Ngọn lửa cháy lời yêu thương: Đọc tập thơ “Chở nắng ban mai” của tác giả Đặng Nam

Cụ Đặng Nam năm nay đã 98 tuổi, vừa giới thiệu với công chúng tập thơ thứ ba của mình mang tựa đề CHỞ BAN MAI do NXB Hội Nhà văn ấn bản tháng 8 năm 2020 khiến không ít người ngưỡng mộ về sức khỏe, minh mẫn cùng những vần thơ khoáng đạt, chứa chan tình người của cụ. Tập thơ với 29 bài thơ, 4 bài hát được phổ nhạc từ thơ của cụ sẽ cùng góp thêm vào niềm vui chung của Đất nước trong những ngày thu Cách mạng Tháng tám lịch sử.

Ở thành phố Hải Phòng, đã nhiều người biết đến cụ Đặng Nam bởi cụ là một cán bộ cách mạng lão thành. Oanh liệt một thời trai trẻ với bí danh Hồng Việt, cụ đã cùng những đồng chí, đồng đội làm nên “Tiếng trống Kim Sơn”, “Ngọn cờ Đầm Bầu”… Ngọn lửa Cách mạng đầu tiên của miền duyên hải Bắc bộ (12/7/1945) tại đình Kim Sơn, xã Tân Trào, trên miền quê Kiến Thụy anh hùng. Có thể vì bận rộn công tác nên cụ chưa chuyên tâm nhiều với thơ ca, hồn thơ của cụ chưa tách thành mảng riêng nhưng cụ vẫn không mệt mỏi trong niềm đam mê sáng tác và đóng góp tích cực cho phong trào thơ trên miền đất Dương Kinh xưa giàu truyền thống lịch sử và cách mạng .

Với quan niệm “Thơ là ngọn lửa cháy lời yêu thương”, thì một người từng có hàng chục năm chứng kiến những buồn vui, đau thương, mất mát và sự lớn mạnh của vùng quê thơ mộng đầy tiềm năng bên dòng sông Đa Độ ta dễ dàng bắt gặp những câu thơ đầy xúc cảm của cụ tri ân tới những đồng đội năm xưa

“Đồng đội ơi! đã mấy xuân ?

Bao người đã khuất, mấy lần tiễn đưa

Tìm về đỏ nắng ước mơ

Nghĩa tình ấp ủ mầm thơ xanh rờn.

                                    (Tình đồng đội)

Những ai đã trải qua gian khổ, hy sinh thì mới thấu được tình đồng đội, đồng chí sâu nặng nhường nào. Với người bạn sau sáu mươi năm cụ thốt lên

“Thời gian mòn mỏi giữa dòng đời

Đôi mắt ân tình chẳng phai phôi

                             (60 năm còn đó)

Những câu chữ quặn xiết lại khi cụ gặp người đồng đội năm xưa.

Một gian nhà trống trong xóm vắng

Giường đơn chiếc bóng cọc màn xiêu

                                           (Thăm lại người xưa)

Tác giả khắc họa hình ảnh một người mẹ có công nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến thật chân thực và xúc động.

“Ém trong hầm giếng mẹ xây

Mưa tràn ngợp thở trước bầy sài lang

Tay gầu lòng mẹ xốn xang

Run run múc cả bàng hoàng đổ đi”

                                 (Huyền thoại mẹ)

Cụ Đặng Nam còn trải lòng với gia đình, bạn bè về tình đời, tình người. Theo cụ :

” Thương nhau gói trọn nụ cười

Gửi vào ánh mắt tặng người tri âm”

                                         (Tình bạn tình thơ)

Về thế sự, cụ luôn trăn trở cùng nhân gian, ngẫm suy với bao cảnh ngộ đời thường, cụ đưa vào thơ tiếng lòng mình với sự sẻ chia, đồng cảm sâu sắc:

Lâu rồi cây cỏ lim dim

Giọt xuân tí tách, cánh chim rộn ràng.

Lâu rồi tình nghĩa lọt sàng

Đồng tiền đi giữa thế gian bạc tiền”

                        (Đồng tiền đi giữa thế gian bạc tiền).

Nghĩ về việc gìn giữ gia phong, Đặng Nam cũng có cách nhìn khá lãng mạn và đầy tính nhân văn mà chưa hẳn người làm thơ nào cũng phát hiện ra:

“Trăng vàng vắt vai đầu ngõ

Đi về nối kết nhân tâm …”

                              (Gia đình).

Trải qua bao sóng gió, con thuyền đã cập bến hạnh phúc, tác giả không thể quên được những điều tuyệt đẹp nhất quê hương đã ban tặng cho cuộc đời mình. Tiếng lòng reo vui:

“Nơi ấy

Gọi ta về

lộng gió bốn phương

Bến Dương Kinh

xanh khúc nhạc thanh bình.”

                  (Nơi ấy gọi ta về)

Hay:

“Kết nối gần xa bao thế hệ

Dương Kinh miền đất nẩy chồi hoa”

                                  (Như có Bác Hồ)

Thơ Đặng Nam chủ yếu là thơ cách luật, có vần, có điệu, thành công nhiều ở thể thơ lục bát. Dù ngợi ca cảnh đẹp và truyền thống quê hương hay bồi hồi ôn lại kỉ niệm xưa với những người đồng đội cũ, đồng cảm với bao thân phận éo le và trăn trở với những sự đời ngang trái… tất thẩy cùng trải hồn thành dòng tự cảm trong thơ Đặng Nam. Ở tuổi 98 ta cũng thật bất ngờ khi những con chữ của cụ vẫn còn trong trẻo, thanh khiết đến tinh khôi, những biện pháp tu từ được thể hiện khá nhuần nhuyễn đầy sáng tạo như: “Run run múc cả bàng hoàng đổ đi”, hay: “Trăng vàng vắt vai đầu ngõ”, “Nắng phơi tuổi vàng”, “Đống rơm như búp măng non” ….

Với CHỞ BAN MAI, chưa hẳn bài nào cũng hay, nhưng mỗi bài thơ của cụ Đặng Nam trong tập thơ này đều mang đến cho người đọc những rung cảm và đồng điệu cùng cụ. Tác giả Đặng Nam và thơ của cụ đang làm nghĩa vụ thiêng liêng ấy. Cụ tâm sự :

Tuổi cao ta vẫn tin ta

Mỗi vần thơ một bông hoa tình người

Hoa chưa thơm ngát đất trời

Cũng mong gửi gắm cho đời chút hương.”

                                    (Gửi đời chút hương)

Nguyễn Quốc Hùng

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder