Hình tượng nhân vật và sự liên kết dự báo trong bài thơ “Vị tướng già” – Phạm Thùy Linh

Đọc bài thơ “Vị tướng già”, tôi thấy bài thơ này đúng là đã chạm tới bến linh thiêng. Sự dự báo về cuộc trở lại khi về với đất trời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ là một phần, một phần khác thiêng liêng hơn được kết tinh trong 2 câu cuối của bài thơ.

 

Phạm Thùy Linh

Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng

 

Đọc bài thơ “Vị tướng già”, tôi thấy bài thơ này đúng là đã chạm tới bến linh thiêng. Sự dự báo về cuộc trở lại khi về với đất trời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ là một phần, một phần khác thiêng liêng hơn được kết tinh trong 2 câu cuối của bài thơ. Như một dấu chấm cảm, khẳng định sự vĩnh cửu trường tồn của hình tượng Vị tướng của nhân dân trong lòng mỗi người con đất Việt.

 


Khi lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn lên phím đàn trầm trong lòng nhân dân cả nước, bài thơ “Vị tướng già” của nhà thơ Anh Ngọc sáng tác gần 20 năm trước được đọc lại như một lời điếu tiễn đưa Vị tướng của nhân dân. Bài thơ được sáng tác vào năm 1994 vào một dịp nhà thơ Anh Ngọc được nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa nhờ gọi phóng viên chụp ảnh trong một buổi gặp gỡ Đại tướng. Nhà thơ Anh Ngọc đã cùng đi với phóng viên ảnh ấy. Sau buổi gặp, chứng kiến sự giản dị, gần gũi của Vị tướng già, những dòng thơ chợt xuất hiện và dạt dào cảm xúc như một phác họa chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu/ Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa/ Ông ngồi giữa thời gian vây bủa/ Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình” – khổ thơ đầu mở ra một không gian chiều chầm chậm như tuổi tác của dòng suy tưởng đang chầm chậm chạy quanh vị tướng già trong bài thơ của Anh Ngọc. Đọc từ câu đầu đã thấy, những lắng đọng thời gian và hồi ức  về một thời chiến tranh đã khép lại. Vị tướng già là nhân chứng còn lại của lịch sử. Ông ngồi đó, lặng lẽ trong ráng chiều trôi, như phần thời gian cuối đời đang nhớ lại những bạn bè, đồng đội cùng chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc không còn ai nữa. Cả những người ở bên kia chiến tuyến cũng không còn. Khổ thơ phác lên tuổi tác của nhân vật vị tướng và cũng để gợi lên một hình tượng lịch sử sau những gì vị tướng chứng kiến và đang nghĩ suy.

“Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh/ Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy/ Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy/ Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù/ Trong góc vườn mùa thu/ Cây lá cũng như ông lặng lẽ/ Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.” Trong thơ Anh Ngọc, hiện lên hình dáng một vị tướng ấy đang ngồi trong một khu vườn, chung quanh là cây, là chiều đang tắt nắng. Bóng mây bảng lảng, gió vờn bốn phương. Dấu hiệu của thời gian, tuổi tác in trên làn da ông, “đôi bàn tay nhăn nheo” của ông, dấu gậy chậm chạp của ông. Ông lặng lẽ cũng như góc vườn ông ngồi trong chiều mùa thu này. Cây lá cũng lặng lẽ. Nụ cười tuổi tác ở tuổi tám mươi xua tan những nhọc nhằn thời gian để trong trẻo lại không gian gặp gỡ. Hình tượng thơ của Anh Ngọc có chi tiết đặc tả, có sự so sánh và đối lập. Từ “đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy” của một vị tướng già, nhà thơ đặt câu thơ “Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù” ngay sau đó như một sự khẳng định. Đừng nhìn vẻ bề ngoài mà đã vội băn khoăn. Thời gian hằn khắc trên diện mạo của vị tướng ấy, nhưng không thể nào xóa mờ ký ức hào hùng về những chiến thắng lẫy lừng ông đã tạc vào sử sách Việt Nam.

Năm ấy, khi Anh Ngọc được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để sáng tác ra bài thơ này, Vị tướng của nhân dân đang ở tuổi ngoài 80. Đại tướng không chống gậy. Cũng không run rẩy và lặng lẽ như đặc tả trong từng câu thơ của Anh Ngọc. Nhưng, trong tâm sự của mình với công chúng yêu thơ về “Vị tướng già”, nhà thơ Anh Ngọc chia sẻ mong muốn sử dụng bút pháp đối lập trong sắp đặt hình tượng nhân vật. Có hai con người vừa vĩ đại và giản dị trong một nguyên mẫu mà ông gặp. Dường như có một trục tâm chạy suốt bài thơ. Một bên là hình ảnh vị tướng của một thời xông pha nơi chiến trường. Và một bên là một người cao tuổi chậm rãi, rất đỗi bình thường đang thưởng ngoại khu vườn mùa thu trong góc sân lặng lẽ nhà ông.

Và, có một khổ thơ giờ đây khi đọc lại, nhiều người giật mình vì tính dự báo của vòng tuần hoàn sinh – tử và hành trình ra đi – trở về của vị tướng già – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Ông ra đi/ Và…/ Ông đã về đây/ Đời là cuộc hành trình khép kín/ Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến/ Là một trời nhớ nhớ với quên quên”. Năm ấy, Đại tướng ngoài 80 tuổi. Chưa ai biết Đại tướng sẽ trở về quê hương khi về thế giới bên kia ở tuổi 103. Và nơi ông chọn trở về là quê hương Quảng Bình – vùng đất sinh ra ông, tiễn ông đi theo tiếng gọi giải phóng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khổ thơ này được sáng tác gần 20 năm trước ứng với một nguyện ước của “Vị tướng già” nguyên mẫu khi muốn được về yên nghỉ tại Vũng Chùa của quê hương miền Trung. “Đời là cuộc hành trình khép kín” – Đúng vậy. Vị tướng ấy sinh ra từ đất mẹ và nay lại trở về với đất mẹ – khúc ruột miền Trung quanh năm nắng dãi mưa dầm và thường xuyên đón những cơn bão lũ hoành hành quanh năm tràn nước mắt.

Khi đọc bài thơ “Vị tướng già”, tôi thấy bài thơ này đúng là đã chạm tới bến linh thiêng. Sự dự báo về cuộc trở lại khi về với đất trời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ là một phần, một phần khác thiêng liêng hơn được kết tinh trong 2 câu cuối của bài thơ. Như một dấu chấm cảm, khẳng định sự vĩnh cửu trường tồn của hình tượng Vị tướng của nhân dân trong lòng mỗi người con đất Việt.

“Một chân ông đã đặt vào lịch sử

Một chân còn vương vấn với mùa thu”

Đó cũng là khẳng định, dù Tướng Giáp không còn hiện diện, song tượng đài của ông còn vương vấn, đau đáu với dân tộc, với từng giai đoạn lịch sử của đất nước từ nay và mãi mãi về sau./.

 

Vị tướng già

Anh Ngọc

 

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình.

 

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù.

 

Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.

 

Ông ra đi
Và…
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên.

Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa.

 

Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu./.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder