Nhiều năm qua, công chúng yêu thơ thành phố Hải Phòng biết đến Bùi Nguyên Tâm và thơ của anh. Chưa phải bài nào cũng hay, nhưng chắc chắn bài nào cũng vui. Tác giả chia sẻ niềm vui đến với bạn đọc và được mọi người cùng vui với mình. Đó là giá trị không hề nhỏ mà thơ anh có được. Điều đó càng thể hiện rõ ràng hơn qua 123 bài trong tập thơ thứ 2 mang tên “Bùa trăng” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2021) của anh.
Bùi Nguyên Tâm đến với thơ đã lâu. Là Giám đốc Công ty cổ phần than Xuân Toan, bên cạnh những bươn trải trong nghề kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, anh coi việc làm thơ để vui là chính. Vì thế, mỗi khi hàn huyên bạn bè , anh thường đọc cho họ nghe mấy câu vừa viết xong. Không hẳn ai cũng thích thơ nhưng mọi người đều được cuốn hút vào mấy dòng chữ có vần điệu, được hùa theo những sự việc, con người, cảnh vật mà tác giả phản ánh, bày tỏ cách nghĩ, cách cảm khá độc đáo của mình.
Gần 20 năm nay, Bùi Nguyên Tâm luôn có mặt trong các cuộc sinh hoạt thơ trên Đất Cảng. Anh mạnh dạn sáng tác và đọc thơ, giao lưu với bạn thơ xa gần. Từ một doanh nhân yêu thơ, vui với thơ, anh đã mau chóng trở thành một cây bút giàu tâm huyết ở miền thơ cửa biển này. Dần dà số bài thơ nhiều lên, anh tập hợp lại và cho xuất bản thành một tập thơ đầu mang tên “Trước gió thu bay(Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2018). Hiện nay, anh đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Văn hóa doanh nghiệp thành phố Hải Phòng, trực thuộc Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Giữa những nhọc nhằn bươn trải của đời thường, ai đọc thơ Bùi Nguyên Tâm sẽ có cảm giác như được gặp một giọng thơ với những nụ cười khá hóm hỉnh:
Nụ cười ánh mắt đong đưa
Anh mong trời thủng lọt vừa đôi ta.
(Mong)
Bùi Nguyên Tâm là người mêthơ và thích làm thơ. Tác giả mang niềm vui đến bạn đọc bằng những bài thơ rất ngắn, phần nhiều chỉ là một câu lục bát:
Người đi hái mận, hái mơ
Hỏi ai hái được nỗi chờ trăng lên.
(Hái)
Thơ anh ngắn, ngắn đến mức chưa kịp đủ thấm chữ nghĩa mà tác giả khá mất công lựa vần chọn ý, người nghe đã thấy hứng khởi bởi đột nhiên đón nhận một sự hóm hỉnh, vui vui giữa đời thường:
Đói thì thèm thịt mong xôi
No nê lại thích được ngồi ngắm trăng.
(No)
Thơ Bùi Nguyên Tâm viết nhiều về trăng, về những người phụ nữ thân thiết bên anh, về cảnh ngộ đời thường, với khá nhiều câu dí dỏm:
Ánh trăng mờ tỏ sân đình
Biết đâu bắt được đứa rình vợ nhau.
(Viết ở sân đình)
Thoạt nghe dễ tưởng đó là thơ ứng khẩu, ngỡ tác giả buột miệng là có thơ. Nhưng nếu ai thường được anh đọc thơ cho nghe sẽ dần nhận ra phía sau mấy câu có vẻ nôm na ấy là cả một tâm trạng, một nghĩ suy của tác giả với bao buồn vui lẫn lộn. Vượt lên đó là tiếng cười của anh, khi rất sảng khoái, khi lại có những trăn trở về thời cuộc:
Sớm chiều qua cổng nghĩa trang
Nhiều khi mắc nợ nén nhang nơi này.
(Viết trước cổng Nghĩa trang liệt sĩ)
Những bài, những câu như thế đã làm cho thơ Bùi Nguyên Tâm có nét riêng, không lẫn với giọng thơ của ai, điều này chưa hẳn người làm thơ nào cũng dễ dàng có được. Anh viết và coi thơ như là một phương tiện để vui, để cười để qua đó yêu đời hơn, lạc quan với cuộc sống bề bộn này hơn. Vì lẽ đó mà thơ anh dung dị, mộc mạc, có phần tếu táo, gần gũi.
Xế chiều vẫn được vợ ghen
Hỏi rằng mình đỏ hay đen hả trời.
(Hỏi)
Không chỉ vui và cười, với tập thơ thứ hai này, Bùi Nguyên Tâm cũng có những bài thơ rất tình:
Tre còm rút ruột nuôi măng
Ve gầy khản cổ cùng trăng gọi hè
Sao phù sa mãi chưa về
Ruộng cong khô nẻ, bờ tre bỏ làng.
(Gọi phù sa)
Thơ Bùi Nguyên Tâm là thơ của những điều bình dị. Đừng mong ở đây phải phản ánh đề tài lớn hay bàn về những điều cao vọng. Bản thân tác giả không chủ đích như thế. Anh chỉ muốn những vần thơ nho nhỏ của mình góp cho đời một tiếng cười nhẹ nhàng vui vui. Bạn đọc sẽ dễ dàng đồng cảm với tác giả khi tiếp tục được đón nhận nhiều nụ cười sảng khoái, đáng yêu từ tập thơ này.