10 sự kiện văn học nước ngoài năm 2015…
10 sự kiện văn học nước ngoài năm 2015
1. Nobel 2015 thuộc về nhà văn, nhà báo người Belarus
Tác giả Svetlana Alexievich 67 tuổi, là nữ nhà văn thứ 14 giành giải Nobel Văn học và là nhà báo đầu tiên được vinh danh cho giải thưởng này. Bà cũng là cây bút kỳ cựu trong làng văn, làng báo với những tác phẩm miêu tả cuộc sống và chiến tranh Liên Xô trong thời kỳ hậu Xô Viết.
Nhà văn Jamaica Marlon James với giải Man Booker 2015. Ảnh: Reuters
2. Sáp nhập hai giải thưởng văn học lớn của Anh
Nhà văn Hungary Laszlo Krasznahorkai đã giành giải thưởng Man Booker Quốc tế 2015 với phần thưởng trị giá 114,000$ (gần 2,5 tỉ VNĐ). Đây là giải thưởng trao 2 năm một lần cho các tác phẩm viết hoặc dịch sang tiếng Anh của các tác giả mọi quốc tịch.
Giải thưởng Man Booker hàng năm dành cho các tác phẩm xuất bản tại Anh năm nay thuộc về tác giả Jamaica, Marlon James với cuốn tiểu thuyết A Brief History of Seven Killings (tạm dịch: Lược sử 7 vụ giết người).
Năm 2015, Man Booker cũng ghi dấu với sự sáp nhập hai giải thưởng văn học hàng đầu nước Anh là Independent foreign fiction và Man Booker International dành cho tiểu thuyết được viết và dịch bằng tiếng Anh xuất bản tại Anh. Giải thưởng này sẽ có hiệu lực ngay từ năm 2016.
3. Giải Folio
Akhil Sharma, tác giả gốc Ấn Độ đã vượt qua 7 ứng viên khác trong danh sách chung khảo để giành chiến thắng của giải thưởng Folio năm 2015 với tác phẩm Family life (tạm dịch: Cuộc sống gia đình).
4. Giải Goncourt
Giải Goncourt được sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896 để trao mỗi năm cho “tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm”, nhưng hầu như chỉ trao cho tiểu thuyết. Mặc dù tiền thưởng của giải chỉ là 10 euro, nhưng sự nổi tiếng mà Goncourt đem lại cho cuốn sách sẽ là một phần thưởng vô giá.
Năm 2015, Giải Goncourt cho “Tác phẩm văn xuôi xuất sắc” thuộc về Mathias Enard (43 tuổi) với tác phẩm Boussole. Giải Tiểu thuyết đầu tay thuộc về Kamel Daoud với tác phẩm Meursault, contre-enquête (Tạm dịch: Meursault, cuộc tái điều tra). Giải Truyện ngắn được trao cho Patrice Franceschi (Pháp) với tuyển tập Première personne du singulier (Ngôi thứ nhất số ít), và hạng mục Thơ trao cho tác giả William Cliff (Bỉ).
5. Tác phẩm Baileys xuất sắc nhất trong 10 năm
Vượt qua chín tiểu thuyết nổi tiếng khác, cuốn sách viết về đề tài chiến tranh của Chimamanda Ngozi Adichie – Half of a Yellow Sun đã được độc giả bình chọn và hội đồng giám khảo (trong đó có Joanna Trollope, Shami Chakrabarti và Daisy Goodwin) đánh giá là tiểu thuyết “best of the best” (trên cả tuyệt vời).
Half of a Yellow Sun nói về cuộc nội chiến giữa Nigeria và Biafra – miền đất thuộc Đông Nam Nigeria. Câu chuyện kể về tình yêu, tình người vô cùng cảm động dưới lời kể của nhân vật Ugwu, người giúp việc trong nhà Odenigbo.
6. Stephen King nhận huân chương từ tổng thống Obama
Stephen King, người được đánh giá là “một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong thời đại chúng ta” nhận Huy chương Nghệ thuật quốc gia Mỹ vào ngày 10/9 vì những đóng góp xuất sắc cho nền văn chương nước nhà.Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle Obama sẽ trao giải thưởng này cho các nghệ sĩ tại Nhà Trắng.
7. Sự ra đi của 04 nhà văn lớn
Nhà văn Terry Pratchett (ảnh), người đã dẫn dắt hàng triệu độc giả say mê hành trình phiêu lưu tới vũ trụ trong loạt tiểu thuyết giả tưởng Discworld, đã qua đời ở tuổi 66 tại nhà riêng hôm 12/3.
Tomas Tranströmer, nhà thơ, dịch giả, nhà tâm lý học, chủ nhân giải thưởng Nobel 2011, “người biến hàng ngày thành những ngạc nhiên” đã qua đời tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 26/3.
Gunter Grass, nhà văn người Đức đoạt giải Nobel năm 1999, tác giả cuốn The Tin Drum (Cái trống thiếc) qua đời ở tuổi 87.
M.H Abrams, nhà phê bình văn học nổi tiếng, tác giả của Chiếc gương và ngọn đèn, người đã góp công rất lớn trong việc định hình văn học hiện đại, đã qua đời ở tuổi 102.
8. Haruki Murakami giành giải văn học lớn nhất Đan Mạch
Giải thưởng Hans Christian Andersen là giải văn học lớn nhất Đan Mạch, được đặt tên theo nhà văn chuyên viết truyện cổ tích nổi tiếng Andersen. Phần thưởng trao cho người chiến thắng là tấm séc 500.000 kroner (tương đương hơn 1.6 tỉ VNĐ).
Năm qua cũng là năm tác gia người Nhật Bản ghi dấu khi lọt vào danh sách do tạp chí Time bình chọn là người có ảnh hưởng nhất thế giới cùng với Đức giáo hoàng Pope Francis (Ý), Kanye West (ca sĩ người Mỹ), Kim Jong-un (lãnh đạo tối cao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) và Hillary Clinton (Cựu bộ trưởng Ngoại giao Mỹ)…
Để chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình, cuốn sách có tựa Mr. Murakami’s Place (tạm dịch: Nơi của Murakami) sau khi xuất bản ngay lập tức đứng vị trí bestseller (bán chạy) tại Nhật Bản. Mr. Murakami’s Place là tập hợp những câu trả lời của nhà văn cho thắc mắc của độc giả trong lần giao lưu trực tuyến đầu năm nay.
9. Giải David Cohen
Giải thưởng văn học danh giá Vương quốc Anh – David Cohen trị giá 40.000 bảng Anh năm 2015 thuộc về nhà thơ, nhà viết kịch Tony Harrison. Nhà thơ 77 tuổi bắt đầu làm thơ từ năm 7 tuổi. Harrison còn nổi tiếng với các bài thơ viết về cuộc xung đột trong Vịnh Ba Tư và Bosnia.
10. Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu thuộc về Anthony Doerr
Tác phẩm All the Light We Cannot see (tạm dịch: Ánh sáng không thể nhìn thấy) của tác giả người Mĩ, Anthony Doerr đã giành giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu xuất sắc với trị giá giải thưởng là 10.000USD.
Nói về cuốn sách, nhà phê bình Sharon Peters viết trên USA Today: “Rất hiếm tác giả có thể từ tốn nhưng quyết liệt kéo độc giả vào hành trình văn chương, giúp hiểu sâu sắc và kết nối mật thiết như vậy với nhân vật”.
(Theo VNQĐ)