Nhà thơ Vũ Anh Vũ – Truyện ký: Hải Chi

 

Vanhaiphong: Nhà thơ Vũ Anh Vũ (Vũ Hiển), Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng vừa ra đi ở tuổi 72. Sự ra đi đột ngột của ông khiến bạn bè văn chương không khỏi nhớ thương một tâm hồn thi ca và một cuộc đời truân chuyên nhiều duyên nợ.
VHP trân trọng giới thiệu truyện ký của nhà văn Hải Chi cùng bạn đọc:

Vào một buổi sáng Xuân Tân Sửu 2021, bầu trời vẫn còn lạnh lẽo, âm u, mây mù vần vũ. Hàng cây hai bên đường chỉ còn đôi, ba chiếc lá vàng bám vào những cành cây trơ trụi, khẳng khiu. Quần áo ấm, khăn quàng cổ và mũi len trùm kín đầu, tôi phóng xe máy trong gió lạnh, miệng suýt xoa, đến dự buổi tọa đàm của Câu lạc bộ thơ một quận nội thành. Tôi đến trễ, trong hội trường đã có chừng ba chục hội viên và râm ran tiếng chào hỏi, nói, cười. Vì không biết làm thơ, tâm hồn tôi không thấm thấu cái hay, cái tuyệt tác của thơ. Đã gần hết cả buổi sáng, tôi lắng nghe các nhà thơ, thay phiên nhau lên đọc những bài thơ vừa mới sáng tác. Hai nữ nghệ sỹ, tuổi chừng gần năm mươi, mặc áo dài rất đẹp, ngâm nga, minh họa những bài thơ các hội viên câu lạc bộ vừa đọc. Tới gần trưa, mệt mỏi, tôi đang lơ mơ hoa lá cành, tiếng của vị Chủ tịch Câu lạc bộ, sang sảng giới thiệu:
– Tiếp theo chương trình, xin kính mời nhà thơ Vũ Anh Vũ.
Một cái tên khá lạ tai. Tôi cũng không tập trung lắng nghe cho lắm, mặt cắm vào màn hình chiếc điện thoại, tay thoăn thoắt bấm chữ, nhắn tin cho bạn. Nhưng giọng trầm ấm của một người đàn ông chợt cất lên:
Ta uống rượu một mình/ Một mình ta ngẫm nghĩ/ Có thật là ta không/ Vậy ta là gì nhỉ?
Tôi giật mình và choàng tỉnh, gương hai mắt lên nhìn. Người đàn ông có tên là Vũ, đứng đối diện cách tôi một chiếc bàn. Gương mặt anh khắc khổ, giọng đọc khúc triết và những câu thơ lay động lòng người, lại tiếp tục vang lên:
Đêm sâu ta khoắc khoải/ Ngày dài ta bâng khuâng/ Ta uống rượu một mình/ Để hồn ta trọn vẹn.
Người đàn ông tên Vũ, giơ hai cánh tay lên trên đầu người, như ôm lấy bầu trời, biển cả vào lòng:
Trời trong ta xao động/ Biển trong ta dạt dào/ Hồn ta là tất cả/ mây nước và trăng sao/ Ta uống rượu một mình/ Giữa mêng mông vũ trụ/ Giữa thời gian vô hình/ Giữa tơi bời thế sự.
Rồi cánh tay trái của Vũ thõng xuống, như một dấu phẩy, còn cánh tay phải dang ngang vai, bàn tay co lại, giống như một dấu hỏi. Giọng Vũ trầm lắng lại:
Xua nỗi đau một đời/ Biết bao giờ mới đủ/ Xua nỗi đau ngàn đời/ Hỡi đời ai thức ngủ.
Đọc xong, Vũ ngồi xuống giữa tiếng vỗ tay rần rần của mọi người, tôi cũng vội vỗ tay theo. Mọi người đã ngừng vỗ tay, chỉ còn lại tiếng vỗ tay khá to của tôi kéo dài thêm vài giây nữa.
Có lẽ đêm cô liêu và trống vắng, không chợp mắt được, Vũ lấy rượu ra uống một mình. Mỗi chén rượu uống vào người, là một câu thơ trong anh dâng trào. Những câu thơ đã thiêu cháy tâm can và ám ảnh người đọc.
Tôi đã có dịp đọc tập thơ “Dòng sông bí ẩn” của nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn. Tôi rất tâm đắc bài thơ “Rượu đêm”. Bài thơ viết theo thể thơ lục bát, cũng ám ảnh tôi như vậy: “…Một đêm một chén một mình/ Một đời nhắm cái vô hình mà say/ Một vò đầy những đắng cay/ Tha phương trụ lại đất này Hà ơi/… Một đêm một chén uống đi/ Tìm ư? Nào chốn vô vi cõi người/ Chén này khóc, chén này cười/ Tháng năm uống với tháng mười mà say”…
Vũ Anh Vũ, tên khai sinh là Vũ Hiển, sinh năm 1950, tuổi dần, cầm tinh con hổ. Quê gốc Hiển ở thôn Thiết Chanh, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Nhưng gia đình ông bà, bố mẹ Hiển ra sống ở xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy, nay là phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, từ ngày anh còn chưa ra đời. Bố Hiển, ông Vũ Văn Uyên tham gia hoạt động cách mạng năm 1941 của thế kỷ trước và được nhà nước công nhận là lão thành cách mạng. Năm 1983, tròn 60 tuổi, ông về hưu khi đang còn công tác ở Mặt trận tổ quốc Việt Nam, thành phố Hải Phòng. Bố mẹ Hiển sinh được sáu người con, Hiển là con thứ hai. Năm 1967, tốt nghiệp cấp 3 Trường Thái Phiên (sơ tán về thị trấn núi Đối, huyện Kiến Thụy) Hiển xung phong nhập ngũ. Trước ngày ra trận, ông Vũ Văn Uyên tặng con trai một cuốn sách, hướng dẫn sử dụng lá cây rừng ăn chống đói và làm thuốc chữa bệnh. Ông dặn Hiển:
– Con sinh vào năm giờ chiều ngày mùng… tháng 5, năm 1950, tuổi dần, cao số lắm. Con không tránh được bom đạn đâu, nhưng bom đạn sẽ tránh con. Con cứ dũng cảm sống và chiến đấu, đừng làm điều gì ảnh hưởng đến thanh danh gia đình ta.
Cuốn sách của bố tặng, Hiển đã giúp nhiều đồng đội sống sót khi bị địch càn, lạc rừng, hàng tuần không có hạt cơm vào bụng. Còn lời nói của bố, như một định mệnh, đã giúp anh thoát chết trong những tình huống vô cùng hiểm nghèo, giống như trong chuyện cổ tích vậy.
Sau hơn 5 tháng hành quân vượt Trường Sơn. Vào tới mặt trận, Hiển được bổ sung vào đơn vị quân bưu thuộc Phòng Thông tin, Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ của đơn vị Hiển là những ngày luồn rừng xuống đồng bằng công tác và phục vụ chiến đấu cho các sư đoàn chủ lực, tổ chức tác chiến. Cuối cuộc tổng tấn công đợt II Mậu Thân năm 1968, Hiển được giao nhiệm vụ mang công văn mật xuống Công trường 7 (mật danh của sư đoàn 7 Quân Giải phóng miền Nam). Anh để công văn mật trong chiếc túi vải treo trước ngực, rồi mặc áo may ô, bên ngoài mặc bộ quần áo bộ đội vải Tô Châu.
Trên đường xuống Công trường 7, Hiển phải đi qua một trảng cỏ trống trải, rộng hàng ngàn mét 2. Giữa trảng cỏ có vài ba chòm cây cao quá đầu người và dải cỏ tranh lúp xúp ngang thân người, kéo dài tới vạt rừng phía bên kia trảng cỏ. Hiển đi ra giữa trảng cỏ thì bất ngờ ba cái trực thăng “cá lẹp” bay tới. Có lẽ phát hiện ra Hiển, ba chiếc trực thăng cá lẹp vội vòng lại, quần đảo và bắn đạn đại liên như mưa xuống xung quanh trảng cỏ, chặn không cho anh chạy thoát vào bìa rừng. Một chiếc trực thăng từ từ hạ cánh xuống trảng cỏ, với ý định bắt sống anh. Trước khi đi, Thủ trưởng đã dặn:
– Nếu gặp tình huống nguy hiểm, bằng bất cứ giá nào kể cả hy sinh, đồng chí cũng không để tài liệu rơi vào tay địch.
Hiển hỏi lại:
– Bằng cách nào, thưa Thủ trưởng?
Chỉ huy nhìn Hiển, trả lời:
– Đồng chí xé vụn tờ công văn và nuốt vào bụng phi tang. Còn sau đó, đồng chí biết mình phải làm gì.
Bị ba chiếc trực thăng bao vây, Hiển đã định lấy tài liệu ra xé vụn và nuốt vô bụng, rồi nố súng, sống chết với chúng. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, bản năng sinh tồn trong anh bỗng trỗi dậy. Hiển nghĩ, tại sao mình lại dễ dàng chịu khuất phục như vậy, khi vẫn còn tia hy vọng mỏng manh? Kỹ năng chiến đấu được rèn luyện trong chiến tranh, đã thôi thúc anh bật ra phương án hành động hết sức mau lẹ: “Để bọn Mỹ lơ là, mất cảnh giác, mình phải giả vờ vẫy cờ trắng, tìm thời cơ chạy thoát”.
Thế là Hiển cởi áo dài, treo lên cành cây, anh cởi tiếp áo lót trắng treo vào đầu cành cây, giống như đang vẫy cờ trắng đầu hàng. Hiển cởi quần dài, chỉ mặc quần đùi, mình cởi trần, màu da anh lẫn với cỏ tranh úa vàng. Hiển nhanh chóng men theo rẻo cỏ tranh trước mặt, chạy như bay về phía bìa rừng bên kia trảng cỏ. Chiếc trực thăng đang từ từ hạ cánh, tập trung quan sát lùm cây có “Việt cộng” mặc áo, tay vẫy cờ trắng. Chiếc trực thăng đỗ xuống mặt đất, cánh quạt máy bay, bay tốc cành lá lùm cây. Nhưng chúng chỉ thấy có chiếc áo Tô Châu màu xanh và chiếc áo lót ba lỗ màu trắng, còn “tên Việt cộng” biến mất từ lúc nào không biết. Hậm hực vì để mất một con mồi, ba chiếc trực thăng Mỹ phóng mấy quả rốc két vào bụi cây, rồi bay về căn cứ Đồng Dù, sở chỉ huy của Sư đoàn 25 “tia chớp nhiệt đới” Mỹ.
Năm 1970, Mỹ huy động 5 sư đoàn bộ binh, có hơn năm trăm xe tăng, hàng trăm máy bay, 250 khẩu pháo yểm trợ, đồng loạt tấn công dọc tuyến biên giới Việt Nam, Campuchia. Lính Mỹ và xe tăng, đánh sâu vào đất Campuchia 25 km. Chúng càn quét, phá hoại kho tàng và lùng sục các cơ quan đầu não của Quân giải phóng đóng trên đất bạn. Những ngày đó, Hiển cùng đơn vị vừa chiến đấu, vừa di chuyển để tránh bom B52 trải thảm.
Những năm tháng chiến tranh, Hiển có một kỷ niệm sâu sắc. Đóng quân gần đơn vị Hiển, là đại đội quân y, thuộc phòng Quân y, do Ba Dũng làm Đại đội trưởng. Ba Dũng là dân Nam bộ, nhưng đặc biệt thích dân Hải Phòng, vì dân Hải Phòng dũng cảm, bộc trực và rất “bựa”. Hơn Hiển hai tuổi, Ba Dũng coi Hiển như một người em. Vào cuối những buổi chiều, quân địch dừng càn quét, máy bay địch bay đã bay về căn cứ, pháo binh địch cũng ngừng bắn. Ba Dũng lại cho chiến sỹ liên lạc, chạy sang Đại đội quân bưu, gọi Hiển:
– Ba Hiển ơi! Anh Ba Dũng mời anh sang gặp nè.
– Có việc gì mà anh Ba gọi gấp vậy?
Hiển hỏi lại, chiến sỹ liên lạc, miệng thở hổn hển, trả lời:
– Em cũng chẳng biết nữa. Anh sang lẹ lên, anh Ba đang đợi.
– Ờ! Em cứ về trước đi. Người anh dơ quá trời, tắm cái đã. Xong, anh sang liền à.
Hiển ra giếng nước, kéo liền mấy xô nước đầy, dội ào ào từ trên đầu xuống chân, nước mát, tắm đã quá. Hiển vò bộ đồ vừa thải ra, dũ qua mấy xô nước, rồi phơi lên cành cây. Anh lục chiếc bòng, tìm đồ để mặc. Ở đội quân y có nhiều nữ, Hiển cũng muốn mặc đồ tươm tất, để làm le chứ. Nghẹt nỗi, trong chiếc bòng nhỏ xíu của anh, chỉ còn độc mỗi bộ quần áo quân phục cũ, đã sờn. Hiển thay đồ, vuốt mái tóc ướt nhẹt và rảo bước sang khu đóng quân của đại đội Quân y. Chừng mươi phút sau, Hiển đã nhìn thấy Ba Dũng đang nằm đung đưa trên chiếc võng dù, hai mắt nhắm, tai lắng nghe lời ca bài hát: “Dáng đứng Bến Tre” phát ra từ chiếc đài National: “Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió/ Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre/ Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về/ Ơi những con người làm nên Đồng Khởi/ Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê/ Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre…”. Nghe rung động và xao xuyến lòng người.
– Anh Ba, có việc gì mà gọi em gấp vậy?
Nghe tiếng Hiển. Ba Dũng ngẩng lên nhìn Hiển, cười:
– Tao gọi mầy sang uống rượu cho zui thôi. Rượu ngon phải có bạn hiền, ngặt nỗi ở đội quân y, mấy cha bác sỹ Bắc kỳ mới dô, uống rượu dở ẹc à. Còn mấy nữ quân y, chỉ thích uống rượu môi thôi. Chỉ còn mầy mới xứng là bạn rượu của tao.
– Trưa nay địch càn, anh nuôi không nấu được cơm. Em đói quá, uống rượu xếch vô, xỉu liền à. Có mồi nhậu không, anh Ba?
– Mồi ư! Anh Ba mầy có bao giờ thiếu mồi nhậu. Cậu cần vụ vừa lãnh về mấy hộp thịt, cá cho thực phẩm cả tuần của tao, đủ mồi cho hai thằng nhậu chưa?
– Vậy là quá nhiều rồi, anh Ba – Chợt giật mình, Hiển vội hỏi lại: Vậy ngày mai, ngày kia và hết tuần, anh Ba lấy gì ăn với cơm?
Ba Dũng cười khà khà, nói:
– Ngày mai là việc của ngày mai, Ngày mốt là việc của ngày mốt, lo chi cho mau già. Mà mầy hỏi gì kỳ zậy, cơm ăn với muối cũng ngon rồi. Tối nay tao với mày zui tới bến nha.
Rượu rót từ bi đông ra chén (miền Nam gọi bát dùng ăn cơm là chén), một hộp thịt và một hộp cá được khui nắp, với một nắm lá bứa. Thế là tối ấy, Ba Dũng và Hiển cụng chén, uống hết một bi đông rượu. Hai anh em ăn, uống xong, rồi cùng nhau ông ổng song ca mấy bài vọng cổ. Nghe tiếng hát hò, mấy cô bác sỹ, y tá trong đội quân y, ở căn hầm bên cạnh, cũng lục tục kéo sang, hát cùng. Hai người đàn ông và bốn nữ quân y, tay cầm tay, vai kề vai, vừa đu đưa, vừa say sưa hát, quên cả không gian, thời gian. Bỗng có tiếng nổ đề ba đầu nòng, của cụm pháo địch vang lên. Mọi người vội chui xuống căn hầm trú ẩn. Hàng chục quả đạn pháo 203 ly, rú rít xé gió bay qua đầu, nổ ầm ầm, cách đội quân y chừng vài trăm mét. Một lát sau, khói bụi khét lẹt theo làn gió, xộc xuống căn hầm, làm mấy nữ quân y bụm miệng, ho sặc sụa.
Năm 2005, tức hơn ba mươi hai năm sau, Hiển lên Quốc Tử Giám, Hà Nội, dự hội thơ đầu xuân. Bất ngờ Hiển gặp lại Ba Dũng, người anh thân thiết ở chiến trường. Lúc ấy Ba Dũng đã là một chính khách, có vị trí quan trọng trong chính trường Việt Nam. Hôm ấy, Ba Dũng cũng vô Quốc Tử Giám, dâng hương. Giác quan thứ sáu, như mách bảo đang có người nhìn mình chằm chằm từ phía sau, Ba Dũng chợt quay người và phát hiện Hiển. Ông cười, la lớn:
– Ủa! Ba Hiển ở đại đội quân bưu Miền đó hả?
– Dạ! Em là Ba Hiển đây. Anh Ba vẫn còn nhớ em?
– Đồ mắc dịch! Tao không nhớ mầy thì còn nhớ ai. Cái lần mày say xỉn, mò xuống hầm ôm hôn con nhỏ y tá. Nếu không có tao đứng ra binh thì hôm đó mày tiêu rồi.
Nghe Ba Dũng nhắc tới chuyện cũ, xa lắc xa lơ, Hiển mắc cỡ, cười gượng:
– Anh Ba có trí nhớ thiệt ghê.
Lúc ấy Ba Dũng cười, bất ngờ ôm lấy Hiển, trước sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh. Ba Dũng nói tiếp:
– Sao! Mày không biết tao là sếp lớn à. Mà nhìn thấy tao, ngó lơ, hổng thèm gọi?
– Em biết chứ. Anh làm lớn, em mừng lắm chớ.
– Từ ngày chúng ta gặp nhau ở chiến trường, ba mươi hai năm có dư rồi. Sao mày không đến gặp tao, hay gọi điện cho tao một tiếng?
– Anh thông cảm cho em, em sợ người đời khinh, khi em thấy người sang bắt quàng làm họ, anh Ba.
– Sau khi ra quân, mầy làm gì và công tác ở đâu? Hồi này mầy vẫn còn thức đêm làm thơ chứ?
– Chuyện của em dài lắm. Năm 1976, em ra quân, học đại học Ngoại Ngữ. Năm 1980, tốt nghiệp ra trường, em về Công ty chế biến, cung ứng lâm sản, công tác. Năm 1990, em đi học Trường viết văn Nguyễn Du. Năm 1994, ra trường, cơ quan cũ giải thể và em thất nghiệp đến bây giờ. Còn thơ thẩn, cái nghiệp ấy vận vào đời em rồi, làm sao bỏ được, anh Ba?
– Thơ phú chỉ là thú vui tao nhã thôi, chớ đâu phải là nghề nghiệp để mưu sinh. Ít bữa nữa, em về Văn phòng chính phủ với anh nha?
– Em về Văn phòng chính phủ, biết làm được việc gì cho anh?
– Có bằng đại học Ngoại ngữ, cộng thêm bằng Trường viết văn Nguyễn Du, em về làm thư ký cho anh, ưng không?
Thấy Hiển im lặng không trả lời, Ba Dũng nói tiếp:
– Em sợ cái gì chớ, hay sợ lên Hà Nội không có chỗ ở? Yên tâm đi, anh sẽ xếp nhà ở cho em và gia đình, được chưa?
– Em cám ơn tấm lòng của anh Ba nhiều lắm. Nhưng em không làm thư ký cho anh được đâu. Cái tính dở dở, ương ương của văn chương, đã ngấm vào xương tủy của em mất rồi.
– Thế bây giờ em cần gì. Nói đi, anh giúp?
– Đời em không vợ, không con, có lẽ em chẳng cần gì hết, ngoài tình cảm, tấm lòng đồng đội, tình người của anh và mọi người dành cho em. Anh Ba à, em chỉ xin anh một điều.
– Điều gì Ba Hiển, em nói đi?
– Em chỉ xin chụp với anh một tấm hình, để kỷ niệm ngày anh em mình hội ngộ. Được không anh Ba?
Không trả lời Hiển, Ba Dũng rơm rớm nước mắt. Ông ra hiệu cho người thợ ảnh đứng gần đó, bấm máy. Tấm ảnh Hiển chụp với Ba Dũng, hiện nay vẫn treo trên tường, trong căn phòng nhỏ của anh ở phố Nguyễn Đồn, phường Đằng Lâm, quận Hải An.
Tháng 8 năm 1975, Hiển về Bắc an dưỡng, rồi ôn thi đại học. Tháng 9 năm 1976, ra quân, Hiển thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ. Năm 1980, sau gần năm năm miệt mài học tập, Hiển tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ với tấm bằng tiếng Anh loại khá. Thời bao cấp, chẳng mấy cơ quan, doanh nghiệp nào cần người biết tiếng Anh. Ra trường, Hiển lang thang đi xin việc gần nửa năm, vẫn không có nơi nào nhận. Năm 1981, trong hội nghị thi đua thành phố Hải Phòng, Vũ Văn Uyên gặp Hồ Bình Lê, chiến sỹ thi đua toàn quốc, Giám đốc công ty chế biến, cung ứng lâm sản thuộc Bộ Lâm nghiệp, có trụ sở tại thành phố Hải Phòng. Nghe Vũ Văn Uyên than thở về đứa con trai, đã tốt nghiệp đại học nửa năm, vẫn lông bông chưa có việc làm. Hồ Bình Lê tươi cười, nói:
– Tốt quá! Anh cứ giao nó cho tôi. Công ty tôi có một xí nghiệp chế biến đồ gỗ dân dụng, xuất khẩu sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đang cần một cán bộ biết tiếng nước ngoài.
– Nhưng cháu Hiển nhà tôi chỉ có bằng ngoại ngữ tiếng Anh. Còn cơ quan anh lại cần người biết tiếng Nga?
Hồ Bình Lê cười, nói đại:
– Tiếng Anh, tiếng Nga hay tiếng nước ngoài nào mà chẳng nói được, chúng nó xì xà, xì xồ na ná giống nhau thôi!
Ba hôm sau, Vũ Hiển về công tác ở xí nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Đại Tiến, thuộc Công ty chế biến và cung ứng lâm sản Hải Phòng.
Hiển có năng khiếu thơ văn từ ngày học cấp ba, anh đã có thơ đăng báo. Thơ Hiển hồn nhiên, thô ráp và thậm chí chưa đúng luật, nhưng tràn đầy khát vọng của tuổi trẻ. Những ngày ở chiến trường miền Nam, báo Quân giải phóng cũng thường xuyên đăng tải thơ anh, ca ngợi tinh thần chiến đấu, chiến công và sự hy sinh thầm lặng của những người lính Giải phóng quân. Kết thúc đợt II cuộc tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân năm 1968, chiến trường vẫn âm vang tiếng súng nổ. Mười tám tuổi, Vũ Hiển đã sáng tác bài thơ “Trời quê em” đầy nhớ nhung, yêu thương và hào sảng:
“Quê em trời lồng lộng/ Thăm thẳm sắc thân thương/ Xa em ôi, da diết/ Bâng khuâng và vấn vương/ Trời quê em xanh lắm/ Như mắt ai xa nhìn/ Tình quê em đằm thắm/ Anh đã hiểu và tin/ Có gió và có nắng/ Có biển và có trời/ Quê em là em đó/ Khao khát lắm em ơi/ Anh đi hoài năm tháng/ Chưa một lần về em/ Nhớ mắt ai đăm đắm/ Như trời xanh quê hương/ Em ơi mùa đã rộ/ Lúa gặt rồi sao em?/Anh sẽ về ngạo nghễ/ Chan hòa trong nắng lên”.
Đọc bài thơ “Trời quê em” của Vũ Hiển, độc giả lại liên tưởng tới bài thơ “Đợi anh về” nổi tiếng, của nhà thơ Xô Viết Konstantin Simonov, trong chiến tranh thế giới lần thứ II.
Năm 1980, Về công tác ở Công ty chế biến và cung ứng lâm thổ sản, Hiển vẫn say mê làm thơ. Để tránh trùng tên với nhà thơ Vũ Hiển, người cùng thành phố Hải Phòng, Vũ Hiển lấy bút danh là Vũ Anh Vũ. Từ đó cái tên Vũ Anh Vũ, đã định danh trong lòng bạn bè, những người yêu thơ ở thành phố Hoa Phượng đỏ và cả nước. Năm 1990, Vũ Anh Vũ thi đỗ và trúng tuyển vào Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bốn năm vừa học vừa sáng tác, năm 1994, Vũ tốt nghiệp, ra trường. Đúng lúc ấy, Xí nghiệp chế biến đồ gỗ Đại Tiến tuyên bố giải thể, và một lần nữa Vũ lại thất nghiệp.
Để mưu sinh, Vũ tổ chức lớp học tiếng Anh cho học sinh, sinh viên và công chức. Vũ đến các trường học nói chuyện văn chương. Anh nói chuyện rất có duyên, sâu sắc và khúc triết, được mọi người chăm chú lắng nghe, khâm phục, tán thưởng. Nhưng các trường học bây giờ, cũng ít quan tâm tới văn chương, năm thì mười họa, tháng vài đôi lần, anh mới có dịp làm diễn giả và thù lao mỗi buổi cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nhưng cũng chính thời gian khó khăn, chật vật mưu sinh ấy. Thơ Vũ Anh Vũ đẫm thẫm tình yêu qua từng câu chữ. Mỗi vần thơ Vũ dâng đời là bấy nhiêu yêu thương mặn nồng, tha thiết, được anh nâng niu, chau chuốt kỹ càng. Với vị mặn đắng cay, ngọt bùi, chua chát, đã chạm đến cõi mêng mang của tình người sâu thẳm. Với con mắt đa chiều, con tim đa cảm và tâm hồn dạt dào cảm xúc, thơ của Vũ Anh Vũ là một dòng chảy cuộn trào, xuyên suốt, nhiều góc cạnh, nhiều cung bậc cảm xúc với nhiều tầng ý nghĩa. Ngự trị trong thơ Vũ, trước tiên là dáng đứng uy nghi, sừng sững trường tồn của một tượng đài nữ Tướng Lê Chân:
“…Khói hương không che khuất/ Mặt người trí, dũng, nhân/ Mắt người như vẫy gọi/ Lũ con cháu lại gần/ Tóc vấn hình vành khăn/ Cổ thon kiêu ba ngấn/ Người đâu phải thánh thần/ Sau hào hùng trăm trận/ Môi như còn tàng ẩn/ Những lời ru ngọt ngào/ Trán như dường vô tận/ cả một trời trăng sao/ Và đôi tay, đôi tay/ Dịu dàng đôi tay mẹ/ Đong muôn nỗi vơi đầy/ Sẻ chia cùng nhân thế/ Dáng người là dáng mẹ/ Nào phải đâu thánh thần/ Giận tà, hờn nô nệ/ Người hóa thành Lê Chân”.
Bài thơ “Tượng Lê Chân”, được phổ nhạc và trở thành bài ca được hát vào dịp đầu xuân, ngày sinh, ngày giỗ của bà, tại đền thờ Lê Chân và tượng đài nữ tướng Lê Chân, ở Hải Phòng.
Và thơ Vũ Anh Vũ còn có cả tiếng người xưa, tiếng của “Kính hồng” vọng về từ muôn năm cũ: “… Từ nghe reo kinh biến/ Bướm vẫy áo hạ vàng/ Dăm giọt buồn qua lá/ Chuỗi hạt lần chậm thu…”. Đó là những câu thơ đượm buồn, mang theo niềm hoài cổ nặng dày, đẫm màu rêu phong cổ kính về thành quách, về người xưa, về một thời vàng son đã in hằn dấu tích. Cũng với đề tài tri ân tiền nhân, cố nhân “khóc Hàn Mặc Tử I, II”; “Trong đền Nguyễn Bỉnh Khiêm”: “Mơ gặp Lý Bạch”; “Bên mồ Nguyễn Du”. Lại thấy Vũ Anh Vũ có sự đồng điệu, giao cảm với cố nhân ngay từ trong ý thơ: “Bên mồ người, nước mắt dàn quanh/ Chiếc bách tình đầy, mãi nổi nênh/ Dâng nén tâm hương lên mộ chí/ Trông người xưa lại nghĩ tới mình…” (Bên mồ Nguyễn Du).
Nếu không phải là người có kiến thức sâu rộng, am tường lịch sử, nặng lòng với quá khứ, luôn biết ơn tổ tiên cội nguồn. Vũ Anh Vũ khó mà viết được những câu thơ đượm hồn và “chất” đến thế về đề tài này. Là nhà thơ đa tài, đa cảm, tận trong sâu thẳm tâm hồn, Vũ Anh Vũ luôn muốn được sống thật với cảm xúc của chính mình. Trước những lở bồi phù sa nơi cuộc đời, tìm đến rượu là một cách để nhà thơ giải sầu, xua tan nỗi đau đời: “Đêm sâu ta khắc khoải/ Ngày dài ta bâng khuâng/ Ta uống rượu một mình/ Để hồn ta trọn vẹn”. (Uống rượu một mình).
Sau những phút giây cảm đời, buồn cho nhân tình thế thái, là một Vũ Anh Vũ của tình người sâu nặng: “Chị ơi! Đời chị long đong lắm/ Như khách đường xa lỡ chuyến đò/ Một nắng hai sương, đời lận đận/ Mẹ già, em dại chị toan lo” (Gửi chị).
“Nhìn lần cuối chỗ con nằm/ Thế là bõ mấy tháng, năm cồn cào/ Mai này rồi có ra sao/ Vong linh ông chẳng lòng nào trách tôi/ Vui thay! Ánh mắt mẹ cười/ Ô hay! Có cả vùng trời đổ mưa. (Niềm vui của mẹ).
Và còn đây là Vũ Anh Vũ lãng mạn, trữ tình: “Thơ là hay đau khổ/ mà cuộc đời ngả nghiêng/ Em là hay bão tố/ Mà biển trời đảo điên” (Thơ và em). Còn bài thơ “Tiếc xuân”: “Xuân đến ư em! Sao trẻ thế?/ Phập phồng rạo rực, ngực non tơ/ Môi đỏ, mắt xanh, tà áo biếc/ Ta bỗng ngẩn ngơ, hóa bất ngờ”.
Vũ Anh Vũ luôn mang đến bất ngờ cho bạn đọc, khi anh viết cho tuổi thơ, cho thiếu nhi với nét hồn nhiên, ngây thơ, ngọt ngào, tươi tắn: “Cò con đi học sớm mai/ Đôi chân nhún nhảy trải dài trên đê/ Mỗi khi tan học cò về/ Ngắt nhanh chiếc lá, Cò che mái đầu” (Cò con đi học)…
Trên đây là trích những lời mở đầu của Ban biên tập, nhà xuất bản Hội nhà văn, giới thiệu tập thơ “Giọt rơi đáy giếng” của tác giả Vũ Anh Vũ, in năm 1917. Mỗi năm, nhà xuất bản hội nhà văn, cấp giấy phép in thơ, văn cho hàng ngàn tác giả ở khắp miền đất nước. Nhưng cũng không giành nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá cao và trân trọng như vậy.
Người ta thường nói “Văn mình, vợ người”. Vậy những đồng nghiệp nhận xét về thơ Vũ Anh Vũ như thế nào? Vương Tâm nhà thơ có tên tuổi của làng thơ Việt Nam. Ông đã xuất bản 11 tập thơ, một tiểu thuyết và đoạt nhiều giải thưởng về thi ca. Sau khi đọc tập thơ “Giọt rơi đáy giếng” của Vũ Anh Vũ, Vương Tâm đã viết gần ba trang giấy khổ A4, đăng trên báo Văn Nghệ. Xin trích lời bình của nhà thơ Vương Tâm:
– Tôi không biết rõ về Vũ Anh Vũ lắm, tuy đôi lần từng đọc thơ anh in trên báo Văn Nghệ. Nhưng trong ký ức, tôi vẫn nhớ mấy câu thơ của anh trong bài “Trời quê em” viết năm 1968: “… Em ơi mùa đã rộ/ Lúa gặt rồi sao em/ Anh sẽ về ngạo nghễ/ Chan hòa trong nắng lên…”. Lời người chiến sỹ nhắn gửi cho người ở hậu phương, sẽ về trong tâm thế “Ngạo nghễ” của chiến thắng, quả là khác đời. Chỉ một, hai chữ đó thôi, tôi biết là thơ Vũ sẽ còn đi xa, bởi khi đó anh mới 18 tuổi.
Giờ đây, khi mở tập thơ “Giọt rơi đáy giếng”, tình cờ tôi bắt gặp hình ảnh ngất ngư: “Ta đi trong phố, đi trong mộng/ Mưa rắc trên đầu, hoa dưới chân” (Tìm xuân). Cuốn sách đã cuốn hút tôi đọc một mạch tập thơ và suy ngẫm bao điều. Chất thi sỹ pha chút ngang tàng trong thơ Vũ, làm nên một bản sắc dị biệt. Cái dị biệt đầu tiên, là từ cái “nhìn” chính diện của anh về chân dung mình. Vũ vẽ mình trong bài “Tự họa”, “Dĩ vãng”, “Cô đơn”, “Mơ gặp Lý Bạch”, “Uống rượu một mình”. Chẳng ai có thể quên những câu thơ: “Ta uống rượu một mình/ Giữa mêng mông vũ trụ/ Giữa thời gian vô hình/ Giữa tơi bời thế sự”… Với những tính cách nói đối nghịch, có tính phản biện cao về xã hội, hay về chính con người mình. Những câu thơ của Vũ ám ảnh tôi. Thật thú vị khi nhà thơ tự hỏi mình là ai và mình là cái gì trên đời này. Tồn tại hay không tồn tại. Vũ luôn hướng về cõi vô thường, cho dù “Trời trong ta xao động/ Biển trong ta dạt dào”, nhưng thi cảm trầm ấm của thiền định vẫn thu về một mối, để: “Hồn ta là tất cả/ mây nước và trăng sao”. Thậm chí mỗi khi thức giấc, trái tim của nhà thơ luôn mộng mị và nhớ: “Cánh diều bay, con thuyền giấy trên sông/ Sông tuổi nhỏ trôi đôi bờ hy vọng” (Dĩ vãng). Hay có lúc ẩn mình trong ký ức: “Đời là màu tranh tết đơn sơ/ Như thấy lòng mình xanh lại những ngày xưa”. Quả là một dĩ vãng thần tiên của tuổi thơ luôn bù đắp, an ủi cho những trầm luân cuộc đời. Chín năm cầm súng, Vũ đã đoạt danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Cuộc đời từng nếm trải ác liệt của chiến tranh, đối nghịch giữa cái sống và cái chết, nhưng trong thơ Vũ không hề có chút gợn lòng, u tối. Tuổi 17, khi lên đường ra trận, anh vẫn hẹn người yêu sẽ ngạo nghễ trở về trong niềm vui chiến thắng.
Vậy mà, đến nay tình yêu sao lại mông lung vời vợi đến vậy. Trái tim của thi nhân thật khác lạ: “Một mình giữa bến cô liêu/ Lục tìm thương nhớ những điều vu vơ”. Hay đôi khi còn hài hước đến mủi lòng: “Bần thần đếm khắc canh dài/ Bóng mình, cứ ngỡ bóng ai đợi mình”. Có chất gì đó của sự giễu nhại, phả chất buồn cô liêu và khắc khoải trong nỗi cô đơn với những câu thơ: “Tìm cô đơn mãi thành quen/ Cửa tâm hồn đã cài then mất rồi”. Chính vì thế mảng thơ tình của Vũ có sự mộng mơ và ẩn chứa niềm khát vọng: “Mà thơ là đau khổ/ Nên càng yêu cuộc đời/ Và em là chân trời/ Nên càng say bão tố”. Để rồi cuối cùng, cung đàn trong con tim ngân lên khúc hát: “Thơ ơi! Dù đau khổ/ Càng si mê không rời/ Em ơi! Dù bão tố/ Càng say đắm chân trời”… Cái “dị” trong thơ Vũ Anh Vũ còn thể hiện một cách hấp dẫn, khi anh viết về thời gian hay thiên nhiên. Đặc biệt mùa thu trong anh cũng ngơ ngác: “Thế rồi thu cũng phải sang/ Bướm vàng lay cánh hoa vàng ngỡ rơi/ Một ngày, một tháng, một đời/ Một tình yêu mãi cuối trời chân mây” (Thu phải sang)… Đặc biệt Vũ có cái “nhìn” hướng ngoại. Với chiều cao của sự “ngạo nghễ”, Vũ còn có cái “nhìn” hướng nội tâm hồn mình. Và Vũ lại quay về thiện tâm mà thanh thản: “Chỉ tha thiết mỗi lần qua cay đắng/ Là phút anh nhìn xuống dưới chân mình”. Tôi bị ám ảnh vì cái “nhìn” của riêng Vũ với cõi nhân gian.
Triết lý thơ của Vũ Anh Vũ: “Nhà thơ nhìn thế giới như người đàn ông nhìn phụ nữ!”
Vũ Anh Vũ có số đào hoa. Đang học lớp 10 anh đã yêu và được yêu, người yêu anh là cô giáo mới lạ chứ. Cô giáo người Thái Bình, hơn Vũ năm tuổi. Ngày ấy Trường cấp ba chưa có nhà công vụ cho giáo viên, cô giáo Hằng (tên đã được thay đổi) ở trọ một nhà dân. Hai mươi hai tuổi, Hằng trông rất trẻ và khá xinh xắn. Nếu đứng lẫn trong đám nữ học sinh, mọi người dễ nhầm cô là học sinh lớp mười. Còn Hiển (tên khai sinh của Vũ), năm ấy mười bảy tuổi, nhưng trông anh đã chững chạc, điển trai và có thơ đăng báo. Hiển được cô giáo Hằng quan tâm hơn nhiều học trò trong lớp, Hiển cũng có cảm tình với Hằng. Nhiều lúc, Hiển chỉ dám nhìn trộm cô trong lớp. Và đôi lúc, trong suy nghĩ vẩn vơ, mộng mơ của chàng trai mới lớn: “Giá như cô giáo Hằng là học sinh nhỉ?” Mình sẽ thổ lộ lời yêu!
Kết thúc năm học cuối cùng cấp III, Hiển viết đơn xung phong nhập ngũ. Anh chia tay bạn bè, chia tay cô giáo với nỗi buồn man mác. Cô giáo Hằng nói nhỏ với Hiển:
– Tối nay em đến nhà cô nhé.
– Thưa cô, có việc gì không ạ?
Cô giáo Hằng mỉm cười, trả lời:
– Ngày mai em lên đường nhập ngũ rồi. Một năm trước cô về trường dạy học. Một năm trôi qua có rất nhiều kỷ niệm, cô muốn tâm sự với em.
– Vâng! Vậy ăn cơm tối xong, em sẽ đến nhà cô.
– Em đến sớm đi, cô nấu cơm cho em cùng ăn.
Thấy Hiển ngại ngùng, cô giáo Hằng vội nói:
– Chủ nhà hôm nay đi Yên Bái ba ngày mới về. Nhà chỉ có cô và em, đừng ngại.
Gần bẩy giờ tối hôm ấy, Hiển đi xe đạp đến nhà nơi cô giáo Hằng ở trọ. Đứng trước cái cổng không có cánh cửa, Hiển lưỡng lự dừng lại. Cái nhà tranh ba gian nhỏ bé đã chìm dần vào trong bóng tối mông lung. Cánh cửa nhà mở rộng, bên trong nhà le lói ánh đèn dầu và bóng một người con gái đang đứng đợi. Có lẽ nghe tiếng líp xe lách cách ở ngoài cổng, cô giáo Hằng vội đi ra cổng. Nhìn thấy Hiển, cô nói nhỏ:
– Vào nhà đi em.
Hiển chào và đi theo cô giáo vào nhà. Hôm nay Hằng mặc bộ đồ pi-ra-ma màu tím, bó sát thân người, dưới ánh đèn dầu, càng tôn lên làn da trắng mịn màng, vẻ đẹp nữ tính dịu dàng, quyến rũ. Mâm cơm cô đã dọn sẵn trên bàn. Trên chiếc mâm đồng là một đĩa trứng rán, đĩa rau muống luộc, một đĩa cá rô kho, một bát canh nước luộc rau dằm me và hai cái bát, hai đôi đũa. Cô xuống bếp bê nồi cơm nhỏ, đặt bên mâm cơm và mời. Lời mời dịu dàng của cô như một lời ru:
– Hiển ngồi xuống ăn cơm đi.
Cá kho rất ngon, trứng rán rất thơm, rau muống luộc rất xanh và mềm, nước canh rau cũng vừa chua, chứng tỏ cô giáo rất khéo tay nội trợ. Nếu ở nhà, dù cơm độn khoai, Hiển cũng ăn ngon lành vài bát. Nhưng ăn cơm với cô giáo, cảm giác ngại ngùng của học sinh với cô giáo và thứ tình cảm mới lạ của chàng trai mới lớn, làm Hiển cảm thấy lúng túng. Cô giáo Hằng ăn rất ít, còn Hiển cũng chỉ dám ăn hai lưng bát rồi buông đũa, mặc dù bụng vẫn còn đói. Cô giáo Hằng cầm lấy chiếc bát của Hiển, định đơm thêm bát cơm nữa. Nhưng Hiển vẫn buông đũa, dứt khoát không ăn nữa. Hiển định đứng dậy dọn mâm và rửa bát đũa, nhưng cô giáo Hằng vội ngăn anh lại. Cô xưng hô rất lạ:
– Hiển cứ ngồi uống nước, để Hằng dọn cho.
Dọn xong, hai người nói chuyện thơ văn với nhau rất say sưa, loáng một cái đã gần mười giờ đêm. Hiển ngập ngừng đứng dậy, định ra về:
– Giờ đã muộn rồi, em xin phép cô về.
Cô giáo Hằng vội ngăn Hiển lại:
– Hiển đừng về.
– Thưa cô! Em đã dặn bố mẹ đừng đóng cửa, chờ em về.
– Hôm nay chủ nhà đi vắng, ở một mình, Hằng sợ lắm – Cô giáo nắm tay Hiển, năn nỉ: Nếu Hiển về, đêm nay Hằng sẽ thức đến sáng mất.
Hai bàn tay mềm mại, ấm áp của Hằng làm Hiển run lên, trái tim anh đập thình thịch như văng ra khỏi lồng ngực. Hiển ấp úng:
– Thưa cô…
– Hiển dừng xưng hô như thế, Hằng buồn lắm,
Nói rồi cô giáo Hằng chủ động ôm lấy Hiển và đặt lên môi anh một nụ hôn. Tiếng Hằng ngắt quãng trong hơi thở:
– Ngay từ ngày đầu về trường dạy học, gặp Hiển, Hằng đã thấy trái tim mình rung động rồi. Nhiều đêm Hằng thao thức nhớ tới Hiển mà không sao ngủ được. Ngày mai xa nhau, Hiển có nhớ Hằng không?
– Hiển đơ người khi cô giáo Hằng chủ động ôm hôn anh. Nhưng sau giây phút bất ngờ ấy, bản chất nam tính của đàn ông trong người Hiển bỗng trỗi dậy. Anh cũng chủ động ôm lấy Hằng và hôn say đắm. Môi mút chặt môi, lưỡi anh lùa vào miệng cô, làm người cô run lên và cất tiếng rên khe khẽ:
– Hiển ơi! Hằng yêu Hiển lắm. Hiển có yêu Hằng không?
– Em yêu cô, em thích cô từ cái ngày đầu tiên cô bước vào lớp học. Cô biết không, em ao ước cô không phải là cô giáo, chỉ là nữ học sinh của lớp thôi.
– Sao Hiển chỉ mong Hằng không phải là cô giáo?
– Để em tỏ tình với cô.
– Hằng không thích Hiển xưng em với Hằng như vậy đâu.
– Thế cô muốn em xưng như thế nào?
– Gọi mình tên Hằng, xưng tên Hiển là đủ rồi.
– Vậy em nghe lời cô.
– Thế thì Hiển gọi tên Hằng đi, nói là Hiển yêu Hằng.
– Hằng, Hiển yêu Hằng nhiều lắm. Hằng đợi mình nhé, kết thúc chiến tranh, Hiển sẽ về với Hằng.
– Ừ! Hằng sẽ đợi Hiển trở về – ngập ngừng một lát, Hằng hỏi: Nếu lúc ấy Hằng già, Hiển có chê Hằng không.
– Chiến tranh rồi sẽ qua đi. Chiến tranh rồi sẽ kết thúc. Lúc đó dù Hằng thế nào, Hiển vẫn mãi mãi yêu Hằng.
– Hiển ngoan quá, mình hôn nhau tiếp đi.
– Hằng ơi.
– Gì thế Hiển?
– Nếu chẳng may Hiển bị thương, cụt chân, què tay…
– Đừng nói nữa – Hằng vội giơ tay lên bịt miệng Hiển lại, nói: Trước ngày ra trận, Hiển đừng nói gở. Dù chiến tranh kéo dài bao lâu, dù Hiển có thế nào, Hằng vẫn chờ.
Đêm ấy, hai người ôm nhau ngủ. Đôi vòng tay thánh thiện, không một chút trần tục, cả ở trong tâm hồn. Dưới ánh đèn dầu le lói, khuôn mặt nhỏ nhắn xinh đẹp, đôi môi mỏng như đang mỉm cười của Hằng rạng ngời hạnh phúc. Hiển âu yếm hôn lên đôi môi ấy và anh ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, anh cầm tay Hằng dạo chơi trên bãi biển trải dài cát trắng và tiếng sóng biển vỗ ầm ào.
Những ngày ở chiến trường, tình yêu, nỗi nhớ người yêu ngoài Bắc, đã giúp Hiển thăng hoa. Trong một đêm không ngủ, anh viết bài thơ “Trời quê em”. Bài thơ “Trời quê em” được báo Quân giải phóng in ngay khi nhận được bài. Và những người lính “Việt cộng”, nhất là những người lính miền Bắc ở chiến trường, thay nhau tìm đọc, nhiều người còn chép vào sổ tay, để đọc sau mỗi trận chiến đấu. Ít ngày sau đó, báo Quân đội nhân dân và một số tờ báo ở miền Bắc, trân trọng đăng lại bài thơ “Trời quê em”. Và bài thơ ấy, một nữ ca sỹ nối tiếng của đoàn ca múa Quân đội, biểu diễn nhiều lần phục vụ bộ đội, đồng bào cả nước và được phát thanh liên tục trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Hơn tám năm sau, vào một buổi chiều cuối năm 1975, Hiển tìm đến ngôi trường thân thương, nơi ấy có cô giáo mà anh yêu thương, nhớ nhung da diết. Dừng bước trước cánh cửa khép hờ của căn phòng nhỏ, khu tập thể giáo viên, Hiển hồi hộp như muốn ngừng thở. Anh chưa kịp cất tiếng gọi thì bất chợt có tiếng trẻ con khóc vọng ra. Tiếng người mẹ vỗ về:
– Vũ Hiển, con trai ngoan của mẹ, nín đi nào, con yêu.
Hiển sững người lại. Đúng là tiếng của cô giáo Hằng rồi. Tiếng người mẹ lại dỗ dành:
– Đói rồi hả Vũ Hiển, mẹ cho con bú nhé.
Rồi tiếng trẻ bú chùn chụt lẫn tiếng dịu dàng của Hằng:
– Mẹ thương, mẹ thương. Vũ Hiển, bú từ từ không nghẹn, con trai yêu quý của mẹ.
Hiển đứng lặng người trước căn phòng của Hằng tới mấy phút. Anh để con búp bê bằng nhựa, mang từ Sài Gòn ra, lên chiếc ghế ở ngoài cửa. Có lẽ trên chiếc ghế gỗ đã cũ, vào mỗi chiều hàng ngày, Hằng vẫn ngồi nựng con và đôi mắt cô ngắm nhìn bầu trời xa xăm. Hiển lặng lẽ quay bước ra đi. Những ngày ấy, trái tim anh ngập tràn cảm giác xót xa. Phải nửa năm sau, Hiển mới thấy nguôi ngoai khi anh gặp thầy giáo Nam, giáo viên của trường. Nam cho anh biết, đến giữa năm 1974, khi nghe tin Hiển hy sinh ở chiến trường, cô giáo Hằng mới đi lấy chồng. Và cô đã lấy cái tên Vũ Hiển, đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của mình.
Hiển mừng cho Hằng. Nếu Hằng chờ đợi anh về, cô sẽ không có tương lai. Từ khi biết mình mang căn bệnh của chiến tranh, Vũ đã từ chối tất cả những cô gái đến với mình. Thời gian anh học trường đại học Ngoại ngữ, một cô gái dạy tiếng anh, người Hà Nội, kém anh hai tuổi, gia đình nề nếp, kinh tế khá giả, đã yêu anh đắm đuối. Nhưng khi nghe lời từ chối của anh, cô suýt phải nhập bệnh viện tâm thần. Năm 2000, ở tuổi năm mươi, Vũ mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Một cô gái hai mươi ba tuổi, tốt nghiệp đại học, muốn đủ điểm tiếng Anh đi Mỹ du học. Được Vũ kèm cặp, mấy tháng sau cô thi đạt chứng chỉ TOEFL. Nhưng rồi cô không muốn đi du học nữa, vì đã yêu luôn thầy giáo tiếng Anh. Vũ phải khuyên răn, năn nỉ cô gái ấy mãi. Thậm chí anh bỏ lên Hà Nội và cắt đứt mọi liên lạc mấy tháng trời, để cô gái ấy quên hẳn anh đi.
Cũng có vài ba cô gái khác, khi biết trong người anh có dư lượng chất độc màu da cam. Biết anh có cuộc sống khó khăn, không lương hưu, sống chật vật bằng nghề dạy tiếng Anh. Nhưng vì yêu anh, họ sẵn sàng chấp nhận tất cả, chỉ mong được chung sống bên anh trọn đời. Nhưng Vũ đều từ chối. Anh sợ bệnh tật sẽ mang lại cho họ nỗi khổ đau, nếu sinh ra những đứa trẻ tật nguyền. Một mình Vũ, cuộc sống rất đơn giản, ngày hai bữa cơm rau, mắm, thế nào cũng được. Nhưng khi đã có vợ, người đàn ông là phải đảm bảo cuộc sống vật chất tối thiểu cho người mình yêu thương. Không nghề nghiệp, cuộc sống bấp bênh, anh sợ sẽ mang cho họ dằn vặt và khổ đau.
Nghe Vũ giải thích lý do không lấy vợ, có người cho anh là cao thượng, nhưng có người lại phê phán anh trốn tránh trách nhiệm của người đàn ông. Họ nói gì, Vũ cũng mỉm cười, thanh thản với quyết định của đời mình./.

H.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder