Xóm chân cầu: Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Quang

Trở lại xóm chân cầu. Khai vẫn còn như bàng hoàng trước sức tàn phá của bom Mỹ. Anh tưởng không bao giờ gặp cảnh tượng này có thể xảy ra được. Anh lặng nhìn căn nhà sập đổ còn trơ những rui mè nứa lá ngổn ngang; những hố bom khoét sâu thành thùng thành vũng hầu như không có chỗ nào mặt đất còn phẳng phiu; hàng phi lao dọc đường tàu trơ trọi cành lá bừa bộn … Khai không còn nhận ra được đâu là nơi ở của mình nữa.

Thật ra anh không ngờ lúc ấy mình lại còn sống được. Ngồi trong hầm, anh thấy đất đá bay vèo vèo, chung quanh bụi mù đen đặc, người anh cứ chao đi, đầu óc như ù lại. Dứt tiếng bom, anh liền vọt lên thấy nhà mình cùng nhiều nhà bà con khác đã bị sập.

Lấy vạt áo lau qua mặt, Khai xốc bó tre nứa lên vai, ngước nhìn vợ:

– Ta nhặt những cây dài có thể dùng được. Còn vụn quá thu vào một đống sau này mà đun.

Ngát nhăn nhó:

– Gãy nát cả rồi. Những thứ này chỉ cho vào bếp là gọn thôi.

Suốt đêm qua, Khai chỉ chợp mắt được một lúc, nên hôm nay rất mệt, nhiều lúc người cứ thừ ra, nghĩ đến công việc không làm được. Hòa bình rồi phải có một căn nhà để cho vợ con ra vào chứ, mọi người đã về đông về tây cả rồi. Thế là anh xin nghỉ phép sáu ngày về dựng lại nhà. Nhìn về phía cầu, Khai bảo vợ:

– Ta dọn nhanh nhanh, cố gắng tranh thủ ngày mai dựng được thì tốt.

Ngát đưa tay gạt mồ hôi. Mặt Ngát đỏ bừng, nhọ nhem những bụi, vơ vội bó nứa gọn vào một chỗ. Quay ra, Ngát vấp phải hòn đá đau dại cả chân, giá như mọi khi Ngát đã la inh lên, nhưng lần này, Ngát chỉ lầu bầu một mình.

Khai quay lại thấy vợ nhăn nhó, anh vừa thương vợ vừa căm thằng Mỹ. Gia đình anh đang ấm êm đoàn tụ, xóm chân cầu sớm tối vui vẻ thì bỗng dưng chúng làm tan nát cả. Bây giờ phải vất vả thế này. Mấy năm chiến tranh, mấy lần làm nhà thật tốn của, tốn công. Nghĩ đến mình, Khai lại nghĩ đến người anh, đến bà con trong xóm … chẳng ai là không lận đận long đong.

Trước kia, hai an hem ở chung một nhà bên Thượng Lý, nhưng xóm anh đã bị xan bằng. Hết chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Khai chuyển ngôi nhà từ Cao Kênh, chỗ sơ tán, về dựng ở khu chân cầu. Nơi đây gần song, thoáng mát và mái tranh không phủ một lớp bụi xi măng đen nhẻm nữa. Khai vẫn mơ ước được ở gần song, cảnh song nước đối với anh hấp dẫn lạ lung. Thuở nhỏ đi học, Khai rất thích bơi lội. Vào những trưa hè nóng nực, Khai thường rủ các bạn ra song Hạ Lý cùng nhau hụp lặn thỏa thuê. Những năm chưa có chiến tran, Hải Phòng vẫn hay có những cuộc thi bơi lội, nhiều lần Khai giật gải, hay những buổi tối mù sương, học bài xong, Khai lại vác chiếc cần dài vót nhọn ra chân cầu thả mồi. Những con ngạnh song tục ăn và béo nục tranh nhau cắn. Khai chỉ ngồi một lúc là có năm sáu con to bằng cổ tay mang về nấu với canh chua hoặc rán vàng lên chấm với nước mắm Cát Hải, ngon tuyệt!

Ngày ấy, anh em trong tổ đến giúp một ngày là dựng xong căn nhà. Hai gian nho nhỏ, cửa trông ra sông, lúc nào cũng mát như đàn vậy. Khai trồng thêm mấy cây bạch đàn trước cửa cho đẹp, giống bạch đàn chóng lớn, chỉ sau một năm đã cao hơn đầu người … Chả mấy nữa, Khai có thể làm một căn nhà rộng rãi toàn bằng gỗ bạch đàn thơm phức. Một hôm, anh trai ở trong phố ra chơi, ngắm cảnh xóm chân cầu, anh mê lắm. Sau đó anh bàn với Khai nối thêm hai gian nữa, anh ra ở cho vui.

Nếu vậy thì tuyệt quá! Anh em lại được sống bên nhau. Cũng từ đấy, thường sớm tối anh em quay quần, các bạn trong xóm đến chơi nữa. Rồi cả anh Căn giáo viên trong phố cũng hay lại. Đôi khi còn bàn đến cả chuyện văn hóa, sân khấu, phim ảnh khá sôi nổi. Mùa hè có trăng, trải chiếu ở sân ngồi với ấm trà ngon. Được cái sân nhà anh khá rộng, cả xóm tập trung cười nói ran ran. Mỗi người đóng góp một câu chuyện riêng. Bác Chi khoe thằng con trai lớn đã trúng tuyển nghĩa vụ, chị Thảo kể về xí nghiệp Thảm len của mình đã hoàn thành kế hoạch quý 2, anh Hòa báo một tin nóng hổi về quân giải phóng đang bao vây Quảng Trị. Chuyện nào, mẩu tin thời sự nào cũng được người nghe chú ý. Ngày hôm sau, giá không phải đi làm có lẽ họ còn ngồi lâu hơn nữa.

Nhưng các buổ tối trẻ con xúm đến đông nhất là bên nhà ông Ngạc. Đèn đất sang trưng đặt ra giữa sân để cho chị em tập văn nghệ tiết mục. Ông Ngạc ngồi xếp bằng tròn ở đầu chiếu, hai tay vung tít nhịp trống và cặp mắt say nhìn theo từng động tác của các diễn viên. Thỉnh thoảng ông lại “A” lên một tiếng thật to đế theo câu hát gật gù khoái trí, rồi tay lại giơ cao dùi,  gõ mạnh xuống mặt trống bung bung cắc … Ông phụ trách văn hóa quần chúng ở một nhà máy, đồng thời kiêm đội trưởng văn nghệ. Nhìn mái tóc hoa râm, chẳng ai bao ông ấy say văn nghệ có thể quên ăn quên ngủ. Ấy thế, nhiều lần vợ ông đã phải phàn nàn bữa cơm canh nào cũng nguội! Nhưng được cái ông dễ tính, ăn thế nào cũng xong. Đám trẻ nhà Khai chẳng mấy khi chịu vắng mặt những đêm văn nghệ như thế. Đôi khi thằng Sáng nghe hát quên cả học bài và còn bắt chước những vai trong vở kịch hay vở chèo, hát i a vang cả nhà. Khai đã có lần nói với vợ: “Thằng này hỏng. Bài không học chỉ mải xem người ta hát thôi”.

Xóm chân cầu ngày ấy lúc nào cũng nhộn nhạo khác thường, cái nhộn nhạo hấp dẫn và cuốn hút. Ngày cũng như đêm, cuộc sống ở đây không ngừng hoạt động. Chốc chốc lại một đoàn tầu hỏa suỳnh suỵch phóng qua hoặc những chiếc xe tải lăn bánh trên ván cầu rầm rầm. Về đêm, mặt song như mênh mang mờ ảo, xa xa chấp chới ánh đèn của dãy nhà hai tầng rọi xuống lung linh … Bất chợt chiếc ca nô chạy qua, chân vịt sục nước đánh song vào mạn bờ, tiếng còi rúc lên nhè nhẹ, ngân dài xen vào đấy tiếng quát ầm ã của mấy anh chân sào. Lắm lúc Khai có cảm giác nơi đây tập trung tất cả mọi hoạt động của thành phố Cảng. Ngày đầu chưa quen, Khai có cảm giác khó chịu vì đêm đêm anh thường phải thức giấc nhiều lần, giấc ngủ bị cắt quãng. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau quen dần, chính anh lại thấy dễ chịu. Đôi khi vắng những tiếng động ấy, anh thấy như thiếu vui, thiếu hứng thú ngay cả trong giấc ngủ.

Thường thường những lúc đi làm về tới dốc cầu, xuống xe đạp, tự dưng Khai thấy người nhẹ nhõm hẳn và quên hết mệt mỏi. An hung dung dắt xe qua hành lang cầu ngó nghiêng xuống dòng sông, nước trong xanh đầy ắp. Từ xa anh đã nhìn thấy cái xóm thân yêu của mình hiện ra, những nếp nhà tranh nho nhỏ, nối tiếp nhau bao bọc quanh phía chân cầu, cửa nhìn ra song thoáng đãng. Kia rồi, căn nhà của anh nằm chênh chếch bên đầu xóm, cánh cửa màu xanh luôn mở rộng. Thằng Sáng con trai lớn đang học bài ở hiên, thỉnh thoảng lại đưa mắt lên phía đường ngắm người qua lại, còn mấy đứa nhỏ chơi đùa ở sân. Tất cả gợi trong anh niềm than thiết bồi hồi …

Buổi sang hôm sau, hai vợ chồng Khai đến thật sớm, đã thấy đội cầu đang tíu tít bắt tay sửa chữa lại cầu xe hỏa. Mặt sông, nước triều dâng lên đầy ắp mượt mà phù sa. Máy nổ vang lên xình xịch, át cả tiếng động khác trong thành phố vọng ra, khiến cho không gian ở đây náo nwac hẳn lên. Lửa hàn bay tung trên nóc cầu nổ tanh tách kiến Ngát khó chịu vì ngửi không quen, hắt hơi liền mấy cái, quay ra nhăn nhó bảo chồng:

– Có lẽ họ chuẩn bị làm cầu mới rồi anh ạ.

Hình như Khai không chú ý đến câu nói của vợ, đôi mắt anh đăm đăm nhìn về phía cầu, chiếc đà nổi nằm ngang choán hết dòng sông rộng, không khác gì một chiến hạm. Trên đà đặt máy móc, tời, dụng cụ đồ nghề giống như một cái xưởng vậy. Chừng hơn chục an hem thợ, người nào người ấy đang khẩn trương gấp rút. Nước da ai cũng xạm đen vì nắng gió, khuôn mặt rắn rỏi cương nghị. Trong lòng Khai như sẵn cảm tình với họ từ lâu. Cách đây hơn mười năm, anh đã từng làm thợ cầu, nhưng hồi ấy đâu được trang bị hiện đại như bây giờ. Anh nhớ ngày bắc cầu Việt Trì mới gian khổ chứ! Sông thì rộng nước chảy như thác, ai cũng tưởng phải bó tay trước khó khăn ấy.

– Bây giờ trông còn ngổn ngang thế đấy. Ta xong nhà họ cũng xong cầu cho mà xem, mấy ông này phải nói là thánh lắm.

Ngát không tin:

– Cái nhà của mình giỏi lắm năm ngày nữa chứ bao nhiêu. Anh tưởng làm một chiếc cầu cũng dễ dàng như vậy ư?

– Khai gật gù đáp:

– Rồi em xem, đừng bảo anh nói khoác.

Khai vẫn để ý tới công việc của anh em đội cầu. Cô thợ hàn chạy lên chạy xuống và máy điện đang nổ bỗng dưng tắt đột ngột. Anh đội trưởng vội vôi vàng vàng với nét mặt lo âu. Có lẽ anh em gặp khó khăn gì đây? Khai bước tới và bỗng anh kêu lên, ôm chầm lấy đội trưởng cầu:

– Ôi Cường! Chúng mày làm gì ở đây hở?

Cường còn có vẻ mừng hơn Khai, vui vẻ đáp:

– Lại mày đấy ư Khai? “Vua hàn” đây rồi. May tao quá!

Khai không ngờ gặp lại bạn cũ, cách đây mười năm họ cũng đi làm cầu với nhau. Anh tâm sự:

– Ấy tao đang dựng lại cái nhà. Có cái lều tre thằng Ních-xơn chó má làm sập. Bây giờ phải dựng lại.

Khai nhìn trụ cầu đứng chênh vênh giữa lòng sông rộng. Một nhịp bị cắt rời khỏi trụ, đầu chúc xuống và nhìn những mảnh bom xuyên qua lở loét, thanh chắn quằn quại, vênh váo, Khai đậm đà hỏi:

– Bây giờ các cậu cho cẩu hay cắt toàn bộ nhịp cũ đi?

– Phải bỏ toàn bộ cậu ạ, không dùng một cái gì cũ nữa. Cầu mới lắp ghép xong rồi, chỉ việc dùng cẩu đưa vào thôi. Ấy chính khâu này lại dễ, khó khăn của mình là thiếu béng nó thằng thợ hàn. Tối qua không hiểu thế nào mà lăn đùng ra ốm, đi cấp cứu rồi. Thế mà lịch thông cầu vẫn không đổi mới chết chứ!

Cường nói dứt câu, khẽ thở dài ý lo lắng. Khai rít xong hơi thuốc ngửa cổ thở khói, vỗ nhẹ lên vai anh đội trưởng:

– Tớ sẽ lôi về cho các cậu một tay thợ.

Đội trưởng nửa tin nửa ngờ, xiết mạnh tay Khai:

– Nếu thế thì tốt quá, hay mày bỏ nhà đấy, giúp tao có được không?

– Để còn xem xem – Khai lấp lửng.

*

*   *

Buông bát đũa, Khai uống vội bát nước bảo vợ:

– Kế hoạch làm nhà của mình tạm hoãn em ạ.

Ngát đang và cơm, quay sang chồng hỏi lại:

– Sao vậy? Anh định ở đâu bây giờ? Mọi người về đông về tây dựng nhà ầm ầm. Đấy anh xem chỉ vài ngày nữa thôi nhà cửa xóm mình lại như bát úp. Chỉ có nhà mình là chậm chạp nhất.

– Em đừng lo. Tất cả rồi sẽ đâu vào đấy hết.

Ngát vùng vằng vẻ như giận dỗi với chồng:

– Anh thì lúc nào cũng chẳng lo. Mấy ngày nữa anh định làm gì?

Khai nhẹ nhàng nói với vợ:

– Anh bàn thế này nhá. Chiều nay em cứ đắp nền trước đã, xong nền ta dựng. Con cái thì hãy gửi tạm dưới đó.

Ngát lầu bầu:

– Anh định sao cũng phải nói cho vợ con biết chứ?

Cuối cùng Khai thấy mình cũng chẳng nên giấu vợ làm gì. Nhưng nói ra có thể Ngát sẽ ngăn cản anh. Đắn đo một lát, Khai mới nói thực cho vợ nghe ý định của mình:

– Bây giờ thế này Ngát ạ. Anh em đội cầu gặp khó khăn, lại vì thằng đội trưởng là bạn cũ của anh. Anh định giúp nó một chốc.

Ngát lặng thinh. Anh hiểu sự lặng thinh của vợ. Công việc làm của nhà Khai thực ra cũng đang bận lắm. Hai vợ chồng phải tranh thủ làm cả buổi tối hôm qua. Ý vợ là muốn có nhà ngay để mang con về. Nhưng Khai lại nghĩ khác. Hòa bình rồi cứ thong thả, làm gì phải gấp rút cho vất vả. Mình có giúp anh em đội cầu chốc lát cũng chẳng sao. Sớm muộn một hai ngày nữa là có nhà ở rồi. Anh em họ gặp khó khăn cũng như mình gặp khó khăn vậy. Ừ, giá như mình không biết nghề đã đành. Tính Khai có cái lạ, biết mà không giúp, lương tâm cứ áy náy thế nào ấy. Thấy vợ bằng long, rất mừng. Khai cười vui vẻ bảo Ngát:

– Dứt khoát hai ngày nữa ta sẽ xong. Độ sơ tán về lần trước, em còn nhớ không, chỉ có hai vợ chồng dựng một đêm đã thành khung nhà, sang hôm sau bác Nguyễn và chú Dậu cùng anh em trong tổ đến cắm tường, cắm vách và lợp vừa vặn một ngày đã chu tất mọi việc.

… Cốc nước chè tươi pha đường đã nguội, Khai vẫn chưa chịu quay ra uống. Làm suốt từ sang tới giờ chẳng phải là anh không khát, mà trời nắng như thế, nhưng Khai muốn xong đã. Mình giúp anh em thì phải giúp đến nơi đến chốn, chằng gì cũng mang tiếng …

Mũi hàn của Khai vẫn dũi đều trên mặt thép, bàn tay anh điều khiển có vẻ thoải mái lắm. Khói hàn phun ra mù mịt loang loáng trên mặt sông rộng mờ mờ tựa như hơi sương sớm.

Đội trưởng cầu lại đến bên giục Khai:

– Nghỉ tay làm chén nước điếu thuốc cho tỉnh rồi ta lại tiếp tục anh bạn ơi.

– Tôi sắp xong rồi đây, các cậu cứ uống đi!

Khai đáp vậy thôi chứ giữa lúc công việc đang gay go này lẽ nào lại rời tay kìm được. Danh dự của một người thợ! Mình đã nhận không có lí gì lại bỏ dở được. Khai cứ tưởng chỉ làm một lúc là xong, ai ngờ lại rắc rối là vậy? Bây giờ dù muốn hay không cũng phải cố gắng.

Xoay lại thế đứng, Khai ngước về xóm mình. Trong ánh nắng chói chang của chiều hè lúc nào cũng hừng hực như lửa, anh thấy Ngát đang gánh những gánh đất đầy ắp từ bờ song về đổ nền. Cạnh đó nhà trường cũng đang dựng cột nhà. Mấy ông thợ vừa làm vừa hát vọng cổ. Tre nứa của ai kia đang chuyển về lao qua đường tàu xuống … Anh Hòa dáng đi chữ bát ấy, đúng là anh ta chứ không còn ai. Hòa vác một bó nặng toàn bạch đàn, phi lao, chắc thế nào anh cũng phân phối cho mỗi gia đình một ít để trồng. Mấy trận bom, dãy bạch đàn của Khai thế là sạch hết.

Đặt chén nước xuống, Khai hồ hởi nhìn lên trụ cầu, rồi quay vào nói với Cường:

– Tớ rất lo các cậu ạ, làm mà chưa tin, bởi máy hàn chưa đủ lửa.

– Hôm nay điện đóm tồi quá! Thợ xoàng thì chỉ có ngồi ôm bó que hàn mà khóc thôi.

– Dịp đầu năm ở xưởng mình cũng gặp một trường hợp như thế. Nhờ lần ấy mà bây giờ rút ra được một số kinh nghiệm.

Đội trưởng ngồi xích lại bên Khai, vẻ khẩn khoản:

– Cậu xem có thể đêm nay giúp chúng mình nốt được không?

Khai im lặng. Đội trưởng cầu vẻ mặt lo lắng nhìn về khu vực xóm chân cầu thấy nền nhà của Khai đã cao, tre nứa xếp ngổn ngang, chỉ còn chờ dựng. Anh quay vào đập nhẹ tay lên đùi Khai thân mật:

– Bây giờ thế này nhé, mình sẽ đổi cho cậu một tay biết làm nhà. Như thế là công việc của mình và cậu đều không bị chậm trễ. Đồng ý chứ?

Khai gật gù, nhẹ nhàng thở khói thuốc:

– Được nhưng mà các cậu có thiếu người không?

Buổi tối hôm qua ngồi uống nước chè bên nhà bác Hòa, mọi người có bàn đến căn nhà mới của anh. Chị Thảo hứa sẽ cho anh ba bó rơm trát vách, anh Hòa mấy cột ngang bè, bác Nguyễn dăm cây tre … Thế là Khai chẳng còn lo thiếu nguyên liệu nữa, ngoài số nhà nước cho thêm. Bà con còn hứa ngày mai chủ nhật mỗi người sẽ hộ anh một buổi, song Khai vẫn ngần ngại, vì có ngày nghỉ gia đình nào cũng bận. Xóm chân cầu về có lẽ đã gần đủ, riêng cụ Khoan dạo này xuống Lạc Viên ở với người con rể, tuy cụ có con trai nhưng các anh đã đi chiến đấu cả. Ai cũng tiếc là cụ không về chăm sóc mảnh vườn, mấy khóm chuối giờ đang đẹp, nay mai có buồng rồi, chắc cụ muốn nhường cho xóm chăng?

*

*   *

Hôm nay còn một ngày phép cuối cùng, vợ chồng Khai cùng với bà con trong xóm hoàn thành nốt căn nhà tre hai gian. Nếu không xong, tối nay có trăng rồi, hai vợ chồng sẽ tranh thủ làm; mấy đứa trẻ nhỏ nhà anh chỉ mong mỏi làm sao về được xóm chân cầu, chúng lại có bạn bè cũ để chơi. Cái Tuyết luôn luôn nhắc tới anh Tuấn, con trai bác Nguyễn. Hai đứa thường cả ngày chỉ quanh quẩn bên nhau, có lúc chòng gẹo nhau khóc chí chóe, sau rồi lại thân ngay. Buổi tối hôm nọ, thằng Sáng, con anh hỏi: “Ông Ngạc văn nghệ đã về chưa?”. Anh hiểu ý con, cười đáp: “Ông Ngạc về rồi”.

Độ này, Ngát thấy chồng gầy đi, lại bận vào làm nhà, nhưng được cái anh ấy rất khỏe, lúc nào người cũng đen bóng mà chẳng bao giờ ốm đau. Nhất là độ đi sơ tán, anh đi làm xa, lại còn chạy gạo, chạy mắm muối cho vợ con … trông anh xạm và gầy quắt lại.

Chợt có tiếng suỳnh suỵch vang lên, một âm thanh quen thuộc thân thiết. Ngát chợt ngẩng lên, nói như reo:

– Cầu đã thông rồi, anh ạ!

Tuy Khai đã nhìn thấy con tầu, nhưng anh vẫn làm như ngạc nhiên:

– Ừ nhỉ. Tàu hôm nay dài quá chừng, phải hơn hai chục toa chứ ít à?

Khai đứng say sưa nhìn những đám khói đen đặc đang nhả lên bầu trời xanh thẳm. Đôi mắt nhấp nháy, long rạo rực khó tả. Khu chân cầu bỗng dưng tưng bừng nhộn nhịp. Khai ngắm lại cái xóm than yêu của mình, những căn nhà đã mọc san sát, hình dáng hao hao như nhau, mái lợp giấy dầu gọn nhẹ, cửa nhìn ra song trìu mến …

– Chú Khai tối nay sang tôi uống nước chè nhé.

Khai quay ra, thấy ông Ngạc xách túi thủng thẳng đi qua, vẫn mái tóc bạc lốm đốm, với nụ cười lúc nào cũng thoải mái, vô tư, mặc dù bên mép đầy những vết nhăn nheo, mà sao trông ông còn trẻ, rất trẻ.

– Bác xong nhà đâu đấy rồi nhỉ?

Giọng hào hứng, ông đáp thật to:

– Yên trí rồi. Tối mai đội văn nghệ lại bắt đầu tấp chú mình ạ. Chừng cuối tháng hội diễn toàn nhà máy.

Ông Ngạc còn đứng lại ngắm ngôi nhà của Khai, gật gù khen:

– Chú làm rộng hơn trước nhỉ, trông đẹp đấy. Hà hà! Xóm chân cầu của ta có vẻ sầm uất hơn trước nhiều. Xong cầu rồi, thế là ta lại đi thoải mái chú ạ.

Đứng trên nóc nhà trông thẳng ra song, nước lên mấp mé bờ đá, khiến cho nhịp cầu như dài thêm ra, vững chãi, óng ánh màu sơn mới tươi mát. Khai đưa tay gạt mồ hôi lợp tiếp mái trước. Từng cơn gió từ xa tràn về thổi tung tóc anh.

N.H.Q

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder