Bạch dương – Truyện cho thiếu nhi của Ngọc Châu

Chương 5

 

QUÂN   ĐÀO   MẢ

 

          Khác với các anh cu Mèn và Trũi, hai cậu chàng này lần đầu xuất hành đã dành dụm tiền ăn sáng đủ để mua vé cho chuyến đi, chuyến về. Lần đầu cu Bi đi tàu hoả là do thằng bạn mới dẫn lên tàu để cùng bán báo. Chuyến đi này không ngờ lại  sóng gió và đầy những chuyện kinh hoàng.

Ơi  tàu ngược,

Ơi  tàu xuôi,

                    mọi miền đất nuớc.

Nhờ tí nhé tàu ơi!…

Sáng hôm ấy sau khi chiêu đãi Bi một chầu bún riêu cua “mệt nghỉ”, thằng  Ban rủ nó lên chuyến tàu ra Quảng Ninh. Bán báo trên tàu cũng hay hay, cứ ngược lên toa đầu rồi lại lộn xuống toa cuối, chí ít cũng là cu Bi nghĩ thế. Đi qua ba bốn ga rồi quay lại mới chỉ mất non nửa ngày, nên thằng Ban rủ nó đi lần nữa, xa hơn một chút để biết thêm cảnh vật.

Của đáng tội, từ bé đến giờ Bi ta đi xa nhất mới chỉ là hành trình Hải Dương -Hà Nội vậy nên thằng bé cũng muốn được biết thêm nơi này nơi nọ, ai mà chả thế. Tuyến đuờng sắt này khai thông mới chỉ mấy năm, hai bên đuờng nhiều đoạn còn hoang vu, qua những miền đồi núi đá, có chỗ than đen lòi ra bên vách đường mới mở. Là một đứa bé có trí tưởng tuợng khá phong phú nên cu Bi rất khoái trí mỗi khi thấy điều gì mới lạ.

Có những đoạn nhìn cảnh hai bên đường mà khiếp. Sườn núi đen ngòm, nham nhở, những người nhọ lem nhọ xỉu đào bới, đội xúc, để rơi vãi các hòn than to bằng nắm tay đen lóng lánh duới nắng vàng. Một vài người dựng xe máy ngồi uống bia chai ở chiếc quán lụp xụp gần đống than, thỉnh thoảng lại nói năng, chỉ trỏ gì đó, mặt đỏ gay.

– Không phải quốc doanh đâu – Bi nghe thấy mấy người khách đi tàu nói với nhau – than thổ phỉ đấy.

– Bác ơi, thế họ cũng là thổ phỉ à?

Bi vội hỏi vì  cu cậu rất sợ thổ phỉ. Nó đã đọc dở dang truyện “Rừng thẳm tuyết dày” của nhà văn gì người Trung Quốc. Thổ phỉ kinh lắm. Chúng sống thành bè đảng trong rừng, còn ác hơn bọn cướp vì chúng cướp tất tật mọi thứ, không chỉ xe đạp, xe máy hay vàng bạc như  bọn cướp ở phố đâu. Thổ phỉ gặp ai là trảm, chỉ cướp cái bánh bột ngô thôi mà cũng trảm bằng mã tấu, thổ phỉ Tàu sợ thật đấy!

– Nhưng họ không phải là thổ phỉ.  Ở chỗ tao cũng có nguời đi đào than thổ phỉ mà, tao biết chứ- Thằng Ban cả quyết – Họ cũng nghèo và khổ bỏ mẹ đi ấy – Nó giải thích cho Bi như vậy.

Hồi đó trên tàu chưa có các xe đẩy bán quà, bán sách báo của nhân viên Hoả xa như bây giờ, nên hai đứa bé bán đuợc kha khá báo và tạp chí. “Báo ơ, tin đông tin tây, tin gió tin mây, cầu Đuống sắp xây, cầu Rào mới sập đây!”; “Báo ơ! Báo giết thời gian, báo phủi bụi than, vào gian… đi ị nào!” – Tên Ban tỏ ra có “nghề”, có những câu rao báo khá ngộ nên mấy người khách đi tàu phì cuời vẫy lại mua.   Bi không biết cách rao nên cu cậu chăm chỉ đi lên đi xuống mấy lần từ đầu toa đến cuối toa. Trông thằng bé rụt rè và hiền lành nên cũng có khối người vẫy lại, có lẽ số bán được của nó cũng tương đương với thằng Ban.

Không thấy ai mua thêm, Bi lấy ở túi dết ra mấy tờ giấy các khổ, gấp tàu bay, chim và diều đưa cho thằng bạn mới phóng nghịch qua cửa sổ. Những con chim với tàu bay giấy nó gấp khi phóng ra ngoài đuợc gió hút bay theo đoàn tàu khá lâu, khiến người lớn cũng phải ngoái cổ chỉ tay thích thú.

– Mẹ ơi, mua báo cho con gấp tàu bay như anh kia mẹ ơi.

– Bố ơi, con cũng gấp đuợc cơ. Bố mua báo đi cho con gấp!

Đấy là mấy đứa bé quãng sáu bảy tuổi ở toa ấy và toa bên cạnh nhao nhao lên đòi bắt chước cu Bi. Nhờ vậy mà hai tên bán thêm đuợc năm sáu tờ báo nữa.

Thằng Ban cũng lấy giấy vụn ra gấp, ý muốn trổ tài với mấy đứa bé nhưng con chim của nó trông như chiếc… xe tăng méo, chưa kịp giương cánh đã lao tọt vào gầm tàu hoả! Nó khéo tay sao đuợc như Bi, bởi vì ngày bé mẹ Bi làm quạt giấy, con bắt chước mẹ đan lát với gấp gáp thì khéo tay là lẽ tất nhiên.

Chẳng nhớ đã qua bao nhiêu ga nhưng khi hết địa phận Hải Dương, vào miền núi than Đông Triều mấy chặng nữa, thì thằng Ban quyết định xuống để chờ  đoàn tàu quay về Hà Nội. Chỉ  lèo tèo mấy bà “thúng mủng tùng phèng” đợi tàu ở đó nên hai thằng bé đuợc… nghỉ giữa giờ.

Chúng chạy quanh xem xét vườn cây ở phía sau nhà ga. Dải chân thoai thoải của dãy núi có những chóp cụt xanh lam chĩa lên trời- trông  như mấy cây măng mập mạp bị con lợn lòi háu ăn táp mất phần ngọn – có nhiều vuờn cây hồng, cây bưởi nĩu nàng quả xanh mơn mởn, mới to bằng nắm tay đã làm người ta thấy sướng mắt lắm. Thằng Ban nhảy phốc lên bẻ một cành nhỏ lúc lắc ba trái hồng mới hơi ngả vàng để nghịch, Bi phải cố gắng hết mức mới không thò tay ra hái một trái tâng tiu trên tay. Chẳng phải nó sợ người ta mắng, vì lũ sâu đã làm khối quả rụng rơi dưới gốc, chỉ là cu cậu  thấy không nỡ vặt một quả xanh xinh đẹp như vậy, làm thế thì mình cũng như… con sâu thôi à! – “Tâm thần mãn tính” nghĩ thế.

Bi quay vào phòng đợi tàu, còn thằng Ban chạy đi đâu đó. Cu cậu quay về với vẻ mặt khá là nhớn nhác. Trông thấy Bi đang ngồi đọc sách ở một góc nó đến ngồi cạnh, cũng giở cuốn truyện tranh ra đọc.

Cái thằng này lúc nào rỗi là nó đọc – Thằng Ban  nhận xét – giá không phải đi bán báo chắc nó chăm học lắm. Chẳng hiểu  có phải là em của tay có nốt ruồi ở mặt thật không mà Đại ca cứ bắt phải tìm cách làm quen ..

Bi vẫn chăm chú đọc, không để ý đến những quan sát, nhận xét của thằng đồng nghiệp mới quen. Mới gặp nhau có một ngày, làm sao thằng Ban  biết đuợc những gì mà anh cu “Tâm thần mãn tính” đã phải trải qua. Chưa được cắp sách đến trường ngày nào nhưng nó là đứa có trí nhớ tốt. Hơn một năm ở nhà Má Nốt ruồi, không đuợc đi học vì thiếu tờ giấy khai sinh, bố anh ấy đã bỏ thời gian dạy cho cu cậu được nhiều điều. Ông thương binh cũng vui trong bụng khi thấy nó có khiếu về môn văn, rất thích đọc sách truyện. Cu Bi có trí tưởng tượng sinh động và phong phú, từ lúc bé tí nó đã hồi hộp lắng nghe các câu chuyện thần tiên ma quỉ bà ngoại kể cho, gặp đứa nào chịu nghe cu cậu còn kể lại, bịa thêm chi tiết ngộ nghĩnh nữa cơ.

Hồi ấy nó đọc nhẵn nhụi những cuốn truyện có trên giá sách nho nhỏ của nhà anh Thiên, dù nhiều chỗ cu cậu chẳng hiểu gì cả. Sau này khi đi bán sách báo cũng thế, chỉ quyển sách nào viết những thứ không thể nhằn đuợc cậu chàng mới chịu bỏ qua. Cu Bi rất lấy làm lạ khi bố anh Thiên bảo rằng có những người chẳng đuợc học hành gì nhiều mà sau cũng viết được văn. Thậm chí thành nhà văn nổi tiếng nữa cơ…

– Bi ơi! Tàu về muộn mày ạ. Người ta bảo bị trật bánh – Thằng Ban hốt hoảng khi thấy bác nhân viên nhà ga nói với mấy người khách chờ tàu, rằng chưa biết lúc nào tàu mới tới ga.

– Thế làm thế nào hở mày? Sáu giờ tối không có mặt ở nhà thì  Má…

– Tao với mày ra đón xe ngoài quốc lộ đi, nhanh lên, ở lại đây không hay đâu- thằng Ban cả quyết kéo tay cu Bi, hai đứa chạy vội ra con đuờng nhựa chạy sát chân núi, cách nhà ga quãng vài ba trăm mét.

Hai thằng cùng cuống quít. Nhất là thằng Ban, khi nó trông thấy nhóm ba người đàn ông vẫn còn quanh quẩn ở xa xa kia, phía chân núi. Chờ mãi mới có một chiếc xe tải mang biển số Hà Nội chầm chậm  chạy qua, các xe khác thì chạy vù vù. Có gặp hai xe khách nhưng lũ trẻ bán báo vẫy đời nào họ dừng, các tay “lơ” thừa biết chúng nó hoặc là xin đi nhờ hoặc là kì kèo xin xỏ, bớt xén giá vé, dính vào thêm rách việc.

– Lên, nhanh! – Ban thúc cho thằng Bi bám vào tấm hậu chiếc xe chở cọc và phên tre để cùng leo lên, nhưng khi nó đã đặt mông – chính xác là nằm ngã ngửa lên chồng phên tre và cặp báo nó quăng lên truớc đó – thì thằng kia  vẫn chưa thấy đâu. Nó vội nhổm lên nhìn thì thấy thằng Bi đang lập cập chạy theo, cố để bám vào hậu xe lần thứ hai. Lúc nãy cu cậu không sao leo lên đuợc vì chiếc túi dết  bên hông vướng vào thứ gì đó, cản mất đà phốc lên của nó.

– Quăng các thứ lên đây truớc,  mau! – Ban giục thằng kia.

Bi cố gắng quăng chồng sách báo lên theo lệnh của thằng bạn mới quen, nhưng bác tài bỗng rồ ga nên tất cả rơi tọt xuống đường. Lúc này đã thấy rõ là không còn khả năng cho cu cậu leo lên nữa vì sau khi qua chỗ đường vòng khấp khuỷu, chiếc xe chạy nhanh hẳn lên.

Nhìn thằng Bi cuống quít chạy trong đám bụi sau xe một cách vô vọng,  mới đầu thằng Ban định mặc kệ. Nhưng nghĩ một tẹo nó đành vứt tập báo của mình xuống đường để nhảy khỏi xe – để thằng ấy ở lại một mình Kính Đen nó tai cho bỏ mẹ! – nó nghĩ về nhiệm vụ được giao.

Thật không may, lúc nhảy xuống xe có cái gì đó vuớng vào áo khiến cu cậu mất đà, không đỡ đuợc mình trên đôi chân  vốn quen nhảy xe mà ngã chúi xuống dưới. Cu Bi chạy lại thấy nó nhăn nhó với cánh tay trái vừa chống xuống nền đường.

– Ối, đau quá,  khéo gãy tay mất rồi mày ơi!

Bi cuống quít đỡ thằng bạn ngồi tựa vào tảng đá lớn ven đuờng, ngay sát chỗ ngoặt vào một con đuờng nhỏ, rồi lại cuống quít quay ra thu dọn sách báo rơi, vì thấy sắp có xe chạy tới. Giá như truớc kia thì cu cậu dứt khoát là khóc rồi- quả thật mấy giọt nuớc mắt đã bắt đầu trào ra- nhưng sau những  biến cố đã trải qua cùng Má Nốt ruồi, anh ấy luôn bảo rằng khóc không giải quyết đuợc vấn đề gì, nên những giọt long lanh lại mau chóng tự  nấp vào sau mi mắt.

Thật khốn khổ cho hai đứa bé trong hoàn cảnh đó. Trời đã sắp tối. thêm vài chiếc xe nữa chạy qua nhưng chẳng bác tài nào quan tâm đến chúng. Hai đứa đang định quay lại nhà ga thì  ba người đàn ông bỗng xuất hiện từ sau tảng đá lớn nằm sát chỗ ngoặt. Họ mang vác mấy bó gì đó, toán  này chắc chắn đã quan sát hai đứa từ lâu, lúc nãy thằng Ban đã gặp họ nhưng cu Bi thì chẳng biết gì.  Đến sát chỗ bọn trẻ ba người cùng dừng lại, nhìn hai đứa một cách chăm chú.

– Chúng mày bán báo à?- Người đàn ông cao nhất trong số ba nguời hỏi.

– Vâng ạ. Tàu hỏa trật đường ray nên chúng cháu không quay về đuợc – Cu Bi đáp, định nói thêm việc thằng Ban bị ngã thì ông ta đã ngắt lời:

– Nhà chúng mày ở đâu?-

– Dạ, ở Hà Nội ạ – vì thằng Ban chẳng nói gì nên sau đó Bi lại phải trả lời, cũng mong họ tỏ lòng giúp đỡ  – Chúng cháu không có nhà, thằng này thì vừa bị ngã..

– Tốt, cứ đi theo chúng tao – Ông ta ngắt lời với vẻ hài lòng.

– Tay thằng kia khéo gẫy mất rồi, để tao xem nào – Một người  cúi xuống nâng cánh tay đau của thằng Ban lên khiến nó nhăn mặt kêu “ái ôi!”. Không sờ nắn, cũng không nói thêm một lời, ông ta bỏ cái bó xuống đất, rút ra con dao. Người này đi tới một bụi tre cộc bên đường, chặt một đoạn, chẻ rồi vót sơ thành hai chiếc nẹp.

– Nhanh lên Ba, sắp tối rồi, còn phải tọng cái gì mới đi đuợc chứ – Người cao nhất trong toán giục người đang vót tre.

– Xong rồi, không phải giục- người tên Ba nói vậy trong khi quay lại chỗ thằng Ban. Ông ta kéo thẳng cánh tay trái khòng khòng của nó, mặc cho thằng bé ré lên kêu đau, còn bạn nó thì mắt đỏ hoe vì đã hết khả năng kiềm chế. Người này lấy đoạn dây thừng nhỏ nẹp chặt hai thanh tre vào tay cu Ban, không nói thêm một lời.

– Đi thôi! – Ông cao nói như ra lệnh – Cả hai thằng này nữa. Thằng kia – ông ấy chỉ  Bi – mang hết sách báo cho nó, mau không tối rồi.

Hai đứa nhìn nhau. Không biết họ đi đâu, nhưng vì chính hai thằng cũng không biết nên làm thế nào và đi đâu bây giờ, nên đành đi cùng với họ. Vả lại nếu có muốn làm gì khác chắc cũng chẳng đuợc vì thái độ của ba người này tỏ rõ là bắt chúng phải đi cùng: hai người đi truớc, cái ông tên là Ba thúc hai đứa đi theo rồi chặn hậu, chỉ chậm một tí là đầu gối ông ta đã thúc vào mông cu Bi, tay xách nách mang các loại sách báo, đi sau thằng bạn đang nhăn nhó với cánh tay đau.

– Lối này cơ mà! – Ông cao giật áo người đi đầu, chỉ sang lối mòn nhỏ tạt ngang vào khu rừng cây xanh tốt. Người này nhìn con đuờng nhỏ, lại nhìn vào đuờng mòn nhẵn nhụi đang định đi theo với vẻ tiếc rẻ nhưng không phản đối gì, lẳng lặng rẽ theo hướng nguời cao chỉ cho.

Leo lên đến một ngôi đền hoang ở lưng núi, cách khá xa đường nhựa, nằm heo hút bên con suối nhỏ róc rách chảy thì họ dừng lại. Một người nhóm lửa nấu nuớc múc từ suối lên để nhúng mì ăn liền, người cao giở một cuốn sổ ra xem xét, trong khi người tên là Ba đi dọc con suối tìm hái cỏ lá gì đấy. Ông ta mang về một vốc hai ba loại thảo mộc, hơ chúng trên bếp lửa, xoa vò cho nát ra. Sau đó cởi giây nẹp ở cánh tay đau của thằng Ban, hơ nóng lại bó lá thuốc khiến nó bốc ra mùi hăng hắc, ốp vào cánh tay trái cho nó, rồi nẹp hai thanh tre vào để cố định như cũ. Thằng bạn mới quen của cu Bi kêu đau rầm rĩ nhưng hình như nó không chảy nuớc mắt, hay là tại trời đã sẩm tối nên Bi ta không nhìn đuợc rõ.

Mỗi người nâng một tô mì ăn liền xì xụp. Ban và Bi ăn chung trong một chiếc vỏ dừa vì thiếu bát, Bi vừa ăn vừa bón cho bạn, hai đứa chỉ có  một chiếc thìa nhôm sứt với hai que tre, ông Ba cắt từ bụi xuống quẳng vào tay nó.

Họ ăn đã xong mà hai thằng bé vẫn đang lóng ngóng. Que tre thì trơn, sợi mì thì dài nên nhiều sợi thích rơi xuống đất hơn là chui vào mồm thằng Ban, trời đã tối thui nên “Tâm thần mãn tính” đôi khi nhét mì vào lỗ mũi bạn nó. Ba người đàn ông có vẻ sốt ruột đợi chúng ăn cho xong.

– Ăn mau lên, còn phải đi xa nữa đấy! – Ông cao gắt hai đứa bé rồi vẫy những người kia đi ra sau một  khối đá đen, to  mờ mờ trong bóng đêm. Chắc họ muốn bàn  chuyện gì đó với nhau.

– Tao đau bụng quá, từ sáng đến giờ quên chưa đi ị, Bi ơi! – thằng Ban nhăn nhó.

Bi dắt tay cho nó đi ra xa chỗ ấy một tí, chúng vòng phía bên kia hình đen mờ mờ để tránh mấy người lớn. Khi gần lại hai đứa nhận ra đó không phải mỏm đá lớn, mà là một bụi cây không cao lắm. Chợt chúng nghe thấy tiếng nói của ông cao nên hai đứa đều ngồi thụp xuống, hoá ra họ đang đứng rất gần đấy.

– Ngừa chuyện bùa yểm hoặc đồng nhi chôn canh giữ, phải cần đến bọn trẻ này- đúng là tiếng của ông cao – Giấy ghi rằng “trừ bùa yểm bằng a ngùy đốt lẫn trầm hương. Dùng đồng nhi khắc với đồng nhi chôn yểm để làm chủ lễ..”

– Biết chọn đứa nào khắc…- nghe như tiếng ông Ba nhưng tiếng ông cao lại  át đi – Cứ chọn một đứa, nếu không khắc đuợc thì phải tế hiến..

– Tế hiến? Phải tế hiến à?! – Hai giọng lo ngại cùng lúc thốt ra.

– Đành phải thế thôi.  Không thì bọn mình khó thoát lắm.

– Truớc khi động thổ phải khẩn trương dọn chỗ đặt lễ khấn thần linh, cầu các ngài giúp tiêu trừ ma cà rồng và các oan hồn chưa siêu thoát đuợc, xưa nay vẫn quanh quẩn nơi đây. Thôi, cứ thế mà làm. Này, được ăn cả, ngã về không, không còn đường lui nữa đâu đấy nhá!

Khi họ quay lại thì hai đứa bé cũng quay lại chỗ ngồi ăn mì. Cu Ban chưa ị nhưng có lẽ  mải nghe họ nói, nên thứ thừa trong ruột già cu cậu không thấy đòi xuất ngoại nữa.

– Chúng mày đi đâu đấy? – Một người hỏi chúng.

– Chúng cháu đi ị!- Ban ta trả lời và bỗng dưng hoảng lên về việc mình chưa ị, nếu họ hỏi ị ở đâu thì biết nói sao! Hai đứa không hiểu lắm câu chuyện vừa nghe lỏm đuợc nhưng đều thấy lo và sợ. Lo vì hình như họ cần hai thằng để làm chuyện gì đó, sợ vì chuyện ấy có liên quan đến  ma quỷ, oan hồn với ma cà rồng.

Chưa hiểu hết mà hai đứa đã vừa lo vừa sợ. Thực ra hoàn cảnh của chúng còn đáng sợ hơn, vì ba người này sắp sửa đào một ngôi mộ cổ. Họ là dân chuyên đào trộm mộ, năm ngoái ba người này đã đào trộm một ngôi mộ cổ cũng ở vùng núi này. Thu được kha khá vàng bạc chôn theo người chết, ngoài ra còn có một cuốn vở chép bằng chữ nho, được bọc kĩ trong giấy nến nên hầu như không bị hư hại gì, chẳng hiểu người xưa ghi chép những gì trong đó. Cái ông cao cao đã định quẳng đi, nhưng thấy có nhiều hình vẽ trong  vở nên  bỏ công đi  tìm một cụ già, nghe nói là biết chữ nho để hỏi. Cụ già nói thật là mình không đọc đuợc hết vì có nhiều chữ cụ không biết, chỉ bảo đấy có lẽ là cuốn sách bói từ ngày xưa để lại. Ông  cụ xem đi xem lại hai trang đầu rồi nói rằng trang thứ hai có ghi chép về một ngôi mộ, là cụ bà bốn đời của người viết cuốn sổ này, cũng chôn ở cùng khu vực.

– Ngôi mộ ghi trong vở này chắc là nhân vật quyền quí, danh giá lắm vì khi mai táng có nhiều thủ tục cầu kì và bí hiểm, để bảo vệ ngôi mộ không bị người đời sau xâm phạm. Tôi cũng không hiểu được hết vì đã lâu rồi có ai dùng chữ nho nữa đâu. Đầu óc cũng già lão rồi bác ạ! – Ông cụ thú nhận rồi than thở về chứng bệnh đau lưng và mất ngủ của mình.

– Vâng, cám ơn cụ. Cuốn vở này vốn để trên ban thờ nhà cháu từ mấy đời rồi cụ ạ. Cũng tò mò muốn biết là viết cái gì nên cất công sang nhờ cụ chỉ cho – Nghe nói đến mộ cổ người đàn ông cao cao sáng mắt lên, nhưng ông ta khôn ngoan đối đáp như thế rồi cáo từ cụ đồ già.

Những người

                                                   bạc ác tinh ma

                              Làm rồi  mình chịu,

                                                                kêu mà ai thương…

Ngày xưa hình như cụ Nguyễn Du có răn người ta thế đấy.

N.C

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder