Nguyễn Huy Thiệp vượt lên những ngộ nhận- Trần Nguyễn Anh

 Chúng tôi bước vào trường đại học, bước vào trường đời vào thời kỳ đổi mới và cái tên Nguyễn Huy Thiệp vang lên trong người đọc như một tiếng chuông lạ, một điều khiến người ta phải lựa chọn, hoặc có hoặc không. Hoặc là đổi mới, hoặc là cứ thế mãi?

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nguyễn Huy Thiệp – tiếng chuông lạ của văn học Việt Nam thời kì đổi mới

Năm 1986, tôi còn ngồi trên trường phổ thông và dĩ nhiên chúng tôi phải đọc văn học và báo chí, các tác phẩm đương đại để chuẩn bị thi vào đại học. Năm 1988, tôi là sinh viên Khoa Ngữ Văn, Đại học sư phạm Vinh. Khi ấy, “ngọn lửa” đổi mới văn học phả hơi nóng vào từng bài giảng, từng buổi học. Nhiều tác phẩm văn học được phân tích, nhiều tác giả được xem là ngọn cờ đầu đổi mới, nhưng có lẽ không ai nổi bật hơn Nguyễn Huy Thiệp với những truyện ngắn của ông đăng trên tờ Văn Nghệ.

Nguyễn Huy Thiệp đã xuất hiện chẳng khác gì một “tia sét đánh” giữa một ngày không mưa. Nói vậy là vì nhận định, quan điểm về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp khác hẳn nhau, đối lập nhau như nước với lửa. Chưa bao giờ đám sinh viên chúng tôi lại phải chứng kiến cảnh các giáo sư “choảng nhau” chỉ vì một nhà văn như thế.

Tôi nhớ Khoa Ngữ Văn chúng tôi mời một số giáo sư hàng đầu nói chuyện về văn học đổi mới và đổi mới văn học.

Một vị giáo sư ca ngợi hết lời Nguyễn Huy Thiệp, xem tác phẩm của ông là những giá trị kinh điển mới của văn học Việt Nam, một tấm gương mẫu mực mà những người viết và giảng dạy văn học cần phải tìm hiểu, phân tích, giới thiệu. Tiếng vỗ tay nhiệt liệt vang khắp hội trường.

Nhưng ngay sau đó, khi giáo sư kia rời đi, một giáo sư khách mời khác lên nói chuyện thì ông lại dội một gáo nước lạnh, có lẽ còn hơn thế, vào cái nhiệt huyết của đám sinh viên chúng tôi. Giáo sư P.L dẫn một số chi tiết trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Sau đó, rất cẩn thận và đầy ngụ ý, trước hàng ngàn sinh viên, ông thẳng thừng nói rằng ông “ghê sợ văn Nguyễn Huy Thiệp”, và rằng ông không thể đọc không thể tiêu hóa nổi văn chương Nguyễn Huy Thiệp.

Không khí hội trường trầm lắng, vậy rốt cuộc, Nguyễn Huy Thiệp là người thế nào?

Một vị lãnh đạo được mời về trường chúng tôi để nói chuyện. Thành phần dự nghe chủ yếu là giảng viên, nhưng sinh viên chúng tôi ngồi khắp hành lang và sân để “hóng” qua tiếng loa phát ra từ hội trường. Cái tên “Nguyễn Huy Thiệp” cũng được nhắc tới, nhưng với một thái độ không thật vui vẻ cho lắm. Những sự kiện như vậy, khiến người ta càng muốn tìm hiểu thêm tác giả của “Vàng lửa” là người thế nào!

Ngọn gió ở Hua Tát

Tôi ra Hà Nội làm báo nhưng không có sở thích và thói quen tìm kiếm, làm quen hay tìm hiểu về các nhà văn. Tôi thích đọc họ, thích tác phẩm hơn là những câu chuyện riêng tư của họ. Sở dĩ tôi có khá nhiều kỷ niệm với Nguyễn Huy Thiệp là do khi ấy ông hay viết truyện và tản văn đăng trên Tiền Phong, nơi tôi làm việc. Nhà văn, nhà báo Dương Phương Vinh làm ở Ban Văn hóa Văn nghệ là người khá thân và trực tiếp xử lý bài vở của Nguyễn Huy Thiệp thường nhờ tôi ghé chỗ nhà văn để cầm bản thảo lên cho tòa soạn. Từ mối công việc ấy, tôi thường gặp nhà văn.

Từ trái qua: Nhà thơ dân gian Bảo Sinh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Giáo sư Trần Đình Sử và tác giả bài viết Trần Nguyễn Anh tại Quán cà phê Nhân (Hà Nội).

Chữ của Nguyễn Huy Thiệp khá đẹp, đặc biệt đều đặn, vẫn là nét chữ của một ông giáo. Nguyễn Huy Thiệp bảo tôi: “Anh sẽ không bao giờ cho em xem bản thảo đầu tiên của anh, vì nó được anh sửa bằng bút đỏ dày đặc, nó không phải sạch sẽ tinh tươm như thế này đâu”. Thậm chí, có truyện ngắn ông viết đăng rồi, sau lại chỉnh sửa và đăng lần thứ hai một “phiên bản có sửa chữa” chính trên tờ Tiền Phong. Những câu chữ của nhà văn, dù là “trần tục” hay “thánh thiện”, đều được chăm bẵm.

Nhờ trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện về các bản thảo của nhà văn, cũng như đọc các bài viết, phát biểu của Nguyễn Huy Thiệp, tôi mới vỡ lẽ ra rằng Nguyễn Huy Thiệp không phải hoàn toàn là “nhà văn của đổi mới”, hay “sản phẩm của đổi mới” như rất nhiều người, trong đó có tôi, từng nghĩ. Nhà văn nói: “Tôi là chàng trai Hà Nội, được cử lên Tây Bắc dạy học từ những năm 1970. Họ bảo lên đó mấy năm rồi về xuôi, nhưng rút cục tôi ở trên đó hàng chục năm. Tôi hầu như không biết gì nhiều về cuộc sống của Hà Nội cũng như đời sống văn chương lúc ấy. Tôi bắt đầu viết văn từ những năm ở Tây Bắc”.

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950. Theo bài viết của Mai Anh Tuấn đăng trên tờ Tia Sáng thì “ở Hua Tát, Nguyễn Huy Thiệp có câu chuyện của riêng mình. Trái tim hổ viết năm 21 tuổi, Con thú lớn nhất viết năm 23-24 tuổi, và đến 27 tuổi, ông hoàn chỉnh mười truyện ngắn liên hoàn. Sau này, khi in sách (1989), ông đổi tên thành Những ngọn gió Hua Tát”. Như vậy, Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành 10 truyện ngắn đầu tiên của ông vào năm 1977-1978, hàng chục năm trước khi đổi mới văn học diễn ra. Rõ ràng, Nguyễn Huy Thiệp viết văn từ rất sớm và có lẽ Đổi Mới giúp phát hiện ra tài năng văn học của ông cũng như giúp ông viết nhiều đề tài về đô thị, bởi khi ấy ông đã chuyển về làm việc tại Hà Nội.

Mê bóng đá

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo rất thân Nguyễn Huy Thiệp, kể với tôi: “Anh em bạn bè gặp nhau sáng sớm, ai cũng gọi một vại bia, riêng Thiệp gọi một ly sữa. Thiệp là thế, không thích hoa hòe hoa sói, bụng còn trống rỗng thì uống bia làm gì”.

Tôi cứ nhớ mãi câu nói mà anh luôn hỏi tôi, mỗi khi xuống nhà: “Ăn gì chưa? Tí nữa chị nấu cơm ăn”. Nguyễn Huy Thiệp là thế. Ngay cả khi bị “đánh tơi bời” hay lúc được tôn lên mây xanh, anh vẫn luôn điềm tĩnh và giữ cho mình một nụ cười không thay đổi: “Có thực mới vực được đạo”. Trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp luôn có chỗ cho giấc mơ, anh nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”, nhưng trong cuộc sống, anh là một người thực tế và từ đó có những sự cảm thông, đôi khi chua chát. Có lần tôi chỉ ngôi nhà mới xây khá lớn lắm, trắng toát, hỏi: “Nhà ai vậy anh?”. Anh Thiệp tặc lưỡi: “Nhà một ông cán bộ! xây được cái nhà, chưa kịp ở thì vào tù vì tội tham nhũng, lão phải đổi mười mấy năm tù cho cái nhà này”.

Một lần tôi đi viết bài về Nguyễn Huy Thiệp, cán bộ chính quyền chỗ anh ở nói rằng: “Nguyễn Huy Thiệp là một trong những người đi bầu cử chăm chỉ nhất. Lần bầu cử nào, ông ấy cũng đến sớm lắm, bỏ phiếu xong là về, không nói câu gì”.

Tác giả của Tướng về hưu rất mê bóng đá. Cụ thể, khi mở nhà hàng Hoa Ban đúng vào dịp World Cup, anh bảo tôi: “Mỗi ngày em chuyển cho anh mấy trăm tờ Tin Nhanh World Cup Tiền Phong, anh phát cho khách hàng, nhân viên đọc”. Anh còn cho in một tấm phướn về việc phát hành Tin nhanh World Cup Tiền Phong miễn phí tại nhà hàng Hoa Ban.

Mỗi sáng, tôi đều đưa báo sang Hoa Ban, vì thế anh em đều cà phê với nhau, nói chuyện về trận đấu đêm trước. Một hôm anh bảo: “Hôm qua Nguyên Ngọc và bạn bè tới ăn, các nhà văn khen ngon”. Tôi hỏi: “Anh có tính tiền Nguyên Ngọc không đấy?”. Anh bảo: “Nhân viên tính tiền chứ không phải mình đâu”.  Một hôm anh tủm tỉm bảo: “Một ông cấp tướng tới ăn, nói: tôi hâm mộ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp!”.

Nhà văn nói rằng truyện Tướng về hưu, anh viết từ câu chuyện có thực trong dòng họ của anh. “Tất cả những câu chuyện tôi viết, đều là những câu chuyện tôi chứng kiến, trải qua, hoặc suy ngẫm về nó như về chính bản thân tôi” – Nguyễn Huy Thiệp nói như vậy.

Những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp làm rúng động văn đàn

Văn chương Nguyễn Huy Thiệp được dịch in ở nước ngoài rất nhiều, anh thường khoe với tôi những bản in mới. Sự ảnh hưởng của anh với văn học đương đại được nghiên cứu rất nhiều. Một lần, trong truyện “Ông Hạnh”, tôi viết trên Tiền Phong thử sử dụng một số bút pháp của Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc xong, bảo tôi: “Truyện này hơi giống văn Nguyễn Huy Thiệp”. Từ đó, tôi luôn cẩn thận đọc lại bản thảo của mình xem có giống chút gì Nguyễn Huy Thiệp không. Tôi nghĩ nhiều nhà văn khác cũng vậy, phải cố gắng để không bị ảnh hưởng của anh Thiệp, vì Nguyễn Huy Thiệp chỉ có một mà thôi.

Ngày nay, khi đọc Nguyễn Huy Thiệp, người đọc có thể thấy một thời đại đã qua, một thời đại của biết bao những “hiện tượng”, “thực trạng”, những vui buồn, thậm chí đôi khi cảm giác cả sự tan vỡ… nhưng tất cả chúng, đều là những khoảnh khắc, những chất liệu mà chính nhà văn đã trải qua. Ông không viết về cuộc sống như những gì ông nhìn thấy mà ông viết về cuộc sống như những gì ông đã phải, đã được nếm trải. Nói cho cùng, có gì khó hơn khi viết về chính nỗi đau của chính mình, có gì hạnh phúc hơn khi viết về chính niềm vui của mình.

Giờ đây, chị Trang – vợ Nguyễn Huy Thiệp đã mãi đi xa và đến lượt anh cũng theo những cơn gió sông Hồng về nơi cực lạc.

Nghe tin Nguyễn Huy Thiệp đột quỵ, tôi liên lạc ngay với người bạn thân ở Hà Nội để ra thăm anh, nhưng bạn nói: “Thiệp có nhận biết gì được nữa đâu mà thăm với nom”. Tôi đành phải chờ anh khỏe hơn, để gặp anh, cùng nói chuyện gì đó như những năm tháng đã qua. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã không trở lại cùng những câu chuyện hóm hỉnh của anh nữa. Anh đã ra đi, tất cả chỉ còn lại là những trang viết và những nhân vật rất đời của anh.

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn trích dẫn những câu viết của anh:

“Đến Hua Tát, khách sẽ được mời ngồi trên bếp lửa, uống sừng rượu cần với xeo thịt rừng sấy khô. Nếu khách là một người công minh, chính trực, chủ nhà sẽ mời khách nghe một câu chuyện cổ. Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người”. (Nguyễn Huy Thiệp – Những ngọn gió Hua Tát)

TRẦN NGUYỄN ANH

Theo Tiền Phong

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder