Trên đường “Đi tìm một vì sao”, có những “chuyện thật mười mươi bây giờ mới kể”- Đinh Thiên Hương

Bìa sách Đi tìm một vì sao

 

 

Vẫn biết, ở đời phải nên kiệm lời. Không phải cứ biết bao nhiêu, thì nói tuốt luốt bấy nhiêu, những gì được cho là sự thật, để chiều lòng người đọc, người nghe. Nhất là khi, đó lại là tiếng nói của một “số phận chứa một phần lịch sử”(Evtushenko) như ông Phạm Quang Nghị, thì sẽ có không ít những ngóng đợi, tò mò của thói thường…Với 647 trang in, khổ 16 x 24cm, “Đi tìm một vì sao”- nói như tác giả tuy rất dung dị, khiêm nhường là : “tự kể chuyện mình”, nhưng nó đầy ắp sự kiện, hấp dẫn và ấn tượng. Nó đủ liều lượng và cách thức diễn tả, “những chuyện thật mười mươi”, mà vẫn tránh, được những điều cần tránh.

Tôi nhớ như có ai, ở vào một giai đoạn nào đó, sáng dậy khát khao được nghe một lời nói thật…Điều này, khiến tôi đọc những dòng ông Phạm Quang Nghị luận bàn về chính trị (tr.620,621) và nói câu này, thì thấy ông thành thực khi tự truyện : “Tôi đã vượt qua được những rào cản vô hình để kể những câu chuyện của đời mình. Hoàn thành được sứ mệnh không mấy dễ dàng nhưng thật say mê, hứng thú”. Với ngần ấy trang sách, dẫu khi kể chuyện mình, chuyện gia đình, hay chuyện nhân sinh thế sự…vừa với tư cách là chứng nhân, vừa với tư cách là người trong cuộc, nắm bắt thời cơ, trực tiếp xử lý những sự vụ còn chưa mấy xa xôi, ông Phạm Quang Nghị khiến người đọc bị cuốn hút, bởi một cây bút thực sự có nghề về truyện kí và sự thành thực, cùng với những chất liệu, những câu chuyện còn khá nóng hổi, tươi mới.

Hãy theo tác giả trở về với tuổi thơ và gia thế không hề “trâm anh thế phiệt”. Mà thật ra, lại rất hoàn cảnh và lắm nỗi niềm. Hãy cùng ông sống lại những ngày “lớn lên bên dòng sông Mã”, nơi một làng quê, như bao làng quê khác mà ai nặng tình, cũng đều tìm thấy ít nhiều những dư âm, dư vị…để tự hào. Trong không gian gia đình và không gian ngôi làng ấy, Phạm Quang Nghị đã đi qua những năm tháng đầu đời, được “thả lăn lóc như củ khoai,củ sắn mà lớn lên”. Có những lần, không nhờ được ai chăm sóc, bé Nghị phải theo mẹ ra đồng, bằng cách ngồi vào một bên quang gánh, bên kia là phân tro, mạ giống. Bé được mẹ đặt trên một chiếc bì gai, tha thẩn chơi với bầy kiến lang thang kiếm mồi. Thỉnh thoảng, mẹ lại dừng tay làm đồng, “chạy lên di chuyển chỗ tôi ngồi cho khỏi nắng (…)Tôi trông chờ đến giờ mẹ cho tôi được ăn nắm cơm mang theo ra ruộng. Một nắm cơm được mẹ úp chặt trong hai lòng bàn tay, không lớn hơn quả ổi là bao”…Rồi cứ thế, cậu bé tha thẩn theo mẹ đi khắp các cánh đồng làng, lớn lên cùng cây khoai, cây lúa, “với những đàn kiến đen, kiến vàng làm bạn”, cho đến khi giúp được mẹ chăn bò, cắt cỏ, nhổ mạ, gánh phân với lời hứa về một phần thưởng, là chiếc đèn ông sao vào Tết Trung thu “Mừng lâng lâng không tả được”. Những năm theo học cấp 1, cấp 2 cũng là những năm tháng cậu bé Nghị, học đủ các việc nhà, việc đồng để giúp ông bà, giúp mẹ và đỡ phần việc cho cha luôn công tác xa nhà, “ông tôi thì dạy chữ, bà tôi thì dạy làm. Ông đề cao nhân nghĩa, bà đề cao cần cù”. Còn mẹ thì vừa ân cần cầm tay chỉ việc, vừa coi cậu con trai lớn là bạn tâm giao, cả những khúc nhôi nỗi niềm của phận dâu con…Sau này, tác giả cho biết, những lí thuyết cao siêu như : lao động là vinh quang, học phải đi đôi với hành, lí luận phải gắn liền với thực tiễn…hóa ra, mình đã được dạy từ khi còn năm, sáu tuổi.

Suốt trong những năm tháng thiếu thời, đến tận hết cấp 3 – khi “Kinh tế hợp tác xã dường như đến lúc bộc lộ tất cả những nhược điểm, yếu kém của mô hình làm ăn tập thể. Cơ chế quản lý, sản xuất và phân phối tập trung, quan liêu, bao cấp “cha chung không ai khóc”đã làm triệt tiêu hầu như mọi động lực, nguồn lực trong dân”, nhà văn kể lại cho chúng ta nhiều câu chuyện xúc động về cái nghèo khó, túng thiếu “tưởng chừng đến con ruồi, con kiến cũng khó tìm thấy thứ gì để sống”. Thế mà người ta vẫn phải bới đất lật cỏ tìm cái sống.

Đi bắt cua, mót lúa, học cày bừa, nhổ mạ, cấy hái, phân tro…là vất vả, gian truân chốn nhà quê của Phạm Quang Nghị. Ông từ đồng đất mà lớn khôn, mà thành người. Thương quý lắm! Tôi cứ đọc đi đọc lại một chi tiết trong nước mắt ầng ậng : ông lão Bột hàng xóm tốt bụng mỗi lần con trai đi câu về, lại gọi bé Nghị sang. Lão “chặt những chiếc đầu cá…lấy con dao gạt riêng chúng ra một góc. Tôi vui mừng thầm hiểu, những chiếc đầu cá này ông sẽ cho tôi đem về cho mẹ nấu với dưa chua. Đầu những con cá rô chẳng mảy may bám dính chút thịt nào”. Nhưng dẫu vậy, “mẹ con tôi lại có được một nồi canh đầu cá rô nấu với dưa chua thơm phức”. Lại nữa, nhà văn gợi nhắc trong tôi (và chắc số đông thế hệ chúng tôi ở nông thôn hồi ấy) nỗi thèm khát, hau háu nhìn vào những mô thịt chia phần của hợp tác xã và tâm trạng “háo hức chờ đến lượt. Từng gáo nước luộc lòng nóng hổi, thơm phưng phức, được.. đổ vào chiếc nồi đất của mình. Ánh mắt tôi đổ dồn vào nồi nước xuýt…Tôi bước đi rón rén, sao cho…không bị sóng sánh…Những hôm trong nồi lẫn vào nhiều tiết vụn thì sung sướng vô cùng. Mẹ ưu tiên dùng chiếc muôi chắt gạn chan lên bát cơm của tôi như một phần thưởng cho đứa con trai luôn chịu thương, chịu khó”.

Ngay những năm đầu cuộc chiến tranh leo thang đánh phá bằng không quân của giặc Mỹ, quê hương của nhà văn đã phải gánh chịu những mất mát thương đau. Ngày 29 tháng 1 năm 1967, trong ánh nắng chiều tà…những chiếc máy bay sáng loáng của hải quân Mỹ, từ biển bay vào xối xả trút bom đạn. Làng quê yên bình bỗng có một ngày giỗ trận. Một cảnh tượng thật là hãi hùng bày ra trên mặt đất. Trong nỗi tang thương chung của làng, gia đình nhà văn thật quá đỗi bi thiết. “Hai em gái của tôi cùng với một đứa trẻ nhà bên đã chết trong tư thế cả ba cùng ôm chặt lấy nhau trên nền nhà đầy máu. Những đứa trẻ đã chết trong nỗi sợ hãi đến tột cùng vì không được ai che chở”. Em gái thứ ba kia “bị một mảnh bom xẻ một bên mặt”, phải nhờ vào những “đồng xu buộc ở dải dút quần, nên mới biết em là con gái anh chị Thanh – Dần bên hàng xóm”. Còn mẹ thì một mảnh bom xuyên qua đầu gối, một mảnh găm trên trán… Đã có những đêm, mẹ trốn ra  bến sông định gieo mình tự vẫn. “May sao, linh tính mách bảo tôi vội chay ra sông dìu mẹ trở về nhà”.

Phải nhắc lại một đôi chi tiết như thế để thấy rằng, đó là những chuyện thật mười mươi, ám ảnh nhà văn ngay từ buổi thiếu thời. Vất vất gian khó, những đói khát thèm thuồng và những thương đau tột cùng ! “Thời gian trôi qua, năm năm, mười năm hay suốt cả cuộc đời, tôi chẳng bao giờ có thể quên được”…Ông không quên được. Còn tôi, cộng với những câu chuyện kể ở cuối sách về người vợ “tấm mẳn” thời bao cấp (Thương lắm mình ơi), về một ông quan chức, khi ấy đã có “chút chức vụ ở Ban Tuyên huấn, Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhưng ngày ngày trên đường đi làm về vẫn phải ghé qua chợ Trần Quý Cáp sau ga cất hàng về cho bố mẹ(…), cả nhà thường xuyên nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp. Vất vả, lo lắng đến mất ăn mất ngủ mỗi lần gà bị dịch”…,câu chuyện về người mẹ “vốn tháo vát, luôn tìm cách xoay xở để gia đình bớt túng bấn, khó khăn”, thì tôi rất tin vào bản lĩnh và tính trung thực của người cầm bút. Và, trên hết là vẻ đẹp nhân cách của một cán bộ cao cấp – một chính khách ! Đó là vẻ đẹp tâm hồn con người từng trải qua lam lũ mà thuần khiết, hồn nhiên dung dị mà cao cả, trộn lẫn bao điều hạnh phúc, hoan ca với nhiều đắng cay và đau đớn trên suốt hành trình cuộc đời. Nhưng nhờ đó, lại có được những khoảnh khắc cảm xúc thăng hoa, những ý văn, trang văn tỏa sáng.

Không bao giờ quên được ! Đó là điều tâm niệm và thôi thúc để Phạm Quang Nghị “ước mong ra chiến trường…lên đường ra trận”. Bảo rằng, không trăn trở âu lo, không dằn lòng, tiếc nuối, bất chấp tất cả mà đi, e là không thật ! Đọc Phạm Quang Nghị, suốt hơn 200 trang, trên con đường “Chào mẹ con đi để được làm người, theo ông đi dọc Trường Sơn, Về miền Đông Nam Bộ”, thâm nhập “Vùng ven”, sống “Ngày ấy, Tây Ninh”  và chia xa trong “Nỗi nhớ Sài Gòn”, nhiều lúc cũng thấy những đắng đót, chết chóc, đói khát, cơ cực, xao lòng…Có một lần ông dừng lại làm một so sánh cảnh quân ra, quân vào chiến trường. “Một đằng áo quần, giầy mũ tinh tươm, mới cứng. Da dẻ người nào cũng hồng hào, căng đầy sức sống. Một đằng thì trang phục nhàu nhĩ, sờn bạc, vóc dáng gầy gò với nước da thâm tái của người đã trải qua những tháng năm chiến tranh, bị bom đạn, sốt rét, thiếu ăn, đã hao mòn biết bao là sức lực. Người đi vào thì ba lô căng phồng, to nặng. Kẻ đi ra thì tòong teng chiếc bồng lép vắt vai. Có thứ gì bán, đổi được trên đường ra Bắc quân ta đã giải quyết hết dọc đường. Đem được cái gáo trở về còn muốn gì hơn”. Những “Hồi ức lính” với những sự thật khốc liệt như nó vốn có, từ lâu rồi, không cần phải giấu giếm. Và vì thế, đó cũng là một phần “chuyện mười mươi bây giờ mới kể”, bằng những mảnh kí ức, cùng cách cảm nghĩ,  cách diễn tả của mỗi nhà văn. Những chuyện ông Phạm Quang Nghị kể, cộng với những trang nhật kí may mắn còn giữ lại, được chụp dưới dạng nguyên bản, thêm một lần nữa chiếm lĩnh lòng tin của bạn đọc. Nó sinh động và ăm ắp những tình tiết còn tươi ròng và cảm động. Vì là chất chứa và ngộn ngộn chuyện của đời sống, cho nên ở đây, tôi chỉ xin ghi lại một vài chi tiết có nhiều dư ba, ám ảnh (và tất nhiên, cũng theo cảm nhận rất cá nhân của mình).

Theo Nhật kí của nhà văn, đó là ngày 7.5.1972, khi trở lại trung tâm Bù Đốp trong sự vắng lặng im lìm, khói súng vừa tan, chi khu vừa được giải phóng. Một không gian gần như hoang tàn “hơn mười ngàn dân mà nay chỉ có khoảng hơn chục gia đình ở lại”. Mấy chú cá trê nuôi của gia đình dân rời đi, nhốt trong cái vại sành đậy thúng, đêm đêm đói ăn, quậy nước…cũng làm mấy anh lính đằng mình mất ngủ, thắc thỏm. Đáng sợ nhất là từng đàn, từng đàn chó vô chủ, đói ăn, thấy người là chúng lẵng nhẵng bám theo. Mắt con nào cũng hầm hè, hoang dã, đỏ như lửa. Bữa cơm người lính dọn ra, chúng lũ lượt ở đâu kéo đến kín cả sân. Vài bát cơm thừa tung ra, chẳng thấm tháp gì, “lại vô tình gây ra cuộc chiến tranh giành đồ ăn kinh hoàng giữa chúng”…Trong các bầy chó ấy, có những con đầu đàn, nhưng quẳng ra chút thực phẩm thì chúng tranh chấp sống còn, “chủ tướng cũng chỉ còn là một chiến binh hoang dã không hơn không kém”. Sau đó, tác giả đã tìm ra cách vừa chu cấp phần nào cho lũ chó vô gia cư, vừa tránh được những cuộc tranh chấp, cắn xé kinh hoàng, mà chắc “không có lần thứ hai trong đời, tôi phải chứng kiến một cảnh tượng lạ thường và hãi hùng đến thế”. Thế đấy, “dù ai có giầu trí tưởng tượng đến đâu cũng không thể lường hết được những nỗi thống khổ kinh hoàng”, những tình huống vô vàn khốc liệt trong chiến tranh. “Con người và con vật trong chiến tranh không mấy khi được hưởng một cái chết bình thường như muôn loài được sinh ra trên trái đất”…

Nhưng ngày rời Bù Đốp, nhà văn và đồng đội dù phải đi thật sớm để tránh cái nắng hè gay gắt, nhưng không hiểu sao đàn chó đông đúc ấy lại biết mà bám theo, như lưu luyến làm cuộc  tiễn chân “những người đã cung cấp cho chúng chút thức ăn ít ỏi lúc chúng sắp chết đói”. Hàng trăm con chó cứ nối đuôi nhau làm cuộc tiễn chân kì lạ, chưa thấy như thế bao giờ. Đường đã xa, chúng vơi dần, vơi dần, rồi chỉ còn lại duy nhất một con…Nó không chịu nhận miếng cơm mà tác giả bẻ ra để bên đường, vừa để thưởng cho sự thành tâm của nó, vừa như để nói lời giã biệt, nhắc nó trở lại với đàn. Dù đang đói, nó không chịu dừng lại để ăn, chỉ ngửi ngửi, rồi mải miết chay theo những ân nhân. “Con chó có màu lông vàng nhạt đi theo tôi suốt một chặng đường dài”, cho đến khi nó biết là thực sự phải chia tay, thì dừng lại.

Chao ôi, “khuyển mã tri tình” là thế đấy chăng ?! Ý nghĩa triết lý về nhân sinh thế sự, về thế thái nhân tình trong mấy trang viết về lũ chó ở Bù Đốp năm ấy, không phải là sự lựa chọn vô tình của nhà văn…

Lại nữa, trong vô vàn những câu chuyện, những nỗi đau thời chiến tranh, mà nhà văn đã kể, có mấy chuyện ở Hữu Đạo, thuộc vùng ven – nam lộ 4 Mĩ Tho cứ làm tôi day dứt quá. Chuyện nhà thím Năm, có ông chồng đạp phải mìn mà chết, được thím lập ban giữa để thờ. Còn hai ban, hai bên trái – phải, thím dành thờ hai thằng con cùng do mình rứt ruột. Một thằng đi lính quốc gia tử trận, một thằng đi quân giải phóng hy sinh. “Hôm nay làm cơm cúng thằng Tư nên phải kéo bức rèm che ban thờ thằng Ba lại”. Câu chuyện ba ban thờ trong căn nhà chòi của thím Năm, không phải là nỗi đau của riêng ai. Theo tác giả, “trái tim người mẹ, làm sao có thể đóng mở như thế” mãi được ! Những nỗi đau mất chồng, con là nỗi đau tột cùng của người phụ nữ. Nhưng, còn một nỗi đau “không nói thành lời về sự mất mát những đứa con cầm súng hai bên chiến tuyến, thì để làm lành được vết thương trong trái tim người mẹ thật khó khăn và dài lâu biết chừng nào (…)Tôi tha thiết mong, đến ngày thật gần, thím Năm sẽ gộp chung ba ban thờ trong nhà làm một. Để đến ngày giỗ những người con thím không phải đóng, mở những bức rèm như hôm nay””. Khát vọng thống nhất non sông, hòa hợp và hòa giải dân tộc, hóa ra không phải là những gì trừu tượng, xa xôi. Nó khẩn thiết và khẩn cấp biết bao, để xóa đi phần nào vết thương lòng của Mẹ…

Ở nơi vùng ven – nơi giáp ranh, tranh chấp địch ta, là nơi nhà văn cùng đồng đội bám dân, bám đất. Họ được những chú Ba, chú Chín, thím Năm, thím Bảy…”những con người chẳng giữ tên riêng”, đùm bọc chở che, ấm áp tình người. Cho đến ngày chia xa, vượt lộ, “chú Hai Hà Nội…Hai Nghị chịu chơi”, cùng những đồng đội chính quy của mình, lại băng đồng, lội ruộng, bơi xuồng  “ướp hương sen lần nữa trước khi về R”.  Thật thơ thới, lãng mạn. Nhưng mấy đêm liền, không qua được lộ vì quân địch mai phục, bố phòng gắt quá. Song đêm nào, chú Bảy Đực cũng cầm chai rượu đế, ra chỗ giáp ranh, rót từng ly cho mỗi người, với câu nói : “Chú em, uống đi ! Lát nữa chạy cho vững chân. Rủi có chết, thì trước khi chết cũng đã được uống rượu của người dân Hữu Đạo(…). Tôi chưa nghe hay đọc được ở cuốn sách nào tả cuộc tiễn đưa người ra đi như chú Bảy”. Sao mà bùi ngùi cảm khái và cảm kích đến vậy. Cái cách tiễn đưa ấy, vừa thấm đẫm tình người vùng ven, miền sông nước, vừa có chút tếu táo mà nghĩa hiệp, hào sảng, “ngấm vào tận nơi sâu thẳm nhất của trái tim tôi. Ly rượu nghĩa tình, sống chết của người dân Hữu Đạo”…

Rồi cứ thế, Phạm Quang Nghị kể cho chúng ta nghe thật hay, thật sâu sắc và dí dỏm đến giật mình, bao nhiêu chuyện, bao nhiêu kỉ niệm vui buồn, và cả những chuyện thót tim, hú vía về súng đạn ngày đầu giải phóng, ở Sài Gòn hoa lệ. Trong đó, tôi cứ cười khùng khục một mình, chuyện kể về nhà văn Đỗ Nam Cao, từ hôm về thành phố, không dám đái vào bờ tường, gốc cây. “Nhỡ vi trùng tiêm la, bệnh lậu nó leo theo nước tiểu”…Và rồi,  nhà văn đã ngờ ngợ nhận ra ngay từ khi ấy, “các thủ trưởng chẳng được toàn diện như hồi còn gian khổ vất vả ở rừng(…)sự say sưa chiến thắng, lo chức, lo quyền, lo ghế đã bắt đầu nhen nhóm”. Tâm lý phân biệt vùng miềm, thứ hạng đã nảy sinh âm thầm nhưng khá gay gắt. “Quyền hành vô tội vạ đã làm hư hỏng biết bao con người” – câu trích dẫn ấy, từ tác phẩm Ruồi Trâu, vừa kết thúc chặng đường đời làm lính, vừa có thể xem là một dự cảm nhạy bén của một nhà lãnh đạo có Tầm, có Tâm trong tương lai.

Ông Phạm Quang Nghị chia tay với Sài Gòn, dù vẫn biết đó là một thành phố đáng sống, để bước vào những gánh vác mới, với biết bao nỗ lực và thăng trầm, cam go. Mà trong cuốn sách này, ông dành hơn 270 trang cho nó và gọi là Những chuyện đã qua. Đây có thể xem là phần dễ và cũng khó viết nhất, của một cán bộ lãnh đạo – một chính khách như ông. Dễ là vì, nó mới đây thôi, không phải lục tìm trong kí ức xa xôi. Nhưng cực kỳ khó, bởi những chuyện nói ra đã từng có bao nhiêu nghi ngờ, đồn thổi, thực hư…Nó quan hệ, đụng chạm tới nhiều người, nhiều mối quan hệ, nhiều góc độ và giác độ cảm nhận, đánh giá. Phải bản lĩnh và trung thực lắm mới lựa chọn để nói, sao cho hài lòng nhiều thành phần độc giả. Thậm chí, có những độc giả còn giữ nguyên cái khuôn thước cũ để xét soi thành công, thất bại của “một người vừa giã từ chức vụ”.

Lại một lần nữa, có “những chuyện thật mười mươi, bây giờ mới kể”. Và, cũng không thiếu những chuyện chúng ta biết rồi, nhưng giờ được nghe kể kỹ hơn, được nghe biện minh, lý giải theo cách riêng của ông Phạm Quang Nghị, rất thú vị. Người ta tò mò và thán phục ông ở phần này, bởi nhiều câu chuyện người, chuyện đời như thế !

Ví như những câu cửa miệng khen nịnh cấp trên, cười ra nước mắt. “Đôi khi, khen cả ý kiến, chỉ đạo viển vông, xa rời thực tiễn ! Toàn là những câu, những lời có cánh” – mà đến hôm nay, vẫn nhan nhản trong các cuộc hội họp, giao tiếp. Câu chuyện tưởng nhỏ, nhưng kỳ thực nó quan hệ tới công cuộc thực hành dân chủ, quan hệ tới sự sống còn của thể chế. “Dân chủ nội bộ có được phát huy tốt hay không, phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu. Người lãnh đạo lúc nào cũng chỉ thích được khen thì có cấp dưới nào to gan dám phê bình lãnh đạo”. Dân chủ mới góp phần quan trọng kiểm soát được quyền lực. Không kiểm soát được, cứ để nó tự tung tự tác thì “lò” lúc nào cũng đỏ lửa ! Cũng rất thú vị, khi ông kể và bình luận về cuộc gặp giữa “một nhà lãnh đạo điềm tĩnh, khiêm nhường hiếm có và một giáo sư đầy cá tính, góc cạnh. Hai con người, hai tính cách dường như khác hẳn nhau. Nhưng tôi may mắn được làm học trò của cả hai ông. Và tôi đã học được rất nhiều ở cả hai con người ấy”. Trong mạch kể này, tôi thật tâm đắc, khâm phục và cả biết ơn nữa, khi ông Phạm Quang Nghị trân trọng kể và đánh giá khá phân minh về hai con người nổi tiếng mà tôi từng ngưỡng mộ, nhưng gặp phải không ít những chua xót, cay đắng, là ông Trần Độ và Trần Bạch Đằng. Tiếng nói của nhà văn vào lúc này, đã đến thời đến độ chưa, khi vẫn đang còn những người từng tham gia làm cái việc phán quyết những tài năng ấy. Họ cũng cần phải lên tiếng đi, mau còn kịp…

Như trên kia đã nói, từ khi trở thành quan chức cấp cao, từng đảm trách các chức vụ trong nhiều cơ quan của Đảng và Nhà nước, có những chức vụ người ta mơ chẳng được, nhưng ông thì miễn cưỡng. Nhưng dù thế nào, ông cũng nỗ nực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những sự vụ ở Hà Nam, khi ông về làm Bí thư Tỉnh ủy và 14 câu chuyện nhỏ (Chùa Hương – khâu đột phá, Sự tích bài…diễn văn, Ca sĩ Ái Vân – những giọt nước mắt ngày trở về, Câu chuyện nhà Vương, Di tích 18 Hoàng Diệu – niềm vui xen lẫn nỗi lo, Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, Quản lý báo chí : Những vấn đề đặt ra, “Chỉ một kính thưa”, Thăm lại nước Nga, Lịch bloc – xóa cơ chế độc quyền, Bản quyền Quốc huy, “Hoa học đường” –những cánh hoa chưa nở, Thêm một “ca” khó, Chuyện tượng đài Chiến thắng Điện Biên), trong thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin, được ông chọn kể và thêm lời giải trình, đã luôn hấp dẫn và còn nóng bỏng ý nghĩa thời sự. Tất cả đều chưa xa xôi gì. Và, ông Phạm Quang Nghị trong chức phận của mình đã góp một phần làm nên lịch sử, thay đổi, hỗ trợ, giúp đỡ…để mọi việc tốt đẹp hơn lên. Còn chúng ta, trước khi có những nỗ lực thay đổi nhờ ông Nghị, rất có thể từng là nạn nhân. Rồi sau đó, chúng ta được thụ hưởng, nên cũng dễ có đối sánh, làm nhân chứng để biết đúng sai, hư thực của những sự thật mười mươi ấy thế nào…Những người tiếp bước chân ông, giá mà biết tiếp thu, duy trì và phát triển thì bây giờ, Văn hóa biết bao nhiêu !

Kể lại đoạn đường làm ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà nội, ông cũng không né tránh nhiều vụ lùm xùm, tranh cãi, nhiều luồng ý kiến, nhiều vụ việc bị ngâm đợi lâu ngày  trước đó. Nhiều lắm những công việc – những câu chuyện tưởng như thỏn mỏn, nhưng lại có ý nghĩa rất to lớn với một quan chức cao cấp, đã thuận theo triết lý sống : cái gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, cái gì có lợi cho dân thì phải cố gắng làm. Cho nên không thể để vụ tranh chấp nhà của ông Dương Trung Quốc kéo dài lâu hơn nữa, không thể để một vợ liệt sỹ lão thành 97 tuổi ốm đau, năm mươi năm viết đơn “kêu cứu” để xin cấp cái sổ đỏ, lại chỉ đạo giải tỏa ngay 13 hạng mục xây dựng trái phép trong công viên Thủ Lệ, trả lại điểm vui chơi giải trí hiếm hoi cho các cháu thiếu nhi…Ông đã từng đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh : “Với Hà Nội, có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn đầu về mặt kinh tế mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế. Cái Hà Nội cần có, chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, là trật tự, kỉ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại(…)Đó là thứ văn hóa tôn trọng mọi người để được mọi người tôn trọng mình”. Hà Nội cần làm gương về văn hóa cho cả nước, vì tính dung hợp, chất trí tuệ và nét hào hoa của người Tràng An cần bảo tồn và phát huy, thì không đâu bằng. Đó là những ý kiến vừa thông thái, vừa có Tầm và có Tâm. Định tính và định lượng rõ ràng, xác đáng, rất thiết thực và tối cấp thiết, lẽ ra phải trở thành hiện thực từ lâu rồi. Chứ có phải địa phương nào cũng trở thành đầu tầu kinh tế đâu…

Nhưng mà rồi, “Hà Nội không vội được đâu”. Thói quan cách, sự trì trệ, nhiêu khê, tính thận trọng tránh né, thái độ ngại động chạm va đụng, thói thông đồng chạy chọt bao che…đã gây nhiều trở ngại, áp lực ngay cả với Bí thư Thành ủy. Hãy cứ đọc và suy ngẫm từng trang, từng chuyện mà tác giả “đã vượt qua được những rào cản vô hình để kể những câu chuyện của đời mình. Hoàn thành được”sứ mệnh” không mấy dễ dàng”…,thì sẽ thông cảm với ông nhiều hơn.

Đọc hết cả cuốn sách “Đi tìm một vì sao”, nhiều người đọc cũng như tôi rất tin, rất thương và giầu cảm mến với một Phạm Quang Nghị từ thiếu thời đã vất vả, lam lũ, lam làm được hết mọi công việc chốn đồng quê. Càng trưởng thành, Phạm Quang Nghị càng phát huy tư chất và phẩm chất mà “từ rất sớm tôi đã hiểu văn phong của tôi cũng giống như con người tôi vậy. Giản dị, đời thường, mộc mạc, chân chất”. Cả đời ông Đi tìm một vì sao. Tôi hiểu,  có thể, đó là vì sao “chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm”. Mà từ thưở thiếu thời cho đến tận bây giờ, trong muôn vàn những ngôi sao li ti kia, ông là ngôi sao nào, cũng không biết nữa. Nhưng dù gì, ông vẫn luôn tin rằng, mọi thứ-mọi người đều có giá trị riêng của nó. Cũng giống như muôn vàn những ngôi sao xa xôi kia, đều góp phần “làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường”. Đi tìm một vì sao, hay là tác giả đang đi tìm và khẳng định chính mình, giữa cuộc đời mênh mông này, nhưng không bao giờ tẻ nhạt !

Cũng có thể, Đi tìm một vì sao là đi tìm chân lý sáng soi. Đừng giản đơn và ảo tưởng nghĩ rằng, chân lý đã sáng lòa, phía trước ta luôn là con đường thẳng, đầy hoa thơm và trái ngọt. Đọc ông rồi sẽ thấy, từ một cậu bé làng quê, một cậu học trò, một chàng sinh viên, một người lính ra sống vào chết, đến một quan chức cấp cao-một chính khách, ông Phạm Quang Nghị luôn tự tin, sống nhân hậu, gần gụi với người thân và đồng chí, đồng bào, nhưng có tránh được những truân chuyên, khúc mắc ? Cứ mỗi lần vượt lên, vượt qua gian khó, hiểm nguy, ông lại thấy mình trưởng thành lên một chút và nhận ra nhiều điều, trên con đường “Đi tìm một vì sao” ấy. Cho đến tận cuối sách, khi luận bàn về chính trị, ông trích lại một câu của người đi trước “Chính trị là nghệ thuật của sự lựa chọn cái có thể”. Nhưng lựa chọn và xử lý thế nào, lại là mưu lược và nhân tâm của người làm chính trị. Và rồi, ông lại có một đúc kết sâu sắc, thấm thía và bao quát “Thứ chính trị tuyệt vời nhất, đúng đắn nhất, tôi nghĩ, phải là thứ chính trị như Bác Hồ đã đúc kết “Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong nhân dân””. Vâng tôi tin, ông đã luôn hướng tới “một vì sao”, đi theo ánh sáng ấy, con đường ấy, tuân thủ nguyên tắc ấy trong mọi mối quan hệ, mọi hành xử và thành công !

 

  Đ.T. H

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder