Tài năng là điều kiện tiên quyết để có tác phẩm hay – Đình Kính

Hội thảo “Tác phẩm hay – đích đến và giải pháp” do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa được tổ chức tại Thái Nguyên. Mỗi ý kiến tham luận của các nhà văn đều là những lời trăn trở đích thực về nghề viết của mình. Với bạn đọc, rất có thể sẽ có nhiều tâm sự gan ruột hơn thế (!?). Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn giới thiệu một số tham luận để bạn đọc cùng chia sẻ.

VHP trân trọng giới thiệu bài đề dẫn của nhà văn Đình Kính!

Được sự đồng ý của BCH Hội Nhà văn Việt Nam, hôm nay Liên chi hội Nhà văn khu vực phía Bắc tổ chức hội thảo với chủ đề: Tác phẩm hay – đích đến và giải pháp. Thay mặt BTC, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các vị đại biểu cùng anh chị em Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc 23 tỉnh thành phía Bắc đã về dự hội thảo này.

Khi BCH Liên chi hội Nhà văn khu vực phía Bắc bàn định xin phép Hội Nhà văn Việt Nam cho được tổ chức hội thảo với chủ đề trên, là biết rằng tự mình đang làm khó mình, bởi đó là khái niệm khá rộng, không dễ lý giải và nhiều quan điểm khác nhau. Song, trước thực trạng văn chương hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng, một cuộc trao đổi, đàm luận quanh vấn đề này cũng là rất cần thiết.

Thưa các vị đại biểu, thưa các nhà văn!

Tôi không gọi bài viết của minh là đề dẫn, bởi nếu đặt vấn đề như vậy e  khiếm nhã với tri thức, học vấn của rất đông đại biểu và các nhà văn có mặt hôm nay. Tôi chỉ quan niệm, mình là người của BTC nên có may mắn được thưa trước đôi lời. Và cũng với cương vị là người của Ban tổ chức, chúng tôi mong muốn rằng, cuộc Hội thảo này không mang tính hình thức với cách nói chung chung, vuốt ve, cầu toàn, ít lượng thông tin, và bởi vậy không mang lại lợi ích thiết thực… Tổ chức cuộc Hội thảo này chúng tôi không tham vọng rằng sau đây các nhà văn sẽ có tác phẩm hay hơn. Kỳ vọng ấy không thực tế. Chúng tôi chỉ đề ra mục đích khiêm tốn là, qua hội thảo, sẽ góp một phần nho nhỏ khơi mở một vấn đề đang được các nhà văn quan tâm.

Để Hội thảo đạt mục đích, chúng tôi rất muốn được nghe những ý kiến thật sự trung thực với nhận thức của các nhà văn, vì chỉ trên cơ sở trung thực với nhận thức của mình mới hy vọng đóng góp được một cái gì. Chúng tôi quan niệm, trung thực với nhận thức của bản thân và được trung thực với nhận thức đó (trong lý luận phê bình và cả trong sáng tác) sẽ góp phần tạo thêm động lực phát triển văn học. Chúng tôi mong được nghe những điều nói thẳng, nói thật, nói hết, nhưng không khuyến khích lấy diễn đàn này như một cơ hội trút bỏ ẩn ức cá nhân không mang tính học thuật.

Các tham luận, không nhất thiết đọc nguyên văn, các nhà văn có thể nói vài ba luận điểm sắc gọn, nhiều thông tin .

Thưa các nhà văn!

Thế nào là tác phẩm hay? Câu hỏi đơn giản nhưng không dễ liễu giải và không hẳn lúc nào cũng đồng thuận. Thơ Nguyễn Quang Thiều, thơ Mai Văn Phấn, lượng người đọc và lượng người ham thích so với thơ Bảo Sinh, thua xa. Nhưng Nguyễn Quang Thiều được Hàn Quốc và Mai Văn Phấn được Thụy Điển trao giải thi ca. Vậy lấy tiêu chí nào, thang giá trị nào, hệ quy chiếu nào để đo tác phẩm? Rất mong được các nhà văn cùng bàn định.

Sau đây tôi xin được phát biểu vài ý kiến cá nhân.

Thưa các anh các chị, lâu nay vẫn xuất hiện đâu đó cụm từ: Văn học chưa có các tác phẩm ngang tầm với thời đại. Văn học ngang tầm thời đại thật sự là một khái niệm hết sức mù mờ, khó hiểu. Thời đại ở đây là cái gì và có chiều cao cỡ bao nhiêu, mét mốt hay mét hai để văn học cố viết tới tầm kích đó? Tôi thiển nghĩ nên hiểu ý ấy một cách đơn giản nôm na là, thời gian qua chúng ta chưa mấy nhiều tác phẩm hay. Vậy tại sao các nhà văn chưa sáng tạo ra được tác phẩm hay? Có rất rất nhiều nguyên do, ở đây, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, tôi xin được có mấy ý kiến nho nhỏ.

Trước hết tôi xin nói lại một thông tin mà chắc rằng thông tin đó nhiều anh chị ngồi ở đây đã từng biết. Năm 2003, 100 nhà văn nổi tiếng nhất thế giới đã phải làm một công việc hết sức khó khăn, đó là tổ chức cuộc bình chọn để cùng tìm ra tác phẩm văn chương hay nhất của nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử. Quả là một công việc không hề dễ dàng! Nhân loại đã sản sinh ra nhiều nhà văn tài danh đáng kính, và họ đã để lại cho thế giới này những tác phẩm văn chương tuyệt vời. Trong số rất nhiều, rất nhiều những giá trị tinh thần ấy, tác phẩm nào là tuyệt hảo, đáng được tôn vinh để đời? Cân nhắc, bàn cãi, so sánh. Và cuối cùng người ta cũng thống nhất được, không tác phẩm nào khác, mà chính là Đôn Kihôtê của Xecvantéc là tác phẩm văn chương bậc nhất, tác phẩm văn chương của mọi thời.

Chọn tác phẩm để trao giải, để xếp thứ bậc là con người, bằng hình thức tôn vinh đó, bộc lộ quan điểm của mình đối với văn chương. Chọn Đôn Kihôtê là tác phẩm hay nhất trong đồ sộ các tuyệt tác, nhân loại đã bầy tỏ quan niệm, thái độ đối với văn chương, thông qua đó, gián tiếp gọi ra văn chương là gì, và định dạng thế nào là một tác phẩm văn học.

Trong tác phẩm của mình, Xécvantéc không mô tả một giai đoạn lịch sử cụ thể nào. Không nói về một cuộc chiến tranh nào, lại càng không minh họa một cải cách, một phong trào nào. Ông bịa hoàn toàn, hay chính xác hơn, ông tưởng tượng hoàn toàn. Bịa từ ý tưởng, cốt truyện đến nhân vật. Nhưng những hành động điên rồ và đáng yêu để bảo vệ lẽ phải của Đôn Kihôtê mang triết lý cuộc sống sâu sắc. Tình yêu say đắm của chàng và nàng Đixuynê, người do chàng, hay đúng hơn do Xécvantéc tưởng tượng ra thật tuyệt vời, khiến bao con tim phải theo dõi, rung động, cảm kích… Thực ra không có Đôn Kihôtê nào ở trên đời này cả. Chàng là sản phẩm hư cấu của trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời nơi nhà văn. Nhưng từ khi ra đời, năm 1605 đến nay, hơn 4 thế kỷ đã qua, triệu triệu con người ở hành tinh này đều yêu mến Đôn Kihôtê, coi chàng là bạn, là người đồng hành. Tại sao vậy? Bởi mỗi người chúng ta dù ít dù nhiều đều có một chàng hiệp sỹ, hoặc chí ít cũng muốn có một chàng hiệp sỹ trong mình biết còng lưng xuống chiến đấu không mệt mỏi cho công lý, và sự công bằng. Đôn Kihôtê, bằng những nguyên tắc hiệp sỹ cổ lỗ đã tả xung hữu đột để bảo vệ tình yêu, bảo vệ cái chàng quan niệm là đúng trong một thế giới nhiều tội lỗi. Đôn Kihôtê là một hình tượng văn học điển hình. Về hình tượng hiệp sỹ nơi chàng, một nhà văn đã nói, đó là nghệ thuật đem lại cho cuộc sống cái mà lịch sử đã giết chết.

Văn chương bởi vậy phải chăng chính là ở tài năng tưởng tượng, tài năng sáng tạo của nhà văn. Danh họa Picát xô nói rằng tôi không vẽ cái tôi nhìn thấy mà vẽ cái tôi cảm thấy. Viết văn chắc cũng phải vậy. Thông qua sự nhìn thấy để viết cái cảm thấy.

Nhân loại chọn Xécvantéc tức mặc nhiên loại bỏ lối viết chỉ lẽo đẽo bám vào các sự kiên để minh họa mà ít chủ tâm huy động đến trí tưởng tượng phong phú nơi người cầm bút. Nói cách khác, tác phẩm hay là tác phẩm không sa vào sự viết cái thật thô thiển mà hướng tới sự bịa, sự tưởng tượng, sự sáng tạo. Đâu phải ngẫu nhiên văn học hiện thực huyền ảo Mỹ la tinh khiến chúng ta giật mình, và hiện thời đâu phải ngẫu nhiên hàng triệu trẻ em và cả người lớn trên hành tinh háo hức đón đợi và thèm muốn được đọc Harri Potter và coi Harri Potter là một hiện tượng văn học. Vậy Mác-két là gì? Harri Poter là gì? Và xa hơn nữa Giăng-pôn-sác, KápKa là hiện tượng gi? Không gì khác hơn là hệ quả của sự thăng hoa tuyệt diệu của trí tưởng tượng nơi nhà văn khi được tự do bay bổng …

Thưa các anh, thưa các chị! Việt Nam ta có các nhà văn tài năng không? Và tại sao văn chương chúng ta chưa có nhiều tác phẩm hay? Đây là câu hỏi mà chúng ta, trong hội thảo này cần góp phần bàn định.

Tôi quan niệm rằng, để có tác phẩm hay, viết bằng ý thức công dân là cần nhưng chưa đủ, mà phải viết trong ý thức nghệ sỹ. Văn chương phải tạo ra những giá trị trong quyền năng nuôi dưỡng tâm hồn con người ở tác phẩm của người nghệ sỹ, là hoa kia thường héo cỏ thời tươi, là ngàn dâu gió cuốn chim bay mỏi, là trống tràng đình rung rinh bóng nguyệt v.v..

Thưa các anh các chị, điều cuối cùng tôi muốn bày tỏ nhưng lại là điều quan trọng nhất, quyết định nhất. Chúng ta còn quá ít tác phẩm hay, và làm thế nào để có nhiều tác phẩm đáp ứng lòng mong muốn của bạn đoc, dù biện minh thế nào, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà văn chúng ta, trong đó có tôi, có các anh các chị. Một số anh em chúng tôi thường ngồi bên bàn trà và lo lắng nói với nhau rằng hình như văn chương vẫn là thứ vời vợi cao sang đâu đó phía trước mà mình tài thì hèn sức thì mọn nên đã cố vẫn chưa mon men với tới được…

Theo tôi, có ba yếu tố cơ bản làm nên tác phẩm hay, một là tài năng, hai là tài năng và ba là tài năng. Tài năng của nhà văn là yếu tố đầu tiên để có tác phẩm hay. Không có tài thì không thể viết ra tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tài năng khó tự sinh ra. Tài năng là thứ trời cho. Người trời cho ít. Kẻ trời ưu ái cho nhiều. Người cầm bút tự trọng và có nhân cách là gắng lao động hết mình, vét đến cùng kiệt, vét tới tận đáy thứ mà trời đã cho ấy. Làm được vậy tức là vừa biểu thị sự tôn trọng những trang viết của mình, tôn trọng văn chương; vừa tôn trọng người đọc. Và tôi tin người đọc không chỉ quý trọng tài năng của nhà văn, đương nhiên, tôi nghĩ họ còn quý trọng một thái độ lao động nghiêm túc nơi người cầm bút… Tài năng của nhà văn là nội lực có tính quyết định sự hay của tác phẩm.

Tuy nhiên những yếu tố khác, đặc biệt là thời tiết chính trị có tác động không nhỏ.

Để viết hay, nhà văn phải luôn tự đổi mới (tư duy, bút pháp…). Không lặp lại người và không lặp lại mình…. Đổi mới như một nhu cầu tất yếu của văn chương để phù hợp với đời sống xã hội, với nhận thức. Tuy nhiên, viết cho mới không là mục đích… Viết cho hay mới là mục đích. Đổi mới được coi như phương tiện, bút  pháp để làm hay văn chương. Đổi mới không đơn thuần chỉ để đổi mới

Thưa các anh các chị, với nhận thức nông sơ, tôi có vài điều thưa như vậy. Một lần nữa xin cám ơn các anh các chị đã tới dự cuộc hội thảo này, và mong  được nghe thêm nhiều ý kiến sâu sắc của các nhà văn.

Xin cám ơn.

Đ. K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder