Những gương mặt những cuộc đời từ Trăng và súng – Trần Duy Thành

Ngô Vĩnh Bình đã lấy ý thơ trong bài thơ Huy Cận tặng Chính Hữu: Trăng hay súng vẫn bóng hình người thơ trong lời mở đầu tập Chân dung văn học Trăng và Súng do nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành 2012

 

Ngô Vĩnh Bình đã lấy ý thơ trong bài thơ Huy Cận tặng Chính Hữu: Trăng hay súng vẫn bóng hình người thơ trong lời mở đầu tập Chân dung văn học Trăng và Súng do nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành 2012 như một định hướng cho tập sách thể hiện những gương mặt những cuộc đời đi suốt hai cuộc kháng chiến, những năm tháng “Nhà văn ăn khẩu phần lính trận/ Đường hành quân trập trùng đèo dốc/ Đường văn chương bạc tóc đêm dài” (Nguyễn Đức Mậu). Đây là môt nẻo vào văn học, một nẻo riêng mà Ngô Vĩnh Bình đã lựa chọn dứt khoát, kiên định, bền bỉ từ 30 năm về trước, khi trở thành nhà văn mặc áo lính.

Có lẽ chỉ cần nhắc đến những gương mặt những chân dung, từ Tố Hữu đến Phạm Tiến Duật, Vũ Đình Văn, từ Nguyễn Đình Thi đến Trần Huy Liệu, Huỳnh Văn Nghệ, Phùng Khắc Bắc, từ Văc Phác, Vũ Cao đến Nguyễn Khải, Vũ Cao, Mai Ngữ… người đọc đã thấy chắc đây là một cuộc… duyệt binh! Chọn 60 bài viết vào cuốn sách xuất bản đúng dịp “lục tuần đại khánh” của mình thật có ý nghĩa, nhưng tôi nghĩ cái mà Ngô Vĩnh Bình muốn là dựng lại hoặc đào sâu một khía cạnh, hoặc làm nổi bật một phương diện nào đó của những Tướng Tám Trần – nhà văn Văn Phác “từ mùa thu ấy”, của những Nguyễn Đình Thi một  “tài năng không đợi tuổi”, của một tổng biên tập – tướng Nguyễn Sơn, một Vũ Cao – “Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi”… Ấy là các thế hệ nhà văn kháng chiến (mà tất cả 60 vị có tên trong tập sách đều những người đã khuất). Nhưng, như nhan đề tập chân dung văn học đã định hướng, những gương mặt nhà văn được đề cập chỉ gắn với hiện thực chiến tranh, những con người mấy thập kỉ mải miết hòa cùng dòng lá ngụy trang trên đường ra trận của cả một dân tộc.

Có thể nói, những gương mặt nhà văn – chiến sĩ ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, ở những khái quát hay cảm nhận, ở sự bổ sung tư liệu hay những nhấn mạnh, khắc sâu đã giúp cho người đọc, có lẽ là với rất nhiều người, có thêm những hiểu biết về những cuộc đời, có thể là những tên tuổi đã quen thuộc, nhưng vẫn còn rất nhiều điều chưa phải đã hiểu sâu, hiểu kĩ, hiểu hết. Chừng mức nào đó, cuốn sách là những ghi chép bổ sung sống động cho tiểu sử của nhiều gương mặt đã gắn bó với cuộc sống người lính, đấy là những dòng viết bên lề trang sách của các nhà văn nhà thơ mà nhiều khi, từ những tư liệu  ngoại vi, người đọc lại có thêm những cộng hưởng, suy ngẫm về tác phẩm. Bạn đọc nghĩ nhiều đến Hoàng Lộc chỉ như tác giả một bài – Viếng bạn, nhờ Ngô Vĩnh Bình với những tìm tòi công phu, mới biết thêm Hoàng Lộc đã từng là một thi sĩ trẻ trước Cách mạng Tháng Tám, tác giả của tập thơ Lời thông điệp do Tin Hoa xuất bản, bìa do họa sĩ Văn Cao vẽ (trang 57, 58). Bao nhiêu năm nay, mỗi khi nhắc đến bài thơ Đồng chí của Chính Hữu ở nhà trường, ở giảng đường, người ta luôn dẫn một đoạn thơ trong bài Ngày về: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa” để làm một sự đối chiếu ngôn ngữ thơ. Ngô Vĩnh Bình đã đem đến cho bạn đọc văn bản đầy đủ của Ngày về viết năm 1947 do chính tác giả chép tặng gồm hai mươi sáu câu “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/ Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội”… Đây là một tư liệu thật quý hiếm cho các tác giả văn học sử, cho các giáo viên trong việc tìm hiểu sự biến đổi bút pháp của Chính Hữu từ Ngày về đến Đồng chí. Đó là sự chuyển đổi ngôn ngữ thi ca hướng tới một thi pháp mới trong biểu hiện, một quá trình mang ý nghĩa khái quát cho một lớp nhà thơ thời kì kháng chiến chống Pháp như Hoàng Lộc, Thâm Tâm… Giá trị xác thực hiển nhiên của những tư liệu về những văn bản thơ của Hoàng Lộc, Chính Hữu… mà Ngô Vĩnh Bình đem đến sẽ giúp cho những người tìm hiểu văn học giai đọan này có được những nhận định, những đánh giá có căn cứ hơn về đời sống văn học kháng chiến.

Còn có thể kể ra nhiều đóng góp tư liệu mà Trăng  và Súng đem lại. Thì ra Thoong B.C chính là nhà văn  Ngọc Tự. Ông  đã được  thiếu tướng nhà văn Văn Phác trao nhiệm vụ đi thực tế ở chiến trường Lào (1959) để viết về sự kiện tiểu đoàn 2 Pathét Lào vượt vòng vây ở cánh đồng Chum. Năm 2010, Ngọc Tự -Thoong B.C đã cùng với Tô Hoài được tặng thưởng giải thưởng văn học sông Mê Kông khi ấy ông 85 tuổi. Mấy chục năm về trước, người viết bài này cũng đã diện kiến ông Vũ Đức Toa, tại nhà của một đồng nghiệp cũng ở phố Bùi Thị Xuân mà chẳng có một ấn tượng gì rõ rệt, ngoài việc biết ông là một giáo viên của Trường phổ thông trung học Hoàn Kiếm – Hà Nội một thời. Bây giờ đọc bài viết của Ngô Vĩnh Bình mới tường, ông Vũ Đức Toa chính là “Muỗi Sài Gòn” đã có một thời thật oanh liệt, một thời  ngang dọc, Muỗi Sài Gòn đốt những kẻ rửng mỡ. Ông Vũ Đức Toa lại cũng có một thời là bộ đội và ngạc nhiên chưa, nhà thơ trào phúng Muỗi Sài Gòn rất nặng lòng với văn học cổ điển nước nhà đã dịch đến ba bản dịch Chinh phụ ngâm khiến giáo sư Phong Lê trong lời giới thiệu đã phải thốt lên “Một điều đáng kính trọng và đáng kinh ngạc”, còn nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn trong mấy lời trân trọng thừa nhận gần ba thế kỉ nay riêng một người dịch Chinh Phụ Ngâm ra ba thể loại khác nhau thì chỉ có một mình Muỗi Sài Gòn Vũ Đức Toa!

Viết về Khương Hữu Dụng “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng ”có tình tiết đặc sắc về việc Phan Bội Châu  đàm đạo văn chương với tác giả Từ đêm 19 và đề nghị sửa một chữ trong thơ của Khương Hữu Dụng làm cho câu thơ trở nên hàm súc dư ba hơn (trang 72). Ngô Vĩnh Bình cũng cho biết thêm già Khương đã sinh ra những người con ưu tú: liệt sĩ Khương Thế Xương và đại tá Khương Thế Hưng (1934 – 1999). Có thể nói thêm rằng người con lính của già Khương chính là người đàn ông tên M trong Nhật kí Đặng Thùy Trâm mà trung tướng Lê Hai đã viết: “Cả cuộc đời Khương Thế Hưng là cuộc đời một chiến sĩ, một lối sống mình vì mọi người, chân thật hết lòng. Khi anh sống và chiến đấu quyết liệt ở chiến trường, anh là một chiến sĩ có văn hóa, đa tài, một chỉ huy thiện chiến. Là một chiến sĩ anh hùng trong chiến đấu nhưng đã không làm thủ tục kê khai thành tích để được phong anh hùng. Là tác giả của điệu múa Chàm Rông nổi tiếng nhưng anh không hề bận tâm khi có người khác mạo nhận là tác giả”. Những dòng nhật kí của Khương Thế Hưng cho ta hiểu thêm về câu chuyện tình yêu Khương Thế Hưng – Đặng Thùy Trâm. Chính nhà thơ Khương Hữu Dụng đã thay con trai  viết những câu thơ lí giải sự im lặng khó hiểu, hay sự tan vỡ lạ lùng trong tình yêu của anh và nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm: Những người đi chiến đấu/ Không muốn nặng thêm khẩu súng/ Một mối tình quá xa? Và nhất là nỗi ân hận quá nhiều/ Bắt một người yêu/ Phải đợi (Xem An ninh thế giới cuối tháng số 132 tháng 8 năm 2012).

Với cuộc đời sáng tác của Vân Đài, tác giả của Mùa hái quả người phụ nữ ở phố Bảo Khánh  bên hồ Hoàn Kiếm, người đọc cũng được biết thêm rằng nữ sĩ Vân Đài cũng có những tháng ngày trong quân ngũ. Cách mạng đã đến với Vân Đài như ánh chớp giữa đêm đen. Bảy năm kháng chiến (1947 – 1954) đã nuôi dưỡng hồn thơ của Vân Đài, khai mở nhiều nguồn mạch của thi ca. Đúng là trong những năm tháng không thể nào quên ấy của đất nước “Hà Nội đến tận cùng gốc rễ/ Đến tận cùng xưa cũ đã ra quân” (Phạm Tiến Duật). Người ta cũng đã nói nhiều đến Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn, Ngô Vĩnh Bình: “nói thêm: Nguyễn Sơn là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được hai lần giữ chức Tổng biên tập các tờ báo lớn của nước ngoài. Lần thứ nhất làm Tổng biên tập tờ Kháng địch, ông mới 30 tuổi, lần thứ hai làm Tổng biên tập Tạp chí Huấn luyện chiến đấu (của Trung Quốc) ông cũng mới chỉ ở tuổi 46”. (trang 133)

Những trang viết về Nguyễn Đình Thi, Đoàn Văn Cừ, Thanh Tịnh, Thâm Tâm… cho thấy hình ảnh một thế hệ dằn lòng giã biệt những gì riêng tư, không phải là không có những bâng khuâng vương vấn, nhưng vẫn kiên quyết lên đường “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…” (Nguyễn Đình Thi). Ngô Vĩnh Bình đã có những dòng viết về Mai Ngữ lắng đọng mà gợi mở về một đời văn, và có lẽ không chỉ một đời văn:  “Một cuộc đời, chưa đầy hai mươi tuổi đã dám làm một cuộc ra đi, dám chối bỏ cuộc sống nhung lụa để tìm đến một cuộc lên đường đầy hùng vĩ của dân tộc – một cuộc lên đường không mấy chóng vánh, dễ dàng với một tương lai chừng rất mong manh. Một cuộc đời, buồn vui lẫn lộn, không bàn hơn thiệt được thua… Là gian nan mà cũng là kiêu hãnh” (trang 85).

Ngô Vĩnh Bình là người đã ở tạp chí Văn nghệ Quân đội mấy chục năm, từ một biên tập viên trở thành Tổng biên tập của Tạp chí. Lẽ đương nhiên tác giả có nhiều kỉ niệm với các nhà văn đã sống và viết ở Nhà số 4 phố Nhà binh. Anh đã có hẳn một cuốn sách về Thanh Tịnh – Văn và đời (2005). Tập sách này còn có những trang viết về một “quan văn” như Vũ Cao mà bài thơ Núi Đôi nổi tiếng của ông đã là tên của một con đường rất đẹp từ trung tâm thị trấn Đa Phúc trên quốc lộ 3 đến ngã tư bưu điện xã Tân Minh – Sóc Sơn, Hà Nội. Không biết ở nơi đâu thơ đã gắn bó với cuộc sống của nhân dân như thế! Nhà số 4 còn có Từ Bích Hoàng như Hoa núi vẫn tỏa hương  (nếu không có Ngô Thảo đã “bí mật” cùng mấy nhà văn ở NXBQĐND làm tập Hoa núi năm 1982 thì Từ Bích Hoàng người cùng với Trần Đăng được xem là người viết nhiều nhất cho báo Vệ quốc quân thời kì 1947 – 1949), đã chẳng có tập sách duy nhất trong đời làm văn làm báo! Đường Trường Sơn những ngày đánh Mĩ có tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên tìm mọi cách để nhà thơ thượng sĩ Phạm Tiến Duật được hưởng những chế độ dành cho cán bộ quân đội cao cấp (một tháng ba tút thuốc, mười gói chè Hồng Đào), còn ở Nhà số 4 có nhà văn Từ Bích Hoàng không biết hút thuốc nhưng đã xuống nhà  kiếm bằng được mấy điếu Tam Đảo mang đến tận phòng cho Nguyễn Khải. Vũ Cao được Thu Bồn xem như một ĐạtLalatma chịu chơi, còn Từ Bích Hoàng thì nhỏ nhẹ mà tinh tế thường chăm sóc đời sống tình cảm của chúng tôi. Anh em thường gọi là Từ Bi Hồng (trang 280)…

Ngô Vĩnh Bình đã đem đến những tình tiết giản dị mà hết sức ý nghĩa về những nhà văn ở bên cạnh, bên ngoài “nhà số 4” như những ghi nhận của anh về Đặng Văn Nhưng, nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, người “hàng xóm” lặng lẽ viết, trước sau chỉ tâm đắc với một định hướng: “Trong văn chương, tôi không ưa những tác phẩm viết ác về con người, tâm sự ấy rất đúng với con người và văn chương của anh” (trang 25). Những trang viết của Đặng Văn Nhưng trong Họa mi Ngàn Phố, theo tác giả của tập sách này “giống như có tiếng hót của chim họa mi – nhưng là những tiếng hót trong mưa mênh mang buồn (trang 31) cũng như những trang đời ngắn ngủi, những trang văn dở dang của Trần Đăng, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thị Xuân Quý, Vũ Đình Văn, Trần Vũ Mai, Nguyễn Hồng…dưới ngòi bút của Ngô Vĩnh Bình đều toát lên sự tri ân, lòng thành kính và niềm sẻ chia sâu sắc!

Trăng và Súng có lẽ bao gồm những bài báo viết về các nhà văn mặc áo lính trong nhiều năm, có thể là nhiều thập kỉ. Việc chọn lựa rồi in lại thành một tập sách là hiếm dịp. Ý thức thế và có nhiều dụng công, nhưng giá như tác giả dụng công thêm nữa thì nhiều bài còn có thể hay hơn, đầy đủ và cập nhật hơn. Ví như bài viết về Xuân Thiều mà kết lại như những dòng viết ở trang 327 là không thỏa đáng. Bạn đọc có thể băn khoăn vì sao Ngô Vĩnh Bình không lựa chọn bài viết của chính ông về Xuân Thiều được in trong cuốn Xuân Thiều cuộc đời và sự nghiệp – NXB Lao Động 2012?…

Ngô Vĩnh Bình đã tự xác định thể loại của tập sách: Chân dung văn học. Như vậy, với cách hiểu quen thuộc thông thường, tác giả phải thể hiện được diện mạo thần sắc một gương mặt, một cuộc đời được qui chiếu về bình diện văn học. Đã có rất nhiều trang viết chân dung văn học được người đọc giữ những ấn tượng mạnh mẽ của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Trần Đăng Khoa… Ở nước ngoài những tác giả như: A. Môroa, S.Zweig  cũng có những trang viết rất đặc sắc về V.Huy Gô, H.Balzắc… Sáu mươi tác giả được đề cập đến trong chừng 345 trang Trăng và Súng dường như đã chọn định hướng cung cấp thêm tư liệu thêm những hiểu biết về một nhà thơ, nhà văn, hoặc định hướng làm sáng tỏ hơn một khía cạnh nào đấy trong cuộc đời, trong văn nghiệp. Có thể gọi đây là những ghi chép bổ sung, nhấn mạnh tiểu sử một nhà văn hay một tác phẩm có ý nghĩa như là một dấu mốc trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Bài viết về Vũ Đình Văn gọi là chân dung văn học  chắc sẽ tạo ra những tranh luận về thể loại. Những trang viết về Viễn Phương nghiêng về nhấn mạnh việc Viễn Phương có một bài thơ như Viếng lăng Bác là cả một quá trình suy ngẫm từ khi Viễn Phương viết bài thơ Chúc thọ dưới mồ  khi bị địch giam trong nhà lao Phú Lợi nhân ngày sinh nhật Bác Hồ 19 tháng 5 năm 1960. Gần với thể loại chân dung văn học hơn là những trang viết có những tình tiết được chính Ngô Vĩnh Bình chứng kiến, suy ngẫm để rồi “lẩy ra những nét độc đáo trong đời sống trận mạc và trong cuộc sống hàng ngày” như Ngô Vĩnh Bình đã tâm đắc về cách viết chân dung của Nguyễn Đình Tiên. Ngô Vĩnh Bình đã làm như thế khi lẩy ra một tình tiết về nhà sử học Trần Huy Liệu: “Trong cương vị Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung, trong một lần sang thăm nước bạn, dù ở trong thế phải giữ gìn, ông vẫn có thể trả lời ngoại trưởng Trần Nghị khi ông này ghé tai hỏi: Các đồng chí có sợ chúng tôi không?, đáp rằng: Các đồng chí cứ nhìn lại lịch sử” (trang 249). Chi tiết viết về Chính Hữu, sau những gạ gẫm riết róng của tác giả mới “miễn cưỡng đưa cho tôi một bản viết tay nguyên văn bài Ngày về với điều kiện là, trong tuyển tập thơ của ông tôi chỉ được trích 10 câu thôi và phải có lời chú thích là: Lời viết cho bài hát Ngày về của Lương Ngọc Trác” (trang 94) hoặc chi tiết Nguyễn Minh Châu nói về Mai Ngữ mà Ngô Vĩnh Bình nhắc lại lời kể của Đỗ Chu: “Một cậu ấm thứ thiệt. Trông bộ dạng còm dòm thế mà gớm, ăn mặc thì xuyềnh xoàng như thằng ăn mày, lúc nào cũng bước thấp bước cao như đứa không nhà không cửa, nhưng hỏi ra mới rõ là tòa ngang dãy dọc xưa ở phố Tràng Thi, phố Nguyễn Thái Học đều có cả. Lão ấy thuở bé đi học có xe nhà đưa đón, tao với mày gặp ngoài đường chớ có gọi, vô phúc thằng xe nhà nó cho mấy cái đá đít là hết đời viết văn” (trang 84, 85). Những tình tiết như thế cần có thêm nhiều hơn nữa để những  chân dung văn học đầy đặn hơn, da thịt hồng hào hơn.

Tác giả Trăng và Súng đã có đến mấy chục năm làm việc tại Nhà số 4 phố Nhà binh. Hẳn rằng một người  mải mê, bền bỉ ghi chép những tư liệu về những cây bút quen thuộc là đồng đội, là bạn văn, là hàng xóm… sẽ có rất nhiều trang viết sống động, hiếm quí, như  tác giả đã có đến hàng trăm trang viết kể những giai thoại về Thanh Tịnh (Thanh Tịnh – Văn và đời – NXB Thuận Hóa in lần 2 năm 2006). Người đọc chờ đợi Ngô Vĩnh Bình sẽ công bố những trang viết tiếp sau. Hẳn rằng chân dung về những nhà văn nhà thơ mặc áo lính, phần tiếp theo của Trăng và Súng sẽ giúp cho người đọc không quên những trang văn, những câu thơ của một thời lửa đạn “Bãi xưa đây chỗ quân nằm/ Gió ngàn chưa ngủ trăng rằm còn nguyên” (Nguyễn Trọng Oánh). Tôi tin chắc rằng những tình tiết đặc sắc về cuộc đời, về chuyện “bếp núc” của lao động nghệ thuật, thậm chí là những câu chuyện bên bàn trà về chuyện văn,  chuyện đời… không chỉ cuốn hút mà sẽ còn có sức sống bền lâu, sẽ tiếp tục đồng hành với đời sống văn học. Những tư liệu, những câu chuyện, những tình tiết về cuộc đời của các nhà văn ngày càng lôi cuốn sự quan tâm của bạn đọc. Đỗ Chu có lối viết tùy bút, cứ điểm xuyết, vẽ mây nẩy trăng và có vẻ cố ý để những khoảng trống cho cảm nhận của người đọc, còn Ngô Vĩnh Bình lại đem tới những ghi chép bên lề, những ghi chú về tác phẩm. Chính những khác biệt này lại là sự bổ sung cần thiết, để người đọc có được những hình dung đầy đủ hơn về những nhà văn Việt Nam hiện đại đã gắn bó với dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến

Thập tam trại B, 3 – 2013

T.D.T

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder