Mấy thập niên cuối thế kỷ XX và hơn thập niên đầu thế kỷ XXI, từ khi môi trường sinh thái bị hủy hoại nghiêm trọng và nhận thức của nhân loại về khủng hoảng sinh thái ngày một sâu sắc, tiểu thuyết sinh thái đã xác lập được vị thế trong nghệ thuật thế giới về “cái nhìn” đối với tự nhiên. Bỏ qua rào cản trở ngại trong đối thoại thế giới nhân loại và phi nhân loại, tiểu thuyết sinh thái đã thúc đẩy giá trị tinh thần nhân loại một cách rõ ràng trong quá trình hiện đại hóa về quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội cũng như ý thức phản tỉnh tự thân của nhân loại. Từ quan điểm quy luật sáng tạo nghệ thuật, đặc trưng sáng tác nghệ thuật mà xem thì giá trị nghệ thuật độc đáo của tiểu thuyết sinh thái như hình thức diễn ngôn, nguyên tắc tự sự, góc nhìn trần thuật, không gian tự sự có nhiều đổi mới và chuyển biến. Tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc đã đột phá những giới hạn hình thức văn học truyền thống về quan hệ giữa con người với tự nhiên và từ góc độ lí luận sinh thái xem xét lại văn minh nhân loại nên chủ đề của tiểu thuyết sinh thái xoay quanh vấn đề bảo vệ sinh thái. Với chủ đề trở về thiên nhiên của tiểu thuyết đương đại Trung Quốc có dấu hiệu hưng khởi, các nhà văn hy vọng điều đó sẽ kích thích sự quan tâm của nhân loại với chủ đề này nhằm khắc phục tình trạng khủng hoảng sinh thái trong nền văn minh hiện đại để kiến tạo một thế giới hài hòa giữa con người với tự nhiên.
1. Hiện trạng phát triển tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc
Trong xu hướng hiện đại hóa của nhân loại, với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, khoa học – kỹ thuật – công nghệ, môi trường sống của con người càng bị phá hủy, sự cân bằng sinh thái bị phá vỡ, tất cả dần dần hình thành một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn diện. Kể từ sau thế chiến thứ 2, phạm vi của khủng hoảng sinh thái ngày càng mở rộng trên toàn cầu. Đó là xu hướng tất yếu của quá trình hiện đại hóa xã hội thời đại 4.0. Thế kỷ XXI vì thế được coi là thế kỷ sinh thái, thời hậu hiện đại là thời đại sinh thái học và bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường là tiếng nói mạnh mẽ của thế kỷ XXI. Bảo vệ sinh thái, cứu lấy đại tự nhiên trở thành lời hiệu triệu của Trung Quốc.
Với nhận thức nguy cơ khủng hoảng sinh thái gia tăng nên cần tăng cường ý thức sinh thái cho con người, tiểu thuyết gia dần trở thành đội quân mạnh mẽ của văn học sinh thái Trung Quốc. Truyện vừa Ồ, ca cao của tôi của Đỗ Huy với trường cảnh rộng lớn, tình tiết khúc triết, tính cách nhân vật rõ ràng, giọng điệu đầy tính chân thực đã miêu tả cuộc đấu tranh sinh tử nhằm bảo vệ môi trường sinh thái chống lại sự bóc lột tài nguyên thiên nhiên trên cao nguyên Thanh Tạng. Tác giả tiểu thuyết đã từ quang cảnh rộng lớn, bao la của cao nguyên Thanh Tạng mà nhìn ra nguy cơ khủng hoảng, từ đầu mối con người trong truyện mà khắc họa tính cách rõ ràng, tiến đến giải phẫu, mổ xẻ sự tàn nhẫn vô tình của con người đối với tự nhiên. Dưới quan điểm “thiên nhân hợp nhất”, con người là một “tiểu vũ trụ” nằm trong đại tự nhiên bao la, tác phẩm tập trung khắc họa nhân vật Vương Dũng Cương – người trước đấy trong quân ngũ từng bất chấp sinh mạng mà lập được nhiều quân công nay dưới tác động của cơ chế kinh tế thị trường đã bị tha hóa. Ông ta đột ngột trở nên giàu, trở thành “vua ca cao” do cấu kết với những phần tử tội phạm trong nước và quốc tế làm ăn bất chính, điên cuồng tàn sát linh dương Tây Tạng, khai thác vàng bừa bãi. Một nhân vật khác trong tuyến đối lập với Vương Dũng Cương là Lí Thạch Trụ, trạm trưởng trạm bảo vệ động vật hoang dã là người trung hậu, từng là chiến hữu cùng hoạn nạn với Vương Dũng Cương, vì ngăn chặn bọn Vương Dũng Cương phá hoại môi trường mà bị lĩnh trọn viên đạn trọng thương. Với thủ pháp nghệ thuật đối sánh giữa một bên vì bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên xinh đẹp với một bên phá hoại môi sinh để qua đó tác phẩm phát triển cốt truyện, tình tiết nhằm châm biếm sự cám dỗ của vật chất làm tha hóa nhân tính con người. Đó là tiếng kêu cứu khẩn thiết đối với việc bảo vệ sự cân bằng của tự nhiên và cũng là ý nghĩa sinh thái sâu sắc cuảt tác phẩm.
Tiểu thuyết sinh thái của Vương Trị An có sự quan tâm rộng rãi đến vấn đề xã hội. Các bộ tiểu thuyết trường thiên như Nhân loại sinh tồn tam bộ khúc, Ai sẽ nuôi Trung Quốc? Khúc ca bi tráng của rừng, Di dân Tam Hiệp và các tác phẩm khác của ông đã trở thành những thành tựu quan trọng của tiểu thuyết sinh thái. Ngòi bút sinh động của Vương Trị An đã đề cập toàn diện, đa chiều, đa tầng đến những vấn đề sinh thái, tài nguyên môi trường như đất đai, nhân khẩu, lương thực, rừng… và lí giải nguyên nhân dẫn đến mẫu thuẫn giữa dân số toàn cầu tăng lên với đất đai ngài ngày càng thu hẹp. Điều này đã cho thấy một trong những vấn đề trọng đại của “quốc thổ” Trung Quốc đương đại. Từ sự thay đổi của môi trường sinh thái tự nhiên dẫn đến sự thay đổi môi trường sinh thái xã hội và môi trường sinh thái tinh thần.
Tiểu thuyết Hoài niệm hắc ngư trong đầm đen của Trương Vĩ lại dùng phong cách ngụ ngôn hoang đường để biểu đạt tư tưởng con người và động vật chung sống hòa bình với nhau. Một cặp vợ chồng già sống bên bờ cái đầm trong sạch, một đàn cá đen không biết từ đâu đến thỉnh cầu xin được sinh sống trong hồ, người vợ đã đồng ý lời thỉnh cầu và họ sống hòa mục cùng đàn cá trong khu đầm. Sau đó, ông lão ngư dân không thể chịu nổi cám dỗ vật chất đã tiếp tay bán hồ cá cho kẻ xấu và ngay trong đêm đàn cá đen đã biết mất. Tiểu thuyết thông qua giọng điệu hồi ức miêu tả câu chuyện hiện thực mà như thần thoại, qua sắc thái thần kỳ hoang đường mà lên án lòng tham lam vô độ của con người đã phá hoại môi trường sinh thái muôn loài.
Các tác phẩm của Triết Phu như Tuyết đen, Son môi độc, Mùa săn, Vùng đất săn, Cõi cực lạc và nhiều tiểu thuyết khác đều lấy đề tài khủng hoảng sinh thái biểu thị rõ ràng nhận thức vấn đề sinh thái của nhà văn. Tác phẩm Mùa săn lấy bối cảnh một vùng tuyết đen xì bao trùm thành phố H, còn nhân vật trong tiểu thuyết tính cách muôn hình muôn vẻ không giống nhau để miêu tả nhân loại đã làm ô nhiễm và tàn phá môi trường sinh thái như thế nào. Vùng đất săn thông qua chi tiết ra đời của những đứa trẻ bị nhiễm độc để biểu thị sự cám dỗ của dục vọng khiến tâm hồn con người bị tha hóa mạnh mẽ và phải nhận quả báo khi phá hoại môi trường sinh thái. Tiểu thuyết của Triết Phu còn cho thấy sự cám dỗ của vật chất, sự theo đuổi dục vọng cũng đã làm tâm hồn con người bị ô nhiễm. Nhân vật trong tiểu thuyết của Triết Phu đại đa số là hư cấu, không – thời gian hư ảo hóa nhưng tình tiết nghệ thuật sinh động như thật, hình tượng tính cách nhân vât phong phú, đa dạng thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong ý thức sinh thái nhà văn.
Tiểu thuyết Vũ điệu cuối cùng của báo, Vì sao quạ kêu và các tiểu thuyết khác của Trần Ứng Tùng lấy chất liệu cuộc sống của nông thôn Hồ Bắc để nói lên nỗi lòng ưu tư trước sự phá hoại nhân tính và tự nhiên với những tình tiết gay cấn nguy hiểm, bầu không khí cuộc sống tăm tối tràn đầy tính bi kịch đã tạo nên phong cách nghệ thuật u sầu. Cáo sa mạc, Hồn đại mạc, Sói sa mạc và các tác phẩm khác của Quách Tuyết Ba đã mở rộng lĩnh vực khiến độc giả có thể thấy mối quan hệ phức tạp của vạn vật sinh linh trên thảo nguyên Nội Mông Cổ bao la. Giữa con người và động vật có sự phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến sinh thái thảo nguyên chưa bao giờ chịu đựng sự hủy diệt như vậy.
Tác phẩm Mất dấu biển xưa của Hồ Phát Vân lấy đề tài phá núi mở đường khiến con người nhận sự báo ứng dịch bệnh nhiễm trùng. Hiểm họa cát của Trương Kháng Kháng miêu tả nguyện vọng ngây thơ của con người thành lập đội thanh niên thảo nguyên Nội Mông Cổ nhằm tiêu diệt ác điểu. Hiệu quả không biết đến đâu nhưng đó lại là nguyên nhân khiến cho tình trạng chuột thảo nguyên sinh sôi nảy nở, lan tràn và tàn phá thảo nguyên. Ngoài ra Ngọc hồ điệp của Triệu Đại Niên, Phóng sinh của Trần Kiến Công, Ngày cõng nước và Tìm kiếm mặt trời của Ôn Á Quân, ngoài ra còn có Lí Truyền Phong với Con hổ trắng cuối cùng và Chó sói đỏ… đều từ các góc nhìn khác nhau quan tâm đến vấn đề sinh thái [6]. Thậm chí trong Tôtem sói của Khương Nhung, chủ đề chính của câu chuyện là “sói” thảo nguyên, và từ “sói” và qua “sói” tác giả phơi bày bi kịch chuỗi sinh thái thảo nguyên và hệ thống sinh thái thảo nguyên đã bị con người phá hủy như thế nào. Điều này đã đem lại sự quan tâm, thu hút của độc giả với tác phẩm. Chỉ trong hai năm, Tôtem sói đã được tái bản liên tục trở thành một trong những bộ tiểu thuyết sinh thái có ảnh hưởng lớn nhất trong văn học đương đại.
Những năm gần đây sáng tác tiểu thuyết sinh thái dần dần có bước phát triển phồn vinh. So với các phóng sự văn học sinh thái thì tiểu thuyết sinh thái phản ánh cuộc sống phong phú đa dạng hơn, hư cấu tình tiết sinh động, khắc họa tính cách nhân vật rõ ràng nên đã nhận được sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Trong sáng tác tiểu thuyết sinh thái, nhiều nhà văn dụng tâm thâm nhập, nghiên cứu, phân tích nguyên nhân sâu xa sự phá hoại sinh thái, từ góc độ thể chế, góc độ nhân tính nhằm phân tích sâu sắc nguyên nhân khủng hoảng sinh thái. Tuy nhiên, từ tổng thể mà nói, tiểu thuyết sinh thái chưa có nhiều kiệt tác nhưng nó cũng mở ra cho bạn đọc thấy được một diện mạo mới về tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc.
2. Đặc trưng và khuynh hướng trở về thiên nhiên của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc
2.1. Đặc trưng chủ yếu của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc
Tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc đã phá vỡ giới hạn hình thức văn học truyền thống về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Từ góc độ lí luận sinh thái xem xét lại toàn bộ tiến trình văn minh nhân loại, trong đó chủ đề xoay quanh vấn đề triển khai bảo vệ môi trường, nhưng giữa nó (lí luận sinh thái) và văn học môi trường đơn thuần có điểm khác nhau. Phân tích đặc trưng chủ yếu của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc có thể lí giải từ ba khía cạnh sau:
Thứ nhất, tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc đã kế thừa tư tưởng sáng tác tiểu thuyết sinh thái nói chung đồng thời có những đặc điểm mới của tiểu thuyết sinh thái đương đại. Từ thời đại khai sáng, người ta đã đề xướng dùng con mắt lí tính để xem xét thế giới chung quanh, chủ trương phát huy tính năng động chủ quan của con người để tìm kiếm lợi ích tài nguyên vật chất. Tuy nhiên, với sự tiến bộ xã hội, nhận thức của nhân loại về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên dần dần có bước trưởng thành [1]. Nhận thức này có thể nói được thể hiện rất tốt trong sáng tác tiểu thuyết sinh thái.
Thứ hai, một đặc điểm quan trọng của tiểu thuyết sinh thái là thái độ nghi ngờ của nó đối với việc khai thác tài nguyên môi trường, yêu cầu con người quay trở về với thiên nhiên, khôi phục tính huyền bí của tự nhiên, chủ trương con người kính phục tự nhiên. Kì thực sáng tác tiểu thuyết đương đại Trung Quốc rất năng động, nhiều tác giả đã đưa chủ đề này vào trong sáng tác. Lời kêu gọi này đã có ảnh hưởng sâu rộng trong sáng tác tiểu thuyết sinh thái. Thông qua ngòi bút của các tác giả, chúng ta có thể có được hiểu biết toàn diện về giới tự nhiên, trên nền tảng đó có thể thảo luận về sự phát triển mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Tiểu thuyết Bạn trên cao nguyên của Trương Vĩ với ngòi bút tâm huyết với vùng đất rộng lớn đã miêu tả sự giàu có, truyền thống văn hóa của vùng đất cao nguyên nay bị con người khai thác, phá hoại cạn kiệt. Đây là một cuốn tiểu thuyết sinh thái tiêu biểu điển hình của văn học sinh thái đương đại.
Thứ 3, sự phát triển thịnh vượng của tiểu thuyết sinh thái đương đại và sự tiến bộ của lí luận phê bình sinh thái có mối liên hệ mật thiết không thể tách rời. Đặc biệt trong sáng tác tiểu thuyết đương đại, thảo luận về lí luận sinh thái là một trong những chủ đề quan trọng được nhiều sáng tác triển khai. Nhiều cuộc thảo luận về lĩnh vực nội dung này đã cung cấp chất liệu cho sáng tác tiểu thuyết sinh thái. Những chất liệu phong phú này khiến cho sáng tác tiểu thuyết sinh thái thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp, đạt được sự quan tâm đến chiều sâu sinh thái.
2.2. Dấu hiệu trở về thiên nhiên của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc
Những biểu hiện đặc trưng của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc là việc quan tâm đến tự nhiên. Rất nhiều tiểu thuyết sinh thái có dấu hiệu trở về với thiên nhiên, cụ thể biểu hiện ở bốn khía cạnh sau:
Tiểu thuyết sinh thái thông qua phương thức lí luận xã hội dẫn dắt con người kiến lập lí luận sinh thái. Tiểu thuyết truyền thống đều từ góc độ bất bình đẳng mà biểu hiện mối quan hệ giữa tính chủ thể của con người với tính khách thể của tự nhiên. Nhưng tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc lại đặt quan hệ giữa con người và tự nhiên trên một trục bình đẳng để từ đó khám phá ra góc độc mới mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Một mặt, tiểu thuyết sinh thái cho chúng ta thấy được tính hạn chế của lí luận nhận thức về tồn tại xã hội gây nên sự sai lầm đối với vấn đề xử lí tự nhiên [2]. Mặt khác, tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến chủ nghĩa sinh thái. Nó xem xét toàn bộ lợi ích sinh thái tự nhiên với hy vọng xây dựng loại hình quan niệm luân lí mới. Hy vọng với nền tảng như vậy sẽ đặt quan hệ giữa con người với tự nhiên vào hoàn cảnh bình đẳng mới. Trở về với thiên nhiên có thể khiến quan hệ giữa con người và thiên nhiên hài hòa và phát triển. Chúng ta có thể lấy ảnh hưởng sâu rộng của một bộ tiểu thuyết sinh thái để thấy tầm quan trọng của khuynh hướng trở về thiên nhiên. Đó là tiểu thuyết Sói con sa mạc (đại mạc lang hài) của Quách Tuyết Ba. Tiểu thuyết thông qua một loạt câu chuyện kể về quá trình lớn lên của một con sói nhỏ trong gia đình đại tự nhiên như một đứa trẻ. Sói con lấy sa mạc mênh mông làm không gian sinh tồn của mình. Câu chuyện mang màu sắc truyền kỳ về cuộc sống giữa con người và sói con. Tiểu thuyết cũng miêu tả nhiều loài động vật như chó, ngựa, rắn, gà và lạc đà. Những loài động vật này đều ngây thơ, đầy sức sống trong thiên nhiên hoang dã. Thông qua tình cảm thân thiết giữa con người và chó sói, tiểu thuyết biểu đạt tính phổ biến trong quan hệ giữa con người với các loài vật khác nhằm nhận thức lại hoàn hiện thực tế giữa con người với tự nhiên.
Nhiều tiểu thuyết sinh thái đứng trên lập trường lợi ích tổng thể của giới tự nhiên để thể hiện nguy cơ khủng hoảng sinh thái của nhân loại, tiêu biểu như tiểu thuyết Tôtem sói của Khương Nhung. Đây là một tác phẩm đa chủ đề thể hiện nội hàm đa nghĩa phong phú. Thông qua những câu chuyện về sói, tác phẩm tạo nên không khí thần bí, mới lạ khi miêu tả mối quan hệ giữa sói và vạn vật trên thảo nguyên bao la nhằm ca ngợi tín ngưỡng sói của mục dân thảo nguyên. Ý thức sinh thái trong tiểu thuyết này không được thể hiện ra một cách trực diện mà thông qua việc miêu tả cuộc sống, sinh hoạt của sinh linh vạn vật trên thảo nguyên mà ý nghĩa sinh thái mới bộc lộ ra. Thông qua hệ sinh thái thảo nguyên trong tác phẩm, tác giả gián tiếp đề cập đến ý thức sinh thái con người. Những tri thức sinh thái, đạo đức sinh thái và đạo đức môi trường trong tác phẩm cũng hết sức phong phú. Có lẽ đúng như nhà nghiên cứu Lôi Minh đã nhận định ý đồ của tác giả không phải nhằm tuyên truyền ý thức sinh thái tự nhiên nhưng so với một số tác phẩm khác nó cũng là một dạng [8]. Tôtem sói trên thực tế đã đứng trên lập trường lợi ích toàn thể của hệ thống sinh thái để viết. Trong tác phẩm, từ việc miêu tả quan hệ giữa con người và tự nhiên, tác giả dẫn dắt suy nghĩ độc giả đến mất mát rất lớn, nguy cơ đối đầu giữa tinh thần xã hội với khủng hoảng tự nhiên. Có thể cảm nhận dược một mối quan tâm sinh thái được phản ánh mạnh mẽ, nhiệt thành của tác giả trong tác phẩm.
Thông qua miêu tả sự biến đổi của sinh thái để phán ánh chân thực sự tồn tại của con người trong thế giới tự nhiên. Những biến đổi của sinh thái tự nhiêu đều trở thành nguồn đề tài sáng tác của tiểu thuyết sinh thái. Rất nhiều tiểu thuyết sinh thái chú ý quan tâm đến hiện thực sinh thái. Một số tác phẩm sử dụng kỹ thuật phim tài liệu để mô phỏng sự biến đổi của sinh thái tự nhiên. Ví dụ tác phẩm Khả Khả tây lý là tác phẩm điển hình sử dụng thủ pháp này. Theo phong cách của phim tài liệu, cuộc chiến về tài nguyên thiên nhiên trên cao nguyên Thanh Tạng được tác giả miêu tả tinh tế sâu sắc. Nhiều câu chuyện về cuộc sống chân thực được rút ra. Nó miêu tả sinh thái tự nhiên rất tinh tế, đậm đặc không khí của một phóng sự địa lí. Một số tác phẩm khác thông qua quá trình biến đổi của tự nhiên thể hiện cảnh ngộ sinh thái tự nhiên bị tàn phá bởi tiến bộ của văn minh nhân loại. Đây là loại hình sinh thái bị tàn phá bởi cuộc sống con người. Hoặc do sự phát triển nóng của kinh tế thị trường mà nhiều thành phố ven biển được xây dựng, nhiều công xưởng nhà máy mọc lên xung quanh thành phố dẫn đến tổn thất của môi trường. Hoặc sự biến đối môi trường sống của động vật trong lưu vực Hoàng Hà, Trường Giang phản ánh khủng hoảng văn minh khu vực. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật của xã hội tuy đã đáp ứng nhu cầu vật chất cho đại đa số con người nhưng cũng không tránh khỏi việc gây ra tổn hại biến đổi sinh thái [11]. Nhà văn khi đối diện với thực tế này mong muốn thông qua miêu tả biến đổi sinh thái trong tiểu thuyết để kêu gọi mọi người cùng nhau suy ngẫm làm sao để duy trì sự hài hòa giữa con người và tự nhiên như lời hiệu triệu của Sa Thanh “Tự nhiên có thể không thay đổi được nhưng nhận thức con người có thể thay đổi”[dẫn theo 12].
Trong khuynh hướng quay trở về thiên nhiên, tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc có ý nghĩa thẩm mỹ sâu sắc kho nó từ góc độ đời sống xã hội hiện nay để quan sát môi trường xung quanh. Môi trường sống của chúng ta đối mặt với nhiều nguy cơ chưa từng thấy, bao gồm ô nhiễm không khí, thủng tầng ozon, sa mạc hóa đất đai, sự tuyệt chủng các loài động thực vật quý hiếm…Tồn tại trong môi trường đầy rẫy những nguy cơ như vậy, cuộc sống của con người trở nên lo lắng bất an. Các nhà tiểu thuyết sinh thái nhắc nhở con người về hiện thực tàn nhẫn đồng thời lưu ý miêu tả, biểu hiện cái đẹp trong cuộc sống loài người. Trong chủ đề trở về thiên nhiên của tiểu thuyết sinh thái, nhiều tác phẩm đã thể hiện ý nghĩa thẩm mĩ sâu sắc. Ví dụ như Câu chuyện con cá của Trương Vĩ niêu tả hình tượng một cô bé do con cá hóa thân. Cô bé có vẻ đẹp phi thường luôn hấp dẫn mọi người xung quanh. Dưới ngòi bút miêu tả của tác giả cho chúng ta thấy ý nghĩa thẩm mĩ thâm thúy sự tàn phá của nhân loại đối với đại dương được biểu hiện ngay hình tượng “tiểu mĩ nhân ngư”. Bằng cách tạo ra cái đẹp này khiến con người trong thế giới hiện thực đầy nguy cơ này ao ước một sự thay đổi tình trạng hiện nay.
Trong khuynh hướng trở về tự nhiên, tiểu thuyết sinh thái đương đại khai thác rất sâu mảng viết về động vật. Từ thập niên 1980 đến nay, một số lượng lớn các tiểu thuyết viết về động vật được xuất bản, hình tượng động vật ngày càng đa dạng phong phú và trở thành nhân vật chính của tiểu thuyết. Kỹ năng kiếm thức ăn, tán tỉnh bạn tình, tránh nạn và tình cảm phức tạp của động vật được miêu tả trở thành các đầu mối tư sự của tiểu thuyết. Các thủ pháp như ẩn dụ, trượng trưng, thần thoại đã trở thành nguyên tắc nghệ thuật đặc trưng trong sáng tạo của tiểu thuyết viết về động vật. Từ tổng thể mà nói, sự quan tâm đến sinh tồn của động vật trong tiểu thuyết đã phản ánh mức độ nguy kịch của khủng hoảng sinh thái đối với sự bức hại môi trường sinh tồn của các loài vật. Do đó, hình ảnh sinh tồn của nhân loại có liên quan mật thiết với thế giới sinh tồn của loài vật. Hình ảnh con người đánh rơi nhân tính tinh thần hiện ra biểu thị nguyện vọng mong muốn tìm được ngôi nhà cư ngụ tốt đẹp hơn. Sự bùng nổ tiểu thuyết viết về động vật chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực tiểu thuyết trường thiên vì khả năng tự sự của nó lớn, không gian hoạt động rộng và hình tượng, kết cấu bố cục đồ sộ, thể loại tác phẩm đa dạng, chủ đề tàn sát động vật mà tiểu thuyết nêu ra có cơ sở thực tiễn phong phú như Tôtem sói, Cáo trắng trở thành những tác phẩm được độc giả quan tâm chú ý. Còn với truyện vừa, số lượng sáng tác được xuất bản cũng ngày một nhiều. Nghệ thuật tiểu thuyết đã tạo nên sự thay đổi hoàn toàn tính hoang sơ của thế giới tự nhiên thành sáng tác văn học và mở ra những khía cạnh thẩm mĩ nghệ thuật mới. Những tiểu thuyết viết về động vật này đã vượt qua mức độ ý nghĩa giáo dục đơn giản về đạo đức và tình cảm thường thấy trong hình tượng loài vật trong thế giới của trẻ thơ. Trong mô thức tự sự của tiểu thuyết viết về động vật thường phá vỡ cái nhìn thiên kiến hạn hẹp của nhân loại. Câu hỏi về đặc tính tinh thần sinh tồn của nhân loại trong tiểu thuyết viết về động vật của thế kỷ XXI đã thể hiện giá trị cốt lõi và tư tưởng khai sáng lớn lao.
3. Giá trị và hạn chế của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc nhìn từ chủ đề trở về với thiên nhiên
Trên thực tế, sự hưng khởi và biểu hiện đột phá khuynh hướng trở về thiên nhiên của tiểu thuyết sinh thái trong văn học đương đại Trung Quốc có mối liên hệ không tách rời. Đây là kinh nghiệm của văn minh hậu hiện đại khi họ quay lại nhìn thế giới đã qua đi, đột nhiên thấy mình đối diện với nhiều nguy cơ khủng hoảng và cảm thấy hoang mang, bối rối. Nhiều nhà văn có ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh thời đại, đối diện với hoàn cảnh này, họ lựa chọn thông qua tác phẩm với sự kết hợp thủ pháp tưởng tượng và hiện thực phơi bày những biến đổi sinh thái dẫn dắt độc giả thâm nhập vào thế giới sinh thái. Khi nhân loại nhận thức sự biến đổi sinh thái tự nhiên thông qua tác phẩm sẽ làm nảy sinh tình cảm mạnh mẽ trở về với thiên nhiên. Những sáng tác tiểu thuyết sinh thái đặt vấn đề xem xét lại lí luận đạo đức nhân loại mà không hề làm giảm đi thành công của nó. Về phương diện miêu tả hình tượng trung tâm, tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc đã dần dần thoát khỏi quan niệm “dĩ nhân loại vi trung tâm” mà thông qua miêu tả tính khách quan của tự nhiên để mở rộng tính cộng đồng giữa con người và tự nhiên [9]. Dưới ý tưởng sáng tạo như vậy, nhiều tác phẩm đã hoàn tất việc thay đổi địa vị hình tượng con người và động vật trong tiểu thuyết trở nên bình đẳng đã tạo nên sức sống của tiểu thuyết sinh thái. Trước hiện trạng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và sự tàn phá thảm thực vật trên hành tinh, con người cần phài khẩn cấp thay đổi hiện trạng này, song trên thực tế người ta thường lâm vào trạng thái bối rối. Tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc quan tâm nhiều đến tự nhiên khiến con người hiện đại cảm thấy lo lắng quan tâm đến tự nhiên hơn, vì thế ý thức sinh thái trở nên rõ ràng. Dưới chủ đề trở về với tự nhiên, tiểu thuyết sinh thái đương đại đã kiến tạo một thế giới hài hòa giữa con người và tự nhiên trong một xã hội đang phát triển.
Mặc dù tiểu thuyết sinh thái đương đại trong quá trình hơn 30 năm phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu không nhỏ song vẫn không khỏa lấp được một số tồn tại hạn chế:
Thứ nhất, một bộ phận tác phẩm vì phân tích thực trạng mà bình luận, thể hiện thái quá về tư tưởng sinh thái hoặc nặng tính phổ biến khoa học mà tính nghệ thuật tiểu thuyết thì yếu; Nội dung đề tài còn hạn hẹp, để mở rộng và đào sâu thì hiện nay đề tài tiểu thuyết sinh thái chủ yếu tập trung vào vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng, suy thoái đồng cỏ, tàn sát động vật, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, một số khía cạnh của văn minh công nghiệp đã làm xói mòn và phá hoại văn hóa truyền thống. Phạm vi sáng tác của đề tài cần phải mở rộng và đào sâu hơn nữa như phương thức của con người và hệ sinh thái, hình thái xã hội, kinh tế chính trị, quan niệm giá trị, tư tưởng triết học, tương quan thế giới cảm xúc tình cảm con người với tự nhiên. Không ít tiểu thuyết còn biểu đạt một cách đơn giản, phần nhiều là tả thực, mặc dù có sự cường điệu hóa mức độ khủng hoảng sinh thái, nhưng việc thiếu kinh ngiệm biểu đạt cảm xúc thẩm mĩ đối với thế giới, quá nhấn mạnh hô hào và can thiệp đối với hiện thực sinh thái tự nhiên, bỏ qua chiều sâu của sinh thái tinh thần và sinh thái văn hóa nên chưa thể đạt đến việc tạo dựng quan hệ sinh thái tự nhiên, sinh thái xã hội và sinh thái tinh thần. Nghệ thuật nếu chỉ là “bản sao” của hiện thực thời đại, không thể phản ánh tương lai thì đó chỉ là thứ nghệ thuật cắt xén, vụn vặt, “một thứ thứ nghệ thuật đoản mệnh khi nó làm ngơ sự thay đổi môi trường xung quanh thì ngay lập tức nó đã khai tử về mặt tinh thần” [4.16]. Các nhà bình luận đã chỉ ra hiện trạng bất cập của tiểu thuyết sinh thái đương đại Trung Quốc: “Từ phương diện sáng tác mà xem chúng ta hiện nay vẫn còn hứng thú với đề tài ô nhiễm môi trường. Điều này tất nhiên là cần thiết nhưng nhìn tổng thể mức độ phản ánh vấn đề sinh tồn của con người còn thiếu sự chú ý đến nhân tính con người, nhận thức về trái đất, nhận thức vũ trụ, chưa suy nghĩ và quan tâm đến liên ngành triết học, văn nghệ học, sinh thái học, tâm lí học và nhiều lĩnh vực có thế nắm bắt được thì rất khó để viết một cách sâu sắc…..Trên thực tế thì việc biểu hiện quan hệ giữa con người và tự nhiên nếu như không thâm nhập sâu và thế giới tinh thần con người thì việc biểu hiện cũng chỉ hời hợt bên ngoài” [5]. Điều này rất dễ dẫn đến khuynh hướng phi văn học của tiểu thuyết sinh thái khiến cho các sáng tác và nghiên cứu chỉ quan tâm truyền đạt giá trị tư tưởng sinh thái và phơi bày hiện thực khủng hoảng sinh thái mà coi nhẹ giá trị thẩm mĩ của tác phẩm văn học cũng như khả năng biến đổi nghệ thuật của tác giả được thể hiện ra ở khả năng tự sự. Đối với tiểu thuyết sinh thái, điều này tuyệt không có ý nghĩa phủ định mà là sự kiện quan hệ đến hiện thực sinh tồn và tương lai phát triển của nó, liên quan quan đến sự định vị tiểu thuyết sinh thái và kiểm nghiệm tư chất nghệ thuật của nhà văn. Bởi lẽ, cuộc sống tự nhiên luôn vận động vì nó tuân theo bản nguyên thiên tính, nhưng nếu thiếu nội hàm tinh thần sâu sắc bên trong hay sự miêu tả của tác giả không thể chạm đến tâm linh thì văn học nghệ thuật sẽ chỉ thu được tư tưởng hiện thực mà không có khả năng nuôi dưỡng được tình cảm cảm xúc và chân lý nghệ thuật. Từ đó cho thấy, những tác phẩm thiếu sức mạnh nội tại, không thể phát huy tư tưởng mới mẻ trở nên bất lực và cô độc. Tiểu thuyết muốn thông qua thực hiện chủ đề sinh tồn của cộng đồng nhân loại trong hệ sinh thái để khám phá ý nghĩa đời sống cá nhân, định hướng tư tưởng con người nếu chỉ trong phạm vi bản thân chủ đề sinh thái thì vẫn chưa đủ. Muốn mở rộng suy nghĩ và theo đuổi câu hỏi ý nghĩa sinh tồn cuộc sống mà trong tiểu thuyết chỉ có hình tượng hiện thực và cảm xúc đơn giản thì thật chưa ổn. Vấn đề sinh thái là vấn đề văn hóa, vấn đề lịch sử do đó từ cấp độ cá thể và tập thể nên để con người nhận thức vấn đề sinh thái mà không cần né tránh. Đối với vấn đề sinh thái, nhân loại vẫn tiếp tục đặt câu hỏi để từ đó tìm được lối thoát, cụ thể lối thoát tinh thần. Đó là lối thoát của văn học sinh thái nói chung và tiểu thuyết sinh thái nói riêng. Nhà văn phải dũng cảm đối diện với bất kỳ nhu cầu nào của đời sống dù đó là nhu cầu phản ánh hiện thực hay siêu thực.
Thứ hai, tình trạng tụt hậu của lí luận phê bình sinh thái, đặc biệt thiếu sự chỉ đạo của triết lý sinh thái và tư tưởng thi học nên ý thức sinh thái được thể hiện còn phân tán, thiếu tập trung, đầy cảm tính cũng như sự đào sâu, kế thừa đề tài và tư tưởng sinh thái trong truyền thống văn hóa, văn học Trung Quốc là chưa đầy đủ. Chúng ta thường quá nhấn mạnh những gì phương Tây mang lại mà thường bỏ qua di sản tư tưởng phương Đông. Trong quan niệm triết học “thiên nhân hợp nhất” của Trung Quốc, tư tưởng sinh thái đậm đặc hơn nhiều so với truyền thống triết học “thiên nhân tương tranh” của phương Tây. Những mệnh đề triết học sinh thái từng được các tư tưởng gia nêu ra như “thượng hạ dữ thiên địa đồng lưu”(Mạnh Tử); “nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên” (Lão Tử); “thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất” (Trang Tử) hay “việt danh giáo nhi nhiệm tự nhiên” (Kê Khang). Chu Đôn Di từng nói “thánh nhân và thiên địa hợp với mệnh đề Đức” hay Vương Thủ Nhân từng đề xuất “tâm vô thể, lấy thiên đại vạn vật cảm ứng làm một”. Quan niệm của Vương Dương Minh “làm sáng rõ các đức của con người cũng là làm rõ thể thống nhất giữa con người và vạn vật”… Những mệnh đề triết học trên đều từ các góc độ khác nhau biểu thị quan niệm tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của triết học Trung Quốc có tính giá trị cao cần được nghiên cứu kế thừa.
Thứ ba, thủ pháp biểu hiện và hình thức nghệ thuật còn đơn điệu nên tiểu thuyết sinh thái vẫn chưa hình thành đặc trưng nghệ thuật của riêng mình. Một số tác gia biểu đạt tư tưởng tình cảm đối với vấn đề sinh thái một cách trực tiếp và thái quá, đơn điệu nên chưa thể hiện được đặc điểm phong cách và diện mạo phong phú đa dạng, biểu đạt cảm xúc trước vấn đề sinh thái còn hời hợt, cứng nhắc. Không nên để cho thế giới tự nhiên, trái đất, cuộc sống đi vào văn học một cách tự do như vậy, mà nên từ trong sinh mệnh của văn bản để nó được lớn lên từ mặt đất. Hơn nữa, các tác giả chủ yếu đứng từ lập trường quan điểm chủ quan phản ánh những vấn đề sinh thái mà mình tâm đắc nhất, tính định hướng tình cảm của tác phẩm khá rõ nên không tạo được không gian tưởng tượng để độc giả đồng sáng tạo. Hình tượng văn học sinh thái thiếu sức sống do tác giả mới chỉ dừng lại ở miêu tả bề mặt của sự kiện sinh thái mà chưa chuyển hóa hiện thực sinh thái đó thành năng lực tưởng tượng và kỹ xảo tâm lý. Không ít tác phẩm mức độ biểu đạt vẫn còn đơn giản như chỉ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên quê hương và nhân tính hóa động vật. Nhìn từ thể loại văn học sinh thái đương đại Trung Quốc, so với phóng sự sinh thái, thi ca sinh thái và tản văn sinh thái thì tiểu thuyết sinh thái có nhiều thành tựu hơn. Song về mặt nội dung và hình thức biểu hiện còn đơn điệu chưa có nhiều mới mẻ đột phá. Ngoài ra, ngôn ngữ biểu đạt, sáng tạo hình tượng, thủ pháp nghệ thuật và nhiều khía cạnh nghệ thuật khác còn chưa thoát ra khỏi tư duy tự sự và thói quen biểu cảm truyền thống, cá tính nghệ thuật của tác giả vì thế cũng chưa rõ ràng, chưa có những sáng tạo mới mẻ. Văn học là một hình thái ý thức thẩm mĩ, từ quan điểm thẩm mĩ xem xét sự tồn tại của con người nên không thể đồng nhất nó với luân lí đạo đức, triết học và khoa học. Chỉ có văn học mới có thể làm cho con người tiến vào cảnh giới giải phóng tự do, quan tâm tới cùng hạnh phúc sinh tồn của con người. Văn học có cá tính và phẩm chất thường có sức dẫn dắt cảm hóa lớn. Văn học phản ánh cái đẹp của hiện thực qua đối thoại dưới nhiều hình thức khác nhau, nó giúp độc giả nhận ra ý nghĩa đẹp đẽ của đời sống. Nếu như không xuất phát từ khía cạnh thẩm mĩ của văn học, có thể dẫn đến sự lầm lẫn đánh đồng giá trị và ý nghĩa văn học với triết học, đạo đức học và khoa học. Tất nhiên văn học không thể bị mất đi sức hấp dẫn đặc trưng và giá trị tồn tại tự thân của nó.
Khí ý đồ sáng tác đã được xác định thì viết cái gì và viết như thế nào rất quan trọng. Sinh thái học là ngành có nội hàm và ngoại diên rất rộng nên tình cảm sinh thái hay quan điểm sinh thái cũng cần phải đa dạng, phong phú. Làm thế nào để thể nghiệm được cảm xúc sinh thái, tăng cường nội hàm thẩm mĩ cho tiểu thuyết sinh thái, sử dụng phương thức nghệ thuật và phương tiện ngôn ngữ như thế nào nào để sáng tác tiểu thuyết sinh thái đều là những vấn đề quan trọng được các tác gia sinh thái quan tâm đặc biệt. Các nhà văn không thể chỉ có mỗi cách cảm nhận, miêu tả tự nhiên giàu tính thơ như một quán tính được hình thành trong tự sự truyền thống. Tiểu thuyết sinh thái tuy không chủ trương phải là chủ nghĩa sinh thái nhưng nó có tầm nhìn và triển vọng phát triển trong không gian rộng lớn của đời sống văn học. Sáng tác tiểu thuyết sinh thái do đứng trên lập trường sinh thái nên đều có ý thức tưởng tượng và ý thức sinh thái. Điều này khiến cho tiểu thuyết sinh thái thúc đấy một cách hiệu quả ý thức bảo vệ sinh thái trên thực tế. Với tư cách một thể loại đang tràn đầy sức sống, nhận thức của tiểu thuyết không phải chỉ hời hợt ở hiện tượng bên ngoài, nó có thể chạm đến tầng sâu của hiện thực, đời sống, tín ngưỡng để nhận thức, cảm thụ và biểu tượng hóa cũng như tìm ra cách thức diễn đạt phù hợp để cho văn học sinh thái nói chung và bản thân nó nói riêng từ nội dung đến hình thức biểu đạt có sự đột phá mới mẻ. Đó sẽ là một chặng đường dài, đầy gian khổ nếu như nó chưa xác lập được một mô hình nghệ thuật của tiểu thuyết sinh thái đích thực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 赵树勤、龙其林,当代中国生态小说的发展趋势 [J],文艺学,2008.03
2.马兵,自然的返魅之后―论新世纪生态写作的问题[J],中国现代文学研究丛刊,2011.06
- Đỗ Văn Hiểu, “Phê bình sinh thái khuynh hướng nghiên cứu văn học mang tính cách tân”, Tạp chí sông Hương, http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p0/c7/n11088/,đăng ngày26/11/2012.
- 康定斯基,论艺术的精神 [M]。北京,中国社会科学出版社,1987 页16.
- 王克俭,生态文艺学,现代性与前瞻性[N]。文艺报,2000-4-25
- 杨剑龙,生态危机、生态文学与生态批评 [N]。文汇报,2004-6-6
- 杨剑龙,周旭峰, 论 中 国 当代 生 态 文 学创 作, 上 海师范 大学 学报, 2005年 3月 第 34卷 第 2 期.
- 雷鸣,中国当代生态小说几个问题的省思 [J],北方文丛. 2008. 04
9 雷鸣,抵抗与反思:现代性症候的生态小说 [J],山东师范大学学报,2009.01.
- 温越,生态文学的发展生态论析 [J],甘肃社会科学,2008. 03.
11.吴怀仁,皈依与升华:人类的诗意栖居论当代生态小说的回归想象[J],江淮文丛,2011.05.
- 茹晴.九成城市水域污染严重 [N].中国经济时报 ,2000一 08一01.
Summary: Ecological novels are a type of novel composition that is primarily concerned with ecological content and aspects. China’s contemporary ecological novels break the traditional literary limits on the relationship between man and nature and, from the perspective of ecological reasoning on human civilization, so theme of the novel Ecology revolves around the issue of environmental protection. With the theme of returning to the nature of contemporary Chinese eco-novels showing signs of development, writers hope to stimulate human interested on this subject to overcome the ecological crisis in modern civilization to create a harmonious world between man and nature. The article is based on the narrative condition of modern ecological novels and its tendency to return to its natural state for analysis and evaluation the values achieved as well as the limitations of the tendency of this ecological novel
Keywords: ecological novels, nature, literature, ecological consciousness.