Cửa đã mở, nhưng còn thiếu hướng đi – Phương Đông

Sau 2 năm chuẩn bị, vừa qua Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt Trung tâm dịch văn học. Theo đó, đây sẽ là một kênh góp phần đẩy mạnh hoạt động dịch, quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới và đưa các tác phẩm văn học nổi tiếng nước ngoài đến với bạn đọc trong nước…

 

 

 

1- Có thể nói, nếu văn chương của các nước ồ ạt vào Việt Nam từ nhiều năm nay bằng nhiều kênh khác nhau, thì văn học Việt được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới-  theo dịch giả Thúy Toàn, mới chỉ là cánh cửa đã mở nhưng còn thiếu một lối đi… Một số tác phẩm văn học Việt Nam như: Thơ văn Lý Trần, Thơ Nguyễn Du, Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thời xa vắng (Lê Lựu), Nhật kí Đặng Thùy Trâm,… được dịch ra nhiều thứ tiếng, đặc biệt là Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Ba Lan… Tuy nhiên, phần lớn những cuốn sách đó được xuất bản ở nước ngoài. Trong khi đó việc các nhà xuất bản trong nước dịch các tác phẩm văn học Việt Nam rồi phát hành ra nước ngoài rất hạn chế.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm dịch Văn học, tính đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có một kênh cụ thể nào để giới thiệu những bản dịch văn học một cách đầy đủ, có hệ thống cho các nhà xuất bản nước ngoài. Vì vậy, sự ra đời của Trung tâm dịch Văn học mới đây được kì vọng như một dấu mốc cho hoạt động quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế. Về phương thức hoạt động, ông Thiều cho biết, đầu tiên trung tâm sẽ hợp tác với các nhà xuất bản trên thế giới, giới thiệu để họ thấy được những giá trị  của các tác phẩm văn học Việt Nam. Phương thức thứ hai là chúng ta phải bắt đầu tiếp cận bằng việc giới thiệu những tác phẩm, tác giả trên các tạp chí  để từ đó lan tỏa dần. Cùng với đó, thời gian tới, Trung tâm sẽ thành lập trang web Văn học Việt Nam bằng tiếng Anh và giới thiệu các tác phẩm văn học nước nhà trên tạp chí Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi trên mạng internet.

2. Tuy nhiên, việc đưa “dòng chảy” văn học Việt ra hòa nhập với “biển lớn” văn chương thế giới muốn thành công không phải một sớm một chiều. Là một dịch giả thành công đưa văn học Nga vào Việt Nam, dịch giả Thúy Toàn cho rằng, cái khó nhất khi đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài là dịch thuật. Một tác phẩm dù có nổi tiếng, có hay đến mấy nhưng nếu chưa chuyển ngữ, chưa dịch thì việc tiếp cận bạn đọc rất khó khăn. Mặt khác, thực tế cho thấy có nhiều bản dịch tác phẩm văn học trong nước có chất lượng cao, được độc giả thế giới đón nhận, đều là của các dịch giả nước ngoài như giáo sư, nhà thơ Mỹ John Balaban, người đã dịch các tác phẩm thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh. Hay như trước đây có nữ dịch giả Ý Joyce Lussu dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh sang tiếng Ý, nhà ngoại giao Mông Cổ Namxrai dịch sang tiếng Mông Cổ…

Dịch giả Thụy Anh cho rằng: câu chuyện dịch thuật không dừng lại ở những vấn đề thuần túy chuyên môn mà còn là vấn đề chiến lược về giao lưu văn hóa, đặt ra kế hoạch ngắn hạn và dài hạn trong việc thẩm định và lựa chọn các tác giả, tác phẩm để chuyển ngữ, đào tạo đội ngũ dịch giả, in ấn, xuất bản, phát hành… Để có được một nền dịch thuật văn học chuyên nghiệp, cần có sự đồng bộ trong tất cả các khâu.

3. Có một điều dễ nhận thấy, hiện tại các tác phẩm được các dịch giả nước ngoài chọn dịch chỉ với lý do họ yêu đất nước và con người Việt Nam, chứ không phải do một đơn đặt hàng hay một hoạt động cụ thể nào. Nhưng để dịch thuật văn học Việt hướng tới sự chuyên nghiệp, theo dịch giả Thúy Toàn, chỉ dựa vào tình yêu không thì chưa đủ, bởi các dịch giả còn phải sống. Hướng tới chuyên nghiệp, rất cần đến một sự đầu tư thiết thực của Nhà nước.

Một vấn đề nữa không kém phần quan trong là vai trò của phát hành. Việc đưa sách nói chung, cũng như sách văn học nói riêng đang rất cần đến sự hỗ trợ của nhà nước. Còn hiện nay, cánh cửa xuất khẩu sách đã có nhưng lối đi lại chưa được hiện thực hóa, tất cả đang trông chờ vào “bà đỡ”  nhà nước để đưa sách Việt ra “biển lớn”.

P. Đ.

(Nguồn báo Đại Đoàn Kết)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder