Cửa Sa Va – Hoàng Lại Giang


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Cửa Sa Va” của nhà văn Hoàng Lại Giang in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Cửa Sa Va” của nhà văn Hoàng Lại Giang in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Nhà văn Hoàng Lại Giang

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN VĂN BÉ. SINH NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 1938. QUÊ QUÁN: MỸ TÀI, PHÚ MỸ, BÌNH ĐỊNH. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: PHƯỜNG 8, QUẬN 8, TP HỒ CHÍ MINH. THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP, TẬP KẾT RA BẮC, TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC TỔNG HỢP VĂN HÀ NỘI. NHIỀU NĂM BIÊN TẬP SÁCH VĂN HỌC. TỪNG LÀ TRƯỞNG CHI NHÁNH NXB VĂN HỌC TẠI TP HỒ CHÍ MINH.

 

CỬA SA VA

(Trích Tiểu thuyết)

Ngàn và Cúc căm cắm chạy theo đồng đội. Một tràng đạn chíu qua bên tai. Cả hai nằm toài xuống. Im lặng. Có tiếng thở gấp. Cả hai cùng thở.

– Có sao không? – Ngàn hỏi.

– Suỵt. Rát rát ở má. Nhưng không việc gì – Cúc vừa nói vừa ngó quanh quẩn tìm cái thằng đã bắn hụt mình. Nhưng không thấy. Cô lại nói:

– Đi thôi, Ngàn. Tranh thủ nhảy theo không lạc.

Hai cô gái chồm dậy. Cắm đầu lao. Tiếng đạn lại đuổi theo. Cúc kịp nằm xuống. Ngàn nép sau gốc cây nhỏ, Ngàn nhìn Cúc, gật đầu. Cả hai bò, trườn ra suối.

Suối hẹp và cong hình bắp cày. Nước chảy xiết. Rợn mắt. Hai cô gái chỉ dám men dưới bờ, tránh đạn. Cúc tuột tay. Không kịp kêu, cô bị nước cuốn ra ngoài. Ngàn sững người lao theo. Bơi nổi tiếng ở làng, Ngàn hy vọng cứu được bạn. Không ngờ, con nước thúc cô đi luôn. Hai bọc vải nhựa màu xanh lá cây nhấp nhô, lao đi.

– Bình tĩnh! – Ngàn cố theo Cúc và gào to. Cô gái muốn trấn tĩnh bạn và trấn tĩnh mình.

Cúc không còn biết gì nữa. Cô quẫy đạp, cưỡng lại dòng nước đang lôi mình. Nhưng càng cố quẫy đạp, càng bị nước dìm xuống, lôi lên, xô đi. Càng lúc càng mệt.

– Đừng phí sức! – Ngàn lại gào lên khi đến gần Cúc – Cứ mặc cho nó cuốn. Nằm im. Lựa thế nằm cho khéo.

Ra khỏi eo bắp cày, dòng suối rộng. Nước chảy êm hơn. Ngàn đã bơi theo sát Cúc.

– Làm thế nào Ngàn ơi! – Cúc chồm nửa người lên, giọng hốt hoảng.

– Bình tĩnh. Ở đây không sợ nữa. Tìm cách vào bờ!

– Mình sợ gặp thác quá! – Phì phì! – Nước vào miệng rồi! Ối!

– Không có thác đâu! – Ngàn nói cho bạn đỡ lo. Nhưng trong lòng, Ngàn đang lo thác, cùng những dòng nước xoáy trôn ốc có thể dìm cả hai xuống đáy sâu hút, tống vào đá.

Từ trong bờ, một cây gỗ đâm ngang ra. Ngàn hốt hoảng, hét:

– Bám lấy! Bám vào cây đi! Cúc ơi!

Ngàn vừa nói xong, một cành cây gạt ngang qua cái bọc vải nhựa sau lưng. Cô lặn xuống rồi chồm lên, lao theo, bấu vào cái cành cây vừa gạt cô. Từ cành, cô lần vào thân.

Lúc ấy, Cúc cũng quờ được một cái rễ. Cô cắn răng nắm thật chặt. Từ cái rễ này, cô níu qua cái rễ khác, cứ thế cô bám lên chỗ Ngàn.

– Được rồi! Ngàn đưa tay cho Cúc rướn. Cứ thế này ra đến sông rồi đến biển, chẳng sợ nữa – Ngàn nói cứng cho Cúc khỏi lo.

– Mình chỉ sợ thác. – Cúc vẫn chưa dứt ra khỏi những cái thác dữ.

Nhưng chưa đến thác, cây đã giạt về một bên, gốc xù xì những rễ quệt sát vào bờ. Ngàn nhanh trí chụp lấy một cành cây choãi ra phía ngoài dòng nước.

– Đu lên, Cúc ơi! Đu! Đu! Thế, được rồi.

Từ cái nhánh cây ấy, hai cô lần được vào bờ. Họ không ngờ mình đã ở chân đèo Khẹc. Đỉnh đèo cao 1207m. Ở đấy, có một trạm giao thông. Mùa khô đến, công binh khoác ba lô từ một cánh rừng bên kia dãy núi Qua Thọp lần sang. Gần đến mùa mưa, họ lại khoác ba lô nhanh chóng trở về đơn vị. Có lần, mùa mưa ập đến ngoài dự đoán, hai công binh vừa đến chân đèo Khẹc thì nước ục tới. Con nước dữ như hàng đàn ngựa lồng lên, lôi tuột cả hai nhận vào thác Tủa Cưa – cách chỗ Ngàn và Cúc vừa lên chỉ hơn 200 mét.

Hai người vứt bọc vải nhựa xuống đất, mang bộ quần áo ướt đi theo mép nước một lúc. Khi trở về, họ ngồi thừ trên cái bọc đựng ba lô, nhìn dòng nước chảy ầm ầm.

– Bây giờ tính sao nhỉ? – Cúc hỏi.

Đôi bạn nhìn nhau. Im lặng. Ngàn bứt một nhành lá phong lan ở một gốc cây, vò nát. Cúc dũi đầu ngón chân cái, xoáy một lỗ tròn dưới đất. Nước ộc vào, sùi bọt trắng.

– Bọn mình bị kẹt ở đây rồi. – Ngàn cắn môi suy nghĩ – Nhưng thay quần áo cái đã. Ốm ở đây thì chết!

Hai người phơi quần áo trên một cành cây gãy. Đột nhiên Cúc reo lên:

– Cái gì kia! Nhà rồi!

Theo ngón tay bạn, Ngàn nhìn về cái mái nhà lợp pô-li-ê-ti-len màu xanh nõn chuối.

– Công binh! Đúng, nhà công binh rồi!

Hai cô gái leo lên… Căn nhà im vắng, đầy nước. Những con đường ngang dọc bị nước mưa bào mòn thành những con rạch nhỏ. Cái dàn đựng nước xộc xệch, cây mốc đen. Ở một gốc cây, hai con gà giò đang mổ một con giun.

– Gà rừng ở đây dạn thật.

– Giá có súng nhỉ – Cúc ao ước.

– Thôi mặc gà, vác ba lô lên đây thôi. Dọn chỗ nghỉ tạm đêm nay, mai hãy tìm cách đi.

Hai con gà chạy té đi.

Đôi bạn mang ba lô bỏ lên cái dàn đựng nước. Ngàn đi quanh, tìm cái gì múc nước. Cúc đắp bờ, quây thành.

Hai người dọn dẹp xong thì trời vừa sụp tối. Đôi bạn ôm nhau nằm thừ trên chiếc giường xếp bằng những cây sậy. Tiếng mưa đổ ầm ầm. Nước theo kẽ hở mái nhà chạy thành dòng lõng tõng xuống khung hầm đầy nước.

– Ngàn có đói không? – Cúc lầm bầm nói.

– Đói!

– Lấy lương khô ăn đi.

– Còn lương khô?

– Còn một thanh. Giữ mãi đấy.

– Thế mà… Hay quá.

Cúc móc ba lô lấy thanh lương khô, bẻ đưa cho bạn một nửa, hỏi:

– Nước có lên đến đây không?

– Làm gì. Giả dụ nó lên thì làm dàn ở… Nói thế chứ mai đi rồi, ở làm gì đây mà lo.

Đôi bạn thiếp đi vì mệt. Sáng hôm sau họ dậy thật sớm. Hai người lội quanh, dò xét. Phía dưới, những con đường nhô lên trên một đỉnh núi nào đấy rồi lại chìm xuống nước. Những cánh rừng thấp. Nhấp nhô những chòm cây. Nước trở thành sông. Nước trở thành biển. Nước đổ như thác. Những cánh rừng cao trở thành cù lao.

Đôi bạn lại dắt nhau trở về, mỏi mệt, ủ dột.

– Không sao. Ngàn nói cứng. Có người sống giữa hoang đảo thì sao? Ta sống được.

Cúc im lặng theo bạn trở về nhà hầm. Họ để nguyên áo mưa, mũ mưa, dựa lưng vào hai chiếc ba lô. Bất chợt hai con gà cúi đầu chạy qua cửa nhà hầm.

– Ô, hai con gà hôm qua!

– Ừ. Đúng thật. Hay là gà nhà?

– Nuôi gà, nuôi gà, Cúc ơi! – Ngàn reo lên. Nó sống được thì mình cũng sống. Chẳng lẽ người mà thua gà?

Tuy đang buồn lo nhưng Cúc cũng bật cười. Ngàn sục sạo trong căn hầm chữ A góc nhà hầm, bỗng tìm thấy một túi gạo và hai con cá khô treo sát nóc hầm. Ở một xó khác, cô bắt gặp một lọ muối, mấy cái xoong, hai con dao, cuốc và xẻng cán dựng xuống đất. Và ở ngoài, Cúc đã nhận ra hai con gà đúng là gà nhà, không phải gà rừng.

– Hay quá Ngàn ơi! Mình chỉ cần ném cho nó một con giun là nó chạy lại.

– Thế là ta có “vốn” rồi… Chắc là cánh công binh ở đây, khi sợ con nước ộc đến, đã tháo chạy, không kịp mang cả gạo, cả gà… Cũng có thể, các đồng chí dành lại cho ai đấy, và bây giờ là dành cho chúng mình!

Cúc nhìn hai con gà, nhón cho chúng mấy hạt gạo. Thấy gạo, hai con gà tranh nhau lịch thịch chạy đến. Một trống, một mái. Cúc thích con trống. Chân nó thấp, mập, mình dài như cái thuyền. Bộ lông màu mận chín, mượt như nhung. Ở cổ, màu lông đậm hơn chuyển dần sang màu vân của gỗ lim xanh. Cúc tự nhủ sẽ đi đào giun, bắt cào cào châu chấu hoặc nhiều sâu nhiều bọ khác cho chúng.

“Con bé này ngây thơ lắm… gà thì thích gà sống… chỉ được bộ mã, có đẻ cho quả trứng nào đâu!… Ừ, nó chưa biết gì về Trường Sơn, mình phải giúp nó, thương nó”. Ngàn nhìn Cúc, suy nghĩ. Dù sao, Ngàn cũng đã thấy hơi vui vui. Có thêm hai bạn, là hai con gà.

*

… Đối với Cúc bây giờ, ngoài Ngàn ra, hai con gà trở thành một niềm vui. Bằng mọi cách, Cúc thuyết phục Ngàn mang gà vào làm tổ ngay ở dưới giường. Cúc nói:

– Trời mưa này, nằm ngoài ấy lạnh lắm. Lại chồn, cáo nữa. Bây giờ cứ coi như ta có bốn người bình đẳng. Bốn miệng ăn. Kiểm lại gạo xem nào?

Ngàn xách bao gạo ra, đong. Đong đi, đong lại. Vẫn mười lon. Khi hụt đi một dúm. Khi thừa ra một vốc.

– Thôi đừng đong nhiều quá thành cám mất… Bữa đầu tiên ta cho hai con gà chục hạt gạo, Ngàn nhé.

Ngàn nhìn bạn, mỉm cười. Cuộc sống bây giờ cần phải tính toán hết sức chi li.

– Cứ cho mỗi con chục hạt đi. Bữa sau, cho ăn cơm.

– Cơm à, Cúc cười nhìn bạn. Chục lon gạo, hai người, hai con gà, ít nhất là ba tháng trời nằm ở đây. Làm gì có cơm!

Bữa đầu tiên, hai người quyết định thổi sét lon gạo. Nướng một con cá. Ngàn bưng bát cơm, nói vui:

– Coi như hôm nay liên hoan, bồi dưỡng. Mai đi B. Đã đi B gian khổ coi thường nhé.

Hôm sau, nhân lúc trời tạnh mưa, hai người ra rừng chặt dương xỉ. Hai con gà lại quấn quít chạy theo. Nó cũng vội vã tìm mồi tìm sâu bọ. Sâu bọ rất hiếm trong mùa mưa.

– Bữa nay không “cần” ăn cơm nhé – Nhàn nói. (Từ khi bị kẹt lại đỉnh đèo này, cô hay nói đùa, khác xa với tính tình điềm đạm thường ngày). Ta làm một bữa nộm đi. Kiếm thêm ít môn thục nữa là xong.

– Phải đấy. Mình làm cho. Hồi ở đơn vị thỉnh thoảng mình vẫn làm cái món “nộm” này. Lúc đầu ăn, ông nào cũng kêu “nhần nhận”. Nhưng sau, càng ăn càng thấy ngon. Ăn hết ai cũng kêu lên: Ôi, tiếc quá! Giá có được một rổ nữa!

Hai người bẻ thêm một ít hạt ngổ (một loại hạt có tinh dầu gần như lạc).

– Loại này quý lắm – Cúc nói – Không có nó không thành “nộm” đâu. Loại chim mỏ quẹt hay ăn lắm. Ở đây không có nó. Có nó thì đừng hòng còn.

Hai cô gái vội trở về, tránh một cơn mưa. Ngàn chặt dương xỉ ra thành khúc, chẻ lớp vỏ cứng bên ngoài. Đem cái lõi ra thái nhỏ, xát muối. Cúc gọt môn thục vắt ra. Rồi đổ tất cả vào, luộc. Xong, đổ ra rổ, ép nước để nguội trộn hạt ngổ rang giã nhỏ vào.

– Ngon quá. Ngày mai ta lại làm bữa nữa.

– Ừ, phải dành gạo phòng những lúc thật cần thiết.

Đêm, khi cánh rừng ngập trong khoảng tối mông lung huyền bí, đôi bạn nằm trên giường bàn tính về mực nước cao thấp, về thời gian còn lại của mùa mưa và sau đó là nỗi nhớ quê hương, như một hoài niệm. Một câu mắng mỏ yêu thương của người mẹ. Một dáng nũng nịu của đứa em út. Một ánh mắt của anh trai trước ngày nhập ngũ… Tất cả sống dậy trong tâm trí hai người, rõ rệt như mới diễn ra hôm qua, hôm kia. Và cũng trong những đêm tâm tình ấy, những người bạn trai quen biết (hay mới vừa gặp) lại được trí nhớ của hai cô gọi dậy từng hình nét, từng cá tính, kèm những lời bình chặt chẽ theo cảm tình của từng người.

– Cúc ơi! Sao người ta gọi anh Hùng là “Hùng hư cấu” nhỉ? – Một đêm, tự nhiên Ngàn hỏi Cúc, rất bâng quơ.

Con gái bao giờ cũng nhạy cảm. Cúc mỉm cười trong bóng tối.

– Vì anh ấy nhịn đói rất giỏi. Toàn ăn tưởng tượng vượt hàng trăm cây số bom! Lại hay suy nghĩ và nhường nhịn anh em nữa. Cái gì cũng nghĩ.

– Không biết đơn vị bây giờ đã đi đến đâu rồi? – Ngàn hỏi sang chuyện khác cốt để giấu lòng mình.

– Chẳng biết nữa. Mình chỉ lo buồn thôi… Buồn quá.

– Bây giờ phải vạch kế hoạch từng ngày một. Động chân, động tay luôn, không thì rã rời ngay.

– Phải đấy. Cứ vòng quanh ngọn đồi thế này, nẫu ruột đi chứ.

Họ vạch kế hoạch hàng ngày. Tìm kiếm lương thực. Sửa chữa cái mái giột. Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người… và gà. Và học nữa… Ngàn rất ham học, siêng học nhưng chưa được học nhiều. Cúc giỏi hơn, làm cô giáo. Biết đâu qua đợt mưa này, “thầy trò” lại không dắt díu nhau qua lớp bảy. Đất là giấy, que là bút, rất “trực quan”. Nghe bàn chuyện học, Cúc phấn chấn hẳn lên. Ngàn nghĩ sâu hơn. Cần phải làm cho Cúc luôn luôn bận rộn…

H.L.G

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder