Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
Nguồn trích bài thơ từ Thi viện online
Để giúp bạn đọc hình dung bối cảnh chiến đấu quả cảm của các chiến sỹ giải phóng quân ở thời điểm lịch sử tết Mậu Thân 1968 tại trận chiến khốc liệt Tân Sơn Nhất và những vang động của nó tạo nên những xúc cảm hình thành tác phẩm thơ nổi tiếng này; chúng tôi trân trọng giới thiệu thêm một số đoạn trích liên quan từ bài “Đi tìm nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của tác giả Đặng Thọ Truật (Wb những bài ca đi cùng năm tháng) để các bạn xây dựng thêm tư liệu tham khảo.
Vanhaiphong.com
Đi tìm nguyên mẫu nhân vật trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”
Những câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân đã phản ánh trung thực khí phách hiên ngang, dũng mãnh của các chiến sĩ giải phóng quân trong trận đánh ác liệt, đẫm máu tại sân bay Tân Sơn Nhất đêm 31/01/1968. Đồng chí Năm Quảng – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao Ðộng- Thương Binh và Xã Hội, nguyên Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân đoàn 4, Chủ nhiệm Chính trị quân Giải phóng miền Nam- kể : “Sau Tết Mậu Thân 1968, trong giao ban Bộ Tư Lệnh miền, bên tác chiến báo cáo, việc đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, tiểu đoàn 16 chủ lực quân Giải phóng chiến đấu cực kì dũng cảm…… Ðồng chí Phan Văn Tiệp quê ở xã Thạch Ðịnh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa là chiến sĩ của tiểu đoàn 16 trực tiếp chiến đấu trong trận này nhớ lại: “Lúc ấy, tiểu đoàn 16 bị cắt làm đôi, , nửa dẫn đầu đã vào sân bay do chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Sáu chỉ huy. Lúc bấy giờ, địch đã cho xe tăng và quân dù ra bịt cửa mở. Chính trị viên Nguyễn Văn Sáu và anh em chúng tôi bảo nhau sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Từng tiểu đội, từng tổ bám vào những chiếc xe thiết giáp đã bị bắn cháy và bắn hỏng làm điểm tựa để chiến đấu.
Quân địch tổ chức tiến công nhiều đợt và phát loa kêu gọi ta đầu hàng vì chúng biết lực lượng ta vào trong sân bay rất ít. Chính trị viên Sáu ra lệnh dành đạn B40 để bắn xe bọc thép và máy bay, chỉ dùng tiểu liên, AK, lựu đạn và vũ khí của địch để diệt bộ binh địch. Quân địch chết la liệt có đến hàng nghìn tên. Nhưng bộ đội ta thương vong cũng nhiều.Có đồng chí lúc hi sinh vẫn còn dựa vào xác máy bay, xác xe bọc thép và súng vẫn cầm trong tay như chờ địch đến gần để nhả đạn. Bọn địch có đứa trông thấy đã hoảng hốt giơ tay xin hàng”. Ðồng chí Tiệp nói thêm: “Tiểu đoàn 16 trong đêm đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đã hi sinh gần 400 đồng chí, trong đó có 127 đồng chí đã hi sinh ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất. Cán bộ chiến sĩ hầu hết còn rất trẻ. Ðược huấn luyện rất bài bản gần 1 năm trời, là tiểu đoàn bộ binh đặc biệt tinh nhuệ”. Chuyện sau trận đánh Bác Lê Hoàng Nam, nguyên là thượng sĩ, tổ trưởng cứu hỏa của sân bay Tân Sơn Nhất thời Mỹ Ngụy- kể: “Sau hòa bình tôi thường không ngủ được, cứ thấy anh em về báo mộng nhắc tôi phải chỉ ngôi mộ tập thể ở sân bay cho chính quyền Cách mạng. Vợ tôi cũng khuyên nhủ rằng ông chỉ là người chôn cất anh em, có gì mà phải sợ. Nên tôi đã báo cho chính quyền biết ngôi mộ tập thể chôn 180 bộ hài cốt liệt sĩ quân giải phóng hi sinh trong đêm 31/01/1968 do chúng tôi trực tiếp mai táng. Chính quyền Cách mạng đã di dời 180 bộ hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang thành phố, trong đó có 113 liệt sĩ quê miền Bắc.
Ðại tá Nguyễn Văn Cẩn năm nay đã ngoài 70, hiện sống tại TP. HCM tâm sự: “Nguyễn Văn Sáu là em ruột của mình.Gặp lại đồng đội cũ của chú Sáu, biết được hành động anh hùng của chú ấy trong chiến đấu, gia đình cũng được an ủi phần nào. Tiếc rằng phiên hiệu tiểu đoàn 16 không còn nữa. Thời gian đi qua, chiến tranh lùi vào dĩ vãng đã hơn 40 năm, hầu như không ai nhắc đến tiểu đoàn 16. Chiến công có thật, những người còn sống của tiểu đoàn 16 gặp nhau vẫn tôn vinh chú Sáu nhà tôi là Anh hùng. Nhưng lại vướng về thủ tục nên đến nay việc phong Anh hùng cho chú ấy và phong Anh hùng cho tiểu đoàn 16 năm xưa vẫn chưa thành sự thật. Và cũng ít người biết chiến công của tiểu đoàn 16 trong đêm 31/01/1968 là niềm cảm hứng của bài thơ bất diệt mà liệt sĩ – nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết nên “Dáng đứng Việt Nam” với những vần thơ bất hủ về người chiến sĩ:
(Trích lược)