(Đọc tập thơ sương của Lương Kim Phương, NXB Hội nhà văn, 2022)
Lương Kim Phương sáng tác thơ từ khi còn rất trẻ nhưng những bài thơ viết thời từ hoa niên, thời là sinh viên của trường đại học Hải Phòng không được chị đưa vào tập thơ này. Theo dõi chặng đường đầu của thơ Lương Kim Phương, tôi cảm nhận đã thấy những dấu hiệu của một cây bút thơ nữ Hải Phòng có triển vọng vươn xa. Lương Kim Phương đã có những thành công bước đầu: chị đã đạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng tổ chức năm 2014. Liên tiếp tự làm mới và thanh lọc mình, những bài thơ trong tập sương thực sự trình hiện một giọng thơ riêng với một bút pháp mới mẻ và khao khát cách tân.
Suy tư và lắng sâu, thì thầm mà mãnh liệt, đầy khát khao, trăn trở là giọng điệu xuyên suốt những bài thơ của Lương Kim Phương. Giọng điệu tâm tình, giàu chất suy cảm ấy đan xen trong ngôn ngữ và hình ảnh thơ. Có lẽ, do cuộc đời không bằng phẳng nên thơ Phương hơn một lần nói đến “nỗi buồn”. Nó ám ảnh tâm hồn Phương và bật nên trở thành những hình ảnh nghệ thuật. Trong bài Nỗi buồn, những hình ảnh thơ ở đây cho thấy, vừa như sự uất ức, bực bội, vừa như sự chua chát, trớ trêu:
có khi ngươi là áng mây mang mùi hương thiếu nữ
vương vấn trôi qua một căn nhà mốc thếch
tường vôi tróc lở
có khi ngươi là bông hoa bị tẩm thuốc biến màu
không được nở đúng màu hoa của mình
vàng phải thành xanh
hồng phải thành nâu
Nhận diện những hình ảnh ghê sợ của “nỗi buồn” và thấy được cả sự băng hoại của nó đối với cuộc đời, nhưng chị không xua đuổi, chối từ, mà sẵn sàng chấp nhận nó như một phần hiển nhiên của cuộc đời, bởi Phương không đánh mất niềm tin, không ngã lòng trong cuộc sống của mình:
Kẻ hành khất bất lực
không xin được cơm ăn và nước uống
nhận về mình toàn thất vọng như ta
hãy đi bên ta, nỗi buồn
Ngay cả khi nở nụ cười, dường như với Phương, cũng không trọn vẹn:
bố cúi nhặt tấm hình
một người con gái sũng nước
miệng cười buồn bã
Cuộc đời vốn đi về giữa hai thái cực niềm vui và nỗi buồn, bình yên và bất ổn. Chính vì thế, chị cũng luôn nhắc mình đừng buồn trong bất kỳ hoàn cảnh nào,
Tiếng ai khe khẽ
Thôi đừng buồn.
Thời thiếu nữ, nhất lại là nữ sinh Văn khoa, mộng mơ và những suy tưởng bay bổng, lãng mạn ít nhiều đã đọng trong tâm hồn của chị. Đi qua tuổi hoa niên, ngoảnh lại thời gian đã trôi xa, soi chiếu vào lòng mình, Phương nhận ra rằng:
Mơ hồ muôn thuở là trái tim con gái.
(Trôi trong đêm rừng)
Mơ hồ muôn thuở chưa hẳn là mẫu số chung cho mọi trái tim con gái. Nhiều thiếu nữ rất tỉnh táo và tinh tường. Họ không “ngây ngây, thơ thơ” như cô Quỳnh và cô Dao ở Tỏa nhị kiều trong tập truyện Phấn thông vàng của Xuân Diệu. Nhưng có lẽ với Phương, đôi khi sự mơ hồ đã dẫn cô gái trẻ ấy đến với “những ảo ảnh” của cuộc đời, và dĩ nhiên, chị nhận ra kết quả là những bi kịch vò xé linh hồn:
Ta không sống thực
toàn những ảo ảnh dẫn lối
những ảo ảnh chật chội trong khuôn phép
mặc cho bi kịch vò xé linh hồn
Ngô Giang Tiệp đời Thanh cho rằng: “thơ là tiếng lòng”. Thơ Lương Kim Phương là “tiếng lòng” chân thực của tác giả. Bài thơ “Ngày rất lạ” là sự suy ngẫm sâu sắc và đầy tinh thần nhân văn của chị về cuộc sống:
rồi lại thấy mọc thêm con mắt ở lòng tay
cứ đắn đo mỗi lần cầm nắm
ném vốc cát vào mặt kẻ khác
biết xót đau con mắt của mình
Một ngày lạ mọc nhiều “con mắt”: “con mắt ở trên lưng”, “con mắt dưới gan bàn chân”, “con mắt trong lòng bàn tay”…Chị dường như đều muốn có tất cả những “con mắt” ấy để nhìn nhận đúng bản chất của cuộc sống, và nhất là đừng “dẫm vào nỗi buồn của người”. Lối viết hiện đại cùng trường liên tưởng và suy cảm mạnh mẽ ở những bài thơ này.
Cũng hơn một lần, ta bắt gặp hình ảnh những nụ hôn và khuôn ngực của người con gái trẻ hiên lên trong thơ của Phương. Có lẽ, những hình ảnh này như một biểu tượng (symbol) mà tác giả của nó vốn là một nhà thơ nữ dễ cảm nhận, thấu hiểu và rung cảm hơn cả. Chẳng hạn, khi nghĩ về những khát vọng và đớn đau trong tình yêu, Phương nhớ về câu nói như một kỷ niệm đẹp của người yêu:
anh bảo: Hoa như khuôn ngực em nóng bỏng
như khung trời anh vùng vẫy bay cao
em bảo: Hoa là lửa anh thiêu đốt tim em đau nhói
là nỗi tuyệt vọng em ngày bập vào kí ức anh
(Khát vọng và đớn đau)
Ngay cả khi ái tình đã đổ vỡ, mà dấu môi người xưa vẫn còn in trên tấm ngực người yêu. Có lẽ đây cũng là một hình ảnh thơ rất táo bạo:
rời xa nhau đã lâu
khuôn ngực em vẫn in dấu môi anh
(Những vầng hạ)
Khi tâm tình với anh, dù mối tình xưa chỉ là ảo mộng mà những hình ảnh xưa đâu dễ có mờ phai:
em ôm ngực lấp loáng trăng
thả những nụ hôn đẫm sương đêm lên khuôn mặt anh
(Ảo mộng)
Không chỉ là những hình ảnh đẹp trong ái tình, hình ảnh khuôn ngực người thiếu nữ trẻ trung đầy sức sống cũng còn hiện lên đẹp đẽ cả khi Lương Kim Phương nghĩ về những ký ức của ngày xưa như con sóng cuộn dâng trên biển cả:
sao không thể đổ sóng lên môi em lên ngực em
những con sóng vỗ về theo nhịp võng mẹ ru anh thưở xưa
(Biển đã xóa)
Điểm mạnh ở tư duy nghệ thuật của Phương là sức tưởng tượng khi biểu đạt hình và ý thơ. Bài thơ Thạch nhũ cho thấy nội lực suy tưởng của chị:
chiếc hôn vội lên ngực trần
ngàn năm nỗi nhớ hóa thạch
Và thật bất ngờ, chị đã gieo vào tâm hồn người đọc những rung cảm tươi sáng bởi những hình ảnh trong những câu thơ ở cuối bài:
ngậm những giọt trong veo
từ ngực đá trầm uất
còn in dấu môi nồng…
(Thạch nhũ)
Tôi cũng ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khi Lương Kim Phương suy tưởng về ý nghĩ của con người. Chị đã phát hiện ra sức sống mãnh liệt của ý nghĩ ngay cả khi con người đã đi về cõi hư vô:
Những người chết có ý nghĩ không
có thể
trồi lên thành cỏ.
(Suy tưởng về ý nghĩ)
Nhân sinh quan của tác giả bài thơ thật khỏe khoắn, vững vàng!
Cũng như nhiều cây bút thơ nữ khác, tình yêu và hạnh phúc là đề tài khá đậm nét trong thơ Lương Kim Phương. Có điều, những bài thơ viết về tình yêu và hạnh phúc trong thơ chị luôn là những trăn trở, những nghĩ suy khát mong tìm lời giải đáp. Chị đã suy nghĩ rất nhiều, rất nhiều về điều này:
em chỉ e mình thành vai diễn
trên sân khấu đời anh
em sợ mình chỉ là hình mượn
của những tháng năm anh đã mất
em sợ hết phiên diễn
cô độc
lang thang
(Như giọt sương)
Nếu có người thứ hai đi ngang qua đời anh, liệu em có vượt được những đám mây hoài nghi bao phủ lên tình yêu và hạnh phúc? Bài thơ Chiếc tất của Lương Kim Phương nói về những chuyện trớ trêu trong cuộc đời:
ngày kia ở một căn phòng khác
giật mình gặp một chiếc tất ren
(Chiếc tất)
Đọc thơ Lương Kim Phương, ta còn bắt gặp hình ảnh một người trai, như là hình tượng nhân vật trữ tình cứ trở đi trở lại, hiện lên trong mơ, trong ký ức, khi vui cũng như khi buồn để Phương tâm sự, chuyện trò, sẻ chia nỗi niềm của trái tim mình. Ngày anh xa em thấy trống trải, cô đơn… Anh hãy về đi, bởi:
em chẳng cần chi ngoài anh
ta thắp lại mùa yêu
Có những hình ảnh thật đáng yêu về nhân vật trữ tình anh bật lên từ một tâm hồn luôn ước mong một tình yêu vẹn tròn trong thơ Lương Kim Phương:
anh bẻ một cọng sen
những sợi tơ sen níu vào anh
đan chặt ý nghĩ
(Nhật ký người mơ hoa)
Sáng tạo và đổi mới, không lặp lại mình luôn là quy luật muôn đời của văn chương. Là một nhà thơ, một nhà phê bình, chắc chắn Lương Kim Phương rất hiểu điều đó.
Trong những gương mặt thơ nữ Hải Phòng, Lương Kim Phương là một cây bút có cá tính riêng. Sự hiện diện của Lương Kim Phương đã góp cho Hải Phòng một giọng thơ đầy nữ tính, đậm chất nghĩ suy. Dấu hiệu của một nét riêng ít nhiều đã hiện hữu trong thơ Lương Kim Phương. Trong sáng tác văn chương, thời gian không phải là thước đo duy nhất hay điều kiện để hình thành năng lực sáng tạo của một tác giả nhưng quả thực, rất nhiều triển vọng mở ra với tác giả nữ trẻ này.. Hy vọng phía trước sẽ là một chặng đường thơ thành công hơn với Lương Kim Phương, một cây bút thơ nữ hướng nội, giàu chất suy nghĩ…
Hải Phòng, đầu tháng 10/2022
NĐT