP Hà Nội năm 1964. Lẽ ra ông sẽ trở thành một nhà giáo, nhưng nghe theo tiếng gọi của miền Nam đang rên xiết dưới gót dày xâm lược, ông quyết định lên đường nhập ngũ, sống và chiến đấu chủ yếu trên tuyến đường Trường Sơn. Sáng tác của Phạm Tiến Duật đóng góp vào nền thi ca Việt, chủ yếu là tác phẩm thơ, phần lớn thơ được sáng tác trong thời kỳ ông tham gia quân ngũ. Ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh VHNT năm 2012.
Cùng với những bài thơ nổi tiếng “Trường Sơn Đông,Trường Sơn Tây”, “Tiểu đội xe không kính”…Bài thơ “Một giờ và mười phút” là bài thơ nổi tiếng trong những năm 70-80 của thế kỷ 20; nó đặc biệt được các nhà giáo yêu quý và sinh viên các trường sư phạm chép lưu trong các cuốn sổ thơ. Sức cuốn hút của bài thơ ở chỗ nó đã gắn tình yêu lứa đôi giữa bom lửa, xích lại không gian xa cách cất cánh bay lên vượt qua cõi chết và chan hoà vào tình yêu Tổ quốc.
Phạm Tiến Duật
Một giờ và mười phút
Tặng T.V
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay
Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu
Giữa năm tháng hào hùng và biến động
Em của anh, quanh ta là cuộc sống
Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu
Khi em ngồi nhớ sanh ngày chủ nhật thẳm sâu
Anh đang lội bùn trong rừng đầy lá mục
Lúc em ngồi với học sinh là lúc
Anh đứng đỉnh đèo gió thổi mênh mông
Giấy bạc thuốc lá để lại đầy phòng
Khi em cắt làm hoa cho học sinh đem múa
Là khi anh đi những nơi bom nổ
Nào sắt nào nhôm phơi bạc vùng rừng
Tấm bảng đen em vẽ những đường cong
Tấm bảng đêm anh vạch lên đường đạn
Vết phấn trắng và vệt đồng cháy sáng
Ở hai đâu trận địa em ơi
Không trùng lặp nhau đâu giữa dài rộng cuộc đời
Nhưng có điều này giấu nỗi riêng chi chút
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Tiếng trống trường đã điểm chưa em?
Mười phút cho chung hay mười phút cho riêng
Mà lúc nhớ nhau lại nghĩ về đất nước
Ngày thắng giặc đang tới gần phía trước
Tình yêu nào không nhắc đến ngày mai
Như hai bánh xe hiện tại với tương lai
Cuồn cuộn lăn đi vun vút
Rạo rực những giờ sau mười phút
Thời gian đi như một vệt sao dài
Nguồn: Ở hai đầu núi/ NXB Tác phẩm mới, 1981.
Nhạc sĩ Lê Văn Lộc Hiện nay công tác tại Phòng Nghệ thuật – Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch TP.HCM . Ông đã từng chiến đấu từ thời kỳ Thanh niên xung phong đến khi ra chiến trường biên giới Tây Nam. Nhạc sỹ cùng với nhạc sĩ đã viết nhiều ca khúci trong giai đoạn này, góp phần không nhỏ trong việc khích lê tinh thần chiến đấu của quân dân Việt Nam: Em đi qua cầu cây; Những vết chai cho Tổ quốc; Thằng bạn tôi… và chính ông cùng với nhạc sỹ Vũ Hoàng là cha đẻ của ca khúc mà thế hệ thiếu nhi nào cũng thuộc nằm lòng (ông với tư cách viết phần lời thơ) – Bụi phấn. Bài hát ra đời vào ngày 20- 11- 1982, tới nay đã 31 năm nhưng vẫn đọng lại mãi trong ký ức của biết bao thế hệ tuổi thơ. Bài hát này cũng đã được cố nhạc sĩ Viễn Châu (tác giả nổi tiếng với bài vọng cổ Tình anh bán chiếu) soạn thành bài tân cổ giao duyên Bụi phấn, sức lay động lại càng lan xa đến với nhiều đối tượng ở các vùng sâu, vùng xa.
Lê Văn Lộc
Bụi Phấn
Khi Thầy viết bảng
Bụi phấn rơi rơi.
Có hạt bụi nào
Rơi trên bục giảng
Có hạt bụi nào
Vương trên tóc Thầy?
Em yêu phút giây này
Thầy em, tóc như bạc thêm
Bạc thêm vì bụi phấn
Đã cho em bài học hay
Mai sau lớn, nên người
Làm sao, có thể nào quên?
Ngày xưa Thầy dạy dỗ
Khi em tuổi còn thơ
Nguyễn Đình Minh tuyển chọn và giới thiệu