Bác Hồ kính yêu của chúng ta, sinh thời Người luôn coi văn học nghệ thuật như một hoạt động tinh thần phong phú, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn, phải sống cảnh cháo bẹ rau măng, sáng ra bờ suối, tối vào hang…, nhưng sau mỗi lần bàn xong việc quân, việc nước, Bác lại thả hồn mình với cảnh sắc thiên nhiên, làm bạn với trăng sao, suối rừng. Hoặc có khi Bác chống gậy lên non xem trận địa, để suy ngẫm về thế và lực của ta, và thấy được: Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy. Và mỗi tin thắng trận là một tứ thơ làm vui lòng Bác, thi hứng trỗi dậy, và Người có ngay những vần thơ trữ tình. Đặc biệt, chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm Bác nhiều đêm không ngủ, trăn trở, âu lo. Nhưng Bác đã có tiên đoán về sự thắng lợi ngay từ chiến dịch Đông Xuân 1952: …Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm (Thơ chúc Tết xuân Nhâm Thìn).
Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quyết định đem lại hoà bình độc lập cho Việt Nam. Bộ đội chủ lực của ta phải rải ra ở nhiều chiến trường, được nhân dân yêu mến gọi là vệ quốc quân, là bộ đội Cụ Hồ. Bác thấu hiểu nỗi gian lao vất vả của các anh. Để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận, Người đã viết bài thơ Tặng bộ đội Điện Biên Phủ:
Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá
Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.
Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được
Gian khổ không thể làm lòng ta sờn…
Bài thơ có giọng chắc khoẻ như một lời hiệu triệu thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của quân dân ta. Các hình ảnh đá rắn, núi cao tưởng như đã trở thành ước lệ, nhưng được Bác đặt vào hai vế đối, cùng với nhiều thanh trắc đi liền nhau đã hình tượng hoá sức mạnh và ý chí của quân đội ta. Bộ đội, dân công của ta lúc bấy giờ cũng rất thích câu hò: Hò ơ… Đèo cao thì mặc đèo cao/ Tinh thần chiến đấu còn cao hơn đèo.
Ngày 20/11/1953 theo kế hoạch Na-va, hai mươi mốt sư đoàn tinh nhuệ cùng với máy bay, xe tăng, đại bác của thực dân Pháp đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954 ta bắt đầu tấn công Điện Biên Phủ, và sau 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng, chí không mòn (Tố Hữu), trưa ngày 7/5/1954, ta đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng (Tố Hữu).
Mặc dù rất bận, nhưng chỉ sau 5 ngày toàn thắng, Bác đã sáng tác một bài thơ khá dài so với thường lệ của thơ Người để chào mừng chiến thắng lịch sử vĩ đại này. Đó là bài Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ (đăng báo Nhân dân số 184 – ngày 12/5/1954 – bút danh CB).
Bài thơ có 45 câu chia thành 5 khổ theo thể 7 chữ, vần chân, nó như một bản thông tin nhanh, có số liệu cụ thể nhưng rất giàu hình ảnh dễ nhớ, dễ thuộc. Khổ thứ nhất có 10 dòng tập trung giới thiệu về âm mưu và binh lực của kẻ địch. Đồng thời Bác chỉ ra thói hợm hĩnh, kiêu căng của kẻ thù, và đó chính là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến thất bại thảm hại của chúng, mặc dù thực dân Pháp đã được bọn quan thầy Mỹ hỗ trợ tích cực:
20 tháng 11 năm cũ
Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất
Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Na- va”
Thật là mạnh dạn và tài hoa
Phen này Việt Minh phải biết tay
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Na-va tới.
Khổ thứ hai có 9 dòng thể hiện quyết tâm của bộ đội, dân công lặng lẽ chuẩn bị, và hứa với Đảng, Bác, Chính phủ sẽ giành thắng lợi:
Bên ta thì
Bộ đội, dân công quyết một lòng
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông
Khắc phục khó khăn và hiểm trở
Đánh cho giặc tan mới hả dạ
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày
Không quản gian khổ và đắng cay
Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ
Đã hứa với Đảng, Bác, Chính phủ.
Yếu tố bí mật, lặng lẽ chuẩn bị và hành động xẻ non, đắp suối, vượt qua sông của quân ta đã cùng với quyết tâm cao là những yếu tố dẫn đến thắng lợi. Những câu thơ thật gân guốc, chân thực như chính cuộc sống vốn có, tạo nên niềm tin yêu và sức mạnh để ta mở màn chiến dịch, khai tử chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất nước ta.
Khổ thứ ba chỉ với 8 dòng nhưng đã khắc hoạ được khá rõ nét giấc mộng chủ quan của các tướng Pháp như Na-va cùng Cô-nhi ỷ vào quan thầy Mỹ, nuôi ảo tưởng:
13 tháng 3 ta tấn công
Giặc còn ở trong giấc mơ mòng
Mình có thầy Mỹ lo cung cấp
Máy bay cao cao, xe tăng thấp
Lại có Na-va cùng Cô-nhi
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy
Chúng mình chuyến này nhất định thắng
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng.
Đoạn thơ như một màn hài kịch mỉa mai giấc mơ mòng của bọn tướng lĩnh và quan thầy Pháp. Ở đây châùt trào lộng uy-mua hóm hỉnh trong thơ Bác lại có dịp xuất hiện, tạo ra tiếng cười châm biếm thói kiêu căng, hùng hổ của kẻ thù, để rồi chúng sẽ xem ai phải chạy quýnh cẳng? Đó cũng là dự báo cho sự thất baị của quân đội viễn chinh Pháp.
Ở khổ thứ tư của bài thơ lại kéo dài ra 12 câu diễn tả chiến thắng liên tiếp của quân ta với những thống kê rất chi tiết. Sự đối lập trong cấu tứ tăng tiến:
Hơn 50 ngày, ta đánh đồn
Ta chiếm một đồn, lại một đồn
Quân giặc chống cự tuy rất hăng
Quân ta anh dũng ít ai bằng
Na-va, Cô-nhi đều méo mặt
Quân giặc tan hoang, ta vây chặt
Giặc kéo từng loạt ra hàng ta
Quân ta vui hát “khải hoàn ca”
13 quan năm đều hàng nốt
Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt
Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây
Đều làm tù binh, hoặc bỏ thây.
Đây là bức tranh công đồn khí thế ngút trời của quân ta và sự thất bại thảm hại của kẻ thù. Tất cả ảo mộng của bọn chúng đều tan biến như mây khói, khi chưa đầy hai tháng ta mở chiến dịch. Đọc tới đây ta như thấy hào khí của cha ông trong Bình Ngô đại cáo lại hiện về. Tướng De Castries, Nava, Cônhi và 13 quan năm trước đây huênh hoang, hợm hĩnh bao nhiêu, thì nay ỉu xìu, méo mặt bấy nhiêu. Đứa bỏ thây, đứa bị bắt làm tù binh có khác chi bọn Vương Thông, Mã Anh, Phương Chính, Hoàng Phúc, Lý Khánh…những binh hùng tướng mạnh của nhà Minh ở thế kỷ XV đã bị quân dân nhà Lê đánh cho tan tác, tơi bời, dưới sự chỉ huy tài ba, lỗi lạc của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Chính đường lối chiến thuật thế trận xuất kỳ, dùng quân mai phục, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều của cha ông ta đã được vận dụng vào cuộc kháng chiến chống Pháp, làm cho quân địch nhiều phen phải méo mặt. Đây là tiếng reo vui hả hê nhất, là hồi kèn xung trận, là khúc khải hoàn của quân ta, đồng thời là một màn bi kịch đối với quân Pháp.
Khổ thứ năm kết thúc bài thơ chỉ với 6 câu ngắn gọn, Bác đã tổng kết thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ ra nguyên nhân ta thắng, địch thua. Và xem đó là một món quà đặc biệt mà Bác rất mong bộ đội, dân công sẽ dâng lên mừng thọ Bác 64 tuổi:
Thế là quân ta đã toàn thắng
Toàn thắng là vì rất cố gắng
Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ
Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác
Chúng cháu cố gắng đã sắm được.
Trong thời gian này, Bác còn viết một lá thư: Gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở Điện Biên Phủ trong đó có những đoạn rất vui: Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc quyết tâm giành được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác… Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao. Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ chính là món quà tinh thần quý nhất, đẹp nhất của tất cả chúng ta dâng lên Người. Niềm mong mỏi, khát vọng cháy bỏng của Bác về chiến dịch ĐBP đã biến thành sự thật.
Bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ có kết cấu mạch lạc theo hình thức đọc tấu dân gian, có giọng điệu kể rất vui trong cung bậc thể hiện tình cảm chân thành, niềm vui và hy vọng của Người. Có thể xem đây là bản tổng kết chiến thắng Điện Biên Phủ một cách ngắn gọn nhất bằng thơ. Ngôn ngữ của bài thơ là thứ ngôn ngữ ý vị như như ngôn ngữ của người dân quê Việt Nam. Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị (Phạm Văn Đồng). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác còn viết bài Na-va Chinh phu ngâm để tống tiễn Na-va về Tây – ký bút danh CB – trong đó có câu:
Thua to ở trận Điện Biên
Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này!
Cuối bài thơ Bác ghi chú ý: “Chinh phu” chứ không phải “Chinh phụ”. Có nghĩa rằng khúc ngâm ai oán này không còn là của người vợ lính trong khúc ngâm nổi tiếng, nguyên bản của Đặng Trần Côn… mà là khúc ngâm của chính người lính viễn dương thất trận Na-va, vì kế hoạch tan thành mây khói.
Mười năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ – ngày 12-11-1964, trên báo Nhân dân số 3878, với bút danh “Chiến sĩ”, Bác viết bài văn Uy danh lừng lẫy khắp năm châu, trong đó có bốn câu thơ dự báo sự thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam:
Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học đầu tiên cho thực dân Pháp, và đó cũng là bài học tiếp theo cho bất kỳ kẻ thù nào dám tới xâm phạm bờ cõi ta. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân đội ta lớn mạnh trùng trùng, điệp điệp, cao như núi, dài như sông”(Tố Hữu), và đã góp phần đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ (Di chúc của Bác).
Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ mỗi chúng ta đọc lại những vần thơ của Bác viết về chiến dịch vĩ đại này, ta không khỏi bồi hồi xao xuyến xen lẫn tự hào, tin yêu về Đảng, Bác và dân tộc ta, về chiến thắng Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu. Vui sướng biết bao, khi bè bạn năm châu mỗi khi gặp các bạn Việt Nam đều hô vang: Hồ Chí Minh- Điện Biên Phủ! Chiến thắng Điện Biên Phủ đẹp như một huyền thoại đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ… làm rạng rỡ đất nước ta, đưa Tổ quốc lên đỉnh vinh quang chói lọi:
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Tên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu).