BỐN CON QUỶ CƯỜI
Ngọc Châu
Một hôm chàng Tiếu đi vào rừng. Anh ta vừa cãi nhau với cô vợ hay ca cẩm, chán đời nên chân bước lang thang, cứ đi vớ đi vẩn cho đến lúc tí nữa thì đập mặt vào một con Quỷ vừa bất ngờ hiện ra.
– Thằng này, mày tới số rồi! – Con Quỷ chộp lấy tay anh chàng lang thang, cười và lúc lắc người rất khoái chí. Nó hát:
– Ha ha, ha ha.
Tao chờ từ hôm qua
Kiếm một thằng mặt mẹt
Nào, nào, đi theo ta!
Quỷ ngoe nguẩy chiếc đuôi cũn cỡn, gại một bên sừng vẹo vào gốc cây, rồi trố cặp mắt lác nhìn sát mặt chàng trai khiến anh ta phải quay sang một bên. “Đến đàn bà tao còn chẳng thèm nhìn mặt dù chúng sức nước hoa từ đầu đến mông, nữa là cái mặt quỷ của mày. Cứ sát mãi vào mặt người ta!” – chàng Tiếu nghĩ bụng. Đúng thế đấy các bé ạ, dù là khi buồn chán đến mấy cũng chẳng ai muốn ngắm nghía một con quỷ, còn mùi hôi của quỷ thì khỏi phải nói. Trong chuyện cổ tích người ta hay gặp các cô Tiên đang tắm, nhưng chưa có câu chuyện nào kể rằng nhìn thấy một lũ quỷ đang tắm cả.
Anh Tiếu cố giựt ra mà chẳng được. Tay con Quỷ này không phải là to khỏe, cứng cáp cho lắm nhưng nó bám chặt như có keo dính.
– Mẹ kiếp! – anh chàng cáu tiết chửi đổng – Mắt mày lác nên nhìn lầm người. Tao có phải là thằng mặt mẹt đâu?! Mày là đồ mặt mẹt thì có!
Tranh thủ lúc con Quỷ kinh ngạc trố mắt nhìn người đàn ông dám mắng lại mình, anh ta giật được tay ra. Tuy nhiên chàng Tiếu không bỏ chạy vì biết rằng có chạy nhanh đến mấy cũng chẳng chạy thoát được lũ quỷ, chỉ có thể nghĩ kế để gạt chúng nó vậy thôi.
– Mày tìm một thằng mặt mẹt làm gì? Có cần tao đi tìm hộ không? Cần mấy thằng nào? Già hay trẻ? Thằng mặt mẹt hay con thị mẹt? – Tiếu hỏi dồn cốt để giành thế chủ động. Có giành thế chủ động thì mới đoán được mưu mô và suy nghĩ của nó, để bọn quỷ lấn át thì mình toi ngay- anh ta nghĩ thế.
– Tao.. tao – quả nhiên con Quỷ lắp bắp vì lúng túng với một lô một lốc câu hỏi – tao tìm một thằng để coi..
– Coi gì? Kho vàng hay kho c…, mày muốn người coi kho cầm đồ hay kho để cất giữ những linh hồn chết? – Tiếu lại hỏi dồn, anh ta đã định nói kho “cứt chó khô” nhưng vội chữa đi vì cũng e con Quỷ nổi cạu.
– Đúng đấy. Kho các linh hồn chúng tao bắt về. Nhiều lắm, chúng nói huyên thiên, suốt ngày cố rặn ra những câu pha trò, nhưng toàn những chuyện bá láp, rức đầu bỏ mẹ.
– Sao mày không thả họ ra. Giữ làm chó gì?
– Thả chúng ra thì cũng buồn. Chúng tao là Quỷ Cười mà. Nhưng chúng nó pha trò nhạt bỏ mẹ, mà toàn những thằng đã lên Ti Vi trình diễn, chúng tao phải đem vàng đi mua linh hồn chúng về đấy nhá! (nó ghé vào tai chàng Tiếu khoe như vậy). Vậy nên giờ tao phải đi tìm những đứa mới. Mày trông có vẻ biết pha trò đấy nhỉ?
– Pha trò thì làm sao?- Hỏi cứng vậy nhưng trong bụng anh chàng bắt đầu run.
– Về pha trò với kể chuyện cười cho chúng tao nghe.
– Rồi sao nữa?
– Nếu kể chuyện hay thì ở lại với chúng tao. Bọn tao có khối vàng bạc..
-Tao cóc cần vàng bạc của chúng mày – Nói thế nhưng độ run của anh ta càng tăng. Nó mà bắt linh hồn mình vào kho của chúng thì rồi đời. Thà ở nhà nghe mụ vợ mình ca cẩm còn sướng hơn – anh ta nghĩ thế. Nhưng một ý kiến chợt ý lóe ra trong đầu khiến anh chàng thêm can đảm, anh ta nói:
– Tao nghĩ những linh hồn mày bắt về đã kể hết chuyện của họ rồi. Chắc chúng mày đòi hỏi người ta quá nhiều, nên họ phải cố rặn ra những chuyện vớ vẩn chứ sao. Hôm nào chúng mày thử đóng vai hành khách trên xe ca mà xem, đầy những băng đĩa hài nhảm nhí, khiến người ta muốn vứt vé xuống đi bộ cho… khỏe cẳng. Này, chẳng nên giữ đám vô dụng ấy mãi làm gì. Mụ vợ tao cũng thế, ban đầu cô nàng còn có những chuyện làm tao vui cười, bây giờ đầu mụ cạn như quả dừa khô. Tao phải đi tìm Kho Cười về cho mụ đây…
– Mày tìm thấy Kho Cười rồi đấy à? Hay quá nhỉ. Thế chứ, đi với tao!
Con quỷ phởn chí nên vừa lắc theo điệu Lam-ba-đa nó vừa hát:
Kho Cười, Kho Cười
Khoái hơn vàng mười
Bọn tao đổi tất
Nhanh nào, mày ơi!
Nó lại định túm tay chàng Tiếu, anh chàng vội nhảy sang một bên:
– Khoan đã, nghe tao bảo đây này. Kể chuyện với pha trò cho chúng mày nghe thì tao đây dư sức, nhưng phải có điều kiện..
– Điều kiện thế nào?- Con quỷ hỏi ngay.
– Mỗi ngày tao kể cho chúng mày nghe một chuyện để chúng mày phải cười ra cười. Sau đó tao về nhà chuẩn bị tiếp chuyện cho lần sau, cách một hôm lại đến kể một chuyện. Tao nghĩ chỉ ba hôm kể chuyện là chúng mày sẽ muốn trả dần cho tao đến hết cả kho vàng, toàn những chuyện tuyệt cú mèo nhá!
– Không được! Mày kể một chuyện rồi chuồn thẳng, làm sao tìm thấy mày nữa? Tao không ngu đâu!
– Đúng là mày ngu. Xưa nay chỉ toàn được nghe những chuyện nhạt như đậu phụ chấm nước ốc luộc. Chuyện tao kể á, người thông minh mới cười được, đến ngày hôm sau vẫn còn cười cơ..Tao có thể kể ngay bây giờ mà không thèm đòi một mẩu vàng nào của mày. Nhưng bao giờ chúng mày nghe hết ba chuyện liền, công nhận là cười muốn vỡ rốn thì tao mới lấy công tí ti thôi…
– Thật nhé! Ngoặc tay nào!
Con quỷ đưa ngón tay ra, chàng Tiếu bắt buộc phải ngoặc tay.
– Hôm nay tao kể chuyện trẻ con, hôm sau kể chuyện thày tu, hôm sau nữa kể chuyện Chúa Trời, được chưa?
– Được đấy, kể đi, kể đi, kể đi!!! – Tự dưng hai con quỷ nữa xuất hiện khiến chàng Tiếu hơi hoảng với ba con quỷ nhún nhảy, lúc lắc quanh mình nhưng sau đó anh bắt đầu câu chuyện một cách bình tĩnh :
– “Có một con bé năm tuổi đang ngồi cùng mẹ nó trong nhà thờ bỗng cảm thấy khó chịu, nó vừa vòi mẹ để mua bằng được rồi chén hết một chiếc kẹo kéo, nên lúc này tự dưng rất buồn nôn.
– Mẹ! Con đi về nhà đây – Nó nói với bà mẹ.
– Không được, đang giờ cầu nguyện mà – mẹ nó bảo thế.
– Nhưng con buồn nôn lắm!
– Giun quấy đấy. Ai bảo cứ đòi ăn kẹo kéo. Thôi bây giờ con ra cửa truớc kia rồi vòng ra đằng sau nhà thờ, nôn ở sau bụi cây mận gai ấy nhá!
Con bé đi ra rồi chỉ hai phút sau đã trở về ghế ngồi cạnh bà mẹ.
– Đã nôn chưa?- Mẹ nó khẽ hỏi.
– Rồi ạ – Nó đáp.
– Ổn rồi, nhưng sao đi vòng quanh nhà thờ rồi quay lại mà nhanh thế ?
– Con không phải đi vòng quanh nhà thờ, ngay ngoài cửa kia kìa đã có chiếc hòm đẹp, có khe lỗ ở cạnh, trên có đề chữ bằng vàng rất to “CHO NGƯỜI ĐAU ỐM“, chỉ có điều lỗ để nôn là một khe hẹp nên con làm tung toé ra ngoài mẹ ạ!!
Chàng Tiếu kể xong rồi mà ba con quỷ còn đang ngơ ngáo, chưa con nào cười. May quá, Quỷ Chúa bỗng xuất hiện, nó bạt cho ba con kia mỗi đứa một bạt tai rồi vừa lắc như điên vừa cười ha ha:
Kể hay, kể hay!
Ba đứa chúng bay
Toàn quân ngô ngọng.
Ngu hơn bò cày…
Chẳng biết do ba con kia cũng đã nghĩ ra chuyện đáng cười ở chỗ nào, hay chỉ bắt chước nhau khen “bộ quần áo của ông Hoàng đế cởi truồng” mà cũng cười ha ha, chúng còn nhảy cẫng lên đến nỗi sừng con nọ móc vào con kia.
– Bái, bai! – Ngày kia gặp lại nhá. Nhân cơ hội chàng Tiếu chuồn thẳng.
Cách đó một ngày Tiếu quyết định lại đến gặp bọn quỷ, tin rằng mình sẽ thắng cuộc. Câu chuyện hài thứ hai về thày tu anh ta kể như sau:
– “Một tay Cha đạo rất tin ở sự cứu rỗi của Chúa và tín ngưỡng đến cuồng nhiệt. Trong cơn lũ cuốn Cha vội vàng leo lên mái nhà, khi nước đã ngập đến đầu gối, có một bà già dạt chiếc mủng vào cứu nhưng Cha khước từ nói rằng sẽ đợi phép nhiệm màu của Chúa ban cho. Hai lần nữa, lúc nước đến ngực rồi nước lên đến vai đều có người đưa bè chuối đến cứu, nhưng đức Cha cứ nhất định đứng đợi phép màu. Lúc nước ngập tận mũi thì có chiếc trực thăng vè vè ở trên không, thả thang dây để Cha leo lên, vậy mà ông thày tu vẫn cố xua tay bảo không cần. Ngay đó thì sóng tràn qua, dìm đức Cha ngoan cố xuống đáy nước.
Con người đã tan vỡ niềm tin càu nhàu ta thán khi gặp thánh Pi-te: “Tôi luôn hết lòng tin vào phép màu của Chúa, thế mà khốn khổ thế này đây!”
Thánh Pi-te phì cười: ” Ta không hiểu Cha phàn nàn về nỗi gì, chính ta đã thay mặt Chúa cử đến nào mủng, nào bè chuối và máy bay lên thẳng cơ mà!?”
Lần này cả bốn con quỷ cùng cười ha ha:
Ngu, ngu, ngu!
Lão thày tu
Hóng hão mãi
Cho lão xuống mồ!
Chàng Tiếu lại hẹn “bái bai, ngày kia nhé!”. Anh ta không thèm lấy túi vàng chúng đã để sẵn dưới gốc cây cậy. Đến hẹn tiếp theo anh chàng lưỡng lự vì hơi run trong bụng “Nếu chúng trở mặt tóm linh hồn của mình vào kho thì sao?”- Anh ta nghĩ vậy nhưng cuối cùng tặc lưỡi “được ăn cả, ngã về không” và đi vào rừng. Cả bốn con Quỷ Cười đã háo hức chờ sẵn. Chàng Tiếu lập tức kể chuyện thứ ba:
“Bà goá sống dưới gốc Gạo Bướu xưa nay nổi tiếng là ngoan đạo và cương quyết tin ở Chúa Trời đến cùng. Sáng nào bà ta cũng đứng ở cổng vái lên trời ” Đức Chúa vạn năng!”
Cạnh nhà bà lại là một co… (Tiếu định nói một con quỷ nhưng kịp thời sửa lại) con người vô thần, ông ta rất cáu khi thấy bà hàng xóm cứ khấn khấn vái vái nên thường thốt ra “chẳng có Chúa nào cả đâu!”
Gặp năm đói kém bà góa ra sức cầu xin Chúa giúp đỡ. Bà ta cứ đứng ở cổng khấn mãi :”Lạy Chúa vạn năng! Con đang gặp lúc khó khăn. Xin Chúa lòng lành cứu giúp, ban cho con và lũ trẻ một ít lương thực!”.
Sáng hôm sau bà ta bỗng thấy có một bao tải thức ăn khá to để ở cổng, liền sụp xuống kêu lên” Đức Chúa vạn năng! Đức Chúa vạn năng!” Ngay đấy tay hàng xóm đang nấp gần cái bao nhảy ra và nói: “Tôi đã bảo bà làm gì có Chúa. Chính tôi mua bao thức ăn này để giúp đỡ bà và bọn trẻ con đấy. Chúa của bà không làm gì đâu!”
Bà góa gốc Gạo Bướu nhảy lên như choi choi. Bà ta vỗ tay, kêu lớn “Chúa Trời vạn năng. Chúa không chỉ cho con thức ăn mà còn bắt lũ quỉ hay cười nhạo phải trả tiền thức ăn ấy nữa. Lạy Chúa vạn năng, Chúa lòng lành vô cùng!!”
Cả bốn con quỷ cùng cười rộ lên tuy chúng rất tức bà góa. Con Quỷ Chúa bảo:
– Chúng mình đến gốc Gạo Bướu xem mụ ta đã ăn hết bao thức ăn ấy chưa. Nếu chưa hết tao sẽ biến số còn lại thành cứt chó khô cho con mụ biết tay.
Chúng vội vã kéo nhau đi sau khi quăng cho chàng Tiếu ba túi vàng. Anh chàng cũng lập tức chuồn thẳng. Người ta nói sau đấy lũ Quỷ vẫn cố tìm để nghe chuyện cười nhưng chàng Tiếu khôn ngoan đã chuyển đi đẩu đi đâu rồi cơ.,.
(Trích trong tập MA XÓ ĐI HỌC do nhà XB Dân Trí in 2012)
Càng bệnh nặng càng tốt
Trọng Bảo
Bà mẹ già được ông con làm quan to đón từ quê lên tỉnh chơi. Vốn bản chất là một nông dân chăm chỉ nên lên thành phố không có việc gì làm bà cụ thấy chân tay như thừa thãi.
Đã như thế ngày nào cụ cũng được ăn ngon, toàn những thứ khi còn ở quê cụ chưa được ăn bao giờ. Ông con làm quan to nhưng về quê tỏ ra rất khiêm tốn để khỏi bị dị nghị.
Thấy ăn không ngồi rồi mãi bà cụ tỏ vẻ lo lắng nói với thằng cháu nội:
– Cứ ăn mà không làm gì thế này thì sạt nghiệp mất cháu ạ!
– Bà khỏi phải lo… – thằng cháu lấc cấc nói – Bố mẹ cháu đón bà lên đây là để bà sẽ “tạo nguồn thu tài chính mạnh” cho nhà mình đấy ạ!
Bà cụ ngạc nhiên:
– Bà già cả rồi còn làm được cái gì ra tiền nữa…
– Ối… bà làm ra nhiều ấy chứ!
– Nhưng bà cứ ốm yếu liên tục thế này thì còn làm gì được?
– Thì chỉ cần bà cứ… bệnh liên tục là được, càng bệnh nặng càng tốt, càng làm ra nhiều tiền bà ạ! Hôm trước bố cháu bị “đau lưng” một tí vào viện mấy hôm “thu hoạch” đã bằng ngày xưa bà cấy một mẫu ruộng hai ba năm liền đấy!
Bà cụ không hiểu thằng cháu nói như thế nghĩa là thế nào. Nhất là khi bà cụ nghe lỏm con dâu nói với con trai bà:
– Gay quá ông ạ! Bà lên đây được ăn uống sướng lại khỏe ra, chả ốm đau gì, thế này khéo mà… lỗ vốn mất ông ạ!
Ông con trai bảo:
– Cứ yên tâm, cụ già rồi thể nào mà chả có lúc ốm! Hay là bà đưa cụ đi khám rồi nằm viện vài hôm để thông báo cho mọi người trong cơ quan đến thăm…
– Nhưng cụ bảo chả ốm đau gì không chịu đi viện đâu!
Ông con trai đành nói:
– Thôi đành chờ vậy!
Cụ nghe hai vợ chồng ông con trai trao đổi mà không hiểu gì. Một hôm do mắt kém lại sơ ý cụ bị ngã cầu thang gãy chân. Trong khi chờ xe cấp cứu đến, thằng cháu gọi điện cho bố mẹ báo tin:
– Tốt quá rồi bố mẹ ơi! Bà đã bị gãy chân, vỡ đầu chảy máu lênh láng, bố mẹ về ngay để đưa bà đi viện nhé!
T. B.
Nhớ đốt bao cao su
Trọng Bảo
Sếp nọ là quan tham, bị bệnh nặng. Lúc đã nguy kịch, biết mình không qua khỏi, ông dặn vợ con phải “cáo phó” cẩn thận trên truyền hình, báo chí, thông báo cho các nơi đến phúng viếng.
Bà vợ ông nghe dặn sụt sịt nói:
– Xin ông cứ yên tâm!
– Yên tâm là yên tâm thế nào! Bà phải nhớ kỹ là truyền hình thì phải thông tin vào “giờ vàng”, báo phải đăng ở trang có nhiều người xem. Những nơi tôi đã từng đến mừng Tết, mừng tuổi, mừng cưới, mừng tân gia thì điện trực tiếp. Chớ để sót một nơi nào đấy, nhất là đừng quên mấy thằng tôi đã nâng đỡ, cất nhắc…
– Vâng… – Bà vợ sụt sùi: – Ông cứ yên tâm mà lên thiên đàng…
– Lên thiên đàng à! Trên ấy thế nào?
– Trên ấy cảnh đẹp như tiên, con người như thánh hiền, người tốt đều được lên trên ấy.
Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
– Thế thì không được! Tôi phải xuống âm phủ thôi. Thiên đàng như bà nói thì lên đấy còn làm ăn gì được nữa. Bạn bè tôi đã và cũng sẽ xuống cả dưới âm phủ. Bà phải cầu trời, khấn phật để tôi được xuống dưới đó, mấy người còn nợ tôi đang ở dưới ấy, tôi phải xuống tìm họ mới được…
Nói xong, ông trợn ngược mắt nấc lên. Bà vợ tưởng ông chết oà khóc. Ông mở mắt ra bảo:
– Tôi đã chết đâu mà bà vội khóc thế! Gọi ngay thằng trợ lý vào đây, tôi có việc cần căn dặn riêng nó.
Bà vợ vội quay ra tìm anh trợ lý và gọi con cháu vào. Ông đuổi tất cả ra ngoài chỉ để một mình anh trợ ký tin cẩn ở lại. Ông hỏi nhỏ:
– Tao đối với chú mày thế nào?
– Chu… chu đáo lắm ạ. Sếp luôn nâng đỡ em. Nhờ sếp tiến cử, em vừa có quyết định đề bạt chức trưởng phòng rồi ạ!
– Thế thì tốt! Bây giờ tao dặn thế này. Hôm trước lão thầy bói nói kiếp sau tao vẫn sẽ làm sếp vậy nên khi mua vàng mã, chú mày nhớ mua và đốt cho tao một… nữ thư ký nhé!
– Vâng… vâng… em sẽ nhớ… sẽ nhớ…
– Này… này…
Sếp thều thào rất nhỏ, anh trợ lý phải cúi xuống ghé sát tai mới nghe rõ. Ông nói vẻ ngập ngừng:
– Nhớ đốt cho tao một ít bao… cao su nhé! Xuống dưới đó lạ nước, lạ cái, chưa quen địa bàn, chưa có cơ sở tin cậy, lỡ dính vào cái khoản ết iếc SIDA thì chết mất mạng, hiểu không?
– Nhưng ở Hàng Mã mọi thứ đều có, từ người, trâu bò, voi, ngựa, ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô, máy vi tính, cho đến xe tăng, máy bay, tàu hoả, vệ tinh nhân tạo, tàu du hành vũ trụ, ra đa, tên lửa, bom nguyên tử… Chả thiếu thứ gì. Nhưng cái khoản… bao cao su thì chưa thấy dân vàng mã họ làm ạ!
– Gay go nhỉ?
Sếp tỏ vẻ băn khoăn. Anh trợ lý chợt nảy ra sáng kiến:
– Hay là em đốt luôn các loại… bao cao su thật để sếp đem theo cho yên tâm. Loại vàng mã lỡ nó làm hàng rởm thì bỏ mẹ.
– Đúng đúng! Chú mày đúng là một trợ lý rất thông minh. Chú mày mà đi luôn theo tao thì tốt quá.
Anh trợ lý sợ tái mặt vội lủi ra ngay. Còn sếp nọ thì có vẻ rất yên tâm. Ông thở hắt ra rồi mới lịm hẳn.
T.B.
NÂNG TẦM
Ngọc Châu
Cái trò làm thơ thế mà hay ra phết, các vị ạ!
Trước kia nghe loáng thoáng tới chuyện ai đó trong số người mình quen thích làm thơ, là cả tôi lẫn “basa” đều bỏ ngoài tai, mặc nhiên nghĩ đấy là chuyện của mấy ông “háp“. Thậm chí có lần giở cuốn gia phả (vẫn đặt trang trọng trên bàn thờ nhà ông anh cả tôi) thấy viết rằng cụ nội chúng tôi trước đây là nhà nho rất giỏi văn thơ, tôi phải gấp lại đặt vào chỗ cũ lập tức, vội vàng đến mức không kịp phủi bụi cho cuốn gia sử vì sợ “basa” ngó đến. Hắn mà đọc thấy thì rồi mỗi khi có chuyện không vừa lòng, sẽ mát mẻ rằng cả nhà chỉ có tôi được mang “gien trội“!
Chính vì có basa nhà tôi cầm trịch như vậy nên chúng tôi sống yên ổn được đến hai mươi năm chẳng dính dáng gì tới các thứ thẩn thơ, thơ thẩn. Thật đội ơn Phật bà!
Vậy mà sự đời bỗng bất ngờ đổi thay, đổi thay cũng lại chính từ basa nhà này, khiến tôi phải trở thành triết nhân… bất đắc dĩ khi cố suy ngẫm để lí giải: “Con giun khi đang mải kiếm ăn hoặc buộc phải bò qua chỗ đất khô nóng, tránh chậu nước xà phòng ai đó vừa đổ toẹt, thì nó duỗi thẳng ra mà bò trối chết, nhưng lúc no đủ dưới trăng thanh gió mát chúng cũng tung tăng uốn khúc kém gì lân với rồng… giấy đang múa trong ngày Trung Thu, có lẽ là thế!”
Chả là hôm đó basa với dáng đi tung tẩy bước vào nhà (khiến thoạt tiên tôi nghĩ hắn lại bị tái phát chỗ viêm khớp gối!). Chưa kịp hỏi thì hắn dí tờ giấy vào mũi tôi:
– Trưởng… trưởng… à, Sếp Thơ Việt Nam Cờ Lờ Bờ khen bài này lắm nhá!
– Cái gì? Ai?… Cái gì cơ!?
Thề có con chó đá cụt một tai rất thiêng ngoài cổng chứng giám! Tôi mà hiểu được một phần tư những gì basa vừa nói thì phái viên giả mạo của đức… đức Ma… Ham Mít gì đấy có bắt tôi giấu bom vào bụng đi nổ cảm tử ở giữa bãi rác, tôi cũng chẳng dám cãi lại.
– Sao mặt nghệt ra thế? – Cái phì cười của basa làm tôi yên dạ, biết là mình không vướng “phốt” gì – Chả là em chưa kịp nói với anh – nàng hớn hở giải thích – Em tham gia cờ-lờ-bờ Thơ của các giáo chức nghỉ hưu từ tháng trước cơ. Đầu tiên là do nể cụ nguyên giám đốc Sở…
– Cái gì? Thơ! Sao lại dính dáng đến thơ?!
– Thì là thơ chứ còn cái gì. Bây giờ ai mà chẳng làm thơ, anh đến CLB mà xem, ối cụ ông cụ bà, móm hết răng mà vẫn làm thơ tình kia kìa.
Quả thực là tôi không thể nào tiêu hóa nổi những chuyện basa vừa nói. Hắn cũng nhận thấy thế nên xà đến bá vai tôi cười như nắc nẻ khiến tôi phải vội vàng ngó quanh, xem có ai nhìn thấy cặp U60 tình củm với nhau hay không, dẫu biết rằng ở nhà chỉ có hai vợ chồng già.
– Sao ngày xưa, ngày xưa…
Chưa hỏi hết câu thì basa đã ngắt lời:
– Ngày xưa khác, bây giờ khác. Bây giờ đến lúc mình cũng phải nâng tầm rồi. Tẩm thế không biết!!
– …….
– Ngày xưa có ai làm thơ không nào, tôi hỏi ông thế? – Thấy họng tôi vẫn đang tắc, basa hạ cố giải thích – Xưa ai làm thơ thì nghèo kiết xác, con cái nhếch nhác, vợ gom nhặt rác, khách đến phải chạy đi mượn bát… Nhưng bây giờ, bây giờ…Thôi ông cứ đi với tôi tới CLB một hôm rồi sẽ thấy ngay.
“Con mẹ này dở chứng thật rồi”, tôi nghĩ bụng và chuẩn bị nổi cạu. Đàn ông bao giờ chả thế, dẫu luôn giữ chức tiểu đội phó như tôi, nhưng con giun xéo mãi cũng quằn! Thì ra hắn đi đến cái cờ-lờ-bờ-mù-mờ-thẫn-thờ gì đó được vài lần đã sắp sửa lên mặt, học cách nói ra vần ra điệu, về nhà định bắt nạt chồng… Đã thế, đã thế…
– Bây giờ làm thơ toàn là những người giàu có thôi, ông hiểu chưa. Đại gia, có chức có quyền mà không biết làm thơ cũng vứt – hắn tiếp tục giải thích nhưng đúng là đổ thêm dầu vào lửa trong khi tôi đã có đầy đủ lí lẽ để tung “chưởng” ra.
– Ra thế, Lượm ơi… Có nghĩa là bây giờ bà chê tôi không biết làm thơ, là đồ vứt đi chứ gì? Tôi nói cho bà biết nhá, không biết mèo nào vứt mỉu nào…
– Thôi thôi, ai nói thế, chưa chi đã… – basa dàn hòa, lập tức áp dụng sách lược “lạt mềm buộc chặt” như mỗi khi sắp có chuyện cãi nhau – Đấy là mấy cụ cựu giáo chức tham luận ngoài luồng với nhau như thế, ai nói đụng gì tới ông…
– Tham với chả lộn! Tôi còn lạ gì mấy lão ấy. Lúc còn đương chức đương quyền thì tham cả đến mấy con chó con nhà chị Dậu, không có vé nọ vé kia đố bà xin được cho cái Thi nhà mình vào trường điểm, chính bà phải lo méo mặt đi còn gì. Bây giờ phải nhường ghế cho người khác rồi thì lại lộn, có mà lộn hành ra tỏi…
– Thôi, thôi, đã bảo thôi thôi rồi mà. Em bảo này… – basa nhũn như con chi chi – Anh mà làm thơ chắc chắn còn hay hơn mấy ông ấy nhiều. Ngày xưa em có xem cuốn nhật kí của anh, thấy có mấy bài thơ hay lắm, sau rồi vì bận làm ăn con cái nên mới không ngó ngàng gì nữa. Em nghĩ nhà này chỉ có anh là mang được gien của ông nội thôi. Giờ chúng mình làm một tập thơ rồi gửi in đi…
Gien của ông nội! Thế mới biết một mụ đàn bà bằng ba con ma xó! Tôi lại cứ nghĩ hắn chẳng bao giờ sờ mó đến những thứ không phải nhiệm vụ của giống vịt nhà đẻ toàn ra vịt trời. Hắn vẫn đang say sưa với ý định in thơ thiếc gì đấy nên thấy tôi đã có phần hạ hỏa liền tiếp tục ỏn thót:
– Anh làm đi, đảm bảo thơ của nhà mình hay hơn của nhà họ…
– Nhà nào? Hay hơn thì làm sao, được cái gì mà làm?!
– Lão gia ơi, ngồi đây nghe phu nhân của lão gia nói đã, làm sao cứ sủi lên như bong bóng nồi cám lợn thế. Nghe xong đi đã rồi hãy phát biểu không được à?…
Đã thế thì tôi sẽ để im cho hắn nói. Đã có một vại sành kinh nghiệm từ ngày gánh vác chức phó trong nhà, rằng nhiều khi không cần phải giao ban làm gì, cứ im ỉm mà làm lại khiến cấp trưởng phải đặc biệt lưu ý, thậm chí phải thay đổi nghị quyết đã ban hành.
“Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” là một sách lược cực kì quan trọng, chẳng thế mà cái công ty Pờ-nhô-đen-sờn-đen-xì gì đấy lập thành biểu trương ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ kiên nhẫn lắng nghe một lát là thấu hiểu ráo mọi chuyện, tất tần tật. Tất nhiên là phải sắp xếp thông tin theo tư duy của mình, nếu chỉ ghi âm theo trình tự các các, cạc cạc của họ nhà vịt thì có mà… khà khà!
Nào là ở nước ta hiện giờ có cả triệu người làm thơ, nào bây giờ một chị Cầm…đồ, một anh Thi… Lúa cũng có thể in riêng cho mình một vài tập thơ, dễ dàng hơn in tiền âm phủ, khỏi nói việc muốn có một vài bài thơ trong một TUYỂN THI gồm hàng lô hàng lốc giả… tác, bập bập, phải gọi là “tác giả” cơ đấy. Chỉ cần bỏ ra vài ba trăm ngàn là có một bài của mình trong ấy ngay, sau đấy vào các ngày hội lễ còn nhận được thiếp in rất đẹp mời tác giả từ miệt vườn xa xôi tự bỏ tiền ra Miếu… Văn ở đất Thăng Long ngàn năm, nghe, đọc thơ và gấp thành diều giấy thả lên trời nữa cơ!
Ai muốn gấp bao nhiêu diều cứ tùy ý nhá, trưng mấy bảng quảng cáo “thơ nhà” vẽ rồng vẽ… phượ cũng được, sau đấy được phép thu lại đưa lên máy bay mang về cho em út trong nhà từ Ba cho đến Bảy-Tám-Chín Lúa dán vào cột từ đường lưu giữ muôn đời. Làm thơ bây giờ sướng hết chỗ nói!
Cũng thấy hay hay. Thì cũng phải nâng tầm tí chút chứ nhỉ?!
Tôi nghĩ đến chuyện giở mẹo vặt bằng cách moi các bài thơ tình ngày xưa ở các quyển nhật kí (ba quyển tất cả, ma xó mới biết có một cuốn thôi, hai cuốn kia đã khôn hồn gửi ở nhà thằng bạn từ lâu!) ra sửa lại rồi đem thi thố. Đúng lúc ấy thì ông cậu của basa, một nhà thơ thực thụ tuy chỉ ở cấp tỉnh, tính rất hài hước, bước vào cười khà khà, thì ra ông đã đến đứng nghe ngoài cửa từ lâu mà cả tôi và basa bị dính… keo thơ nên không hay biết.
– Hà hà! Chắc là tay Giáo Chủ đạo Thơ vừa đến thuyết pháp cho CLB các ngươi chứ gì?
– Giáo Chủ?! – Hai vợ chồng tôi cùng ngơ ngác, chưa hiểu ông nói gì.
– Hai ngươi thừa biết rằng bây giờ nhiều người mê mẩn với thơ như cô đồng mê cung văn, trọng TUYỂN THI như người Hồi giáo kính Kinh Co-ran, thăm Văn Miếu thì ngang bằng được hành hương về La-mếch! Vậy nên mới có kẻ đi khắp nơi truyền “ĐẠO THƠ” để được tôn xưng là “GIÁO CHỦ“, hiểu chưa?
– Nhưng… nhưng để làm gì hả cậu? – Basa nhà tôi chưa hiểu.
– Sắp lên lão rồi mà còn ngốc! – Ông cậu vợ (chỉ hơn cháu ba tuổi) mắng thế – Tao đây này, thơ được bao nhiêu người biết đến mà muốn in một tập vẫn phải bỏ tiền túi ra, đứa chó nào ra hiệu sách mua thơ đâu! Nhưng tay “giáo chủ” của các ngươi năm nào cũng in hàng chục tuyển tập thơ dăm trăm bài, mỗi tập vài ngàn cuốn rồi bán hết veo với giá cắt cổ cho tín đồ được “giáo chủ” chọn thơ in. Thế thì để làm gì mà các ngươi còn phải hỏi à?
– Mỗi một lần in như vậy “Giáo chủ” đút túi ba bốn trăm triệu đấy – Ông cậu vợ nói thêm.
– Ra thế, Lượm ơi! – Đến lượt tôi gãi gáy trong khi basa mồm há ra như con cá bị vứt lên bãi cát khô.
Nhưng có lẽ vẫn phải tìm cách nào để NÂNG TẦM tí chút chứ nhỉ? Ai bây giờ mà chẳng phải cố để được NÂNG TẦM!!
N.C.